“…Anh càng yêu em càng hăng say
Xây cho nhà cao cao mãi…
Ôi xinh đẹp Tổ Quốc của ta…”
Ai trót bén duyên với nghề xây dựng đều phải biết đến bài Những Ánh Sao Đêm của Phan Huỳnh Điểu. Bài hát này có thể coi là ngành ca của những người làm xây dựng. Hôm qua chợt tự dưng tôi nghe thấy điện thoại của ai đó cài bài hát này làm nhạc chuông. Thế là cả một trời ký ức lại hiện về.
Tôi bỏ nghề xây dựng lâu lắm rồi. Ngày đó tôi học 5 năm ngành Kinh tế Xây dựng, nhưng ra trường một cái là về ngay Viện quy hoạch bộ Xây dựng làm mấy năm trời. Thế nên dù sau này chẳng còn làm gì dính dáng đến quy hoạch, nhưng hễ cứ có sự vụ gì động đến chuyện này là tôi vẫn rất quan tâm.
Cái ngành học này hồi trước hẻo lắm. Lứa sinh viên thời bọn tôi trong mấy khoa kiến trúc ở các trường, cứ thằng nào hơi kém mới chịu chọn quy hoạch để theo. Còn thằng nào vẽ đẹp, học hành giỏi giang thì y như rằng toàn theo các thầy đi đánh quả vẽ công trình trong mấy cái xưởng thiết kế. Tôi học bên ngành kinh tế, nhưng chơi nhiều với dân kiến trúc nên chẳng lạ gì bọn chúng nó. Đúng là chỉ có rất ít những đứa con dòng cháu giống, có bố mẹ làm ngành quy hoạch, được định hướng tử tế thì may ra mới chịu khó cắm mặt theo nghề.
Lúc học là thế, lúc ra đi làm mới thấy cái ngành này nó thảm. Làm đồ án vất vả, công tác phí thì thấp, chủ nhiệm đồ án sau khi chung chi mời mọc các kiểu thì tiền thu về chả được bao nhiêu. Đã thế, người có thẩm quyền phê duyệt các đồ án quy hoạch là ai, trình độ đến đâu, trách nhiệm thế nào thì vô cùng may rủi. Nhiệm kỳ các vị này lại ngắn mà quy hoạch thì dài. Thế nên tôi dám nói thẳng là ở Việt Nam chả có cái quy hoạch nào sống nổi quá một nhiệm kỳ của ông quan chức đã phê duyệt. Ông khác lên lại bày ra làm quy hoạch tiếp, chẳng kế thừa cái cũ, mà như chỉ nhăm nhe khoanh những thửa đất màu mỡ mới.
Cái sự ấy vì điều gì thì quý vị tự suy luận ra nhé. Cứ nhìn bộ mặt đô thị đang be bét trên cả nước thì biết. May ra được mỗi vài khu lớn lớn của mấy ông tư bản tay to thì trông còn khá. Còn trượt ra ngoài thì ôi thôi, nhếch nhác chắp vá đến phát tởm. Những vấn nạn như tắc đường, lụt lội, ô nhiễm, đầu cơ đất đai, phân hoá giàu nghèo… cũng từ chuyện quy hoạch đô thị mà ra chứ ở đâu.
Nhưng mà tôi xin nói ngay, tội ấy không thể đổ hết lên đầu những người làm chuyên môn quy hoạch xây dựng. Quy hoạch có đẹp bằng giời mà rơi vào tay ông quản lý dở thì cũng be bét. Làm quy hoạch xong là mọi thứ nó còn ở trên giấy. Còn bao nhiêu công đoạn từ chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tư, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị san nền, hạ tầng kỹ thuật rồi đến quản lý và cấp phép xây dựng cho từng hạng mục công trình nữa chứ.
