Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Năm 2020 phải nói là năm đại lũ lụt chưa từng có đã đổ ập đến miền Trung với 4 cơn bão liên tục và trận bão thứ năm – bão Gomi đang thổi đến Quảng Nam và Quảng Ngãi. Nhìn những hình ảnh tang thương sau cơn lũ lụt và sạt lở không ai mà không cầm được lòng và muốn làm một điều gì đó để chia xẻ bà con nạn nhân. Đó chính là động lực mà bà con người Việt khắp nơi đã chung góp tài chánh, phẩm vật cho những cá nhân, đoàn thể sẵn sàng đi đến các tỉnh miền Trung để trực tiếp cứu giúp.
Nhưng câu chuyện cứu giúp nói trên đã làm cho mọi người cau mày khó chịu, khi một người có nick Nguyen Thi Hanh Nguyen đăng trên Facebook với lời báo động vào ngày 29 tháng Mười rằng: “Nhà mình ngập lụt được Thủy Tiên về ủng hộ tiền nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi.”
Trước đó, ngày 28 tháng Mười ca sĩ Thủy Tiên đã đến xã Cảnh Hóa, Quảng Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình phát tiền hỗ trợ cho 703 gia đình. Thôn Ngọa Cương của xã này có 69 gia đình bị ảnh hưởng lũ lụt trong tổng số 170 gia đình, được nhận hỗ trợ 6 triệu đồng. Nhưng sau khi đoàn cứu trợ về, chính quyền thôn Ngọa Cương đã đến thu lại toàn bộ số tiền. Lý do thôn cho biết là để chia đều cho 170 gia đình trong thôn, “đảm bảo sự công bằng, hài hoà và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm.”
Tuy nhiên nhờ sự phản ảnh nhanh chóng của dư luận trên mạng xã hội, huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo thôn Ngọa Cương phải trả lại tiền cho dân. Qua câu chuyện này, có mấy điều nên bàn:
1/ Danh sách 69 gia đình bị ảnh hưởng lũ lụt cần cứu trợ là do Thôn cung cấp, không phải do ca sĩ Thuỷ Tiên tự ý lập ra. Như vậy 69 gia đình này được hưởng tổng số tiền trên 400 triệu đồng cứu trợ là đương nhiên trong phạm vi giao dịch dân sự hợp pháp. Thế nhưng chính quyền Thôn đi thu lại và nói là chia đều cho những gia đình khác không bị thiệt hại do lũ lụt.
Đây là hành động ăn cướp của dân vì trong số những hộ dân còn lại, chắc chắn có bà con hay thân nhân của cán bộ thôn. Họ không muốn 69 hộ gia đình kia hưởng một mình mà muốn chia đều là vì vậy. Đây là loại não trạng tham lam và độc quyền vốn đã ăn sâu trong đầu cán bộ là trong bất cứ trường hợp nào có dính tới tiền, dân phải đưa cho cán bộ chút ít để chấm mút.
Trước đây đã có trường hợp ở Quảng Trị, người dân nghèo lãnh tiền trong gói hỗ trợ Covid-19 cũng bị thu 50 ngàn gọi là “tiền trà nước” cho cán bộ thôn nhưng nuốt không trôi đành phải trả lại dân.
2/ Sự kiện Thôn Ngọa Cương thu lại tiền của 69 gia đình được cứu trợ không những trái với đạo lý và còn trái với luật pháp. Vì tiền từ thiện là do bá tánh tự nguyện đóng góp cho người mà họ tin tưởng thay thế họ xử dụng tiền ấy sao cho hợp lý và công bằng. Không phải tiền của chính quyền đưa ra mà Thôn lại dính vào và bắt thiên hạ phải làm thế này thế kia.
Cái đó cho thấy đây là một hiện tượng dùng quyền lực vòi vĩnh để tham nhũng. Đã phạm tội “cố ý làm trái,” nhưng sau đó trưởng thôn Ngọa Cương Nguyễn Hữu Cần còn lên mạng xã hội Facebook trần tình một cách ngây ngô rằng quyết định của thôn thu lại tiền cứu trợ là “tiền lệ chia sẻ lẫn nhau, tất cả người dân đều tự nguyện san sẻ.” Ý ông trưởng thôn hẳn là muốn thôn mình sống đúng theo câu “phép vua thua lệ làng” mà lệ làng ở đây được tạo ra bởi ban cán sự thôn, những người nắm quyền tuyệt đối, tha hồ hoạnh họe, đứng trên pháp luật.
3/ Nếu như xã hội Việt Nam được xây dựng trên nền tảng chấp nhận mở rộng xã hội dân sự, tức là những tổ chức xã hội dân sự do chính người dân lập ra, người dân có thể có một mạng lưới giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. Hành động cứu trợ ấy vừa nhanh chóng, vừa hữu hiệu và đầy tình người mà không cần dính dáng gì đến chính quyền. Người cầm quyền chẳng có gì phải sợ các tổ chức xã hội dân sự và coi đó là thù địch của chế độ.
Chính vì Việt Nam đến nay vẫn né tránh ban hành Luật Lập Hội nên không có xã hội dân sự đúng nghĩa, cô ca sĩ Thuỷ Tiên phải nhờ đến thôn thiếp lập danh sách nạn nhân bão lụt. Ngược lại, nếu Việt Nam để cho xã hội dân sự phát triển như các nước khác, người của các tổ chức này có thể liên lạc trực tiếp các gia đình bị nạn, mời họ đến trình bày và nhận tiền theo mức độ thiệt hại. Nhờ cái cầu nối này mà chính quyền sẽ rảnh tay lo những việc lớn khác về y tế, giao thông, lương thực, xây dựng sau bão lụt.
Qua vụ việc này, người ta càng thấy xã hội dân sự rất cần thiết trong một đất nước nay có đến 100 triệu dân mà càng cấm đoán càng bất lợi cho chế độ.
Phạm Nhật Bình