Con người hình thành tiếng nói trước khi tạo ra con chữ. Tức là phải có “ngôn” rồi mới “luận”.
Không rành văn phạm tiếng Việt
Báo Vietnamnet số ra ngày 31 tháng Bảy năm 2020 có bài [1] “Bảo đảm tự do ngôn luận chứ không cổ súy ngôn luận tự do” của nhà báo Thiện Văn. Bài báo gây ồn ào trên mạng xã hội về cách dùng chữ nghĩa “không giống ai”.
Men theo bài báo nói trên, ngày 13 tháng Một năm 2020, trang kiemsat.vn (dẫn từ nguồn Tạp Chí Cộng Sản) có bài [2] “Tự do ngôn luận hay “ngôn luận tự do để xuyên tạc, kích động, chống phá đảng, nhà nước và nhân dân” của ông Nguyễn Trí Thức được biết là một tiến sĩ.
Một người viết báo, điều tối kỵ là “đạo văn” người khác. Đó là điểm đầu tiên cần nhắc cho ông Thiện Văn với tư cách nhà báo chuyên nghiệp.
Điểm kế tiếp cũng nên nhắc nhở – cho cả ông Nguyễn Trí Thức và ông Thiện Văn – đã viết một bài báo, nên cẩn trọng khi đưa ra một ý tưởng mới.
Dư luận đang cười cợt đủ kiểu về khái niệm “tự do ngôn luận” và “ngôn luận tự do” của ông Nguyễn Trí Thức đưa ra mà ông Thiện Văn đánh cắp.
Trong văn phạm tiếng Việt, có phép đảo ngữ. Phép này cho người viết hoán chuyển từ, trạng từ, trạng ngữ với mục đích làm câu văn, câu thơ trở nên phong phú hơn, độc đáo hơn cũng như thể hiện cảm xúc riêng của tác giả và kể cả làm câu văn, câu thơ không nhàm chán theo một lối mòn. Tuy nhiên, phép đảo ngữ buộc phải vẫn giữ đúng nội dung và bản chất ý nghĩa chuyển tải tới người đọc.
Ví dụ 1:
Thay vì viết “Người buồn cảnh có bao giờ vui đâu” (truyện Kiều), đại thi hào Nguyễn Du viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trường hợp này, đảo ngữ để phù hợp với 2 câu thơ lục bát:
Cảnh nào cảnh chẳng gieo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
nhưng nội dung chuyển tải đến người không hề thay đổi.
Ví dụ 2: Tôi tin mình có nhận định đúng về thị trường chứng khoán hiện nay, với kinh nghiệm trên 20 năm.
Đảo ngữ cho phép viết: Với kinh nghiệm trên 20 năm, tôi tin mình có nhận định đúng về thị trường chứng khoán hiện nay.
Trong khi đó, Nguyễn Trí Thức và Thiện Văn cố tình dùng phép đảo ngữ trong văn phạm để che mắt dư luận về thực tế tự do ngôn luận đang diễn ra tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cả ông Thức và ông Văn chỉ đưa ra các văn bản luật chỉ có giá trị trên giấy và các cam kết với quốc tế về nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN nhưng không bao giờ thực hiện.
Trớt quớt
Với tư cách một nhà báo, tôi cảm thấy rất tiếc cho cả ông Thức và ông Văn khi họ không thuần thục văn phạm tiếng Việt trong viết lách.
Điều đáng nói nữa, trong văn chương, khi đưa ra một ý tưởng mới, ý tưởng đó phải có nghĩa. Khi ý tưởng trở thành khái niệm (tức khái quát hóa được hiện tượng, sự vật trong đời sống loài người) thuyết phục được đông đảo trong dân chúng, người đó được gọi là “nhà tư tưởng”.
Để trở thành “nhà tư tưởng”, ông Nguyễn Trí Thức buộc phải giải thích sự khác biệt giữa “tự do ngôn luận” và “ngôn luận tự do” với tư cách một “tiến sĩ” [3] giữ chức trách Vụ trưởng – Trưởng ban Hồ sơ sự kiện Tạp chí Cộng sản và là một thầy giáo dạy về ngành báo chí. Một khi không thể tách bạch rõ ràng, tức là ông thầy Thức – chuyên dạy người khác làm báo – rơi vào phép ngụy biện “lý lẽ ngờ nghệch” (Ad ignorantium), bởi ông ta không chứng minh được sự khác biệt của hai loại khái niệm tự đưa ra, mà lại cố tình dùng nó để chối bỏ thực tế về “ngôn luận tự do” tại Việt Nam hiện nay.
