Trân Văn – VOA
Nhiều người hoan hỉ khi Biên tập viên (BTV) Thu Hương của Đài Truyền hình Quốc gia tại Việt Nam (VTV) ngỏ lời xin lỗi “những người bán hàng rong và quý vị khán giả” (1). Sự kiện một BTV của VTV nhận định những người bán hàng rong ở TP.HCM là… ký sinh trùng khiến nhiều người, nhiều giới phẫn nộ. Sau đó, BTV này ngỏ lời “xin lỗi” trên trang facebook của ông ta song công chúng không đồng tình. Theo công chúng, đó không đơn thuần là lỗi của cá nhân, do vậy, chính VTV phải xin lỗi…
Tuy nhiên tưởng rằng VTV đã “xin lỗi” là tưởng… bở. Trong Bản tin Tài chính – Kinh doanh phát ngày 19 tháng 8, BTV Thu Hương chỉ thay mặt Ban Biên tập Chương trình để xin lỗi. Nếu thử nhìn vào cơ cấu tổ chức của VTV ắt sẽ thấy, BTV đã phạm lỗi khi thực hiện Bản tin Tài chính – Kinh doanh phát vào sáng 17 tháng 8 là nhân viên của Trung tâm Tin tức VTV24. Bộ phận này thuộc Ban Thời sự và VTV có chừng 40 bộ phận như Ban Thời sự (2).
Nói cách khác, xét theo cơ cấu tổ chức của VTV, Ban Biên tập Chương trình vừa đứng ra nhận lỗi chỉ là… cắc ké. Cho rằng VTV xin lỗi là nhận… xằng. VTV vốn nổi tiếng vì tạo ra vô số scandal: Từ những sai sót do lỗi về kiến thức, dựng và đưa tin giả, trích thượng xúc phạm nhiều giới (trẻ không may bị tự kỷ, người đồng tính,…), xâm phạm tác quyền,… và không phải tự nhiên Wikipedia có một mục riêng liệt kê những bê bối của VTV (3) nhưng gần như chẳng bao giờ nhận lỗi! Trước đã vậy và giờ cũng thế mà thôi!
Dưới sự chỉ đạo tài tình và sáng suốt của ông Trần Bình Minh từ năm 2011 đến nay, VTV chưa bao giờ có sai sót đáng kể nào đến mức phải… xin lỗi. Có thể vì việc VTV lên tiếng nhận lỗi sẽ làm suy giảm giá trị của ông Minh – một Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN. Sự trịch thượng của VTV khiến “ký sinh trùng” trở thành giọt nước làm tràn ly phẫn nộ là điều có thể hiểu được nhưng đòi VTV xin lỗi và hài lòng khi BTV Thu Hương thay mặt… Ban Biên tập Chương trình nhận lỗi thì giống như… nhẹ dạ!
***
Chẳng phải VTV, chính phủ cũng vậy! Cách nay khoảng ba tuần, khi đến dự buổi “Gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ”, nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của đảng CSVN, ông Nguyễn Xuân Phúc đọc một diễn văn, trong đó ca ngợi tám nhà văn đã ngã xuống khi kháng chiến chống Mỹ như chiến sĩ và công chúng đồng thanh cười ồ vì 5/8 nhà văn mà ông Phúc ca ngợi như những liệt sĩ chưa bao giờ… hy sinh! Bốn người mới qua đời và một người vẫn còn đang… thở rất đều!
Sau scandal vừa đề cập, chỉ có Ban Tổ chức buổi “Gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ” nhận lỗi với Thủ tướng, các văn nghệ sĩ và thân nhân, bạn đọc vì đã có sai sót trong việc chuẩn bị thông tin, tư liệu về nhân thân một số văn nghệ sĩ để xây dựng dự thảo Bài phát biểu của Thủ tướng (4). Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN – cấp trên của Ban Tổ chức buổi “Gặp mặt trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ” nhận lỗi với Thủ tướng, cũng lên tiếng nhận lỗi nhưng chỉ nhận lỗi với Thủ tướng (5).
Còn Thủ tướng? Ông Phúc không thèm nói tiếng nào. Dường như không chỉ ông Phúc mà cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cùng thấy ông Phúc hoàn toàn vô can.
Nếu đoạn này không sai: …Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ như nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý,… tạo nên ‘Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ’ (Thơ Lê Anh Xuân), tô thắm hình tượng ‘Bộ đội Cụ Hồ’, ‘anh giải phóng quân’... đó chắc chắn sẽ là nhận định riêng của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc để đính kèm những ý kiến chỉ đạo khác về trách nhiệm của trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ với đảng và chính phủ.
Còn khi những dữ liệu đó trong đoạn vừa dẫn được xác định là sai và trách nhiệm liên quan tới việc công khai truyền bá những thông tin sai lạc ấy tại một sự kiện chính trị chỉ được xác định là thuộc về phía chuẩn bị thông tin, tư liệu thì có khác gì xem Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ như một người đàn ông biết… đọc, xuất hiện là để chứng tỏ biết… đọc, chứ không có khả năng phân định đúng – sai, nên không thể và không bao giờ nhận trách nhiệm?
***
Qua trường hợp Thủ tướng Việt Nam đột nhiên tặng danh hiệu… liệt sĩ cho năm nhà văn chưa bao giờ… hy sinh và trường hợp VTV nhập nhằng khi ngỏ lời “xin lỗi” để xoa dịu dư luận, có thể thấy ở Việt Nam, khó mà có thể xem những lời “xin lỗi” từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức đơn thuần là… nhận lỗi. Những lời xin lỗi ấy mang dáng dấp những động tác kỹ thuật mà các cầu thủ bóng đá thường sử dụng trên sân cỏ để lách qua đối phương tiến về phía trước ghi bàn thắng!
Chú thích
(2) https://vtv.vn/hoat-dong-vtv/gioi-thieu.htm
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_sách_bê_bối_liên_quan_đến_Đài_Truyền_hình_Việt_Nam
(4) http://mnews.chinhphu.vn/story.aspx?did=402848
#kýsinhtrùng #VTV