Tuấn Khanh – RFA
Đầu giờ chiều ngày cuối tháng 10, mưa như trút nước khi đoàn xe từ thiện băng qua những cánh đồng ngập trắng của Quảng Bình. Trời mù che tầm nhìn, nhạt nhòa hòa không gian mênh mông những cánh ruộng phủ nước, mưa trắng xóa bốn phía. Xe chạy vào vùng của Giáo xứ Cồn Sẻ, một trong những nơi mà người dẫn đường nói là có ngày, dân phải ngủ đứng trong nước…
Cổng làng bằng xi măng, sừng sững nhoi lên giữa bốn bề lặng lẽ, với dòng chữ “Toàn dân đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp”. Cồn Sẻ là một nơi bùng lên nhiều thông tin vào năm 2016, được người dân cả nước quan tâm, liên quan chuyện Formosa xả thải ra biển làm hàng triệu người dân ven biển miền Trung điêu đứng. Cồn Sẻ thuộc một trong năm cồn, đảo nhỏ trên vùng hạ lưu Sông Gianh (tỉnh Quảng Bình), xứ đạo Cồn Sẻ với gần 4.000 giáo dân, được bao bọc chung quanh là sông nước, nên ngày thường thì thơ mộng, nhưng khi mưa to gió lớn thì lãnh đủ tai ương.
Dân Cồn Sẻ cũng như mọi người dân ở các miền xa của Bắc Trung Bộ. Họ hiền lành, dễ gần và cũng khốn khó cả đời với làng quê của mình. Khi thấy bóng đoàn xe vừa đến, từng người rụt rè đi vào, thêm hai, ba người nữa. Rồi nhanh chóng là cả nhóm cùng vào. Ai ấy đều ướt và trên tay cầm sẵn một túi nylon to, có thể nhận được gạo và mọi thứ khác. Hình ảnh đáng mến, là đoàn xe cứu trợ của thầy trò chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn đi từ Nam vào đã được Thánh đường Franxicô Xaviê của Giáo xứ Cồn Sẻ cho mượn chỗ để giúp phát quà cho mấy trăm dân đang cùng cực qua mấy lần bão tố lụt lội. Hòa đồng tôn giáo là đây.
Trong khốn khó, con người Việt tìm thấy nhau giản đơn không cần bất cứ lý lẽ nào, quyền lợi nào ngoài hiệu lệnh của tình thương. Một phụ nữ được coi là khó khăn nhất trong số người dân đến nhận quà, được các chị các bà trong làng giới thiệu ra ngồi riêng, để chị nói thêm cho biết tình cảnh của chị. Thầy Thích Thiện Hùng chăm chú nghe, rồi hỏi “chị là tôn giáo nào, Phật giáo hay Công giáo?”.
Thoạt đầu chị hơi ngập ngừng, với tâm lý rằng nếu đoàn Phật giáo đang giúp, e rằng sự khác biệt tín ngưỡng thì có thể gặp trắc trở. Nhưng rồi chị cũng nói nhỏ mình là giáo dân. Thầy Thích Thiện Hùng cười, trao cho chị phần quà phụ thêm, nói rằng “là người Công giáo, thì hãy tin và cầu nguyện với Chúa Jesus, với Mẹ Maria. Khổ nạn nào đến rồi cũng đi qua. Chỉ cần chị giữ lòng tin vào điều lành và ơn trên”.
Gương mặt của người phụ nữ ấy có gì đó giống như nụ cười. Nhưng cũng không biết phải là nụ cười hay không. Bệnh tật thể xác và khó khăn đời sống kéo dài quá lâu, khiến ngay khi có chút niềm vui, cũng không thể nhận ra được là chị sẽ giữ lại được bao lâu chút cảm giác ấy.
Tôi dặn anh em trong đoàn rằng chúng ta đi giúp đồng bào, chứ không phải là kẻ ban phát, nên hãy cảm ơn người đã nhận những gì chúng ta mang đến. Vì ngoài tấm lòng, chúng ta còn chuyển giúp của cải của người dân ở mọi nơi trong nước, cũng như của anh chị em cô bác ở Pháp, Mỹ, Úc… đến cho mọi người. “Cảm ơn cô”, “cảm ơn cụ”… vang lên ở những nơi người dân bước ra. Có thể thấy rõ nhiều người đến nhận, có cả ngại ngần và có thể có cả mặc cảm. Nhưng khi được cảm ơn, họ nở nụ cười, thoạt đầu có chút ngượng nghịu nhưng rồi nhanh chóng gần gũi và đứng lại nắm tay nói huyên thuyên đủ chuyện. “Các bác ở miền Nam hiền quá, cho quà còn cám ơn”, một bác đội nón lá, mặc áo mưa, hai tay xách quà, chân đi khập khiễng đứng lại nói. “Vui lắm, dân ở đây nhận tin được quà, hẹn nhau đi vui lắm”. Một cô khác thì ghé vào nói, nhìn và giơ tay vẫy trước máy ghi hình.
