Dù muốn hay không muốn, người ta buộc lòng phải quan sát ông, có thể là ngẫu nhiên, có thể là cố ý, cố tình và cũng có thể là thiện chí, thiện cảm, cũng có thể là khôi hài, mất thiện cảm… Nhưng dù sao, cho đến thời điểm này, ngoài ông Chủ tịch thành phố đầy chất phổi bò và hảo hớn như Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng, Đoàn Ngọc Hải, một Phó chủ tịch quận ở Sài Gòn cũng làm nên hình ảnh một người Cộng sản khá đặc biệt. Đương nhiên, sự đổi màu và biến chuyển của ông tốt hay xấu, vô tư hay che đậy điều gì phía sau nó, sẽ có lịch sử, có trời đất biết rõ. Trên phương diện con người, Đoàn Ngọc Hải vẫn là hiện tượng, một hiện tượng gây nhiều cảm xúc và trong đó, nó cũng phản ánh được thực trạng xã hội một cách sâu sắc, một xã hội có tính sân khấu, trình diễn nhiều hơn là đời thực, và khi sự trình diễn đã đạt được độ chín muồi của nó, cuộc đời bị ném vào sân khấu như một vai diễn phụ.
Còn nhớ cách đây không lâu, Đoàn Ngọc Hải đương chức Phó chủ tịch quận 1 Sài Gòn, ông đã hầm hố, hò hét, sự hầm hố hò hét dẹp bỏ vỉa hè của ông giúp cho vỉa hè thông thoáng nhưng cũng đẩy một số cuộc đời, số phận vào chỗ trống trơn, không còn nơi nào để vịn. Chuyện ông làm khiến cho các nghệ sĩ, trí thức Sài Gòn cảm thấy xót xa cho thân phận con người. Chưa dừng ở đó, ông Hải quyết liệt đến độ cực đoan khi dẫn đầu đoàn bắt chó, bất kì con chó nào không may mắn đang lang thang kiếm ăn, dạo mát hoặc đi bài tiết đều có thể bị đoàn của ông Hải tóm gọn, cho về trại, sau đó đưa đi đâu nữa thì không thể rõ được. Sự quyết liệt của ông khiến cho người dân ngỡ ngàng, tuyệt vọng, bức xúc, buồn cười, ta thán… Hàng ngàn cảm xúc lẫn lộn, và hệ quả, tích hợp các cảm xúc này thành tên gọi: Hải Cẩu để ám chỉ sự năng nỗ trong công tác bắt chó, đập lề đường của ông.
Đáng sợ ở chỗ, nếu như Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng đã hùng hổ, mạnh mẽ và quyết liệt trong bất kì tình huống nào, từ chặt hàng xà cừ trăm tuổi còn xanh um và cứng cáp, phá bỏ cầu Vồng, trường Sao Mai, mặc cho trí thức lên tiếng phản đối, người dân tự thiêu bày tỏ oan ức để mở đường Lê Duẩn, mở cầu Rồng… cho đến việc sang bằng khu dân cư ở Hòa Bắc với giá đền bù mỗi mét vuông đất tương đương một ổ bánh mì thịt, để rồi giao cho các tập đoàn địa ốc san phẵng mặt bằng, bán lại với giá cao gấp mấy ngàn lần, mỗi mét vuông hai mươi lăm triệu đồng (thời đó, tương đương 200 triệu đồng thời bây giờ) và đặc biệt là san phẵng khu vực Cồn Dầu, mặc cho dân kêu khóc, ông vẫn tại vị như một thần tượng. Vì sao? Vì ông quyết liệt và ứng biến xanh đỏ vàng tím nhanh như ánh sáng, ông biết làm cho số đông, người giàu có và kẻ quyền thế thấy có lợi cho họ, làm cho số đông người dân cảm thấy ông là hiện tượng bởi từ xưa tới giờ, hiếm có vị Chủ tịch thành phố nào dám nói dám làm như ông… Thì với Đoàn Ngọc Hải, trên cương vị một Phó chủ tịch quận, nhỏ hơn rất nhiều so với Nguyễn Bá Thanh, nhưng lại có phong cách khá giống Nguyễn Bá Thanh, từ việc nói năng bạo miệng pha chút giễu nhại, khôi hài trong các cuộc họp cho đến tính cách đầy máu me, hầm hố và anh cả khi ra đường, có một chút gì đó vừa phổi bò vừa hồng vệ binh lại vừa thấm đẫm lý tưởng Cộng sản nơi ông.
Và việc ông Hải đệ đơn xin từ chức, cấp trên đồng ý, ông lại quyết định ở lại tiếp tục phục vụ nhân dân, sau đó ông lại từ chức vì chẳng đặng đừng, lúc này tổ chức, cấp trên đã quyết chứ không phải ông Hải quyết nữa. Thì mọi chuyện dường như đã đổi khác. Ông Hải chuyển từ một cán bộ thành phố sang làm doanh nghiệp, rồi sang làm nhà từ thiện, ông xây nhà từ thiện ở Thủ Đức, ông sắm xe cứu thương chở bệnh nhân nghèo, ông lái xe từ Bắc chí Nam để chở bệnh nhân, dường như ông đi khắp đất nước. Hình ảnh của ông luôn gây ảnh hưởng. Nếu như lúc tại vị, ông tạo ra làn sóng đập lề đường khắp các tỉnh thành, tiếng kêu và lời ta thánh không ít thì bây giờ, khi nghỉ làm cán bộ, ông tạo ra hình ảnh một nhà từ thiện tiêu biểu, và tiếng vỗ tay tung hô ông cũng dậy trời, từ đời thực cho đến mạng xã hội. Nói cho cùng, ông có số nổi tiếng, và hơn hết là ông có lá số tạo ảnh hưởng lan truyền.
