Trung Quốc hôm 4 tháng 11 năm 2020, công khai dự thảo luật sửa đổi cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng vũ khí trong vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc quyền tài phán của Hoa Lục. Theo các nhà quan sát chính trị thì luật này sẽ được Trung Quốc thông qua trong kỳ họp Quốc hội của họ vào tháng 12 sắp tới.
Dự thảo cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển được phép sử dụng vũ khí để xua đuổi tàu thuyền nước ngoài bị cho xâm phạm lãnh hải Trung Quốc hoặc thẩm vấn thủy thủ đoàn cũng như được phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu không tuân theo mệnh lệnh trong lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc. Dự thảo được công bố trong bối cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Biển Đông, có những hành động phi pháp, quấy rối tàu của một số nước trong khu vực, trong đó có tàu của ngư dân Việt Nam.
Thạc sĩ Hoàng Việt nói thêm về dự luật này:
“Đây không phải là sửa đổi mà là luật mới, có thể gọi tắt là luật hải cảnh của Trung Quốc. Luật này cho phép lực lượng hải cảnh của Trung Quốc được sử dụng vũ khí trong trường hợp nguy hiểm hoặc đe dọa xâm phạm trong khu vực biển của Trung Quốc.
Ngoài ra nó cũng cho phép thẩm quyền của hải cảnh Trung Quốc rất rộng, cả trên không vùng đặc quyền kinh tế bao gồm cả những đạo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi lấp tại Hoàng Sa và Trường Sa. Hải cảnh còn có quyền thu giữ các tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển mà Trung Quốc nhận của mình. Họ còn có quyền phá hủy những đảo nhân tạo trong khu vực này.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, thành viên Quỹ nghiên cứu Biển Đông cho rằng, đây là bước leo thang nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông bên cạnh cái bẫy gọi vùng biển trong đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra là ‘vùng biển tranh chấp’. Ông phân tích:
“Từ chỗ không có tranh chấp gì cả biến thành có tranh chấp là do Trung Quốc tự nhảy vào nhận của mình. Rất đáng tiếc là truyền thông quốc tế đã rơi vào cái bẫy rất nguy hiểm của nó khi gọi những vùng biển trong đường lưỡi bò là vùng biển tranh chấp, theo cách gọi của Trung Quốc. Bây giờ luật nó lại cho sử dụng vũ lực ở những vùng như thế thì đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Điều này có thể dẫn đến những xung đột không thể lường trước được.”
Đường lưỡi bò là tên thường gọi cho đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông để tuyên bố chủ quyền gần 90% vùng biển này. Đường lưỡi bò xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 dưới thời chính quyền Tưởng Giới Thạch.
Vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở The Hague ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông. Phán quyết của tòa xác định tất cả các thực thể thuộc khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa không phải là những đảo có thể duy trì sự sống lâu dài và do đó không thể có vùng đặc quyền kinh tế. Điều này cũng áp dụng với đảo Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Phán quyết cũng bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc trên biển Đông và xác định toàn bộ quần đảo Trường Sa không thể có đường cơ sở như đòi hỏi của Trung Quốc từ trước đến nay.
Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận cũng như không tham gia vào tiến trình trọng tài do Philippines đơn phương khởi xướng.
Với việc công khai dự luật hải cảnh của Trung Quốc, một ngày sau, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Chính phủ Hà Nội, ông Dương Hoài Nam, lại tái khẳng định rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, từ nhiều năm qua Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm khu vực biển của Việt Nam, đâm chìm tàu cá, ngăn cản tàu khác đến cứu, bắt ngư dân Việt Nam và cướp bóc tài sản. Hội nghề cá Việt Nam gọi những hành động này là “ngang ngược và vô nhân đạo” nhằm vào ngư dân Việt Nam. Bây giờ có luật hải cảnh như vậy thì Việt Nam không thể chỉ lên tiếng phản đối, bởi như thế chưa đủ.
Ông Hoàng Việt nói thêm:
“Với việc Trung Quốc cho phép hải cảnh được sử dụng vũ khí là biến hải cảnh trở thành lực lượng bán vũ trang, bán quân sự như vậy thì sẽ dẫn đến việc trong thời gian tới, những đội tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng biển các quốc gia khác mà có thể sử dụng vũ lực thì sẽ rất nguy hiểm.”
Theo báo cáo của Hội Nghề cá Quảng Ngãi hôm 10 tháng 6 năm 2020, tàu cá QNg 96416 do ngư dân Nguyễn Lộc làm chủ kiêm thuyền trưởng cùng 15 lao động đang đánh bắt cá ở khu vực đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu sắt của lực lượng hải cảnh Trung Quốc khống chế, đánh đập ngư dân, bắt ký và điểm chỉ dấu vân tay vào biên bản do Trung Quốc viết. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc còn lấy hai máy định vị và dò cá, một thuyền thúng, năm bành dây hơi, một tấn hải sản và phá hỏng nhiều bộ phận trên thân tàu. Thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu đồng.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định rằng, luật hải cảnh mới của Trung Quốc vi phạm tất cả những nền tảng luật pháp quốc tế cũng như công ước quốc tế về luật biển. Một trong những quy định căn bản là khi có tranh chấp xảy ra thì các nước liên quan phải để nguyên trạng và không được dùng vũ lực. Hơn nữa, theo đường lưỡi bò liếm trọn gần 90% diện tích Biển Đông thì chỗ nào cũng là của Trung Quốc hết. Ông Hợp phân tích điều mà ông gọi là ‘nghiêm trọng’ khi luật này được ban hành:
“Hậu quả quốc phòng và địa chính trị của nó là gì? Đó là nếu dùng súng bắn vào các tàu dân sự hoặc các tàu khác trên biển là hành động gây hiến. Hành động gây chiến thì sẽ được trả lời bằng chiến tranh. Nó nghiêm trọng ở chỗ đấy. Nó không đơn giản đâu. Đấy là hành động khiêu khích để đánh, để gây ra chiến tranh. Trung Quốc đang chuẩn bị chiến tranh để tấn công Đài Loan và tấn công Việt Nam ở Trường Sa. Việt Nam trước hết là phải phản đối. Tiếp theo là phải chuẩn bị đánh trả nếu họ bắn. Nếu họ bắn là Việt Nam phải bắn lại.
Với luật này thì không phải Trung Quốc chỉ bảo vệ những đảo trong khoảnh cách 12 hải lý như từ trước đến nay nữa mà là toàn bộ biển. Họ làm như thế là đánh giá thấp nước Mỹ. Họ cho rằng nước Mỹ đang trong bầu cử như vậy sẽ là cơ hội tốt để họ làm tàng, gây ra chuyện nọ chuyện kia.”
Tính đến cuối năm 2019, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã có 130 tàu tuần tra, trong đó có những tàu trọng tải lên đến 10.000 tấn – thuộc loại lớn nhất thế giới. Ngoài ra, nhiều tàu khác cũng được trang bị các loại pháo cỡ lớn loại 76mm, cùng nhiều loại súng máy.
Cảnh sát biển Trung Quốc những năm gần đây đã được hợp nhất vào lực lượng cảnh sát vũ trang và đội tàu tuần duyên đã được nâng cấp với các tàu lớn hơn./.
#biểnđông #báquyềntrungcộng #luậthảicảnhmới