Khi ấy, trời vẫn mù đen, mưa vẫn rơi nặng hạt. Vẫn có thêm những người đạp xe đến trễ, đứng trước cửa ngóng vào, ngại ngùng. Khi được mời vào thì mừng, gác chống xe đi vào ngay. Xứ quê gọi là nghèo nhưng có vẻ chuyện trộm cắp trong làng, trong xứ đạo không nhiều nên ai nấy tự nhiên, không đề phòng gì cả.
Phần quà mang đến cho mỗi người dân là gạo, mì gói, cá hộp, xúc xích ăn liền, bánh mì chà bông, quần áo hay mền… cùng 500 ngàn đồng. Không là bao nhiêu với cuộc sống tiêu thụ ở các thành phố lớn nhưng lại là quà thiết yếu ở nông thôn. Bên cạnh đó, có những nhóm quan sát “bí mật” luôn tìm kiếm các trường hợp đặc biệt khó khăn để mời riêng ra, nghe họ nói thêm về hoàn cảnh để giúp sức thêm.
“500 ngàn đồng thì bác dùng được trong mấy ngày?”, một phụ nữ vẻ không khắc khổ lắm bật cười khi được hỏi, làm mấy người đứng chung quanh cười theo.
“Cả mấy tuần ấy, gì mà dùng nhanh thế”. Mọi người lại bật cười hồn nhiên. “Vậy một tháng thì một gia đình cần cho sinh hoạt ở đây là bao nhiêu? Năm triệu không bác ơi?”. “Không đâu, tầm hai triệu cả nhà là đủ”. Cảm đám nhao nhao đồng ý, rồi lại cười. Thương ghê.
Hai triệu đồng, có thể là một bữa ăn ở Sài Gòn hay một buổi karaoke ở Hà Nội. Nhưng hai triệu ở những mái nhà nhỏ, quanh co những con đường hiu hắt về đêm của hàng triệu người Việt khắp mọi nơi trên đất nước, là có nghĩa không nhọc nhằn.
Bà cụ mà tôi gặp trước đó ở Quảng Trị, dùng một ống tuýp phơi đồ làm gậy chống, ngồi ngóng tên mình nhận quà đã bàng hoàng khi tôi nhét vào tay cụ 500 ngàn đồng. Cụ hơn 80 tuổi, sống một mình trong làng và ai cho gì ăn nấy. Mấy ngày Dương Lệ Đông nước ngập lạnh ngắt, cao đến 1m6, cụ chỉ biết ôm thùng nhựa để trôi, ai kéo đi đâu thì đi. Ngâm nước nhiều đến mức da chân của cụ giống như bị chảy ra, vằn vện khi khô. Khi nhận được tiền, cụ vội nhét vào cạp quần rồi lập cập đứng lên đi chỗ khác. Thoạt đầu tôi ngạc nhiên vì không hiểu mình có làm gì cho cụ phật lòng không. Sau đó, một người ở địa phương mới giải thích rằng cụ nhận được tiền nhiều nên sợ bị để ý, sợ có ai đó thấy sẽ trộm hay giật của cụ, nên cụ phải đi ngay.
Chuyến đi do hòa thượng Thích Nguyên Lý và Thích Thiện Minh từ Sài Gòn qua năm tỉnh miền Trung, với hơn 2.500 phần quà từ thiện chỉ như là muối bỏ biển với khó khăn của người dân bị nạn. Nhưng trên đường đi ra, nhìn thấy những đoàn xe của mọi nơi treo bảng vì miền Trung đang cấp tập đi vào mới thấy ấm lòng, rằng dù như thế nào, dù ít dù nhiều, người vẫn luôn tìm đến nhau qua tiếng gọi đồng bào.
Đọc bản tin cô ca sĩ Thủy Tiên tặng tiền cho dân ở Quảng Bình, nghe chính quyền xã nói dân tự nguyện nộp lại, tổng cộng đến mấy trăm triệu mà ứa bước mắt. Đứng ở giữa trời đất mưa gió âm u, đứng ở nơi những bàn chân cong veo vì không có cơ hội khô ráo ấy, đứng ở đám đông nhẫn nại chịu đựng cả quái ác của thiên nhiên và sự cường bạo của con người, mới hiểu những loại “tự nguyện” ấy là không có thật. Đau đớn lắm, bị oằn xéo lắm thì người dân mới rứt ruột “tự nguyện” như vậy.
Trong suốt những ngày chỉ có nước, mây đen, gió lạnh ngắt… Thỉnh thoảng nắng vẫn hé lên bất chợt. Giây phút ấy đẹp lạ thường. Đẹp không ngôn từ nào tả nổi. Những ngày ở miền Trung, tháng 10-2020, tôi được chứng kiến những tia nắng như vậy. Nó đẹp như buổi những người Công giáo và Phật giáo góp tay nhau bằng mật ngữ yêu thương. Đẹp trong nụ cười của những người dân Việt không quen biết, rực rỡ trong niềm vui và sự biết ơn của chúng tôi. Nắng sẽ phải lên, nhiều hơn và tỏa sáng hơn nữa trên quê hương đầy mây mù của chúng ta.
Tôi luôn tin như vậy.