Ý kiến về Tuyên Bố Ra Mắt “Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam”

- Quảng Cáo -

Trần Ngọc Thành – Phong Trào Lao Động Việt

Ngày 01. 07. 2020, các nguồn tin trên mạng xã hội đưa tin về tuyên bố ra mắt: “Nghiệp đoàn độc lập Việt nam”.

Là một người gắn bó với phong trào tranh đấu vì quyền thành lập Nghiệp đoàn độc lập tại Việt nam từ hàng chục năm nay, tôi có những suy nghĩ về vấn đề này, xin được đưa ra để những ai quan tâm đến quyền lợi của người lao động nói chung và giai cấp công nhân nói riêng cùng tham khảo.

Quan điểm của tôi gồm 2 phần:

- Quảng Cáo -

1- Quá trinh tranh đấu cho quyền thành lập Công đoàn độc lập tại Việt nam và suy nghĩ về bối cảnh ra mắt “Nghiệp đoàn độc lập Việt nam” ngày 01.07.2020

2- Thực  chất hoạt động của “Tổng liên đoàn lao động Việt nam”

Để những ai quan tâm có thể biết tường tận các vấn đề, bài viết của tôi dù chỉ nêu một số sự kiện chính có thể hơi dài.

***

1- Quá trình tranh đấu cho quyền thành lập Công đoàn độc lập tại Việt nam và suy nghĩ về bối cảnh ra mắt “Nghiệp đoàn độc lập Việt nam”ngày 01.07.2020.

Những ngày gần đây, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tăng cường đàn áp khốc liệt đối với những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, quyền Nghiệp đoàn, quyền của người lao động và bất kỳ những ai bày tỏ ý kiến phê bình góp ý về những chủ trương, chính sách sai trái của Đảng cộng sản.

Ngày 23.05.2020, bắt ông Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch hội nhà báo độc lập tại Hà Đông; bắt ông Trần Đức Thạch nhà thơ, nhà báo tại Nghệ An.

Trước đó, ngày 21.11.2019, bắt ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lâp, đồng thời là chủ tịch nghiệp đoàn báo chí độc lập.

Ngày 18.04, bắt chị Đinh Thị Thu Thủy tại Hậu Giang.

Ngày 21.05, bắt ông Phạm Chí Thành cũng là nhà báo tự do tại Hà nội.

Ngày 24.06, bắt ba mẹ con chị Cấn Thị Thêu , Trịnh bá Phương, Trịnh Bá Tư và chị Nguyễn Thị Tâm ở Hà Đông và Hòa Bình.

Những anh chị em khác, những người đang trong tầm ngắm của an ninh cộng sản như Phạm Đoan Trang, nhà xuất bản tự do,… đang phải ẩn mình.

Nhưng, ngày 01.07.2020 những người thành lập “Nghiệp đoàn độc lâp Việt Nam” lại chủ trương công khai hoạt động, công khai danh tính đã làm cho tôi và nhiều người khác băn khoăn:

  • Họ có biết nhà cầm quyền cộng sản không bao giờ chấp nhận và tìm cách triệt hạ bất cứ một tổ chức nào dù lương thiện đến mấy, nhưng không do họ lập ra?
  • Họ có biết rằng “Công đoàn Độc lập Việt nam” và phong trào tranh đấu cho quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam đã ra đời và phát triển từ hàng chục năm nay?
  • Họ có biết những người dũng cảm, trung kiên cho phong trào tranh đấu vì quyền nghiệp đoàn độc lập đã bị những bản án khốc liệt, đã ở tù và đang ở tù như Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân, Nguyễn Hoàng quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trương Minh Đức, Hoàng Đức Bình, Phạm văn Trội, Nguyễn Văn Đức Độ? Những công nhân bị đánh đập dã man, bị đuổi việc vì tổ chức đình công đòi quyền lợi cho công nhân?
  • Họ có biết để tránh sự đàn áp khốc liệt hiện nay, những tổ chức tranh đấu cho quyền nghiệp đoàn đã phải chuyển sang hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng?
  • Phải chăng họ dũng cảm, sẵn sàng thách thức nhà cầm quyền cộng sản, sẵn sàng vào tù, chỉ cần đưa tên tuổi và tạo tiếng vang?
  • Hay họ được nhà cầm quyền cs bật đèn xanh ra tuyên bố để trưng ra cho thế giới biết nhà nước độc tài đã thay đổi?! Việt Nam thực hiện cam kết khi ký  CPTPP và EVFTA .Việt Nam cũng có “Nghiệp đoàn độc lập”… như ai !

