Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Ngày 8 tháng Tám, 2020 Bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã ra lệnh trừng phạt 11 viên chức lãnh đạo của Hong Kong và Trung Quốc trong số đó có bà Carrie Lam, Đặc Khu Trưởng Hong Kong. Lệnh trừng phạt được chính phủ Hoa Kỳ đưa ra sau khi Trung Quốc vội vã áp đặt Luật An Ninh Quốc Gia lên Hong Kong vào ngày 30 tháng Sáu, với lý do những nhân vật này trực tiếp hay gián tiếp làm suy yếu quyền tự trị của vùng lãnh thổ này.
Trung Quốc và Hong Kong có thể đoán trước được hành động này của Hoa Kỳ, nhưng họ có vẻ bất chấp sự thiệt hại do muốn dập tắt nhanh chóng các cuộc biểu tình đòi dân chủ đang thách thức trực tiếp quyền lực chính trị của Bắc Kinh.
Hậu quả trước mắt, ngân hàng Citibank đã ngưng thẻ tín dụng của bà Carrie Lam vì không muốn bị rắc rối với lệnh trừng phạt của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng đây là vấn đề nhỏ, đóng băng tài sản hay ngưng thẻ tín dụng cũng chỉ liên quan tới cá nhân một viên chức của chính quyền khu tự trị này. Vấn đề nằm trong chính sách trừng phạt của Tổng Thống Trump đối với Trung Quốc trong cuộc thương chiến chưa có lối thoát.
Nói vấn đề ấy nhỏ, vì nó chỉ mới liên quan đến quyền lợi của 11 cá nhân đang cầm quyền tại Hong Kong. Nhưng nhìn trên bề rộng các ảnh hưởng của sự trừng phạt này thì tương lai của Hong Kong rất bấp bênh và sẽ thấm đòn của Mỹ. Lý do là nhiều công ty, nhiều ngân hàng không riêng của Hoa Kỳ mà còn của các nước khác, sẽ không còn muốn hoạt động ở trung tâm tài chính này nữa, sau khi Hong Kong bị rút quy chế ưu đãi thương mại đặc biệt từ Hoa Kỳ.
Bởi một điều hiển nhiên ai cũng thấy rõ đồng Mỹ Kim vẫn là ngoại tệ chi phối giao dịch thương mại toàn cầu. Khi mà mọi hoạt động đình trệ do lệnh trừng phạt thương mại với cả Trung Quốc, lợi nhuận không còn đủ hấp dẫn với đồng đô-la bỏ ra. Phải chăng Hong Kong đang ở những ngày tàn lụi cuối cùng sau một thời gian dài chói sáng trên thị trường tài chánh thế giới?
Dĩ nhiên nếu Mỹ gây áp lực với Hong Kong thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp việc giao dịch đồng Mỹ Kim ở đây, trong khi đồng Nhân Dân Tệ không có khả năng thay thế. Mặc dù từ năm 2016, đồng Nhân Dân Tệ đã trở thành đồng tiền thứ 5 trong giỏ tiền tệ quốc tế, nhưng cho tới nay chỉ có Nga và Trung Quốc thỏa thuận dùng đồng Rúp và Nhân Dân Tệ trong giao dịch thương mại giữa hai nước. Trong khi đó đồng Mỹ Kim vẫn giữ vị trí bá chủ trong thanh toán quốc tế, trở thành lợi thế của một thứ vũ khí tài chánh hiếm nước nào có. Và như vậy dù không sụp đổ ngay tức khắc, nhưng Hong Kong sẽ không còn là trung tâm tài chánh của khu vực Á Châu như hàng chục năm qua.
Ngày nay, từ khi Thượng Hải và Thẩm Quyến trở thành những trung tâm tài chánh nội địa của Trung Quốc, Hong Kong không còn là thành phố đóng vai trò quan trọng về kinh tế đối với Hoa Lục. Con số thống kê của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) cho thấy năm 1997 khi Anh trao trả, Hong Kong chiếm khoảng 18% GDP Trung Quốc, nhưng nay chỉ còn 3%. Phần lãnh thổ này trước đây đã đóng vai trò là một cửa ngõ thu hút giòng đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc với điều kiện là một thị trường tự do và rộng mở. Nay cánh cửa đã đóng lại, Hong Kong trở thành một nơi không còn hấp dẫn giới đầu tư.
Khi Bắc Kinh ban hành Luật Bảo Vệ An Ninh Quốc Gia ở Hong Kong, điều này cũng có nghĩa nền tự trị mong manh ở phần đất này chấm dứt trên thực tế. Nên từ 14 tháng Bảy trở đi, quy chế ưu đãi về kinh tế của Hoa Kỳ dành cho Hong Kong cũng chấm dứt theo do một sắc lệnh hành pháp của Tổng Thống Trump.
Trong bối cảnh lo sợ những trấn áp bất ngờ tiếp theo từ phía Trung Quốc và việc Hong Kong bị Hoa Kỳ rút lại quy chế ưu đãi thương mại, các nhà đầu tư không còn thiết tha gì ở xứ này nữa. Viễn cảnh họ sẽ dời căn cứ sang Singapore, Bangkok, Seoul là chuyện có thể thấy được trong tương lai không xa.
Viễn cảnh tàn tạ này sẽ không chờ đến năm 2047 là năm chấm dứt 50 năm chính sách “Một Quốc Gia, Hai Chế Độ” khi Hong Kong chính thức trả về cho Trung Quốc. Ngay từ năm 2020 nầy, Hong Kong đang lụi tàn theo tham vọng của Trung Quốc khi sử dụng con bài “Luật Bảo Vệ An Ninh Quốc Gia” quá sớm!
Trong quá khứ, giao thương giữa Hoa Kỳ và Hong Kong được mô tả là lớn nhất trong các đối tác của Hong Kong với hơn 1.300 công ty Mỹ có trụ sở tại đây. Nhưng một khi lệnh trừng phạt mở rộng hiệu lực tối đa, các công ty Mỹ phải rút lui. Rõ ràng Hong Kong sẽ thấm đòn và tiếp theo là Bắc Kinh cũng mất cả chì lẫn chài.
Phạm Nhật Bình
#HongKong