Sở giáo dục tỉnh nhà tấp nập giáo sinh. Các thầy cô năm ấy là lớp giáo sinh thuộc thế hệ đầu sau 30/4/1975 ở Miền Nam. 4 năm đèn sách hết sức vất vả, ai cũng mong đạt thành tích cao, chí ít cũng có bằng tốt nghiệp. Tuy học tập không dễ nhưng có thể phấn đấu bằng nội lực, thậm chí cần cù bù thông minh. Nhưng khi ra trường, tâm lý ai cũng muốn dạy gần nhà, dạy trường loại Top… Nên đều lo chạy… Tuy thuở ấy ngành giáo dục chưa bị kim ngân thao túng, song lại đặt nặng lý lịch là việc mà không phải cứ phấn đấu hay nỗ lực là có. Trong lúc các giáo sinh lo làm đơn nguyện vọng, ai có lý lịch tốt tự tin hơn, song căng thằng cũng không hề giảm.
Chỉ có một giáo sinh vô tư không quan tâm đến việc “chạy” vì anh chẳng có chút hơi hám gì để xin ưu tiên. Anh loanh quanh phía trước đọc các thông báo để giết thời gian chờ nhận quyết định của sở, dạy đâu cũng được miễn là được dạy. Một cán bộ sở thấy lạ đến hỏi :
– Em không làm đơn nguyện vọng?
– Tuy có mẹ già neo đơn, song em không thuộc gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình cách mạng, gia đình có công… Hơn nữa, có ba bạn nữ cùng môn dạy với em trong khoá này, không lẽ em là nam mà giành ưu tiên của nữ. Cho nên em xác định sẽ dạy bất cứ đâu mà sở phân công.
Nghe vậy vị cán bộ khuyên anh làm đơn gia cảnh, anh cảm ơn và cảm kích ông cán bộ giáo dục, song biết chắc mình không có vé ưu tiên nên vẫn bàng Quang loanh quanh trước hàng hiên văn phòng. Đổi sau ông cán bộ ấy lại đến hướng dẫn cách làm đơn gia cảnh, yêu cầu anh làm ngay. Vậy là điều bất ngờ đã đến, anh được phân công dạy trường cấp ba danh giá nhất của tỉnh, nằm ngay tỉnh lỵ, làm đồng nghiệp ngạc nhiên, người biết rõ tính anh cho rằng anh may mắn, nhưng hầu hết lại nói anh “chạy” giỏi.
Anh giảng dạy học sinh với hết khả năng, học sinh nào yếu anh đưa về khu tập thể dạy thêm cho các em theo kịp bạn bè. Đó là nguyên nhân anh bị thanh tra vì cho là anh vi phạm lệnh cấm học thêm dạy thêm. Anh trình bày, anh chỉ kèm cặp thêm cho các em miễn phí trong giờ rảnh, không thu phí nên không vi phạm lệnh cấm, chỉ thể hiện chút tâm huyết của nhà giáo. Ngành chức năng không bắt bẻ được nhưng cũng không tán đồng việc làm của anh. Tuy vậy vận may vẫn tiếp tục mỉm cười với anh, sau vài năm công tác anh được thuyên chuyển về trường cấp III thị xã gần nhà.
Nhưng không ngờ đó cũng là bước ngoặc trong sự nghiệp. Bởi càng về sau ngành giáo dục không còn giữ được tinh thần cống hiến như giai đoạn đầu thống nhất đất nước, mà chạy theo thành tích, đặt nặng thực dụng, xa rời thực tế, kim ngân và lợi ích nhóm gây quá nhiều sức ép cho thầy cô, học sinh và phụ huynh, khiến anh không còn hứng thú đứng lớp nên đã chủ động rời ngành, trở thành nhà kinh doanh. Khi hoạt động kinh doanh anh vẫn giữ được phẩm chất và cốt cách của một nhà giáo nên được khách hàng quan tâm, chữ Tín là ưu điểm giúp anh thành công trên thương trường.
Bữa nọ NR dẫn một người bạn đến nhờ anh giải đề thi đại học tại chức để làm phao giúp con của họ đang thi gần cơ sở kinh doanh của anh. Người bạn đưa đề thi và yêu cầu anh giúp. Anh trả lời:
– Rất tiếc là tôi không thể giúp anh. Vì nếu con anh làm bài giải của tôi thì một em khác sẽ bị tước mất cơ hội, vậy là không công bằng. Anh cứ để cháu làm bằng kiến thức của cháu, hi vọng cháu thành công. Nhược bằng cháu chưa được may mắn lần này thì tôi hứa sẽ kèm cặp miễn phí cho cháu một năm để cháu thành công trong năm sau. Tôi từng là một nhà giáo nên không thể làm khác, mong anh thông cảm.
NR nghe vậy giả lả:
– Hết làm nhà giáo rồi mà ?
– Đúng rồi, song đó là quyết định bất đắc dĩ. Khi đã từng tâm huyết với sư phạm, từng đứng trên bục giảng nhiều năm tháng thì phải mô phạm cả đời, ít ra phải giữ gìn niềm tin cho hàng ngàn học sinh đã từng gọi mình bằng thầy.
Hôm nay ngày hiến chương các nhà giáo, NR gửi đến anh, đến tất cả thầy giáo cô giáo chân chính, dù đang còn trên bục giảng, đã về hưu hay vì bất đắc dĩ phải chuyển ngành, được tràn đầy sức khỏe và may mắn trong cuộc sống.
Dẫu bộ sách giáo khoa cánh diều và lợi ích nhóm trong bộ giáo dục đã gây nhiều tai tiếng; dẫu câu chuyện chạy biên chế, chạy chức chạy quyền trong ngành giáo dục vẫn chưa được khắc phục như mong muốn; dẫu căn bệnh thành tích trong giáo dục và bê bối thi cử vẫn còn nhức nhối…Làm không ít người hoài nghi về chất lượng đội ngũ nhà giáo. Song có một thực tế không thể phủ nhận, là còn nhiều, rất nhiều và rất nhiều thầy cô tâm huyết với ngành giáo, đã giúp đào tạo không ít nhân tài cho đất nước, không ít các học sinh đã thành nhân. Cho nên, một lần nữa:
Chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam!!
#ngàynhàgiáoVN #20tháng11