- tuankhanh’s blog – RFA
Hà Nội vẫn rất giỏi trong việc bày ra những điều sáng sủa trong các nhà giam, vốn mang nhiều tai tiếng về sự khắc nghiệt và bạo hành, theo nhiều nhận định của giới tranh đấu cho nhân quyền. Tháng 7 năm 2020, theo báo Guardian cho biết, Việt Nam đã mời 5 nhà báo thuộc Liên Minh Châu Âu đi thăm vài trại giam, nhằm thuyết phục rằng nhà tù ở Việt Nam là một nơi đủ tốt, không như quốc tế vẫn tố cáo, và vẫn luôn cải thiện.
Lý do của lời mời này, là sau khi EVFTA đã được ký kết giữa hai bên, Việt Nam phải có những hành động, chứng minh cho các cam kết với EU về vấn đề nhân quyền và trại giam, mà vốn các điều khoản này nằm trong các giao ước về thương mại.
Theo báo, Guardian lúc này ở Việt Nam có khoảng 100.000 tù nhân. Đó là con số mà nhà nước Việt Nam thông báo ra thế giới.
Việc mời các nhà báo của Liên minh, châu Âu đến Việt Nam, nhằm chứng minh rằng Hà Nội đã thực thi đúng công ước số 105 của tổ chức ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế ) về vấn đề chống cưỡng bức lao động trong trại giam. Nơi mà các nhà báo được mời đến là một trại giam kinh tế và hình sự ở Thủ Đức, cách Saigon khoảng 100km. Dĩ nhiên, nơi này hoàn toàn khác với trại giam Gia Trung hay ở số 6 Nghệ An, cũng như những người được tiếp xúc và phỏng vấn với các nhà báo EU đã được sắp đặt trước, không phải là Nguyễn Viết Dũng hay Nguyễn Văn Hóa.
Briton Joe Hui, 63 tuổi, người đang chịu án tù chung thân vì tội ăn cắp 700.000 USD của chính phủ Việt Nam, là một trong những người được chọn lựa để nói chuyện với các nhà báo. Ông Hui khẳng định rằng cuộc sống trong tù rất tốt, và nếu biết vâng lời, thì cái gì cũng thuận lợi.
Nói với các nhà báo EU, ông Hồ Thành Đình, Cục trưởng Cảnh sát quản lý trại giam Việt Nam, đã phủ nhận một cách dứt khoát về những cáo buộc tra tấn hoặc ngược đãi vì động cơ chính trị. Nhưng cũng không có một tù nhân chính trị nào được tiếp xúc với các nhà báo này để chứng minh hùng hồn hơn điều mà ông Hồ Thành Đình nói.
Theo công bố của Amnesty International hồi tháng 5/2019, tù nhân lương tâm bị bỏ tù một cách bất công trên khắp Việt Nam đã tăng lên 128, mà theo tổ chức này, là dấu hiệu của một cuộc đàn áp ngày càng tăng đối với hoạt động ôn hòa.
Tài liệu này cũng nói các điều kiện giam giữ vẫn còn kinh khủng, với bằng chứng các tù nhân bị tra tấn và bị đối xử tàn tệ, thường xuyên bị giam giữ và bị biệt giam, giữ trong điều kiện tồi tàn, và từ chối chăm sóc y tế, nước sạch và không khí trong lành.
Trao đổi với mẹ Nấm, tức tù nhân lương Tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người từng bị gọi án 10 năm tù giam vào năm 2017 vì đăng các bài viết coi là chống phá nhà nước. Tờ Guardian tường thuật rằng bà Quỳnh nói rằng hầu hết tất cả những tù nhân chính trị khi bước vào nhà giam luôn luôn bị ngược đãi. Thậm chí phụ nữ không được cấp phát những vật dụng vệ sinh cá nhân hàng tháng theo nhu cầu. Ngoài ra nhiều người cũng bị buộc phải làm những việc ngoài ý muốn và bị đánh đập. Bà Quỳnh may mắn đã được Hoa Kỳ can thiệp để ra khỏi nhà tù sớm.
Một trường hợp tương tự là luật sư Lê Công Định, người bị kết án 5 năm tù vào năm 2009, được ra tù của năm 2013. Ông Định xác nhận về những tình trạng tồi tệ trong nhà tù, và nói cán bộ trại giam thường lạm dụng sức lao động của các tù nhân, dùng tù nhân để sản xuất và làm dịch vụ mà tiền công thì những người này không hề được hưởng.
Lao động cưỡng bức hay ngược đãi tù nhân là một trong những vấn nạn mà cả thế giới được quan tâm và dùng nó như là một giá trị đạo đức, để có thể kết nối với nhau trong việc làm ăn. Và dù lấy cớ hay thật lòng, thì giá trị này vẫn còn quan trọng trong nhiều thập niên để ràng buộc nhau.
Cũng cùng vào lúc mà các nhà báo của Liên minh châu Âu đến Việt Nam, người ta được biết rằng dịch giả và nhà báo Lê Anh Hùng, vì những tố cáo công khai về tham nhũng và các chính sách sai lầm của Nhà nước Việt Nam, đã bị bắt giữ hơn 2 năm. Nhưng để hóa giải tất cả những điều đó hơn là đưa ra tòa, thì Hà Nội đã tìm cách đẩy anh vào nhà thương điên ở Hà Nội với những liều thuốc bí mật, nhằm phế bỏ toàn bộ tri thức và trí nhớ của nhà tranh đấu này.
Không thấy các nhà báo này đề nghị đến gặp Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những cái tên quen thuộc của châu Âu, đã được nhắc đi nhắc lại liên tục và thậm chí đưa lên bàn cân trong việc ký kết Hiệp định EVFTA. Kể từ cuối năm 2018, sau khi nước Đức hạ giọng về vấn đề Trịnh Xuân Thanh và đẩy mạnh việc làm ăn thương mại với Việt Nam, nhà tranh đấu Trần Huỳnh Duy thức cũng như nhiều tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam, chỉ còn là một cái bóng mờ, đằng sau những bức tranh đẹp mà Hà Nội giới thiệu ra bên ngoài.
Trong một thế giới mà lợi ích là ưu tiên, việc quan sát của năm nhà báo Liên minh châu Âu có thể là một thể thức ngoại giao bổn phận và tới đó cũng là đủ. Số phận của một vài con người ở Việt Nam, có lẽ cũng không quan trọng bằng kết quả của một hợp đồng của giới cầm quyền. Vì thịnh vượng, thế giới đang đi đến xu hướng bắt tay nhau thật chặt và cười tươi, cố tình quên lãng vùng bóng tối phía sau, vẫn luôn làm lấm lem mọi câu chuyện.