Giả sử lúc tại vị, hình ảnh ông Hải đeo chiếc đồng hồ Omega sang trọng, đi giày hiệu, áo quần bảnh bao, chỉ tay năm ngón khiến cho cuộc sống chung quanh ông phải đảo lộn, thì bây giờ, hình ảnh dép tổ ong, áo chemis trắng, quần tây đen xuề xòa của ông cũng tạo ra ấn tượng không kém. Dường như đổi sang màu nào ông cũng đóng gam chủ đạo trong bức tranh xã hội quanh ông. Và hơn hết, ông làm gì cũng có tiền hô hậu ủng, ông đi đập lề đường, bắt chó cũng có bầu đoàn hùng hậu, hung hãn, bây giờ ông đi chở bệnh nhân nghèo cũng có nhiều câu lạc bộ, hội đoàn đón rước và đặc biệt là càng long trọng hơn xưa, bởi ông Hải như một biểu tượng của một “người đáng sống”. Thế nhưng…!
Xâu chuỗi lại các bệnh nhân mà ông Hải tham gia chở từ bệnh viện về nhà, tôi chưa thấy người nào là bệnh nhân nghèo thực sự (theo thực trạng kinh tế và đời sống xã hội hiện nay chứ không phải theo thống kê nhà nước, không phải nhà nào có đường sá đủ rộng cho xe hơi vào được). Gần đây nhất, bệnh nhân ở Hà Giang được ông đưa về, nhà cao tầng, cổng ngõ hẳn hoi, bàn ghế gỗ quí… Khi ông Hải đưa bệnh nhân về nhà thì có cả đài truyền hình và hàng trăm người tới đón mừng, tặng quà, tặng tiền… Rõ ràng sức ảnh hưởng của ông Hải cũng như sự khuếch đại truyền thông về ông không nhỏ một chút nào. Và vô hình trung, hình ảnh người cán bộ Cộng sản trở nên sáng giá, đáng yêu và chịu chơi, sống vị tha thông qua Đoàn Ngọc Hải được hun đúc. Dù muốn hay không muốn, khi nói về cán bộ nhà nước, nói về cái xấu, người ta cũng mơ hồ hi vọng sẽ có nhiều cán bộ như Đoàn Ngọc Hải. Và cái lập luận (điệu) “trước đây làm gì, xấu cỡ nào không quan trọng, quan trọng là bây giờ người ta sống ra sao, chia sẻ như thế nào… mới đáng nói” đã manh nha, đã mơ hồ xuất hiện trong đầu óc người dân.
Điều đó cho thấy trong thời tại nhiệm, ông Hải chi phối được xã hội nhờ đập phá, khiến cho người ta thấy sợ cán bộ, không dám bày tỏ, thì bây giờ, khi nghỉ việc, ông Hải làm từ thiện khiến cho người ta tin vào cán bộ, thậm chí cuồng tín về sự “trở lại”, quay đầu là bờ của cán bộ. Nhất là trong thời điềm nhạy cảm này, khi mà có hàng triệu cán bộ đang đối mặt với nguy cơ phanh phui, người nào cũng có những khoản tài chính to lớn khủng khiếp và bất minh, có người bỏ ra hai triệu rưỡi đô la chỉ để mua một căn cước công dân trên một hòn đảo xa lạ, hàng ngàn công trình đầy dấu vết tham nhũng và hàng triệu cán bộ đã thành sâu mọt trong mắt nhân dân. Trong vấn đề này, khôn ngoại trừ ông Hải nếu như người ta đặt ra câu hỏi về tài sản, về khả năng bỏ tiền ra làm từ thiện của ông hiện nay.
Nói cho cùng thì Đoàn Ngọc Hải đã lấy lòng được một bộ phận không nhỏ nhân dân ở tầng lớp giàu có, bậc trung trong xã hội Việt Nam, vậy là quá thành công, bởi thành phần giàu bậc trung đang chi phối xã hội Việt Nam theo diện rộng nhờ vào mánh khóe và bạo lực vừa phải của họ. Đặt giả sử, nếu tìm một thứ gì đó để làm chỗ dựa khi công cuộc đánh tham nhũng lan rộng và ông Hải không may bị lọt vào danh sách, lọt vào lò ông Trọng, thì, chính đám đông đang tung hô ông cũng góp tiếng nói không nhỏ để bào vệ ông. Hơn hết, làm chính trị, người ta ngại nhất là đụng chạm đến người của đám đông, tuy nhiên, không phải đám đông lúc nào cũng cứu được cán bộ, trường hợp Nguyễn bá Thanh là một điển hình.
Nhưng, cho dù diễn kịch hay thật lòng, thì ông Hải cũng làm được một việc rất quí hóa cho chế độ, đó là tạo ra hình ảnh một đảng viên trung kiên với chế độ, hết lòng vì chế độ, cho đến khi không còn quyền lực thì người đảng viên này cũng hết mực chia sẻ nhân dân. Đây là thứ hình tượng và tình cảm thiếu vắng rất lâu của chế độ, chí ít cũng từ lúc đất nước phát triển cho đến nay. Có lẽ, vì vậy mà tôi không dám khẳng định hay tin rằng việc làm từ thiện của ông Hải là một việc thiện thuần túy của con người. Mà phải gọi đó là chức năng đổi màu của người Cộng sản trung kiên. Nó có tính bảo vệ chế độ và hình ảnh chế độ, là gạch nối giữa chế độ và thần tượng, nó có tính chất tô hồng cho vẻ đẹp của người Cộng sản. Còn hiệu dụng của nó tới đầu thì trời biết, đất biết và ông Hải cùng những đồng chí của ông mới biết rõ!
#đoànngọchải