Phạm Nhật Bình- Việt Tân
Trước mỗi kỳ đại hội đảng CSVN, công tác sắp xếp nhân sự của ban chấp hành trung ương bao giờ cũng chiếm nhiều thì giờ sàng lọc và thu hút sự tò mò của dư luận về kết quả cuối cùng. Vào giữa tháng Năm, 2020, hội nghị trung ương 12 bế mạc vào ngày 14 tháng Năm, vấn đề sắp xếp nhân sự không đi đến một kết luận dứt khoát nào, nhất là ở 4 vị trí mà người ta thường gọi tắt “tứ trụ triều đình” gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội.
Ngày 5 tháng Mười tới đây, hội nghị trung ương 13 sẽ nhóm họp để tiếp tục bàn về vấn đề nhân sự cấp cao. Nhưng nghe đồn rằng vấn đề ai đi, ai ở vẫn còn là đề tài gay cấn nhất. Nếu không giải quyết xong kỳ này thì phải có thêm hội nghị của trung ương 13 B. Nói cách khác, trung ương 13 trong tháng Mười sẽ đóng một dấu ấn quan trọng trong việc ấn định ai sẽ nằm trong tứ trụ, sau khi Bộ Chính Trị sắp xếp xong thành phần nhân sự ở 67 tỉnh, thành phố và một số đảng bộ trung ương.
Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm ngoài nhân sự “tứ trụ” là bài viết mới đây của trang Vietnamnet, cố tình tô đậm câu nói của ông Trọng rằng: “Đại hội XIII sẽ là Đại hội không chạy chức.”
Cho đến nay, đảng Cộng Sản Việt Nam đã tổ chức qua 12 kỳ đại hội, đâu có đại hội nào mà lãnh đạo lại thành khẩn khai báo như đại hội lần này là “không chạy chức” – hóa ra là các đại hội khác đều có chạy chức. Chính vì chạy chức nên cần tiền mà muốn có tiền thì phải tham nhũng. Cái vòng lẩn quẩn của một chế độ độc tài là như thế, mỗi chức đều có giá từ 1 triệu đến vài chục triệu Mỹ Kim.
Vì thế khi báo Vietnamnet tô đậm câu nói của ông Trọng “Đại hội không chạy chức,” bao trùm ý nghĩa tốt đẹp là đại hội 2021 không có đút lót, không dùng tiền bạc, tài sản… để chạy cửa sau. Nhưng thử hỏi hai vụ án nóng nhất mới đây: “đồng chí Thiếu Tướng Công An Nguyễn Đức Chung – Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội” và “đồng chí Bác Sĩ Nguyễn Quốc Anh – Giám Đốc Bệnh Viện Bạch Mai” đã trở thành củi và bị đưa vào lò nướng tham nhũng vì khởi tố tội tham ô. Đã ở những trách vụ cao như thế mà phải tiếp tục tham ô, cho thấy rằng hai “đồng chí” Chung và Anh vẫn đang rất cần tiền để chạy lên những chức cao hơn và tốn kém nhiều hơn.
Cho nên, khi hai “đồng chí” Nguyễn Đức Chung và Nguyễn Quốc Anh bị ngã ngựa, người ta mới biết là việc thăng quan tiến chức của các cán bộ lãnh đạo đều là cuộc ngã giá ở phía sau. Nói cách khác, hậu trường chính trị cũng không khác hậu trường sân khấu với những bí ẩn và nguy hiểm khó lường.
Bởi thế ở bất cứ chế độ độc tài nào, độc tài cộng sản hay độc tài giả danh dân chủ cũng tồn tại nhiều phe phái cạnh tranh nhau quyết liệt trong bóng tối. Đảng CSVN mà bộ máy thống trị dựa trên nguyên tắc “tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách” cũng không thoát khỏi cảnh ngoài mặt thì đoàn kết, bên trong thì năm bè bảy mối. Tuy nhiên sự tranh chấp trong đảng đến một giới hạn nào đó, các phe phái có thể thoả hiệp nhau để cùng nhau tồn tại.
Mà đã là tập thể thì phải có tay chân, có đàn em, có phe trung ương, có phe địa phương, chưa kể phe đảng, phe đoàn. Cho nên ông Trọng càng giơ cao biểu ngữ không chạy chức, chạy tiền, chạy quyền thì càng lộ ra đó chỉ là chiêu bài mị dân. Không phải bây giờ mà đã từ lâu, mị dân là chính sách bất thành văn của đảng, những người cộng sản các cấp đã xử dụng nhuần nhuyễn đi đến thành công.
Vả chăng trong đảng, Ban Tổ Chức Trung Ương vốn là một nơi lui tới quá quen thuộc của những cán bộ muốn tiến thân trên chốn quan trường xã hội chủ nghĩa. Đã có một thời hoàng kim của Ban Tổ Chức Trung Ương thời bao cấp do Lê Đức Thọ làm trưởng ban với quyền sinh sát tuyệt đối trong tay, nên được cán bộ các cấp đặt hỗn danh “Sáu Búa.” Hoặc có thể nói, đại hội 13 là đại hội không chạy chức, phải chăng ông Trọng cũng gián tiếp thừa nhận những kỳ đại hội trước đã có những màn chạy chức, chạy quyền diễn ra.
