Theo báo cáo hằng năm, nếu không có thiên tai, nhân họa thì thôi, nếu có thiên tai, nhân họa (thủy điện xả nước) thì có tỉnh mất vài ngàn tỉ, thậm chí có tỉnh thiệt hại vài chục ngàn tỉ đồng, về mặt tiền bạc, đây là con số lớn khủng khiếp. Chưa dừng ở mất mát vật chất, mất mát về con người thì vô cùng lớn, không thể kiểm soát, tính toán cụ thể. Bởi tương lai, hứa hẹn, đời sống ổn định hay cả những mầm non tri thức nhân loại có thể bị vùi dập dưới thiên tai, nhân họa, và mọi sự chấm dứt từ đó. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai đất nước. Nhưng, giả sử đặt một phép toán đánh đổi, thì các báo cáo hằng năm nếu không thua lỗ cũng huề vốn của thủy điện, nghĩa là lợi nhuận từ thủy điện chưa bao giờ làm đầy thêm ngân sách nhà nước. Liệu thủy điện có nên tồn tại? Cần đặt ra hai hướng: Tồn tại và; Không tồn tại.
TỒN TẠI
Trong thực tế, hiện tại, nếu thủy điện tồn tại thì được gì, mất gì?
Mỗi công trình thủy điện lớn, nhỏ mọc lên, là thêm một diện tích rừng tự nhiên bị mất đi trên danh nghĩa khai thác rừng lòng hồ. Hãy tưởng tượng những cánh rừng nguyên sinh có bề dày hàng trăm năm tuổi, thậm chí lớp mùn ổn định mặt đất, cũng là lớp xốp điều tiết nước có tuổi thọ hàng trăm ngàn năm, những vỉa quặng có tuổi thọ hàng triệu năm sẽ bị cày xới tung lên. Vì người ta lấy gỗ rừng để bán, lấy tài nguyên, quặng, khoáng sản, và lấy lớp mùn bên trên để chế biến thành phân bón, lấy rễ cây, gốc cây để làm bàn ghế lõi gỗ, theo phong trào chơi gỗ lõi bây giờ… Nghĩa là không có bất kỳ thứ gì trên bề mặt của rừng được tha, rừng nguyên sinh bị cày xới “đào tận gốc, trốc tận rễ”.
Chưa dừng ở đây, các dòng chảy được điều tiết bởi tự nhiên, bởi các luồng từ trường, bởi độ cao, bởi gió, bởi địa hình… Đã hình thành cả triệu năm nay, tạo ra dòng ổn định, sức chịu lực của từng mảng núi, từng quả đồi, từng sườn đồi vốn dĩ được kiến tạo không phải ngày một ngày hai, thậm chí không phải vài chục năm mà gần như biến chuyển, xê dịch trong cả triệu năm, để tự ổn định bằng các dòng chảy khe suối, tự ổn định bằng cây xanh, thành rừng nguyên sinh. Và sự ổn định này đã che chở đồng bằng, điều tiết dòng nước suốt hàng chục ngàn năm nay. Khi thủy điện xuất hiện, nó nhanh chóng phá vỡ mọi liên kết của núi rừng.
Một trái núi, một quả đồi trước đây chỉ đóng vai trò là một trái núi, một quả đồi, hứng mưa nắng và cưu mang lớp rừng bên trên da thịt của nó. Đến khi thủy điện xuất hiện, lớp da của rừng bị cạo nhẵn, xới tung, rừng núi đồi trở thành một cơ thể bị lột sạch da. Và chưa dừng ở đó, nó bị biến thành những bờ thành trong một cái chảo nước lớn là con đập. Nghĩa là những quả đồi bị biến thành thân đập. Nó phải nhận chịu một nguồn nước thấm vào bên trong hằng ngày, hằng tháng, hằng năm và nó tiếp tục bị cày xới trên da thịt để lấy gỗ tài nguyên, sau đó trồng lên những cánh rừng mới. Việc trồng rừng mới là tốt đẹp. Nhưng đợi cho rừng mới ổn định là một việc hi hữu, bởi rừng mới đóng vai trò thân đập, khác với rừng mới tự nhiên. Bên cạnh đó, rừng mới muốn có bề mặt ổn định phải tốn cả trăm năm, thậm chí ngàn năm.
Như vậy, về mặt tài nguyên, môi trường, một thủy điện xuất hiện, nghĩa là cục diện của núi rừng bị thay đổi, liên kết của núi rừng bị bẻ gãy và chưa biết đến bao giờ lại ổn định. Bởi việc khai thác rừng chưa bao giờ được ngưng nghỉ, bên cạnh đó, rừng phải hằng ngày nhận chịu một trách vụ mới trong khi sức khỏe của rừng không còn như trước. Nghĩa là trước đây rừng có đầy đủ thịt da, cơ bắp nhưng chỉ đứng đó như một thiền sư, khi cần thiết thì giữ một ít nước mưa rừng, từ từ xả xuống đồng bằng theo những dòng chảy được thiết lập từ cổ đại, cổ xưa… Còn bây giờ, rừng trở nên ốm yếu bệnh hoạn vì bị lột da, bị khoét thịt, bên cạnh đó, rừng gánh thêm nhiệm vụ mới là đứng gồng mình làm thân đập. Rừng, nói cho cùng đã bị hành hạ và lưu đày ngoài sức tưởng tượng.
