- tuongnangtien’s blog – RFA
Bản chất nó là cuồng bạo
Huênh hoang lấp biển vá trời
“Kiến tạo địa đàng – hạnh phúc”
Khốn nạn thay! (Phùng Cung)
Tôi có chút giao tình (không đậm đà gì mấy) với nhà văn Vũ Thư Hiên. Chúng tôi không sinh cùng nơi, cũng chả sống cùng thời, tính tình lại hoàn toàn khác biệt nên chuyện trò giữa ông và tôi đôi lúc (nghe) hơi trệu trạo.
Gặp bất cứ ai tôi cũng chỉ thích nói về mình, và “văn mình” thôi. Văn mình vợ người là chuyện thường tình nhưng riêng Vũ Thư Hiên thì bất bình thường thấy rõ. Lúc nào ông cũng say sưa bàn về tác phẩm, hay nhân vật, của… một người cầm bút khác:
– Dứt khoát là phải làm một cuốn phim về cuộc đời của Già Đô thôi.
– Dạ vâng!
– Không làm thì tiếc lắm đấy.
– Dạ đúng!
Tôi cứ “vâng/dạ” đều đều (và nhẹ hều) như vậy vì chả hào hứng chút nào về chuyện của thiên hạ, và cũng vì đã nghe về cái dự tính điện ảnh này gần chục lần rồi.
Già Đô là ai?
“Già là một lính thợ Pháp quốc trong đại chiến thế giới thứ hai. Từ Pháp già đã tới Algérie, Maroc (cái lý lịch ấy thật tai vạ cho già). Già đã là thợ đốt lò dưới con tàu Commerce Maritimes thuộc hãng Đầu Ngựa. Hải Phòng – Marseille là hành trình những năm tuổi trẻ của già. Làm được hai năm già thôi việc. Chỉ vì già không chịu được những lời mắng nhiếc của chủ… Già bỏ tàu lên thành phố Marseille. Vào quán rượu quen. Uống. Uống nhiều. Và không trở về tàu nữa. Lang thang ở Marseille cho đến đồng frăng cuối cùng, già tìm được việc làm trong một xưởng sửa chữa xe có động cơ. Từ xe gắn máy, các loại ô-tô tới xe nâng, cần cẩu. Tại đây già bị động viên vào một đơn vị cơ giới. Già sang Maroc, Algérie, vẫn làm nhiệm vụ sửa xe.
Đại chiến thế giới thứ hai kết thúc. Già trở về Marseille. Trở về xưởng cũ. Lấy vợ. Cô Jeannette bán hoa quả ở gần bến cảng lớn bổng lên khiến già ngỡ ngàng, xao xuyến. Hai vợ chồng vay vốn mở một tiệm rượu nhỏ. Khách là những người phu pooc-tê, những thuỷ thủ, những người thợ nhan nhản ở thành phố Marseille.
Rồi già biết quê nhà đã được độc lập. Niềm sung sướng lớn lao và nỗi nhớ quê hương, nỗi sầu biệt xứ bỗng cồn cào trong lòng không chịu nổi. Càng không chịu nổi khi biết tin hiệp nghị Genève đã ký kết. Một nửa đất nước được độc lập. Lại thêm thôi thúc vì chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo đất nước là người từng lâu năm ở Pháp, cũng từng là một mạch-lô.
Già về nước. Khi đó bà Jeannette đã sinh cho già một cô con gái xinh đẹp, có nước da trắng của bà, có mái tóc và đôi mắt đen của già Đô. Mặc bà vợ khóc can ngăn, già nhất định về nước. Rồi già sẽ sang đón bà về. Độc lập rồi, xây dựng sẽ rất nhanh. Đất nước sẽ phát triển rất nhanh. Dân tộc ta thông minh, cần cù, chiu khó lại được bao nước giúp đỡ. Đất nước đang cần những bàn tay như già…” (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập II. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).
Nói tóm lại, và nói một cách ví von: Già Đô là một Nguyễn Mạnh Tường của giới công nhân nhưng trung vận, cũng như hậu vận, đen đủi hơn cái ông luật sư (bất khuất và bất hạnh) rất nhiều. Ông Tường không bị CS giam cầm một ngày nào ráo, và cuối đời vẫn còn có hội lên tiếng (Une Voix Dans La Nuit) giữa kinh đô ánh sáng Paris trước khi nhắm mắt. Già Đô không có cái may mắn đó. Ông chết vì đói lạnh, trong một cái miếu hoang ở Việt Nam, sau khi “thất bại” trong việc làm đơn xin trở lại trại tù – vẫn theo như lời của Bùi Ngọc Tấn:
“Khoảng một tháng sau, già Đô trở lại nhà hắn. Ở nhà hắn đi ra như thế nào, già trở lại cũng y như vậy. Một Vitali cô đơn, bị bọc, rách rưới, mang xách, nặng mùi. Có một điều khác: Tàn tạ hơn, mệt mỏi hơn, nhưng ẩn một tia hy vọng vì đã tìm ra lối thoát. Già hỏi hắn: ‘Cụ có giấy bút không?’ Và nhanh nhẹn đỡ lấy những thứ đó từ tay hắn. Già đeo kính. Cái kỉnh lão mắt tròn tròn cổ lỗ hồi đầu thế kỷ, một mắt lại vỡ rạn hẳn là quá nhẹ với già, nên già phải ngửa đầu ra phía sau mà nhìn vào tờ giấy. Già viết rất khó khăn…
Bỗng già buông bút, nhìn hắn:
– Hay là cụ viết giúp tôi.