 Đó là những băn khoăn buộc tôi phải lên tiếng.

Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, giai cấp công nhân nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung đều nằm trong một hệ thống “thuần nhất” dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng cộng sản.

Từ năm 1990, sau khi khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, trước cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc, nhằm cứu nguy chế độ, nhà cầm quyền Cs Việt Nam bắt buộc phải chuyển hướng phát triển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, kêu gọi tư bản nước ngoài đầu tư ồ ạt vào Việt Nam.

Giai cấp công nhân Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Với một số lượng ít ỏi trước năm 1990, đến nay giai cấp công nhân Viêt Nam đã có trên 10 triệu người, đó là chưa kể hàng trăm ngàn lao động trẻ Việt Nam được xuất khẩu làm việc tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Bắt đầu từ đó, công nhân Việt nam bị bóc lột thậm tệ, họ phải làm việc từ 10 đến 15 giờ mỗi ngày, trong môi trường làm việc và ăn ở hết sức tồi tệ nhưng chỉ được trả công với đồng lương bình quân 70 đô la Mỹ, thấp nhất khu vực Đông Nam Á (những năm 90 thế kỷ trước và đầu những năm 2000). Ngoài ra nhiều trường hợp công nhân còn bị chủ đánh đập, làm nhục.

Không chịu được tình trạng bóc lột của giới chủ, công nhân đã đứng lên tranh đấu để đòi quyền lợi. Từ năm 1995, công nhân băt đầu phản kháng giới chủ bằng cách tổ chức các cuôc đình công, năm sau nhiều hơn năm trước. Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN) không những không ủng hộ công nhân đình công mà còn đứng về phía chủ nhân đe doạ công nhân, chỉ điểm cho công an CS bắt bớ những người tổ chức đình công.

Khi các cuộc đình công đã lan rộng trong cả nước (năm 2005 có trên 300 cuộc; năm 2006 có 387cuộc), nhưng TLĐLĐVN đồng tình với nhà nước CSVN ngăn chặn các cuộc đình công. Chúng tôi, những người quan tâm đến tình trạng bóc lột tồi tệ của giớí chủ bắt đầu vận động để thành lập «Công đoàn độc lập».

Ngày 20 tháng 10 năm 2006, tại Việt Nam tuyên bố thành lập “Công Đoàn Độc Lập Việt Nam” (CĐĐLVN) để bênh vực và bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân. CĐĐLVN đã làm các thủ tục đăng ký pháp lý với nhà nước Việt Nam.

 Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2006

            TUYÊN BỐ THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM

 Kính gửi:

-Chủ tịch Quốc Hội nước Công Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,

-Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam,

– Các cơ  quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước.

Đồng kính gửi:

-Tổng Liên Đoàn Lao Động Thế Giới,

-Tổng Liên Đoàn Lao Động  Liên Hiêp Châu Âu,

– Tổng Liên Đoàn lao Động các nước trên Thế giới.

              Kính thưa quý vị,

Từ 20 năm nay, khi  đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa kinh tế, trên đất nước Việt Nam ngày càng có nhiều chủ tư bản nước ngoài vào đầu tư để khai thác nguồn lao động rẻ mạt của nhân dân Việt Nam. Khu vực kinh tế tư nhân do các chủ nhân người Việt quản lý cũng ngày càng phát triển. Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân của tư bản nước ngoài và tư bản nội địa đã đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế của nước Việt Nam, chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu.