Như vậy, việc giữ lại thủy điện sẽ có lợi gì? Câu trả lời dễ nhận biết nếu căn cứ trên các vấn đề trên.
BỎ THỦY ĐIỆN
Và giả sử bỏ thủy điện, nghĩa là dẹp toàn bộ các thủy điện cóc, thủy điện mới phát sinh, thủy điện trên dự án chuẩn bị thi công… Thì sẽ được gì?
Muốn biết được bỏ thủy điện có lợi hay có hại, việc đầu tiên phải xem xét việc xây dựng và tồn tại một thủy điện có lợi lộc gì cho quốc dân. Câu trả lời về mức đóng góp hằng năm của thủy điện vào ngân sách quốc gia là bao nhiêu? Cho đến giờ phút này, con số mà thủy điện đóng góp vào ngân sách quốc gia vẫn là một ẩn số. Bởi hầu hết các thủy điện khi xây dựng xong đều có những vụ lùm xùm đi kèm về việc thua lỗ, đầu tư quá cao, không chừng hai mươi năm sau, thậm chí năm mươi năm sau mới có thể bù vốn và mới có thể đóng góp vào ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, việc mọc ra nhiều thủy điện, không những không tạo ra được thị trường điện cạnh tranh mà người dân vẫn phải đóng tiền điện rất cao (đừng so sánh giá điện Việt Nam với giá điện các nước khu vực. Bởi giá điện sạch, đảm bảo an toàn tài nguyên, môi trường của các nước khu vực đương nhiên phải rất cao, nó khác với nhiệt điện và thủy điện luôn làm tổn hại môi trường và đời sống người dân bất an thường trực tại Việt Nam. Bất kì phép so sánh nào về giá điện giữa Việt Nam và các nước khu vực đều khập khiểng, không đúng bản chất sự việc!).
Thủy điện tồn tại, giá điện vẫn tăng, trong khi các công trình điện gió, điện năng lượng mặt trời không có đường ra, một bài toán nan giải cho điện Việt Nam chỉ vì các công trình thủy điện và nhiệt điện liên tục báo lỗ, cần thu hồi vốn. Trong khi đó, nếu làm một cuộc điều tra nghiêm túc thì các chủ đầu tư thủy điện có lãi từ lúc thủy điện chưa hoạt động. Lãi từ rừng lòng hồ, lãi từ việc trồng rừng, lãi từ khai thác quặng… Và khi thủy điện hoạt động, nguồn điện được bán cho các nước khu vực, chủ yếu là bán cho nước bạn Lào, nó không có tính hiệu dụng cho dân sinh Việt Nam. Và đương nhiên lợi nhuận chỉ rơi vào tay nhà đầu tư, nhà nước cũng thất thu trong việc này. Ngoại trừ một số quan chức đã nhận hối lộ thì có “lãi” từ thủy điện. Nhưng xét trên cục diện quốc dân, thủy điện chỉ báo hại.
Dẹp thủy điện, đương nhiên sẽ có một bài toán mới vô cùng nan giải được đặt ra là hầu hết dòng chảy tự nhiên đã bị xóa sổ, hầu hết các cánh rừng nguyên sinh, những vùng điều tiết nước đã bị xóa sổ. Như vậy, sau một trận mưa lớn, núi sạt lở, nước chảy xối xả về đồng bằng và nguy cơ đại hồng thủy là thấy nước mắt. Như vậy, đâu là giải pháp?
Giải pháp duy nhất cho tình thế hiện tại là biến thủy điện thành vùng điều tiết nước trong tiến trình phục hồi rừng xanh. Nghĩa là vẫn tạm thời giữ thủy điện nhưng các thông số xả nước phải thay đổi theo yêu cầu tài nguyên môi trường thực thụ. Mùa hè, thủy điện không được phép xả rỉ rả cho việc tạo điện mà phải xả đủ cho hạ nguồn sử dụng trong việc trồng trọt và canh tác. Mùa đông, thủy điện phải liên tục điều tiết xả, không cố tình tích nước cho đủ cao trình rồi mới xả, nghĩa là dòng chảy và lưu lượng mùa đông phải đủ mạnh để mang phù sa về đồng bằng nhưng không mạnh bất thường do xả vội khi tích nước quá nhiều. Phải đảm bảo lưu lượng nguyên thủy của những con sông.
Các cánh rừng phải liên tục được trồng đền bù và ngay từ bây giờ, phải dừng khai thác rừng trong tức khắc, tuyệt đối không khai thác rừng mà phải trồng rừng, tiếp tục trồng rừng trong năm năm, mười năm, hai mươi năm. Có thể nói rằng tại Việt Nam, sự ổn định của chế độ chính trị tỉ lệ thuận với sự ổn định của rừng núi. Mọi kinh nghiệm buồn diễn ra trước mắt chứng minh cho luận điểm này!
Và khi rừng đã ổn định, khi lưu lượng chảy của sông suối đi đến phục hồi thì phải phá bỏ ngay các thủy điện. Phải dùng nguồn năng lượng khác, năng lượng mặt trời, năng lượng gió dư thừa, không bàn được, hà cớ gì phải dùng năng lượng nước trong khi nó không mang lại lợi lộc cho quốc dân và nó làm tổn hại mỗi năm hàng chục ngàn tỉ đồng, hàng trăm mạng người, hàng trăm tương lai bị đóng cửa?!
#thủyđiện