Út Sài Gòn – (VNTB) – Cảm ơn hồ thủy điện là phải đạo, vì theo quan chức cao nhất của Bộ Công thương, nhờ có hồ thủy điện điều tiết nước, chứ không thì lụt có dữ dội hơn đó chứ…
Tình hình mưa bão, lũ lụt đã gây ra nhiều thiệt hại ở miền trung. Có thể nói, đây là câu chuyện muôn thuở, gần như được thấy hàng năm. Theo ghi nhận từ một số người dân sinh sống ở Quảng Trị, Huế, tuy lũ đợt này không cao như năm 1999, song nếu so với những năm gần đây, thì cao hơn hẳn.
– Đúng là ngộ thiệt chứ…
– Chuyện gì mà ngộ vậy anh Tám?
– Thì câu chuyện bão lũ ở miền Trung chứ đâu chị Bảy.
– Năm nào cũng có bão lũ, có gì mà ngộ đâu anh? Cái đó là do thời tiết, ý người đâu thể cãi lại ý trời.
– Do thiên tai thì tui cũng chẳng nói làm gì, cái này nó còn do nhân tai. Nếu chỉ có bão lũ không, có lẽ cũng sẽ không “tàn phá” nhiều đến thế. Tui có người bạn là dân Huế, khu vực cô đó ở mưa xuống, nước cũng có lên đó nhưng rút nhanh lắm. Đằng này ngập mênh mông, nó còn là do các hồ thủy điện xả lũ nữa.
– À, vụ đó tui cũng có đọc trên báo.
– Thì bởi, nếu mà nó nhận lỗi, có lẽ cũng không có gì. Đằng này cái ông bộ trưởng Trần Tuấn Anh, theo báo chí, cho rằng: “Nhờ khả năng điều tiết, chứa nước đã cắt lũ đến tới 55%, không thì ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu”.
– Ồ, thiệt hả anh? Nếu nói theo lời của ông bộ trưởng, tức là người dân miền trung vừa bị thiệt hại bởi bão lũ vừa phải mở miệng cảm ơn các hồ thủy điện à?
– Nghe có vẻ phi lý chị nhỉ? Nếu nói theo ý của ông Tuấn Anh, tức là ngày xưa không có hồ thủy điện, đã ngập trắng toàn bộ khu vực hạ lưu do bão lũ à? Nếu đúng như vậy, tại sao ngài bộ trưởng không dẫn chứng nhỉ? Nói có sách mách có chứng người ta mới tin. Mà đã đưa ra dẫn chứng thì phải đầy đủ rõ ràng à nghen. Nửa ổ bánh mì có thể vẫn là bánh mì nhưng nửa sự thật chưa chắc là sự thật à.
– Nói gì nói chứ cái tầm bộ trưởng, được ăn học đàng hoàng, không lẽ đi nói suông. Chỉ có dân đen như tui với ông mới ngu thôi.
– Ờ, ngẫm lại chị nói cũng có lý. Có lẽ do ổng học cao nên nói mình không hiểu được. Nếu vậy, chắc tui cũng không hiểu ý của ông Trần Hồng Hà luôn, cái gì mà, “mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục. Đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở”.
Giống như cái kiểu đổ thừa hoàn toàn do thời tiết ấy, trong khi khoa học – kỹ thuật phát triển, rồi có thể áp dụng cách xưa cũ như giữ lại thảm thực vật để hạn chế phần nào ảnh hưởng của thiên tai.
– Dư thừa quá anh Tám ơi, ăn học ngồi cái ghế bộ trưởng, vấn đề chuyên môn nữa, không lẽ ông Hà không biết? Người ta có ý đồ hết đó, sao mình biết mà đoán được. Thậm chí ổng rất cầu thị, theo báo viết thì ông Trần Hồng Hà nhận định, “các nhà khoa học đánh giá kỹ hơn đối với địa chất mỗi khu vực khi phát triển các công trình hạ tầng để có thể đối phó và đưa ra những giải pháp phòng ngừa”.
– Ờ, cầu thị là điều tốt chị nhỉ. Với tinh thần đó, cộng thêm kiến thức sẵn có, tiếp thu thêm ý kiến từ các chuyên gia, có tâm thực hiện vì người dân, không đổ thừa, tui nghĩ chắc ông Hà sẽ làm được.
– Thì tui với anh cứ giữ vững niềm tin như vậy đi, cũng mấy năm rồi còn gì…
Qua bài viết trên mặt báo, xem ra câu chuyện của Hố Hô xả lũ cách đây vài năm, có vẻ không rút được bài học kinh nghiệm nào sau lần “vấp ngã” ấy mà còn, nói theo kiểu của dân gian, “lợi hại hơn xưa” khi đen đã được biến thành trắng.
Bởi vậy, ông bà ta nói không sai, cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Éo le hơn nữa, miệng nhà quan có gang có thép.
Ôi, đã buồn nay còn sầu thêm
#TrầnTuấnAnh #thủyđiện