Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Bãi rác Nam Sơn, thuộc huyện Sóc Sơn hình thành từ năm 1999, hàng ngày tiếp nhận khoảng từ 5.000 đến 7.000 tấn rác từ 12 quận và 5 huyện của thành phố Hà Nội.
Rác là một loại chất thải không chỉ dơ bẩn mà có mùi hôi thối khó chịu qua nhiều ngày tồn trữ, dù trong những bãi chứa riêng. Cho đến nay, chung quanh bãi rác Nam Sơn vẫn còn hàng ngàn gia đình sinh sống vì thành phố chưa giải quyết được việc di dời thoả đáng cho họ. Các gia đình ở khu vực này phải chịu đựng qua nhiều năm tháng, sống chung với rác trong một môi trường nguy hiểm cho sức khỏe mà chính quyền không quan tâm giải quyết.
Mới đây truyền thông trong nước cho biết do không chịu nổi mùi hôi thối, tối ngày 23 tháng Mười một lần nữa người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn đã phản ứng bằng cách phong tỏa hai bên đường không cho xe rác vào bãi Nam Sơn. Không biết đây là lần thứ mấy người dân Nam Sơn, ngoại ô Hà Nội đã phải hành động cứng rắn như thế để bảo vệ môi trường sống của mình trước sự làm ngơ của chính quyền.
Trước đây, chính quyền thành phố Hà Nội có thể lấy lý do thủ đô còn nghèo và dân số còn ít nên việc giải quyết rác thải các loại phải làm theo lối thủ công và quy mô nhỏ. Tức là sau khi phân loại, rác được giải quyết bằng phương pháp… chôn cổ điển. Người dân có thể chấp nhận đó là lý do chính đáng nên cắn răng chịu đựng và hy vọng một ngày mai sẽ khá hơn.
Được biết thành phố Hà Nội cũng đã từng lên kế hoạch xây dựng đến 5 nhà máy đốt rác phát điện, trong đó có Nhà Máy điện rác Sóc Sơn được chấp thuận từ năm 2017, vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng. Nhà máy này nghe đâu sử dụng công nghệ đốt rác của Bỉ, được đánh giá là có quy mô lớn hàng đầu thế giới và do tổng thầu Trung Quốc thực hiện. Cho tới nay vẫn chưa nghe nói nhà máy này khi nào mới chính thức đi vào hoạt động, nhưng người dân Hà Nội hy vọng nó không phải là một “Cát Linh-Hà Đông Tập 2.”
Tuy là rác, một thứ hôi thối bỏ đi nhưng lại là thứ hôi thối có thể sinh ra mối lợi to lớn cho các quan chức nhà nước. Nhất là Sở Kế Hoạch và Đầu Tư thành phố Hà Nội, vì đây là bộ phận lên kế hoạch thu gom rác và xử lý rác. Trong rất nhiều năm qua kể từ khi có bãi rác, người dân Nam Sơn khốn đốn vì hàng ngày phải sống chung với rác. Lượng rác đổ về ngày càng nhiều, môi trường sống càng ô nhiễm. Nhiều lần người dân Nam Sơn yêu cầu chính quyền thủ đô phải xử lý, thế nhưng mỗi lần kiến nghị, mỗi lần chặn xe thì mọi sự vẫn không thay đổi. Cứ đến hẹn lại lên, xe rác vẫn đổ về và chính quyền chưa bao giờ có biện pháp giải quyết hợp tình, hợp lý.
Đây là trách nhiệm chính của Sở Tài Nguyên – Môi Trường, nhất là Sở Kế Hoạch – Đầu Tư. Vì sao Hà Nội chưa có được một nhà máy xử lý rác hiện đại như các nước khác trong khi lãnh đạo đảng và nhà nước cứ rêu rao Việt Nam cần có những thành phố thông minh hiện đại, phải vượt qua Singapore. Làm sao vượt qua được Singapore khi lựa rác bằng tay và đem chôn, trong khi các bãi rác ngày càng thu hẹp và lượng rác ngày càng tăng do dân số tăng.
Lý do đơn giản là nếu xây dựng một nhà máy xử lý rác có lớp lang hiện đại như các nước Tây phương thì Sở Kế Hoạch – Đầu Tư và các công ty Vệ sinh Môi trường Đô thị còn lấy gì để ăn. Vì rác bốc mùi hôi chất thành đống như vậy họ mới có cơ hội lập khống kế hoạch thanh lý này nọ hầu lấy tiền bỏ túi. Làm sao ai biết được là thủ đô Hà Nội hàng ngày thải ra bao nhiêu rác, ngoài những chuyên viên ăn rác trong Sở Kế Hoạch – Đầu Tư? Cho nên các sở, các công ty vệ sinh môi trường ăn rác thoải mái và vì rác quá thúi, trung ương không ai muốn xuống kiểm tra!
Vụ bãi rác Nam Sơn cứ lình xình bao nhiêu năm nay không giải quyết được vì sự vô trách nhiệm và sự thiếu khả năng của các cấp cán bộ quản lý thành phố ở thành ủy và ủy ban nhân dân. Hay nói cách khác, bộ phận quản lý và xử lý rác ở Hà Nội không muốn mất lợi ích sinh ra từ rác.
Thế mới thấy dưới thiên đường xã hội chủ nghĩa, rác cũng rất quan trọng vì nuôi cả bộ máy quyền lực độc tài, độc tôn.
Phạm Nhật Bình