Giang Tử – (VNTB) – Tòa cạn kiệt khả năng tranh biện với luật sư rồi ư ? Hay là, Tòa nhận chỉ đạo xong sớm, đặng tránh quần chúng theo dõi lâu phát sinh tiêu cực ?
***
Dự kiến tòa xét xử 10 ngày.
Ba ngày, Tòa đã thu vén cho xong sớm.
Tòa cạn kiệt khả năng tranh biện với luật sư rồi ư ?
Hay là, Tòa nhận chỉ đạo xong sớm, đặng tránh quần chúng theo dõi lâu phát sinh tiêu cực ?
Những ngày vụ án Đồng Tâm rung động lương tri người Việt. Vụ án xuyên hai thế kỷ, cao trào là từ 2017 nhờ truyền thông tự do, dân chúng cả nước hút vào theo dõi. Chẳng phải vì tò mò, mà vì lòng háo hức muốn nhìn thấy Thần Công Lý hiện ra.
Người ta trông cậy vào báo chí, được sôi nổi và hồi hộp như các trận bóng đá U23…
Nhưng 800 đài báo quốc doanh đã làm được gì cho sứ mệnh của họ. đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân ? Hay chỉ là phát ngôn thay Bộ công an và Tòa án?
Vậy mà các luật sư bảo vệ quyền lợi 29 bị cáo vừa tranh đấu tại tòa chẳng chịu lùi một phân còn phải nhận gánh thay trách nhiệm thông tin báo chí.
Những trang Facebook của luật sư đã làm thay công việc toàn bộ hơn 800 báo đài.
Không có cửa ngõ thông tin nào khác.
Vẫn biết rằng, hàng vạn nhà báo ngậm ngùi chấp hành chỉ đạo “định hướng” của Ban tuyên giáo, họ cũng vẫn chẳng khỏi rung động sâu xa vào tận tâm can. Danh dự nhà báo bị thách thức trắng trợn, ngày càng trắng trợn.
Trích một số Facebook của các luật sư.
Tuan Ngo (LS Ngô Anh Tuấn) phải đóng vai thay nhà báo và cả nhà văn với dòng nhật ký bi đát như sau: mưa của trời hay nước mắt chúng sinh ?
Sáng mai, 07/9/2020, TAND thành phố Hà Nội mở phiên toà xét xử sơ thẩm xét xử vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ xảy ra vào ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Chiều nay, trời Hà Nội bỗng dưng đổ cơn mưa lớn sau nhiều ngày oi bức, nóng nực. Thời tiết Hà Nội trong những ngày tới có thể sẽ mát mẻ hơn nhiều và hy vọng bên trong phòng xét xử những người dân Đồng Tâm cũng sẽ không quá nóng nực, căng thẳng khi mà HĐXX điều hành phiên toà một cách đúng pháp luật.
Mưa rửa sạch bong các lối vào Toà án. Mưa khiến thời tiết cả thành phố dịu lại…
Nhưng mưa không xoá sạch được những giọt máu đã đổ xuống mảnh đất đau thương này. Mưa cũng không xoá đi được những vết thương đã hằn sâu trong tâm trí của nhiều người…
Dù là người đứng về phía nào, ủng hộ hay bài trừ sự đấu tranh đòi quyền lợi của những người dân Đồng Tâm, tôi nghĩ, không ai muốn việc đấu tranh ấy kết thúc bằng một cuộc chiến bằng bạo lực đẫm máu, trừ những kẻ máu lạnh. Sự việc đau lòng đã qua là bài học lớn dành cho tất cả những ai muốn giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, dù từ bất kỳ phía nào.
Quyền “phán quyết” hiện tại thuộc hoàn toàn về phía các cơ quan công quyền. Dẫn dắt sự việc đến đâu cũng sẽ do họ chủ trì. Muốn kết thúc sự việc hay kéo dài lê thê cũng một phần do họ. Dù thế nào đi nữa thì những người dân bị bắt, bị xử vẫn chỉ là những kẻ bị động mà thôi (nếu không nói là tình trạng xấu hơn). Bản án toà tuyên là sự kết thúc của một sự kiện nhưng cũng có thể là sự khởi đầu cho những sự kiện khác: sự sửa chữa, hàn gắn hay sự nhen nhóm cho vòng thù hận luân hồi. Hơn ai hết, những người ký tên trên bản án sẽ là người hiểu điều đó rõ nhất.
Cơn mưa vội vàng chiều nay, những giọt nước của trời đất hay những giọt nước mắt chúng sinh khóc cho những nghịch cảnh không nói lên được bằng lời…?”
