Sống và làm việc theo pháp luật. Pháp luật bình đẳng cho mọi người, từ chủ tịch nước cho đến thứ dân. Nhưng không phải ai cũng nắm rõ pháp luật. Và trong thực tế, pháp luật có được áp dụng đúng không?
Xin mời đọc bài BÀO CHỮA BẢO VỆ THÂN CHỦ CỦA LS LÊ VĂN HOÀ trong vụ án Đồng Tâm để hiểu thêm về pháp luật và thực thi pháp luật.
—————–
Hà Nội, ngày 09/09/2020
LUẬN CỨ BÀO CHỮA CHO 04 BỊ CÁO TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM VỤ ÁN ĐỒNG TÂM
Kính thưa Hội đồng xét xử!
Thưa các vị đại diện Viện kiểm sát thành phố Hà Nôi!
Thưa các Luật sư đồng nghiệp và những người có mặt tại phiên tòa!
Tôi – Luật sư Lê Văn Hòa (Văn phòng luật sư Lê Văn Hòa, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) là người bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 04 bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy, Trần Thị La, bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và quá trình tham gia tố tụng vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm từ ngày 7/9/2020 đến nay (sau đây tôi viết tắt là “Vụ án Đồng Tâm”), tôi xin trình bày bản Luận cứ bào chữa cho 04 bị cáo như sau:
Tại các Kiến nghị trước của cá nhân tôi (cũng như các Kiến nghị tôi ký chung với các Luật sư đồng nghiệp bào chữa miễn phí bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo theo lời mời của thân nhân họ) gửi cho các cơ quan tiến hành tố tụng Vụ án Đồng Tâm, chúng tôi đã đề cập, phản ảnh, góp ý nhiều nội dung với ý thức xây dựng để nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Tôi cũng không khẳng định hay bác bỏ hành vi của 04 bị cáo mà tôi bảo vệ có cấu thành tội “Giết người” hay không, bởi với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an thành phố Hà Nội thu thập, cũng như quá trình Truy tố, Xét xử là chưa đảm bảo tính khách quan. Nếu chỉ dựa trên các nguồn chứng cứ này để kết tội họ thì tôi e rằng Hội đồng xét xử sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng khó mà khắc phục!
Tôi dự cảm rằng, hình phạt mà Cơ quan truy tố “Tặng” cho các bị cáo sẽ vô cùng nặng nề, nếu Hội đồng xét xử chỉ căn cứ vào đề xuất của Viện Kiểm sát Hà Nội để ra bản án thì oan sai khó mà tránh khỏi!
Vì những lý do ở trên, trong bài bào chữa của mình tôi sẽ không đi vào phân tích động cơ, mục đích, tính chất của các hành vi phạm tội của 04 bị cáo (như cáo buộc trong Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng như trong Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội) để đề nghị Hội đồng xét xử lưu ý khi ra bản án.
Tôi cũng như nhiều người có lương tri, là vô cùng đau buồn trước SỰ CỐ ĐỒNG TÂM với sự thiệt mạng của 04 người vào rạng sáng ngày 09/01/2020 (gồm 03 Sĩ quan Cảnh sát và 01 người dân Đồng Tâm, là ông Lê Đình Kình) và việc phải mang thương tật suốt đời của một số người dân khác mà hôm nay họ đang phải ngồi đây với thân phận bị cáo. Đáng lẽ ra những người có trách nhiệm phải lường trước sự việc để không cho nó xảy ra!
Để góp phần sửa chữa, khắc phục sai lầm có thể còn xảy ra, tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, trả hồ sơ vụ án cho cơ quan truy tố để điều tra bổ sung làm rõ những nội dung đặc biệt quan trọng sau đây:
1- Tính pháp lý của thửa đất 59 ha ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Là đất nông nghiệp thuộc quyền quản lý của chính quyền xã Đồng Tâm hay là đất quốc phòng thuộc quyền quản lý của Quân chủng Phòng không-Không quân (Bộ Quốc phòng). Đây chính là nguyên nhân sâu sa, nguyên nhân trực tiếp, nhưng không được UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng kết luận rõ, khách quan nên đã xảy ra sự cố Đồng Tâm 4/2017 và 09/01/2020.