Thực tế về “tự do ngôn luận” và “ngôn luận tự do” tại Việt Nam
Mới nhất, đài RFA [4] cho hay (trích):Tòa án nhân dân TPHCM vào tối ngày 31 tháng 7 năm 2020 đã tuyên phạt 8 người trong nhóm Hiến Pháp tổng cộng 40 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc tội danh “phá rối an ninh” theo khoản 1, Điều 118 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể mức án đối với từng người là: bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – 8 năm tù giam và Hoàng Thị Thu Vang – 7 năm tù giam.
Các ông Đỗ Thế Hóa, Lê Quý Lộc và Ngô Văn Dũng mỗi người bị tuyên 5 năm tù giam.
Ông Trần Thanh Phương có mức án 5 năm 6 tháng tù, ông Hồ Đình Cương là 4 năm 6 tháng tù giam, riêng bà Đoàn Thị Hồng mặc dù có con nhỏ dưới 3 tuổi vẫn bị tuyên 2 năm 6 tháng tù giam.
Mỗi người đều sẽ bị quản chế tại nhà từ 2-3 năm sau khi trả xong án.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho 2 ông Trần Thanh Phương và Hồ Đình Cương, vào tối 31 tháng 7 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Nói chung vụ xử thì nó cũng bình thường thôi, chỉ có điều là cái quan điểm của cơ quan bảo vệ pháp luật nó khắt khe quá.
Trong hồ sơ thể hiện những người này thật ra đang chuẩn bị thực hiện quyền biểu tình của mình thôi, nhưng lại khép họ vào cái tội nặng hơn rất là nhiều là ‘phá rối an ninh’… (hết trích)
Trong khi đó, tại Bộ Luật Hình Sự 2015, theo điều 167 quy định “Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” với mức án từ cải tạo không giam giữ đến 5 năm tù giam. Tất nhiên, loại tội danh này chỉ có người thi hành công vụ mới “đủ điều kiện” để phạm tội.
Tạm kết
Trên trang facebook cá nhân của cô Nguyễn Hoàng Vi có viết: “Nếu những người phổ biến Hiến pháp là sai thì người lập Hiến pháp tội gì?” để bày tỏ sự phản đối trước những án tù phi pháp dành cho 8 con người chỉ dùng “tự do ngôn luận” để đòi “ngôn luận tự do” (!).
Trong khi đó, báo Người Lao Động – ra ngày 31 tháng Bảy năm 2020 – hả hê trước 8 án tù của 8 con người vô tội bằng tựa đề [5] “Âm mưu tổ chức biểu tình, tám đối tượng trả giá đắt” mà lại không hề hay biết chính họ đang cổ súy cho sự vi phạm điều 167 Bộ Luật Hình Sự, dù phóng viên Di Lâm (viết bài) mang tiếng “nhà báo chuyên nghiệp” (!). Di Lâm và các ông (bà) nhà báo khác nên nhớ: Không được phép gọi “con người” là “đối tượng” – Một khái niệm vô nghĩa và cách gọi đó quả là sự nhạo báng Quyền Con Người tồi tệ nhất!
Sẵn đây, nhắc chung cho các ông (bà) mang danh nhà báo kể cả giáo sư – tiến sĩ các loại, quý vị ráng cố gắng dành chút ít thời giờ để ôn lại các khái niệm tiếng Việt, trau dồi thêm văn phạm tiếng Việt, cũng như “gia cố” nhân cách làm người trong tư cách một nhà báo.
Nhân quyền tại Việt Nam vẫn nằm trong nhóm cuối bảng của thế giới.
Tất nhiên, “tự do ngôn luận” hay “ngôn luận tự do” đều nằm trong khái niệm nhân quyền.
Và nhân quyền là… quyền con người (!)
Thật mỉa mai!