Từng ấy việc nó không phải trong ngày một ngày hai là xong. Phải mất cả chục năm thì từ một đồ án trên giấy mới ra hình hài bước đầu của một khu đô thị. Chưa nói là đến chuyện chính mấy cái ông dở dở tôi nói ở trên lại là người nắm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch, sẽ hỏng từ đầu, sai từ đầu luôn. Nhưng mà chả sao, ông sau lên lại lấy tiền ngân sách cho anh em ta đi làm quy hoạch tiếp cho sang. Tiện tay phóng bút thêm vài cái cổng chào hay vài cái khẩu hiệu “đời đời” càng oách. Thế là mọi ban ngành đồng tình, quần chúng ủng hộ, khí thế xây dựng lại lên cao.
Tôi đùa vậy chứ, thực ra ước mong có được những khu đô thị tử tế không phải chỉ là mơ ước của người trong nghề hay của người dân. Năm 2017 khi nói chuyện với các doanh nghiệp, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: “Tôi muốn làm thủ đô Hà Nội tươi đẹp như Paris”. Vì cái câu nói ấy mà dân tình trên mạng tha hồ đàm tiếu trêu chọc Thủ tướng suốt cả tháng. Nhưng quả thật với cái cơ chế này thì dù Thủ tướng có thật tâm muốn vậy cũng khó. Giữ cho Hà Nội đẹp như người Pháp làm cách đây cả trăm năm còn khó, nói gì đến Paris bây giờ.
Gì chứ nói đến Paris là tôi có cả một trải nghiệm sâu sắc dù chỉ đến đó một lần từ rất lâu rồi. Số là khoảng những năm 2000 tôi đang là công chức nhà nước, làm việc ở trên Lào Cai. Chỉ là công chức quèn, không chức tước gì, nhưng ở xó núi này hồi ấy người như tôi là của hiếm lắm. Thế nên tôi được làm việc trực tiếp với đủ loại quan chức cấp tỉnh và các chuyên gia quy hoạch đô thị hàng đầu của Pháp trong một dự án quy hoạch lại Sapa. Dự án này có tham vọng là để biến Sapa thành một khu du lịch đẳng cấp quốc tế ngang tầm với những đô thị du lịch nổi tiếng của Pháp.
Khi dự án đã xong, nghiên cứu đã được phê duyệt, thế là tôi nghiễm nhiên có được một suất đi Pháp mấy ngày tháp tùng các sếp trong sở. Chuyến đi tiếng là để tham quan học hỏi kinh nghiệm quản lý đô thị nước ngoài, nhưng thực chất là sự tưởng thưởng cho bậu xậu tham gia dự án làm mát mặt cho tỉnh. Dù được ngân sách đài thọ tiền vé, được phía Pháp đưa đón và bố trí nơi ăn chốn nghỉ đàng hoàng, nhưng chúng tôi vẫn sợ lắm. Sợ vì so với Việt Nam giá cả mọi thứ ở Pháp đắt kinh hoàng. Muốn mua dăm ba thứ lặt vặt làm quà kỷ niệm cũng phải đắn đo tính đi tính lại cho kỹ. Tiền phụ cấp mỗi ngày cho mỗi người được ngân sách nhà nước cấp có bao nhiêu đâu. Như tôi nhớ là một cái bật lửa, hay một cái đeo chìa khoá in biểu tượng nước Pháp vớ vẩn bán trên nóc tháp Eiffel có giá tận hai ba trăm ngàn. Mà đấy là đồ lưu niệm Tàu làm thôi, chứ những thứ đích thị của người Pháp sản xuất ra thì đừng có mơ.