Ls. Luân Lê Fb: “Xét xử vụ Đồng Tâm: ngày thứ ba – tranh luận”
Khi tôi lên bào chữa, phần tôi tập trung nhất vẫn là các chứng cứ là các dữ liệu điện tử, là những video, clip được trình chiếu không rõ nguồn gốc. Và nó được kiểm sát viên sử dụng để làm căn cứ luận tội với các bị cáo và nói rằng đó là lời nhận tội được thực hiện ghi âm, ghi hình tại giai đoạn điều tra.
Tôi nói, đề nghị được trình chiếu hoặc chỉ cần cho hiển thị bất kể một hình ảnh nào của các đoạn ghi hình này lên màn hình để tôi có thể sử dụng trực tiếp vào việc biện hộ.
Tôi bị từ chối.
Và tôi đáp lại, việc chứng minh tội phạm phải hợp pháp và mọi sự thật dù không thu thập hợp pháp thì cũng không có giá trị pháp lý và không được dùng vào việc giải quyết vụ án. Hợp pháp là chốt chặn cuối cùng trong câu đoạn quy định tại Hiến pháp, nó chính là sức mạnh của tính hợp pháp là cao nhất.
Tôi bình luận vào chứng cứ, mặc dù không được cho hiển thị trên truyền hình, rằng, đại diện viện kiểm sát dùng các video thừa nhận tội được thực hiện tại giai đoạn điều tra, nhưng trên các video luôn hiển thị chữ “Bị cáo…”, tức, theo Bộ luật Tố tụng hình sự, bị cáo là vai trò chỉ xuất hiện khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, chúng được thực hiện bởi Toà án.
Và như vậy, các video, tôi chưa nói tới nội dung và tính nguyên vẹn của chứng cứ, là không hợp pháp và là một sự vi phạm nghiêm trọng. Tôi đề nghị thư ký ghi rõ vào Biên bản phiên toà nội dung này.
Lúc này vị chủ toạ đi ra ngoài, còn vị thẩm phán ngồi cạnh làm thay chức năng và liên tục ngắt lời, nhắc tôi bào chữa vào nội dung, không giải thích luật, không dùng luật nữa.
Tôi đáp lại với đề nghị, tôi đang bình luận và đánh giá chứng cứ, và đó là quyền mà bộ luật tố tụng ấn định. Nếu không dùng luật để làm căn cứ và nhận định, phân tích những vấn đề về chứng cứ, mà mọi việc chứng minh phụ thuộc vào chứng cứ, chỉ chứng cứ được thẩm tra tại phiên toà, tôi sẽ phải sử dụng gì để bảo vệ?
Vị thẩm phán cảnh báo nếu tôi không bào chữa vào “nội dung” và coi là vi phạm phiên toà thì sẽ bị mời ra khỏi phiên toà. Lúc này, vị chủ toạ quay trở lại, và “mềm mỏng” đề nghị tôi tạm thời dừng bào chữa và có thể tiếp tục sau”.
“Có vụ xô xát trong toà án, khi các nhân viên công lực giữ chặt USB không cho các Luật sư chép lại.
Một nhân viên công lực mặc thường phục xô đẩy LS Mạnh và LS Miếng.
Tuy nhiên, các anh phải hiểu rằng việc làm đó là vô ích, nội dung chiều nay ghi trong USB không có gì đâu. Chỉ có lời nói cuối cùng của các bị cáo, cũng đã được ghi chép bằng tay, trên giấy và sẽ được tập hợp lại sau.
Chỉ là muộn hơn một chút mà thôi”.
Facebook Manh Dang (LS. Đặng Đình Mạnh)
Thưa Quý bạn
Chúng tôi, gồm các luật sư Nguyễn Văn Miếng, Ngô Anh Tuấn và Đặng Đình Mạnh hiện vẫn tạm ổn. Chúng tôi đang ở gần VP của LS Tuấn cùng với một vài đồng nghiệp khác.
Trước đó, vào buổi chiều, khi rời phiên tòa thì cả ba chúng tôi lần lượt bị một nhân viên mặc thường phục xốc nách kéo ra cổng một cách thô bạo và xô thẳng tay xuống cầu thang, vì khi ấy chúng tôi đang tranh cãi yêu cầu họ trả USB để chép lại vào laptop riêng.
Sau đó, trên đường di chuyển, chúng tôi phát hiện có 4 bạn trẻ di chuyển trên 2 xe gắn máy đeo bám. Khi xe chúng tôi dừng, thì họ cũng dừng xe vào lề, khi chúng tôi đi thì họ lại tiếp tục di chuyển, chúng tôi đã chụp ảnh và quay phim họ để làm kỷ niệm. Thật khó hiểu về ý muốn của họ : Bảo vệ công dân, mượn hồ sơ, laptop hay nựng yêu.
Với vụ án Đồng Tâm, theo thông báo của hội đồng xét xử thì bản án sẽ được tuyên vào lúc 15h00′ chiều ngày thứ hai, 14/09/2020. Chúng tôi sẽ lưu lại Hà Nội cho đến ngày bản án được tuyên.