2- Tính pháp lý của Cuộc hành quân của hàng ngàn Cảnh sát cơ động Hà Nội cùng một lực lượng Công an khác của Bộ Công an vào Đồng Tâm đêm 08/01 và rạng sáng ngày 09/01/2020. Do cấp nào quyết định? Và đúng hay sai?
3- Cần tổ chức thực nghiệm điều tra để làm rõ cái chết của 3 cảnh sát. Bởi các tài liệu trong hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra chưa thuyết phục. Cuộc thực nghiệm điều tra cần sự có mặt của các Luật sư hỗ trợ pháp lý cho bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình (Lê Văn Hòa, Ngô Anh Tuấn, Đặng Đình Mạnh) và các thành phần khác theo quy định của pháp luật.
4- Cần làm rõ cái chết mang nhiều uẩn khúc của ông Lê Đình Kình.
Kết luận điều tra và Cáo trạng cho rằng do ông Lê Đình Kình chống trả nên lực lượng cảnh sát cơ động đã chủ động bắn chết ông. Việc kết luận như vậy chưa làm rõ các hành vi, chưa chứng minh được hành vi có tính nguy hiểm đến mức phải tiêu diệt. Đặc biệt, theo lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu, thì ông Lê Đình Kình bị bắn trực diện ở cự ly 1m chứ không phải bị bắn từ phía sau lưng với cự ly 2,5m như cáo buộc của Cáo trạng và Kết luận điều tra.
Ông Lê Đình Kình có địa chỉ cư trú rõ ràng là thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Ông không phạm tội quả tang, cũng không phải tội phạm bị truy nã. Nên theo quy định tại khoản 3, Điều 113 bộ luật TTHS năm 2015, thì không được phép bắt ông vào ban đêm (từ 22 giờ đến 6 giờ). Như vậy, nếu ông trở thành bị can của vụ án nói trên, và nếu ông phải chấp hành lệnh bắt tạm giam, thì cơ quan tố tụng chỉ có thể bắt ông giữa “thanh thiên bạch nhật”.
Ông Lê Đình Kình không phải là bị can trong vụ án nào, không phải chấp hành lệnh tạm giam. Ông đang sống bình yên tại nhà mình. Như vậy, chỗ ở của ông là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Không ai được tự ý vào chỗ ở của ông nếu không được ông cho phép (theo quy định tại Điều 22 Hiến pháp năm 2013).
Tính mạng của ông được pháp luật bảo hộ và không ai được quyền tước đoạt mạng sống của ông trái luật (theo quy định tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013).
Lực lượng CSCĐ đã đột nhập nhà ông Lê Đình Kình vào lúc nửa đêm mà không được ông cho phép. Như vậy, lực lượng này đã vi phạm Điều 22 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCNVN và vi phạm điều 158 BLHS năm 2015 (tội xâm phạm chỗ ở của người khác), mà đây lại là việc xâm phạm có tổ chức. Tội này được quy định tại điểm a, khoản 2 điều luật trên, có khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù.
Không chỉ xâm phạm trái phép, lực lượng này còn đánh, bắn chết ông, tước đoạt mạng sống của ông trái luật, vi phạm Điều 19 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCNVN. Vi phạm khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015, với 2 tình tiết tăng nặng là giết người có tính chất côn đồ và có tổ chức (điểm n và điểm o).
5- Đề nghị Hội đồng xét xử khởi tố tại phiên tòa vụ án “Giết người” theo đơn Tố cáo-Đề nghị khởi tố của bà Dư Thị Thành (sinh năm 1950, trú tại xóm 1A, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) – bà Dư Thị Thành là vợ ông Lê Đình Kình.
Cá nhân tôi cùng với 02 Luật sư đồng nghiệp, gồm: Luật sư Ngô Văn Tuấn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), Luật sư Đặng Đình Mạnh (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) là người hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Dư Thị Thành, trong việc tố cáo-đề nghị Khởi tố vụ án “Giết người” đối với sự việc chồng bà là ông Lê Đình Kình bị lực lượng Cảnh sát cơ động-Công an thành phố Hà Nội giết chết trong sự kiện Đồng Tâm rạng sáng ngày 09/01/2020.
Trân trọng!
Người bào chữa
Luật sư Lê Văn Hòa
#Đồngtâm