Nghèo không có tội

- Quảng Cáo -

Chu Mộng Long|

Lời ngỏ: Làm nhà giáo dục mà chê dân ngu và nghèo là tội không thể tha thứ được. Nó tệ hơn vi phạm điều cấm mà Đạo đức nhà giáo đã quy đinh: Cấm thầy cô giáo chê học sinh ngu (có lẽ cả nghèo). Vì dân nghèo và ngu không phải do giáo dục thì do ai? Cho nên, tôi không còn có thể dùng nhã ngữ để nói về thầy cô giáo loại này, mong các bạn thông cảm!

——-

Tôi đã từng nghèo, rất nghèo. Nghèo đến mặc áo toác lưng, quần rách đít đi học suốt thời bao cấp, từ phổ thông đến đại học. Và tôi biết, nhiều thầy cô giáo thời đó cũng như tôi, trừ một số người sinh ra trong gia đình có của ăn của để do ông bà cha mẹ tích luỹ từ trước, hoặc gia đình các quan ngồi chỗ béo bở. Tôi đã nỗ lực học hành và vượt lên chính mình bằng năng lực trí tuệ, bằng công sức lao động của mình, cho nên tôi, trước sau vẫn không quên người nghèo và khẳng định: Nghèo không có tội!

- Quảng Cáo -

Sinh thời, khi thấy tôi đã có nhà cửa, có cái ăn và của để, ba tôi dặn dò: “Con làm thầy giáo mà nếu không quan tâm đến người nghèo thì không thể có tư cách dạy dỗ ai”. Tôi trả lời ông: “Con hiểu ba nói gì. Cốt của thầy giáo là lương tâm. Lương tâm dành cho ai nếu không dành cho người nghèo. Đó là đạo đức tối thiểu. Không có lương tâm ấy, thầy giáo chỉ có thể lên lớp dạy học trò toàn những điều ba hoa, dối trá!”

Và tôi quyết làm điều ba tôi tâm nguyện. Càng ngày tôi càng hiểu, chức năng của giáo dục là giúp cho dân giàu trước, rồi mới nói đến chuyện làm giàu cho mình. Tôi đã nỗ lực và tôi đã bất lực và tự sỉ vả mình.

Nay trong vụ tăng giá sách giáo khoa, các giáo sư tiến sĩ, tức bậc thầy của các thầy, lạnh lùng biện bạch rằng, muốn học thì phải chi nhiều tiền mua sách để người làm sách, in sách không bị lỗ, mặc dù họ đã ngốn 34 ngàn tỷ ngân sách từ vay vốn ODA và bắt dân phải còng lưng ra trả!

Lạnh lùng hơn nữa là một cựu giảng viên ở Đại học Thái Nguyên, vì để bảo vệ cho phi vụ buôn sách của các thầy mình, đã tuyên bố xanh rờn, rằng nghèo thì đừng đẻ con, lỡ đẻ con thì phải bỏ tiền ra mà nuôi dạy tử tế! Lâu nay anh ta chửi quan chức tham nhũng, chửi giáo dục Nho giáo cổ hũ, đòi hiện đại hoá, văn minh hoá, tôi tin và yêu anh ta, bây giờ thì vỡ nhẽ. Té ra là con buôn cũng cần hiện đại, văn minh, nhưng chỉ nghĩ đến… tiền. Tiền đã lột mặt nạ đạo đức, dù nó nhân danh đạo đức hiện đại của kinh tế thị trường.

Với lý luận ấy, các bạn không ngạc nhiên khi bà Phó giáo Nguyễn Hoàng Ánh tuyên bố chính thống rằng, phụ huynh mới là lực cản của cải cách giáo dục!”. Tôi đọc hết cả bài dài và tóm ý bà đưa ra về cái lực cản đó chính là do phụ huynh nghèo và ngu! Nghèo không có tiền nên đòi giáo dục giá rẻ. Ngu vì không hiểu “tiền nào của nấy”, không hiểu giáo dục của các nước còn tốn kém và nặng nề hơn giáo dục của ta! Bà làm như chỉ có bà mới biết giáo dục ở nước ngoài, còn lại thì bị mù?

Sáng nay lại thấy một người bạn khác ở Đại học Sư phạm Hà Nội, người mà tôi từng tin yêu khác, bề ngoài tỏ ra không bênh vực gì cho bà phó Ánh, nhưng khi dẫn câu chuyện một Việt kiều nói về nội dung giáo dục cái gì, hàm ý bạn ấy vẫn khẳng định “tiền nào của nấy”! Và vẫn hàm ý đổ lỗi do phụ huynh nghèo và ngu, do giáo dục gia đình không đúng cách!

Đem so sánh giáo dục Việt Nam với giáo dục của các nước văn minh rồi đòi “tiền nào của nấy” là lý luận nguỵ biện của kẻ bất lương. Sao không so sánh giáo dục của nước văn minh dù có nhiều sách đi nữa thì có phải là sách nhồi đủ thứ tri thức phi thực tế như sách của ta không? Sao không so sánh kinh tế thị trường của họ với kinh tế thị trường của ta, một bên cạnh tranh tự do, sòng phẳng và một bên là thị trường giả tạo để lũng đoạn và vẫn độc quyền? Sao không so sánh thu nhập của dân các nước văn minh với thu nhập của dân ta, khi mà trừ thiểu số người trung lưu, còn lại đến 80, 90 phần trăm dân thuộc diện thu nhập quá thấp?

Có bị mù mới không thấy một gia đình trung lưu Việt Nam, chỉ cần nuôi hai đứa con từ phổ thông đến đại học đã kiệt sức và rơi xuống nghèo đói. Trách họ rằng, ai khiến nghèo mà đẻ con ư? Họ không đẻ con thì lấy ai lao động, nộp thuế mà nuôi cái mồm các người để các người leo lẻo đủ thứ đạo đức, văn minh?

Ăn của dân rồi chê trách dân ngu và nghèo, sao không đặt câu hỏi, rằng ai đã làm cho dân ngày một ngu và nghèo đi? Chẳng lẽ lần nữa quy tội cho giáo dục phong kiến, thực dân?

Tôi khuyên, nếu các bậc thầy của các thầy muốn có nhiều tiền thì hãy nhìn trực diện vào túi tiền của dân và cố gắng làm cho dân giàu lên đã. Đó là cái nhìn vừa đúng nghĩa của kinh tế thị trường, vừa đảm bảo lương tâm của một con người. Có nghĩa là cứ sòng phẳng rằng cái túi dân còn bao nhiêu để bòn vét, chứ đến khi vét sạch cả nồi… thì chẳng nhẽ bậc thầy của các thầy phải ăn… giẻ rách, hay nói như dân gian là “ăn chó cả lông”, “uống luôn cả cặn”? Con dân có ăn học để thành tài thì quốc gia mới phát triển, túi dân mới có nhiều tiền để móc chứ không thì chỉ có lôi ra toàn giẻ rách thật. Dân vừa nuôi con vừa còng lưng ra gánh nợ ODA đấy! Đừng giàu trí tưởng bở, rằng tiền ODA là vốn của nước ngoài, chúng tao cứ móc mà không ảnh hưởng gì đến dân chúng mày!

Chu Mộng Long

#giáodụcvn #sáchgiáokhoa

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here