Vụ án Đồng Tâm đã kết thúc phiên sơ thẩm vào ngày 14 tháng Chín năm 2020, bằng hai án tử hình đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức cùng một án chung thân đối với ông Lê Đình Doanh. Ngoài ba người này, nhiều án tù cao, bị áp lên 26 người còn lại.
Dư luận trong nước, ngay sau đó lên án mãnh liệt với khái niệm “tru di tam tộc” dành cho đại gia đình ông Lê Đình Kình – người đảng viên gần 60 năm tuổi đảng và chưa hề bị bất kỳ kỷ luật nào về mặt đảng cũng như chưa một lần phạm pháp – bị bắn chết vào rạng sáng ngày 9 tháng Giêng năm 2020.
Khái niệm “tru di tam tộc” của thời phong kiến, nhằm chỉ ra ba họ phải bị tuyệt diệt, gồm: họ cha (tức là họ của cha ông Lê Đình Kình), họ mẹ (tức là họ của mẹ ông Lê Đình Kình) và họ vợ (tức là họ Dư – bà Dư Thị Thành – vợ ông Kình).
“Tru di tam tộc” là luật hẳn hòi, nhằm để tránh sự nổi dậy của những người bị triều đình kết án. Người bị kết án “tru di tam tộc” phải lâm vào trọng tội “khi quân phạm thượng” hoặc không còn “trung quân ái quốc”.
Do đó, cái chết của ông Lê Đình Kình cùng việc kết án hai con trai và cháu nội cần nhìn dưới góc độ pháp luật của thời đại độc đảng toàn trị ngày nay.
Dù một số người lầm lẫn khái niệm “tru di tam tộc” nhưng thảm họa của đại gia đình ông Kình không thể làm lu mờ nhân ảnh người CSVN phản chiếu qua nhiều góc độ; từ phía nạn nhân, từ phía luật sư, từ phía kết án và từ phía dư luận trong và ngoài nước.
Nhiều người cho rằng, vụ án Đồng Tâm là vụ án phức tạp và mang tính điển hình về xung đột đất đai giữa người dân và ĐCSVN suốt 45 năm qua, tính từ 1975.
Thất bại
Thất bại về pháp trị
Vụ án Đồng Tâm đã bộc lộ toàn bộ tính phi hệ thống của pháp luật nước CHXHCNVN cùng nền tư pháp gục ngã hoàn toàn dưới bàn tay công an trị.
Bằng cách vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục tố tụng, phía kết án đã đẩy nền pháp trị của nhà nước CHXHCNVN trở về “thời sơ khai” của nhà nước VIệt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, dưới hình thức thanh trừng kẻ phản đảng kết hợp với trả thù tàn khốc. Người dân có thể hiểu được “thời sơ khai” này, bởi lúc bấy giờ miền Bắc đang ở giai đoạn chiến tranh với xã hội hoàn toàn bịt kín như “Đêm Giữa Ban Ngày” [*] trong một xã hội độc đảng. Nhưng ngày nay thì không.
Bằng cách kết án không cần thực nghiệm hiện trường, không cần suy đoán vô tội và nhiều “không cần” khác, phía kết án đã phản bội Cương Lĩnh ĐCSVN và kết liễu Hiến pháp của nhà nước CHXHCNVN.
Thất bại về tuyên truyền
Những khuất tất xoay quanh 3 cái xác của phía gọi là “thi hành công vụ” vẫn tiếp tục được “đào xới” cùng với những hoài nghi quanh các vết đạn trên thân thể ông Kình làm nhức nhối lương tri con người.
Dư luận vẫn loay hoay và hí hoáy tìm hiểu uẩn khúc phía sau vụ án, qua những thông tin và hình ảnh rò rỉ trên các trang mạng xã hội.
Dư luận vẫn không thôi xót xa về hai án tử hình bị cho là “giết người” cùng danh hiệu gần 60 năm tuổi đảng của ông Lê Đình Kình đầy chua chát và đủ ê chề.
Nhân tâm ly tán mãnh liệt hơn qua vụ án Đồng Tâm, làm cho khái niệm “đoàn kết toàn dân” trở nên thảm hại hơn bao giờ hết.