Hắn vui vẻ nhận lời. Già đọc:
– Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Kính gửi Sở Công an.
– À, gượm đã. Hay là kính gửi Ban giám thị trại VQ nhỉ?
– Nhưng mà nội dung đơn là gì cơ?
– Tôi xin trở lại trong ấy.
Hắn choáng người, đặt bút xuống, nhìn già chăm chăm.
– Tôi suy nghĩ kỹ rồi, cụ ạ. Ở trong ấy tốt hơn.
Già chớp chớp mắt:
– Đời tôi là không gia đình. Ở đâu cũng vậy thôi…
– Ở ngoài này tôi không chịu đựng nổi nữa rồi.
Hắn cảm thấy già có lý: Với già sống ở ngoài đời đáng sợ hơn chết ở trong tù nhiều lắm.
– Thế thì phải làm đơn gửi Sở Công an. Trại người ta không nhận đâu. Phải là từ Sở đưa lên. Trại đã xuất kho mình rồi, ai người ta nhập kho mình nữa.
– Ý tứ thế. Cụ viết giúp tôi.
Hắn viết. Già ngồi im lặng. Hắn bảo già:
– Cụ nghe tôi đọc lại nhé.
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Đơn xin vào lại trại cải tạo… (B. Tấn, sđd 224 – 225).
Lạ nhỉ! Sao một công dân của một quốc gia Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc mà lại làm đơn xin “vào lại trại cải tạo”, hả Giời? Mà hạnh phúc ở Việt Nam đâu có quá xa vời hay quá tầm tay với của bất cứ ai. Nó tràn lan khắp hang cùng ngõ hẹp và tràn ngập khắp mọi nhà mà. Nơi đất nước này, đã có lúc, hễ ra ngõ là gặp anh hùng. Còn bây giờ, cứ mở mắt ra là thấy ngay hạnh phúc:
- Nguyễn Phú Trọng, TBT kiêm CTN: “Mỗi mùa xuân có Đảng là một mùa hạnh phúc an vui.”
- Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành Ủy TP.HCM: “Việc con em lãnh đạo được giao trọng trách quản lý là điều hạnh phúc của dân tộc.”
- Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo TƯ : “Trường hợp đặc biệt về tuổi như Tổng bí thư là hạnh phúc của Đảng, dân tộc.”
Quan niệm của đám thường dân cũng thế, cũng “đơn sơ” lắm – theo như cách dùng từ của blogger Ku Búa:
“Đa số người dân Việt Nam có định nghĩa rất đơn sơ đối với ‘Hạnh Phúc.’ Họ không cần quá nhiều để cảm thấy vui vẻ. Một anh công nhân chỉ cần có việc làm trả lương. Một cô bán bán hàng chỉ cần ngày nào cũng có khách. Một người dân nông chỉ cần làm vài vụ một năm. Một sinh viên chỉ cần thi qua môn. Như vậy là đủ…”
Chả những “đủ” mà còn dám “dư” nữa là đằng khác vì hạnh phúc (hay đau khổ) đều do do nhận thức mà ra cả, và nhận thức thì luôn luôn rất chủ quan và tương đối. Xin đan cử một thí dụ:
Đang đêm khuya khoắt bỗng nghe tiếng xe thắng gấp trước nhà, công an nhẩy xuống rầm rập và túm cổ ngay cái thằng cha ở cạnh bên. Thế là bạn thở phào nhẹ nhõm. Vậy chả hạnh phúc sao?
Ngay cả khi chính bạn bị vồ lên đồn chăng nữa nhưng chỉ vài ngày sau là được thả luôn. Chả những thế, bạn vẫn có thể ra khỏi đồn công an (bằng chính đôi chân của mình) không cần đến băng ca hay brancard gì cả. Thế mà không hạnh phúc à?
Điều trở ngại lớn nhất trong việc mưu tìm hạnh phúc là chúng ta luôn luôn mong muốn một thứ hạnh phúc lớn hơn (hoặc nhiều hơn) chút nữa . Ấy chớ bạn ạ. Ở VN mà còn được thở, và thở được, là hạnh phúc lắm rồi, dù không khí có ô nhiễm hay ngột ngạt đến đâu chăng nữa.