Ngày hôm nay trong tứ trụ có phe Nguyễn Phú Trọng – Trần Quốc Vượng, phe Nguyễn Xuân Phúc và phe Nguyễn Thị Kim Ngân. Ba phe này có những mạnh yếu khác nhau trong cuộc tranh chấp gay cấn chức vụ tổng bí thư đảng. Nhưng người ta phải thừa nhận, kịch chiến với nhau chỉ có hai phe Nguyễn Phú Trọng – Trần Quốc Vượng và phe Nguyễn Xuân Phúc.
Nay lại có tin đồn Ba Dũng đứng sau Nguyễn Xuân Phúc, ủng hộ Phúc giành chức tổng bí thư kỳ này sau khi lật đổ Nguyễn Đức Chung, đưa ghế chủ tịch Hà Nội về phe chính phủ. Còn Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân được đánh giá yếu nhất, bất quá chỉ có thể làm bù nhìn hay về hưu mà thôi vì quá hạn tuổi 65.
Vậy ngày 5 tháng Mười sắp tới đây, trận chiến quyết liệt sẽ diễn ra giữa hai phe Nguyễn Phú Trọng – Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc. Cả hai nhân vật này khi vào đại hội 13 đều quá tuổi 65, nên sẽ không được tái cử vào Bộ Chính Trị theo điều lệ đảng. Như vậy cũng có nghĩa cả hai người đều vuột ghế tổng bí thư, nếu không có sự miễn giới hạn độ tuổi. Chuyện này có thể xảy ra, nếu cả hai có được sự ủng hộ cần thiết trong Ban Chấp Hành Trung Ương.
Một nhà phân tích chính trị đang làm việc tại Singapore – ông Lê Hồng Hiệp trong bài viết “Liệu Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có ở lại sau Đại hội 13” cho rằng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ ủng hộ và giới thiệu Trần Quốc Vượng vào vị trí tổng bí thư thay thế mình, tiếp tục “di sản đốt lò” của người tiền nhiệm.
So với đương kim Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, cá nhân Trần Quốc Vượng không đủ mạnh để có được hậu thuẫn của đa số ủy viên trong Ban Chấp Hành Trung Ương. Cho dù có được sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Trọng, xem ra Trần Quốc Vượng khó lòng giành được chiếc ghế cao nhất đảng. Bởi vì sự ủng hộ của ông Trọng vào thời điểm này cũng chỉ là tiếng nói của một người vừa hết thời vừa bệnh hoạn.
Trong lúc ấy Nguyễn Xuân Phúc sau 4 năm giữ chức thủ tướng, từng bước đã xây dựng được sự ủng hộ khá rộng rãi từ các uỷ viên đang nắm quyền ở các địa phương. Tuy nhiên đây cũng là điều bất lợi vì ông Phúc phải đối mặt với sự chỉ trích của khuynh hướng bảo thủ trong đảng rằng ông sẽ không nhiệt tình mấy với nạn tham nhũng trong chính phủ, tức coi nhẹ sự tồn vong của đảng. Ngoài ra nguồn gốc vùng miền cũng là điều phải tính tới, vì chắc chắn ông Phúc không đạt được điều kiện một “người Bắc, có lý luận!” Từ ngày thành lập, trải qua 12 kỳ đại hội, tổng bí thư người gốc Miền Trung không quá 3 người.
Đây mới là kịch tính của một vở bi hài kịch chỉ thực sự bộc lộ trong những kỳ đại hội đảng, điển hình là màn song đấu giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng trong đại hội XII. Kỳ này nếu Trần Quốc Vượng thắng thì Trọng lui về giữ ghế thái thượng hoàng, có thể tiếp tục kiểm soát hoạt động đảng qua trò chơi đốt lò phe địch, che giấu dưới cái vỏ bọc chống tham nhũng.
Còn nếu Nguyễn Xuân Phúc thắng, quyền lực sẽ nghiêng nhiều về phe chính phủ như thời Nguyễn Tấn Dũng. Lúc đó quyền lực của đảng phải chịu giảm thiểu vì sự chia sẻ quyền lực tất yếu phải có.
Tác giả Lê Hồng Hiệp kết luận rằng “Nếu ông Trọng không thể đảm bảo cho ứng viên mà ông chọn, ông có thể muốn tiếp tục ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa.” Đối với ông Trọng đây là một giải pháp có lợi nhất cho bản thân, cho phép ông kiểm soát quyền lực ít nhất trong hai năm trước khi chuyển giao ghế tổng bí thư một cách êm xuôi cho người mà ông chọn. Nhưng liệu ông Trọng có thực hiện được kịch bản này trong tình trạng sức khoẻ bấp bênh, đầu óc lú lẫn hiện nay của ông?
Trong bối cảnh cuộc xung đột Mỹ – Trung và tình hình Biển Đông biến động từng ngày, nhìn chung ai cũng cho rằng ông Phúc nên thay ông Trọng. Với Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, người ta hy vọng Việt Nam có thể chuyển hướng đi gần Mỹ hơn thay vì trụ vào quan điểm của Bắc Kinh và chính sách “3 không” đã phá sản từ lâu. Nhưng tham vọng của người cộng sản “có lý luận,” thuộc làu kinh điển Mác-Lênin nhiều khi che mất lý trí và không còn coi dân tộc là mục tiêu theo đuổi.
Chung quy lại, trận chiến ngày 5 tháng Mười tới đây – hội nghị trung ương 13 quả thật là một chiến trường vô cùng phức tạp.
Phạm Nhật Bình
#daihoi13