Anh Hoàng – Việt Tân
Cơ sở hạ tầng phản ánh sự phát triển của một xã hội, trong đó 4 vấn đề then chốt nhất được gói trọn trong một cụm từ: “Điện, Đường, Trường, Trạm.” Điện là nói về nguồn ánh sáng và năng lượng giúp cho xã hội phát triển. Đường là nói về hệ thống giao thông nối kết các thôn làng, thành phố với nhau cho sinh hoạt của con người. Trường là nói về nơi hướng dẫn và đào tạo những con người hữu ích cho xã hội. Trạm là hệ thống y tế cộng đồng để chăm lo sức khoẻ và phòng ngừa các dịch bệnh cho người dân.
Trong bốn vấn đề nền tảng nói trên, điện giữ vai trò then chốt và vì thế nên được sắp ở vị trí đầu so với ba nền tảng còn lại. Nhìn lại 4 thập niên qua, điện đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, khi mọi hoạt động sản xuất, lao động và sinh hoạt đều cần có điện.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN), một doanh nghiệp nhà nước giữ độc quyền về thu mua và phân phối điện ở Việt Nam đã liên tục mắc những sai phạm nghiêm trọng trong quản trị doanh nghiệp. EVN còn gây thất thoát ngân sách nhà nước, cơ sở hạ tầng không đuợc nâng cấp và cải thiện để cung ứng đủ nhu cầu phát triển của xã hội và nhất là môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng.
Hiện tại, nguồn nguyên liệu tạo ra điện vẫn phụ thuộc phần lớn vào các nhà máy nhiệt điện nhập từ Trung Quốc với kỹ thuật lạc hậu. Điều này đồng nghĩa với môi trường không khí tại Việt Nam ngày càng trở nên tồi tệ vì khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện đốt than; tương tự như thủy điện tuy là nguồn năng lượng sạch, nhưng với hàng nghìn hecta rừng đã bị chặt phá để xây hồ chứa và nhà máy gây ra tình trạng sói mòn đất và lũ lụt đang ngày càng tăng.
Theo thống kê và kế hoạch của EVN, đến 2030 than vẫn là nguồn nguyên liệu chính (42,7%) để tạo điện, chỉ giảm 0,1% so với 10 năm trước đó, như vậy thì hàng triệu người dân Việt Nam trong 10 năm tới sẽ sống trong môi trường ô nhiễm và chết dần chết mòn vì bệnh tật do chính sách phát triển của EVN.
Tại sao gây ra ô nhiễm môi trường như vậy mà EVN vẫn cố bám vào nhiệt điện?
Đầu tiên là vấn đề nguồn vốn một cách bừa bãi và vô trách nhiệm. Mặc dù EVN đang độc quyền về mua và bán điện ở Việt Nam lợi nhuận vô cùng lớn, nhưng các cấp lãnh đạo thay vì dùng tiền lãi để tái đầu tư, mở rộng nhà máy với năng lượng sạch, và nâng cấp hệ thống thì lại dùng để đầu tư ngoài ngành. Ví dụ, trong năm 2019 thông qua công ty con EVN Finance để đầu tư cổ phiếu, công ty EVN đã lỗ 70 tỷ đồng khi giá cổ phiếu công ty giảm. Tương tự, khoản đầu tư vào EVN Telecom, Ngân Hàng An Bình, bất động sản hay bảo hiểm cũng chịu chung số phận. Theo báo cáo tài chính, EVN chịu khoản lỗ 94 tỷ đồng từ đầu tư tài chính năm 2016 và 1,9 tỷ đồng năm 2017.
Vì thiếu hụt nguồn vốn để tái đầu tư mở thêm các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, EVN phải tiếp cận với các nguồn vốn từ nước ngoài. Hiện nay, theo đánh giá của các hãng Fitch, Standard & Poor’s cho rằng tín dụng của nhà cầm quyền và các ngân hàng Việt Nam được xếp BB (2019), tức là có khả năng trả nợ; nhưng trong thực tế, chỉ số này vẫn còn thua rất nhiều các quốc gia trong cùng khu vực. Ví dụ, Thái Lan, Philippines, Indonesia đều được xếp là BBB cao hơn Việt Nam một bậc, Malaysia và Brunei được xếp là A.
Nhà cầm quyền Việt Nam đang đứng ra bảo lãnh cho rất nhiều doanh nghiệp nhà nước và EVN với hơn 10 tỷ đô la, như vậy EVN sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn và khó tìm nguồn vay cho dù có được nhà nước đứng ra bảo lãnh. Hơn nữa, nhiều tổ chức và chính phủ nước ngoài vì những ràng buộc của hiệp định quốc tế về chống biến đổi khí hậu đã không còn đồng ý đầu tư vào các dự án nhà máy nhiệt điện của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức, vốn những nước đứng đầu về đầu tư ở Việt Nam mà chỉ đầu tư vào các dự án như năng lượng mặt trời hay điện gió; ví dụ, dự án nhà máy Phú Lạc năm 2016 nhận 85% vốn từ vay vốn ODA của Đức.