Thành thật cảm ơn sự quan tâm của Quý bạn.
Trân trọng: LS.Ngô Anh Tuấn LS.Nguyễn Văn Miếng LS.Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Hà Luân, ls Luân Lê, ls Lê Hòa
Tuan Ngo (ls Ngô Anh Tuấn)
Đồng Tâm – Máu, nước mắt và sự hận thù chưa dứt…
Từ sự việc tranh chấp đất đai được cho là giữa quân đội và người dân Đồng Tâm nhưng nó nhanh chóng được lan nhanh ra thành sự kiện chính trị với nhiều biến cố lớn xảy ra năm 2017 và đầu năm 2020.
Căn cứ vào luật đất đai 2013, nếu tranh chấp đất quốc phòng thì rõ ràng, thẩm quyền thuộc về các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng sẽ phải là người đứng ra giải quyết. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng gần như “vô hình” trong hầu như toàn bộ các sự kiện đã xảy ra: Họ không lên tiếng đòi lại đất mà bị người dân “chiếm giữ”, họ cũng không đứng ra phân giải việc đúng sai. Khi dân có văn bản hỏi thì đại diện Bộ Quốc phòng cho hay: việc này bên UBND TPHN và TTCP đang làm, qua đó mà hỏi!. Và, UBND TPHN và TTCP đã làm gì thì tất cả đều biết…
Chưa có bất kỳ cuộc đối thoại đúng nghĩa nào được thực hiện và sự ấm ức của người dân được đẩy lên cao trào, từ bất bạo động tới hành động phản kháng. Khi “nắm đấm” được thay cho những lời nói ôn hoà nghĩa là lúc người ta đã hết kiên nhẫn với nhau hoặc mâu thuẫn vượt quá giới hạn của sự chịu đựng. Năm 2017, khi sự kiện xảy ra, có sự ra tay của nhiều người, mâu thuẫn tạm thời được xoa dịu; tuy nhiên, dù chưa có thương vong xảy ra nhưng phía chính quyền vẫn xem đó như là một nổi nhục mà có ngày phải rửa hận. (…)
Phiên toà xét xử tới đây đối với những người dân Đồng Tâm sẽ nhiều nước mắt, nước mắt từ chính các bị cáo, gia đình bị hại, thậm chí là chính những người dự khán. Phiên toà có kéo dài nhiều ngày rồi nó cũng phải kết thúc, bản án sẽ được tuyên ra và nỗi đau, sự hận thù vẫn còn chưa dứt…
“Luật sư, đứa con hoang của ngành tư pháp ?”
Hôm nay, ngày xét xử đầu tiên của vụ án xảy ra tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội ngày 09/01/2020; vụ án này dự kiến sẽ diễn ra 10 ngày tại trụ sở TAND Cấp cao tại Hà Nội. Một thực tế là các vụ án mang màu sắc chính trị thì việc kiểm soát an ninh chặt chẻ từ vòng ngoài là chuyện thường và tôi không tỏ thái độ khó chịu dù bị kiểm tra ít nhất 4 vòng. Tuy nhiên, điều khiến tôi vô cùng phẫn nộ đối với việc tổ chức phiên toà sáng nay là những vấn đề sau:
- Dù TAND thành phố Hà Nội mượn trụ sở của TAND Cấp cao tại Hà Nội để xét xử nhưng luật sư không được đi xe vào sân toà để gửi như những phiên toà khác, khắp dãy phố Phạm Văn Bạch từ khu vực Thanh tra Chính phủ tới trụ sở VKSNDTC, luật sư cũng không được để xe, ngay cả các chỗ trông xe của dân xung quanh đó cũng được công an trưng dụng, dù còn chỗ nhưng cũng không cho luật sư gửi. Riêng việc tìm chỗ đỗ xe, tôi mất gần 30 phút loay hoay tìm nơi. Một cán bộ an ninh quen với tôi khá lâu bảo luật sư cứ vứt ngoài đường để vào toà đi cho kịp giờ, nếu công an cẩu xe thì tôi đi “xin” cho nhưng tôi không muốn phiền tới họ…
- TAND Cấp cao Hà Nội mở cổng cho tất cả các mọi người vào làm việc nhưng kiên quyết không cho luật sư đi vào mà bắt luật sư phải đi vòng lại cổng TAND thành phố Hà Nội cách đó khoảng 200m. Chưa hết, vào được cổng TAND thành phố Hà Nội, lại phải đi 1 vòng qua sau lưng TAND Cấp cao tại Hà Nội, vòng qua cửa chính TAND Cấp cao tại Hà Nội rồi mới đi vào bên cổng phụ để vào toà. Nghĩa là để đi được vào phòng xử án, các cán bộ của các cơ quan khác chỉ mất trên dưới 50m, còn luật sư phải đi vòng hết ít nhất là 350m. Trời sáng nay mưa tầm tã, vào được đến toà bằng kiểu cực hình đó, nhiều luật sư chúng tôi bị ướt sũng như luật sư Lê Văn Luân, Nguyễn Hà Luân, Phạm Lệ Quyên…và cả tôi, Ngô Anh Tuấn.