Song song với việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân là sự phát triển đội ngũ công nhân lao đông ở khu vực này. Trong 15 năm qua giai cấp công nhân Viêt Nam đã lớn mạnh không ngừng về số lượng, trình độ tay nghề cũng ngày càng được nâng cao không thua kém công nhân các nước trong khu vực.

Nhưng, một nghịch lý là cuộc sống vật chất và tinh thần của công nhân Viêt Nam vẫn rất cơ cực. Công nhân thường xuyên bị chủ ức hiếp, đe dọa sa thải, thậm chí đánh đập, làm nhục mà không có ai bênh vực, bảo vệ. Hàng hóa do công nhân sản xuất, xuất khẩu, đựợc đánh giá cao về chất lượng, nhưng mức lương của công nhân Việt Nam lại thấp nhất so với các nước trong khu vực có cùng trình độ tay nghề. Phần lớn công nhân không được bảo hiểm y tế, ốm đau không được chăm sóc thỏa đáng, thậm chí còn phải đi làm trong lúc đau ốm vì sợ chủ đuổi việc. Cuộc sống của công nhân khu vực kinh tế tư nhân không được quan tâm đúng mức.

Tổng liên đoàn lao động Viêt Nam đã bất lực trong việc bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của công nhân trong khu vực kinh tế tư nhân.

 Chính vì vậy, trong những năm qua đã có hàng ngàn cuộc đình công với hàng trăm ngàn người tham gia đòi cải thiện đời sống và điều kiện làm việc. Nhưng, những yêu sách, những đòi hỏi chính đáng của công nhân vẫn chưa được đáp ứng. Công nhân vẫn phải sống và làm việc trong vòng kiềm tỏa của giới chủ mà không được một tổ chức nào bênh vực, bảo vệ.

Điều 53 và điều 69 Hiến Pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) nêu rõ:

    -“Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân.”

    – “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

Dựa trên những điều khoản quy định của Hiến pháp, và yêu cầu cần thiết phải bảo vệ công nhân.

 Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, tuyên bố thành lập

                           CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM

 Nhằm mục đích:

    Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người công nhân Việt Nam,

    Giúp đỡ những công nhân gặp khó khăn trong cuộc sống, lúc ốm đau, bệnh tật,

    Nâng cao tình đoàn kết của giai cấp công nhân.

Chúng tôi kêu gọi các tổ chức đảng, chính quyền nhà nước Viêt Nam, các tổ chức công đoàn do nhà nước Việt Nam lập ra và quản lý tạo điều kiện và giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước công nhân.

Chúng tôi kính đề nghị Tổng Liên Đoàn Lao Động Thế Giới công nhận và kết nạp chúng tôi làm thành viên. Chúng tôi hứa sẽ tuân thủ mọi  quy chế do Tổng Liên Đoàn Lao Động Thế Giới quy định.

Chúng tôi kêu gọi Tổng Liên Đoàn Liên Hiệp Châu Âu, Tổng Liên Đoàn Lao Động các nước giúp đỡ, ủng hộ và bảo vệ chúng tôi trong quá trình xây dựng và phát triển.

Chúng tôi kêu gọi các tổ chức công đoàn của người Việt ở nước ngoài, các tổ chức và cá nhân người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài giúp đỡ, ủng hộ chúng tôi trong bước đầu hình thành, xây dựng và phát triển.

Chúng tôi kêu gọi toàn thể anh chị em công nhân Việt Nam ở tất cả các khu vực, nhà máy ở Việt Nam gia nhập Công Đoàn Đôc Lập Việt Nam.

Chúng ta hãy đoàn kết lại thành một khối thống nhất, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong mọi tình huống. Có như vậy, chúng ta mới tự bảo vệ được mình, bảo vệ được thành quả lao động do chính mình tạo ra.

