Quan chức Mỹ kêu gọi Việt Nam thả bà Phạm Đoan Trang

- Quảng Cáo -

VOA

Một quan chức ngoại giao Mỹ mới lên tiếng kêu gọi thả ký giả tự do Phạm Đoan Trang, trong khi hai nhật báo hàng đầu Hoa Kỳ trích đăng bức thư Facebooker này viết trước khi bị bắt, trong đó nói rằng bà “không cần tự do cho riêng mình” mà muốn “tự do, dân chủ cho cả Việt Nam”.

Trong một tuyên bố trên Twitter, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Robert A. Destro, viết rằng Hoa Kỳ “lên án” vụ bắt giữ bà Trang.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức thả bà và hủy bỏ mọi cáo buộc”, ông Destro lên tiếng hôm 9/10, hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ gửi cho VOA Việt Ngữ bản thông cáo, trong đó không thúc giục phóng thích bà Trang mà chỉ kêu gọi chính quyền Hà Nội “bảo đảm các hành động và luật pháp phải phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam”.

- Quảng Cáo -

Viện dẫn cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước”, chính quyền Việt Nam hôm 6/10 bắt giữ tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có “Phản kháng phi bạo lực”, ít giờ sau khi kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền với phía Mỹ.

Người phó của ông Destro, quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Scott Busby dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia cuộc trao đổi trực tuyến kéo dài ba giờ, trong đó đôi bên bàn thảo nhiều vấn đề như “quyền tự do biểu đạt, hội họp”.

“Việc thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản vẫn là một trụ cột mang tính sống còn trong chính sách ngoại giao của Mỹ và là điều cốt lõi nhằm củng cố thêm nữa quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam”, Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong thông cáo sau cuộc đối thoại.

Nhiều ngày sau khi chính quyền Việt Nam bắt bà Phạm Đoan Trang, báo chí Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đăng tải thông tin về vụ việc. Hôm 14/10, New York Times có bài viết với tựa đề: “Nhà hoạt động bị cầm tù để lại một bức thư. Thông điệp: Hãy tiếp tục đấu tranh”.

Một trong các nhật báo hàng đầu của Mỹ này trích dẫn bức thư đề ngày 27/5/2019 bà Trang viết về khả năng bà có thể phải “đi tù”, trong đó ký giả tự do này nói rằng “tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam”.

Washington Post, một tờ báo lớn khác của Hoa Kỳ, cũng dẫn lại câu nói này của bà Trang ngay trên tít của một bài xã luận mà một phần của nội dung nhận định rằng vụ bắt giữ nằm trong “chiến dịch đàn áp dường như gia tăng cường độ trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức 5 năm một lần, dự kiến diễn ra vào tháng Một” năm sau.

Thông cáo của Bộ Công an Việt Nam nói rằng Công an thành phố Hà Nội “đang tiếp tục điều tra” bà Trang “theo đúng quy định của pháp luật”. Tin từ bạn bè hiện quản lý tài khoản Facebook của bà Trang cho biết rằng ký giả này “đã bị di lý ra Hà Nội” từ TP HCM và luật sư Đặng Đình Mạnh hôm 12/10 đã “tiến hành đăng ký vào chữa” cho bà.

Trong cuộc đối thoại nhân quyền các năm trước đây, phía Hoa Kỳ từng nêu cụ thể các nhà hoạt động bị cầm tù ở Việt Nam. VOA Việt Ngữ có đặt câu hỏi với cơ quan về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc phía Hoa Kỳ có lên tiếng về các trường hợp nào trong cuộc đối thoại thường niên năm nay hay không, nhưng không nhận được hồi đáp.

Trước bà Trang, từng có nhiều nhà hoạt động được Việt Nam phóng thích sang Hoa Kỳ sau một thời gian thụ án tù ở Việt Nam.

Trong lá thư được nhiều tổ chức nhân quyền và các cơ quan báo chí nước ngoài trích dẫn, ký giả từng làm việc tại nhiều tờ báo ở trong nước viết rằng “tôi rất không thích bị coi là món hàng để nhà nước trao đổi”.

“Thay vì thế, tôi muốn rằng nếu mình có đi tù thì giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung, nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới”, lá thư có đoạn.

“Bản án càng dài, xin các bạn càng tận dụng nó vào việc đàm phán và gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, buộc chính quyền phải thực hiện các yêu cầu của chúng ta”.

Các cơ quan báo chí Việt Nam, trong đó có VnExpress và tờ Pháp luật TP HCM, nơi bà Trang từng có thời gian làm việc, không trích nội dung bức thư của bà mà chỉ dẫn thông tin của Bộ Công an Việt Nam khi đăng tải về vụ bắt giữ.

#phamdoantrang

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here