Có lần giữa những buổi tiếp đón chính thức của người ta, chúng tôi có một buổi đi tự do tham quan thành phố. Mấy ông Việt Nam áo sống trịnh trọng lơ ngơ đi dạo bên bờ sông Seine mà lòng thấy run rẩy, chả dám mua bán gì. Ngó nghiêng đi lại dăm chỗ mãi rồi cũng đến giờ buổi trưa, ông sếp tôi mới ngỏ ý mời anh em ăn gì đó. Đang đói bụng, tiền trong túi thì ít, đầu thì vẫn đang ủ mưu mua gì làm quà, anh em được lời như cởi tấm lòng, thiếu nước vẫy đuôi như chó cảnh. Thế là mấy thầy trò mạnh dạn ghé vào một cái quầy nhỏ ở dọc đường để mua dăm cái bánh Hamburger, dăm bịch Coca đựng trong cốc giấy dùng một lần. Rồi mua xong cả đám lố nhố kéo ra ghế đá vườn hoa mà vừa đứng vừa ngồi để ăn trưa với nhau. Mỗi có thế thôi mà tôi nhớ tính ra mất hơn triệu bạc. Ông sếp giám đốc sở ngồi phanh comple, vừa nhá Hamburger vừa làu bàu: “bằng này tiền thì ở nhà tao làm nồi Thắng Cố hai chục người ăn chả hết…”. Anh em vừa nhai vừa gật gù hỉ hả đồng tình với sếp.
Chuyện bên lề là thế, nhưng chúng tôi cũng được mời xem khối thứ hay ho của nước Pháp. Những thứ mà có lẽ du khách bình thường đến đây không thể nào biết. Nào thì cơ cấu điều hành bên trong toà thị chính. Nào thì cơ quan quản lý phố cổ. Rồi cả các trường đại học, các văn phòng của những tập đoàn xây dựng và thiết kế hùng mạnh nhất châu Âu. Ấn tượng nhất là hệ thống quản lý và cấp phép xây dựng đô thị.
Ở Pháp mỗi thành phố đều có một cơ quan lưu trữ hồ sơ xin phép xây dựng khổng lồ, hiện đại. Tất cả hồ sơ không chỉ được lưu trữ rất khoa học mà còn được số hoá nghiêm chỉnh, có thể tra cứu qua mạng internet. Giả sử bạn đang ở trong một ngôi nhà cổ xây dựng từ thế kỷ 19 chẳng hạn. Nếu bạn cần đóng đinh treo một bức tranh lên tường mà không chắc bức tường đó có dây điện hoặc ống nước ngầm hay không, thì bạn có thể chui vào cơ quan lưu trữ để tra cứu hồ sơ thiết kế là ra ngay.
Hồ sơ luôn có ở đó, dù ngôi nhà có tuổi đời đến hàng trăm năm. Còn nếu bạn muốn xây nhà mới, cứ việc tự làm hồ sơ, hoặc thuê công ty chuyên môn làm thiết kế theo đúng quy hoạch. Làm đúng thôi là người ta phê duyệt và lưu hồ sơ lại. Chủ sau của một ngôi nhà cần gì thì hồ sơ lưu có hết. Xây mới hay sửa chữa cứ đúng luật mà làm chẳng ai hạch sách gì cả. Người ta làm được thế từ cả trăm năm trước mới có một Paris đẹp như mơ bây giờ. Bao nhiêu đời thủ tướng đi nữa thì nước Pháp vẫn đẹp lên thôi.
Sau này tôi về Hà Nội bỏ hẳn nghề xây dựng. Ông sếp tôi hồi ấy thì về hưu rồi, và hình như cũng đang sống đâu đó trong một khu đô thị mới ở ven Hà Nội. Mấy hôm trước tôi có dịp ghé qua Sapa chơi thì thị trấn ngày nào đã thành thị xã. Nhưng cái đống nhà cửa lổn nhổn ở đó bây giờ trông ngày càng thảm hại. Đừng nói đến được tầm “khu du lịch đẳng cấp quốc tế” như người ta từng nói khi làm quy hoạch ngày xưa.
Ôi xinh đẹp Tổ Quốc của ta… bây giờ Phan Huỳnh Điểu mà còn sống không biết ông viết gì tiếp…
Buồn lắm, nhưng vẫn… yêu thương tất cả
#nguyenxuanphuc