Thay mặt ban lãnh đạo CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM

BAN ĐẠI DIỆN LÂM THỜI

1/ Nguyễn Khắc Toàn

2/ Lê Trí Tuệ

3/ Trần Thiên Ân

CÁC ỦY VIÊN LÂM THỜI

1/ Nguyễn Công Lý

2/ Ngô Công Quỳnh

3/ Nguyễn Thị Hương

4/ Trần Hoàng Dương

5/ Phạm Sỹ Thiện

6/ Nguyễn Xuân Đạo

7/ Trần Huyền Thanh

8/ Lương Hoài Nam

9/ Lê Chí Dũng

10/ Trần Khải Thanh Thủy

11/ Trần Quốc Thủy

Địa chỉ email: congdoandoclapvn@gmail.com

 

LỜI KÊU GỌI GIA NHẬP  CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM

Kính gửi: Toàn thể công nhân và người lao động Việt Nam

Hôm nay, ngày 20 tháng 10 năm 2006, tại Hà Nội, Tổ chức Công Đoàn Độc Lập đầu tiên của Việt Nam được tuyên bố thành lập.

Công Đoàn Độc Lập Viêt Nam ra đời nhằm mục đích duy nhất là giúp đỡ, bảo vệ các lợi ích về vật chất và tinh thần của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.

Bất kỳ người công nhân và người lao động Việt Nam nào cũng có quyền gia nhập Công Đoàn Độc Lập Việt Nam. Công Đoàn Độc Lập Việt Nam có trách nhiệm sử dụng các công cụ pháp lý, các quan hệ trong và ngoài nước để giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi về vật chất và tinh thần của các thành viên.

Bởi những tiêu chí và mục đích của  Công Đoàn Độc Lập Việt Nam nêu trên. Chúng tôi thay mặt Ban lãnh đạo Công đoàn Độc lập Việt Nam  kêu gọi công nhân và người lao động Việt Nam gia nhập  Công Đoàn Độc Lập Viêt Nam.

Công Đoàn Đôc Lập Việt Nam cam kết giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi về vật chất và tinh thần của tất cả các thành viên.

Thay mặt ban lãnh đạo lâm thời của  Công Đoàn Độc Lập Việt Nam. 

Trưởng ban đại diên lâm thời

Nguyễn Khắc Toàn.”

Sự ra đời của CĐĐLVN đã được công nhân hoan nghênh và hưởng ứng mạnh mẽ.

Đúng một tuần sau, từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 10 năm 2006, chúng tôi tổ chức một cuộc hội nghị quốc tế gồm trên 70 đại biểu từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc châu, Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Tiệp, Hà lan, Nga tại Warszawa, thủ đô nước Cộng Hòa Balan. Hội nghị mang tên “ Cơm Áo và Quyền lao động” được sự tài trợ của “Công Đoàn Đoàn Kết”, Ba lan, “Hiệp Hội Tự Do Ngôn Luận Ba lan”.

Hội Nghị nhằm mục đích ủng hộ về mọi mặt cho “Công đoàn độc lập Việt Nam” (CĐĐL)

Các đại biểu hội nghị được các bộ trưởng, chánh văn phòng Tổng Thống Balan, văn phòng Thủ tướng chào đón. Các đại biểu cũng đến chào Chủ tịch Công đoàn Đoàn kết, thăm viện bảo tàng “Công đoàn Đoàn kết” tại Gdansk.

Cùng Điều khiển hội nghị với đại biểu Việt Nam là Phó chủ tịch Công đoàn Đoàn kết Balan Tomasz Wojcik và Chủ tịch Hiệp Hội tự do ngôn luận Balan Miroslaw, Chojecki.