Cùng với đó, người ta ngỡ ngàng trước những đại từ nhân xưng ngôi thứ ba như: “thằng già”, “kẻ phản bội”, “cu Kình” v.v… xuất hiện cùng với những mạ lị, chửi bới thật nghiệt ngã, ẩn nấp dưới tên gọi “quyền tự do ngôn luận”. Cảnh tượng bát nháo chữ nghĩa lại thêm một dấu hiệu thất bại tuyên truyền của ĐCSVN.
Tất cả các quốc gia theo đuổi Chủ nghĩa Cộng Sản đều có bộ máy tuyên truyền khổng lồ và tinh vi nhưng “bộ phận dân vận” đều nằm trong đó. Duy chỉ có ĐCSVN, có riêng hệ thống Dân Vận từ trung ương đến địa phương với bà Trương Thị Mai đứng đầu. Bộ máy đồ sộ của Ban Dân Vận trải dài như thế, dư luận không hiểu hàng ngàn con người đó đang nghĩ gì và có định làm gì với “hậu” vụ án Đồng Tâm (?), dù ngày ngày họ vẫn đến cơ quan và đều đều lãnh lương hàng tháng (!).
Dường như Hội Nông Dân, Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến Binh, Hội Thanh Niên, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh v.v… tất thảy đều cấm khẩu trước thảm án làng Đồng Tâm, ngoại trừ vai trò tuyên truyền đang cố gắng chống chọi với dư luận trong những ngày qua (!).
Cùng ý thức hệ với nhà cầm quyền CSTQ, “nhân dân” luôn trở thành “nhân vật chủ chốt” để nhà cầm quyền CSVN kêu gọi “một lòng theo đảng” trong tất cả xung đột đối nội và đối ngoại, khi cần giải quyết.
Và tại ngay tâm điểm “lòng dân” đó, hình ảnh rũ rượi lập lòe cùng tiếng khóc ai oán cất lên từ những người dân làng Đồng Tâm nhận án treo, trước mộ phần đầy cỏ xanh của ông Lê Đình Kình chập chờn trong đêm tối, bỗng trở nên ám ảnh dư luận dữ dội và chúng hoàn toàn đối nghịch với tư thế an nhiên cùng giọng nói bình thản của tất cả các ông (bà) có chân trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang nhóm họp để bàn chuyện quốc gia đại sự, trong những ngày này (!)
Thành công
Nói về thất bại, tất phải nói đến thành công (của ĐCSVN) qua vụ án Đồng Tâm.
Dù thất bại nặng nề với nền pháp trị sơ khai và bộ máy tuyên truyền thô vụng, nhưng ĐCSVN có thành công không thể chối cãi được. Đó là phía sau các bản án oan khiên và phi pháp, “tính Đảng” vẫn không hề sứt mẻ với nguyên tắc hàng đầu: “Lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách”. Điều đó cho thấy, toàn thể Bộ Chính Trị vẫn “đồng tâm” bằng thái độ “im lặng là vàng” trước người đảng viên gần 60 năm tuổi đảng – Lê Đình Kình – cho đến cuối đời, vẫn đặt trọn niềm tin vào đảng!
Kết
Đảng của dân, Nhà nước cũng của dân – như người CSVN vẫn nói và luôn nói. Chính nó từ dân nuôi nấng, bảo bọc – cũng người CSVN vẫn nói và luôn nói như thế. Để hôm nay người Việt Nam trong và ngoài nước đang chứng kiến một quốc gia xác xơ về nhân cách với lòng thù hận ngút ngàn và sự chia rẽ xã hội trầm trọng!
Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam – Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tái khẳng định trước Liên Hiệp Quốc, Việt Nam cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vào ngày 14 tháng Chín năm 2020, tức ngay hôm hai con trai và cháu nội ông Lê Đình Kình nhận bản án nghiệt ngã!
“Nữ thần nhân quyền” hay “nam thần nhân quyền”, nếu có, chắc đang chết đứng và cứng họng …!
____________________
[*] Tác phẩm của nhà văn Vũ Thư Hiên
#Đồngtâm