Tôi không hiểu người ta nghĩ luật sư là cái giới gì, xếp hạng gì trong hệ thống tư pháp Việt Nam nữa. Họ đang nghĩ luật sư là những kẻ cặn bả, những kẻ cúi đầu chạy án, ngậm miệng ăn tiền…? Ai cho họ cái quyền phân biệt đối xử với luật sư? Không chỉ các luật sư được gia đình các bị cáo mời bị đối xử tệ hại mà chính những luật sư chỉ định (mà nhiều người coi đó như là tay sai của họ, bước theo chân họ và nói theo miệng họ) cũng bị đối xử như vậy. Tuy nhiên, chỉ có kẻ “lắm mồm” như tôi mới dám nổi khùng lên và vào quát ầm ĩ mà thôi, còn những người khác đều ngoan ngoãn chấp nhận vì chắc họ nghĩ phận mình chỉ đáng vậy thôi, có ý kiến cũng bằng thừa…”.
Ls Nguyễn Hồng Bách “bảo vệ” quyền lợi 3 nạn nhân như thế nào?
“Dựng lại hiện trường vụ án Đồng Tâm thì quá dã man. Có nên dựng lại hiện trường 1 vụ giết người tàn bạo như vậy không?” là ý kiến của luật sư bảo vệ 3 gia đình cán bộ công an thiệt mạng ở Đồng Tâm”.
Luật sư không dùng lý lẽ và bằng chứng để tranh biện. Anh ta kích động 3 gia đình nạn nhân ban bằng cách “dã man” trích đọc mấy đoạn văn ghê rợn miêu tả thi thể cháy thảm của 3 nạn nhân để lấy nước mắt của họ và kích động VKS và quan tòa.
Chưa hết, anh ta còn kêu gọi nửa đe dọa 29 bị cáo “đừng tin cậy các luật sư bảo vệ họ”. Đó là những tiểu xảo trắng trợn của luật sư không thể chấp nhận.
Xin hỏi luật sư Bách: có vụ án mạng nào vui vẻ thoải mái mà chẳng làm đau lòng thân nhân khi thực nghiệm hiện trường? Nói xem ? Luật sư dùng bậy từ “dã man” thay vì “đau lòng” nhé.
Nhà báo tự do Trưong Huy San
Kiến nghị “Tội danh cho người dân Đồng Tâm”
Công tố viên thay đổi tội danh từ “giết người” sang “chống người thi hành công vụ” cho 19 nông dân Đồng Tâm là có lắng nghe. Tuy nhiên, các hành vi phạm tội của các nông dân Đồng Tâm được nêu ra ở phiên tòa này đều xảy ra sau cuộc đột kích của cảnh sát, Rằm tháng Chạp năm ngoái. Nếu, vụ án được nhìn nhận một cách khách quan, phải có điều tra độc lập để xem xét tính hợp pháp của việc đang đêm “xâm phạm chỗ ở” của các công dân Đồng Tâm, thì mới có thể đánh giá các hành vi tiếp theo là phạm tội hay không phạm tội.
Ngay cả khi điều kiện tiên quyết trong tiến trình tố tụng đó không được đáp ứng, chỉ căn cứ những gì diễn ra qua truyền thông nhà nước và ở phiên tòa: Nếu không có bức cung, nhục hình; nếu các lời khai của bị cáo trước tòa là “đúng sự thật”… Và, nếu Bộ Luật Hình sự được tôn trọng; thì: 19 bị cáo chỉ đáng bị buộc tội “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”(Điều 22); 6 bị cáo chỉ đáng bị buộc tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó (Điều 95).
Cho dù chứng kiến những gì đang diễn ra, chúng ta vẫn nên tư duy độc lập và duy trì khát vọng công lý.
Ông Thủ tướng nhận định về vụ Đồng Tâm từ năm 2017, rằng:
“Vụ việc ở Đồng Tâm là do chính quyền giải quyết sai pháp luật”.
Tuy nhiên ông chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng lại chót ký cấp huân chương chiên công cho 3 cảnh sát thiệt mạng oan.
Vậy là cuộc đấu tranh quan điểm diễn ra âm thầm ngay trong cả bộ lãnh đạo cao nhất rồi.
Nhân dân cứ việc làm chủ xã hội bằng cách nghe đài đọc báo và lướt MXH an ủi họ.
#ĐồngTâm