Từ thời điểm đó, UBBV và CĐĐL đã sát cánh cùng nhau trong việc tranh đấu cho quyền lợi của công nhân và người lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi được kết nạp làm thành viên “Tổ chức thương mại thế giới – WTO” và tổ chức thành công hội nghị APEC tại Hà Nội, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt đầu đàn áp dã man những thành viên sáng lập “Công đoàn độc lập”: Luật sư Lê Thị công Nhân, luật sư Nguyễn văn Đài (cố vấn pháp lý CĐĐL) và nhiều thành viên sáng lập khác bị vào tù; Phó chủ tịch Lê Trí Tuệ bị bắt cóc, biệt tích từ 13 năm nay, nhiều người buộc phải trốn chạy ra nước ngoài và xin tỵ nạn tại các nước dân chủ.

Nhưng, những anh chị em tranh đấu cho quyền lợi của người lao động quyết không bỏ cuộc, tiếp tục ở lại trong nước, hoạt động bí mật, tiếp cận các công ty, xí nghiệp để xây dựng phong trào.

Ngoài việc  liên kết với các cơ sở công nhân, chúng tôi đã phát hành hàng chục ngàn tờ báo tại Việt nam với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hướng dẫn công nhân tranh đấu bảo vệ quyền lợi, gửi tới người lao động bằng mọi hình thức.

Hàng trăm cuộc đình công lớn nhỏ mỗi năm đã xẩy ra trong phạm cả nước, có những cuộc đình công có hàng chục ngàn công nhân tham gia. Những cuộc đình công đã buộc giới chủ phải nhượng bộ một phần những đòi hỏi chính đáng của công nhân.

Cuối năm 2008, ” Phong Trào Lao Động Việt” ( PTLĐV) ra đời như là một sự tiếp nối công khai để giúp đỡ công nhân không ngừng tranh đấu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Tại Hải ngoại, anh chị em trong UBBV đã tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, tiếp xúc với nghiệp đoàn các nước, chính phủ các nước để tố cáo nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam toa rập với giới chủ, tạo điều kiện cho giới chủ bóc lột thậm tệ người lao động Việt Nam.

UBBV cũng thường xuyên làm cho dư luận quốc tế thấy rõ việc xuất khẩu lao động của nhà cầm quyền Việt Nam thực chất là buôn nô lệ, với tài sản thế chấp buộc các nạn nhân phải làm việc cật lực để trả lãi tiền vay ngân hàng trong nước.

UBBV đã có mặt ở những nơi mà người lao động Việt Nam bị bóc lột và bị coi rẻ như Mã lai, nơi có nhiều công nhân xuất khẩu nhất Đông Nam Á, nơi mà năm 2007, 2008 đã có hàng trăm công nhân bị chết vì tai nạn lao động để giúp đỡ. UBBV đã gặp gỡ các giới chức Tổng Liên Đoàn Mã lai để can thiệp với giới chủ; hướng dẫn công nhân tham gia nghiệp đoàn Mã Lai, thành lập nghiệp đoàn của mình để tự bảo vệ. Anh chị em tranh đấu cho quyền Nghiệp đoàn chấp nhận mọi gian khổ hiểm nguy.

Để  hướng dẫn cách xây dựng các cơ sở nghiệp đoàn, cách giúp đỡ công nhân phương pháp thương lượng với giới chủ, trao đổi kinh nghiệm của các Nghiệp đoàn có cùng hoàn cảnh, chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện tại các nước Đông Nam Á cho anh chị em từ Việt Nam bí mật đến tham dự.

Giữa năm 2009, trong một khóa huấn luyện tại nước ngoài, anh Đoàn Huy Chương và anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với những nhà lãnh đạo Nghiệp Đoàn Miến Điện đang có trụ sở lưu vong tại Thái Lan.

Cuộc gặp gỡ đã tăng thêm niềm tin cho những người dấn thân vì công nhân tại Việt Nam.

Đến với công nhân, chia sẻ những khó khăn với công nhân là bổn phận từng ngày, từng giờ của anh chị em hoạt động tại Việt nam.

Cuối năm 2009, UBBV tổ chức đại hội lần thứ 2 tại Kuala Lumpur, Thủ đô nước Mã Lai nhằm tạo điều kiện gần gũi hơn với công nhân Việt Nam. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh thay mặt anh em trong nước tham dự hội nghị. Hội nghị được sự quan tâm của Tổng liên đoàn lao động Mã lai và các Nghiệp đoàn quốc tế.

