Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Trong những tháng gần cuối nhiệm kỳ, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn cố chứng tỏ là một nhà lãnh đạo có tài làm thiên hạ cười lăn với phát ngôn của mình.
Hôm 8 tháng Sáu, trong cuộc thảo luận tổ của Quốc Hội về tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã cao hứng phát biểu rằng Việt Nam đã chống dịch Covid-19 thành công khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Một trong những biểu hiện sự ngưỡng mộ đó là nếu cột điện bên Mỹ có chân thì đã di cư hết sang Việt Nam.
Phát biểu của người đứng đầu chính phủ Việt Nam lập tức làm dậy sóng trên mạng xã hội; nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó, với lệnh của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, tất cả bài tưởng thuật đã bị rút khỏi trang điện tử của các báo lề đảng không kèn không trống.
Có lẽ vì nước Mỹ ở quá xa, di chuyển tốn kém nên không có cột đèn nào dám vượt biên qua Việt Nam. Nhưng điều bất ngờ cho ông Phúc là người Trung Quốc lại chạy sang Việt Nam trốn dịch… chẳng khác chi chuyện cột đèn bên Tàu chạy qua Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, có đến hàng ngàn người Trung Quốc vượt biên giới đến nỗi CSVN phải la làng và tìm biện pháp ngăn chặn. Chưa thấy đại bàng Âu Mỹ nào đến lót ổ, mà nay Việt Nam phải điêu đứng với những người bầy quạ đen đến kiếm ăn. Nên nói đây là thiên tai hay nhân tai đối với Việt Nam đều đúng.
Cho đến bây giờ, không cơ quan trách nhiệm nào của chính phủ Việt Nam biết rõ con số chính xác có bao nhiêu cột đèn bên Tàu có chân chạy qua biên giới. Nhưng căn cứ theo các con số người Trung Quốc xâm nhập trái phép bị bắt giữ ở hàng chục cửa khẩu biên giới phía Bắc và tình trạng canh phòng biên giới “lỏng lẻo” thì con số không thể vài ngàn mà là vài chục ngàn. Và số lượng khủng khiếp ấy được rải khắp các tỉnh thành Việt Nam từ Bắc chí Nam.
Thông thường trong những vụ xâm nhập trên đường biên giới hàng ngàn cây số, con số không bị bắt lọt vào Việt Nam chắc chắn phải nhiều hơn số người bị bắt. Bởi lẽ nếu bị bắt hết thì không có lý do giải thích những vụ đột nhập lại có thể kéo dài trong cả tháng qua và chỉ bị khám phá khi dịch bệnh đợt 2 bùng phát ở Đà Nẵng.
Việt Nam được nói là có một lực lượng biên phòng hùng hậu nhưng không mấy hùng mạnh. Nên đối với những hình thức nhập cảnh đường bộ bất hợp pháp thì không thể biết chính xác có bao nhiêu trường hợp đã lọt qua vành đai kiểm soát cả về biên phòng lẫn y tế. Đó là lối giải thích vô thưởng vô phạt của báo chí quốc doanh. Tuy nhiên tại một cuộc họp của Bộ Quốc Phòng ngày 31 tháng Bảy, tướng Lê Đức Thái người chỉ huy Bộ Đội Biên Phòng cũng cố gắng đưa ra con số khoảng 16 ngàn người xuất nhập cảnh trái phép bị chặn giữ.
Được biết, những vụ vượt biên giới này được tổ chức rất công phu, có người đưa đón bằng xe hơi, lưu trú tại khách sạn kể cả đăng tin nhắn trên Facebook. Như thế đây là một dịch vụ được thực hiện đàng hoàng từ đầu đến cuối, một hệ thống làm ăn quy mô trong bóng tối mà không thể không có sự can dự, tiếp tay của các cấp chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng.
Theo thông tin của báo trong nước thì số cột đèn chạy qua Việt Nam là để: 1) Tìm việc làm ở Việt Nam; 2) Trốn dịch bệnh tại Trung Quốc; và 3) Tìm cơ hội trốn qua xứ khác như Thái Lan, Malaysia…
Vậy câu hỏi đặt ra thực sự việc đưa các cột đèn Trung Quốc qua Việt Nam vào lúc này để làm gì?
Thứ nhất, tìm việc làm có thể là lý do của một số người. Trung Quốc cũng như những nước lớn khác, tuy có nền kinh tế hùng mạnh lúc bình thường nhưng dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn kinh tế toàn cầu. Dù đứng hàng thứ hai trên thế giới, kinh tế Trung Quốc không thể không bị ảnh hưởng nặng nề. Người dân Trung Quốc cũng rơi vào cảnh thất nghiệp, sản xuất đình trệ trong lúc bộ máy chính quyền trung ương và địa phương không thể giải quyết đời sống người dân trong một thể chế toàn trị, lấy sự cưỡng bách làm nền tảng. Lý do kinh tế là lý do có thể hiểu được với một dân số 1 tỷ 400 triệu người.
Thứ hai, Trung Quốc muốn thử hệ thống cửa khẩu của Việt Nam. Nếu chỉ tính phía Bắc, Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới chung khoảng 1.400 km trải dài qua 7 tỉnh với 28 cửa khẩu chính thức. Ngoài ra còn có hàng trăm đồn của lực lượng Bộ Đội Biên Phòng. Muốn biết sự canh chừng của hệ thống này hiệu quả đến mức độ nào, người ta chỉ cần thực hiện những chuyến đi xuyên qua biên giới hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Đây là cách mà Bắc Kinh muốn kiểm tra, đánh giá thực tế sự bảo vệ biên giới của Việt Nam để đề ra biện pháp thích ứng khi cần.
Thứ ba, cài cắm gián điệp tại Việt Nam và có thể qua các nước khác bằng con đường nhập cảnh lậu. Đây là chuyện Trung Quốc đã làm từ lâu qua nhiều hình thức giao lưu, thăm viếng, du lịch, trao đổi văn hoá. Nhưng lần này, qua nhiều ngõ ngách buông lỏng của biên giới phía Bắc, rõ ràng Bắc Kinh thực hiện một kế hoạch nước lũ mà chính quyền Việt Nam không lường được trong thời kỳ Covid-19 bùng phát trở lại.
Cả ba giả thuyết này có cái cao cái thấp, và có thể được Bắc Kinh thực hiện cùng một lúc. Nhưng trong tình hình hiện nay, với những xung đột ngày càng gay gắt hơn giữa Mỹ và Trung Cộng thì giả thuyết thứ ba, cài cắm gián điệp qua nhập cảnh lậu là giả thuyết có nhiều xác suất cao nhất.
Phạm Nhật Bình