Kết quả là EVN phải quay ra vay vốn từ Trung Quốc để xây dựng các nhà máy nhiệt điện, điểm mặt có các nhà máy nhiệt điện đang vay vốn Trung Quốc gồm nhà máy điện Vĩnh Tân 1, Vũng Áng 2, Vĩnh Tân 3, Thăng Long, Hải Dương, Cẩm Phả 3. Như vậy, CSVN đang chui vào bẫy nợ của Trung Quốc giăng ra với lãi suất thấp nhưng công trình thì luôn chậm tiến độ. Các nhà máy này đang không ngừng gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, với các nhà máy nhiệt điện hoạt động, Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu than từ Trung Quốc với số lượng ngày càng tăng.
Ngoài ra, hàng chục nhà máy thủy điện ở Việt Nam đang được cấp phép xây dựng và vận hành nhưng đang bị EVN chèn ép về giá nhờ sự độc quyền của mình. Cụ thể, dù Bộ Công Thương không ngừng đòi tăng giá điện và chia giá điện theo bậc. Theo Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh biện luận “Giá điện có tăng, có giảm sẽ theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất sẽ quyết định giá điện trên cơ sở công khai, minh bạch theo qui luật của thị trường với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện.”
Tuy nhiên, giá mua điện của EVN không hề tuân theo quy luật cung cầu thị trường; cụ thể, EVN ký hợp đồng mua điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chỉ ở mức 600 -700 VNĐ/kWh trong hàng chục năm, trong khi lạm phát ở Việt Nam luôn cao. Kết quả, nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ đã và đang được triển khai, họ phải tìm mọi cách để kiếm lời đó là chặt càng nhiều gỗ để thu lợi trước mắt, xây dựng thiếu bảo đảm chất lượng để giảm chi phí. Kết quả, hàng chục nhà máy thủy điện đang như quả bom nổ chậm gây ra những vụ sạt lở đất, lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng như dự án Rào Trăng 3, dự án Sông Tranh 2 cách đây vài ngày.
Trong khi đó, EVN không hề dùng nguồn vốn của mình đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hay điện gió với lợi thế Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km và nắng gần như quanh năm trong nhiều giờ trong ngày ở Nam Bộ mà vẫn phải nhập khẩu điện của Trung Quốc với giá cao, cụ thể EVN đã nhập khẩu 2,1 tỷ kWh từ Trung Quốc với giá 1.281 đồng/kWh, cao hơn rất nhiều giá mua từ các nhà máy thủy điện ở Việt Nam
Rõ ràng, sự độc quyền của EVN đang gây hại cho kinh tế Việt Nam, khi hàng chục nhà máy thủy điện, phong điện hay năng lượng mặt trời đang đóng hàng tỷ đồng tiền thuế cho nhà nước đang bị chèn ép về giá bán không thể phát triển. Các nhà máy điện mặt trời đang được các cá nhân đầu tư phát triển nhưng khi những tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng sẽ đi về đâu khi trách nhiệm xử lý EVN đang đổ lên đầu doanh nghiệp, trong khi chính EVN đang kiếm lợi nhiều nhất từ chuỗi cung ứng này. Tuy nhiên, người dân đang phải đè lưng chịu mua điện với giá cao từ EVN chỉ để bù lỗ cho những đầu tư ngoài ngành vụ lợi cá nhân của lãnh đạo công ty.
Tóm lại, một quốc gia muốn phát triển nhanh chóng và bền vững, các nhu cầu về “Điện, Đường, Trường, Trạm” phải tiến hành theo lối xã hội hóa. Đó là để cho tư nhân tham gia và cạnh tranh trong việc cung cấp, có như vậy giá thành mới rẻ và đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân còn quá nghèo. Muốn được như vậy, cần chấm dứt sự độc quyền của EVN bằng hình thức cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn nầy, mở ra quyền được mua bán và phân phối điện cho mọi doanh nghiệp có năng lực như ở thị trường viễn thông hay ngân hàng.
Có như vậy, Việt Nam mới giảm ô nhiễm hay phá hoại môi trường khi các nhà máy phong điện ra đời nhiều hơn, giảm sự phụ thuộc và thoát khỏi sự lợi dụng của Trung Quốc. Cuối cùng người dân và các doanh nghiệp mới có thể hưởng lợi từ giá điện cạnh tranh và góp phần phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.
Anh Hoàng