Cuộc tranh đấu đòi quyền lợi bị giới chủ cướp đoạt những ngày tháng 1 năm 2010 của trên 10 ngàn công nhân công ty giày Mỹ Phong, Trà Vinh với sự hướng dẫn giúp đỡ trực tiếp của PTLĐV đã mang lại thắng lợi, buộc giới chủ phải thỏa mạn phần lớn đòi hỏi của công nhân.

Nhà cầm quyền Việt Nam lại thẳng tay đàn áp.

Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt và bị kết án nặng nề: 9 năm tù cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng; 7 năm tù cho Đoàn Huy Chương và Đỗ thị Minh Hạnh.

UBBV bắt đầu chiến dịch đòi tự do cho Hùng, Hạnh, Chương.

Bản án mà nhà cầm quyền dành cho 3 người đã làm cho dư luận thế giới và cộng đồng người Việt hải ngoại thấy rõ hơn những khó khăn mà UBBV và anh chị em trong nước từ CĐĐL đến PTLĐV phải vượt qua, những hy sinh to lớn mà từ lâu nay họ âm thầm chịu đựng và kiên quyết tranh đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.

Dư luận thế giới ngày càng thấy rõ cuộc tranh đấu của anh chị em trong nước và UBBV là hoàn toàn vì quyền lợi của người lao động.

Tháng 6 năm 2012, UBBV tổ chức đại hội lần 3 tại Washington DC, nhằm tiếp cận gần hơn với chính giới Hoa Kỳ, các tổ chức NGO của Mỹ và các Nghiệp đoàn Mỹ, kêu gọi dư luận tạo sức ép buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho Hùng, Hạnh, Chương, làm cho chính giới và các Nghiệp đoàn Hoa kỳ thấy rõ hơn Tổng Liên Đoàn Lao Động do Đảng Cộng sản lập ra chỉ là công cụ phục vụ cho Đảng Cộng sản.

UBBV cũng đã nhiều lần tiếp xúc, gặp gỡ ban lãnh đạoTổng Liên Đoàn Lao Động Thế Giới (International Trade Union Confederation – ITUC) tại Bỉ.

UBBV đã cố gắng cho ITUC và nhiều nghiệp đoàn thành viên thấy rằng, giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam cần có một tổ chức Nghiệp đoàn đúng nghĩa, do công nhân tự lập ra, đại diện quyền lợi cho mình chứ không phải là nghiệp đoàn trá hình làm vật trang sức cho đảng cộng sản như TLĐLĐVN.

Lao Động Việt đã chính thức nạp đơn để làm thành viên Tổng Liên Đoàn lao Động Thế Giới ITUC ngày 1.03.2011.

Công Đoàn Độc Lập, UBBV và PTLĐV đã chính thức liên kết thành “Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do” (Viết tắt là Lao Động Việt- LĐV) để tăng thêm sức mạnh, tăng cường sự hỗ trợ trong và ngoài nước.

Giữa tháng 1 năm 2014, LĐV đã tổ chức đại hội lần thứ nhất tại Bangkok, Thủ đô Thái lan để tạo điều kiện cho anh chị em trong nước và vùng Đông Nam Á tham gia.

Sau Đại Hội, LĐV đã viết thư đến chính phủ các nước thành viên tham gia đàm phán Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, nêu rõ thực trạng của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam, đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam phải chấp nhận tính hợp pháp của LĐV.

LĐV phải được hoạt động công khai tại Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam có quyền thành lập các Công Đoàn Độc lập của mình. LĐV đề nghị đây là một điều kiện bắt buộc khi ký kết TPP. Nếu không, giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam tiếp tục là những nô lệ ngay trên chính quê hương mình. Hàng hóa mà họ làm ra để xuất khẩu đến các nước TPP sẽ thấm đượm nước mắt, mồ hôi và cả máu của người công nhân.

Các cuộc đình công vẫn liên tiếp nổ ra, phạm vi ngày càng lớn, đặc biệt là khu vực phía nam.

Những ngày đầu tháng 4 năm 2015, cuộc đình công của hơn 90 ngàn công nhân công ty Pou Yuen tai khu công nghiệp Bình Dương đã làm chấn động dư luận trong nước và thế giới.

Cuộc tranh đấu không hướng tới giới chủ mà hướng tới nhà cầm quyền, chống lại điều 60 luật bảo hiểm xã hội, điều khoản gây thiệt hại lớn cho người công nhân, đã được quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016.

Hàng ngàn công an và lực lượng an ninh đã được điều tới nhằm uy hiếp công nhân. Nhưng sức mạnh của gần trăm ngàn người đã buộc nhà cầm quyền không dám đàn áp.

Cuộc đình công đã lan tỏa đến nhiều nơi khác trong cả nước đặc biệt là cuộc đình công của công nhân tỉnh Long an kéo dài hơn 10 ngày.

Nhà cầm quyền, sau một thời gian dùng sức mạnh đe dọa, nhưng không ngăn cản được ý chí của người lao động, đành phải chấp nhận điều đình với công nhân. Quốc Hội Cộng sản Việt Nam buộc phải sửa lại điều 60 luật BHXH.

Cuộc tranh đấu chứng tỏ sức mạnh lớn lao của người lao động khi họ đoàn kết thành một khối, tranh đấu vì quyền lợi chung.

Năm 2016, Khi công ty Formosa thải chất độc hại ra biển, làm ô nhiễm môi trường hàng trăm cây số biển Miền trung, Hoàng Đức Bình, phó chủ tịch PTLĐV đã cùng những thành viên khác vận động thành lập “Hiêp Hội Ngư dân Miền Trung” để đoàn kết người dân đấu tranh bảo vệ môi trường, cùng với những Tổ chức khác giúp đỡ người dân trong lúc khốn khó, tranh đấu buộc Formosa phải bồi thường thiệt hại.

Nhà cầm quyền đã dùng lực lượng quân đội, công an hùng hậu đàn áp dã man người dân. Hoàng Đức Bình bị nhà cầm quyền bắt cóc và xử án 14 năm tù.

Tranh đấu cho quyền của người lao động, quyền được thành lập Công Đoàn độc lập là mục tiêu không thay đổi của LĐV từ khi thành lập.

LĐV cũng đã làm cho các chính phủ, các đối tác kinh tế của nhà cầm quyền cộng sản Việt nam không thể thờ ơ trước cuộc sống tối tăm của công nhân và người lao động Việt Nam.

LĐV luôn luôn tranh đấu để quyền thành lập ”Công Đoàn Độc Lập” trở thành một điều kiện cứng rắn trên bàn đàm phán TPP.

Ngày 8 tháng 5 năm 2015, tại trụ sở của công ty Nike (Portland, Oregon), Tổng thống Obama đã phát biểu:

“Khi chúng ta xem xét một quốc gia như Việt Nam, vẫn đang trong quá trình đàm phán. Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ phải thực sự thay đổi chính sách và cải thiện tiêu chuẩn cho người lao động…”

“Họ phải thiết lập được mức lương cơ bản. Họ phải thông qua luật về điều kiện an toàn lao động và bảo vệ công nhân.”

“Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ phải để cho người lao động tự do thành lập công đoàn bảo vệ quyền lợi. Điều này cũng sẽ tạo ra sự thay đổi. TPP sẽ giúp tạo ra sân chơi công bằng và mang lại lợi ích cho người lao động Việt Nam.”

LĐV tranh đấu để cụm từ “Công Đoàn Độc Lập” trở thành từ được nhắc đến thường xuyên trên các phương tiện truyền thông và dư luận tại Việt Nam, mặc dù nhà nước cộng sản luôn kiểm duyệt.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Thống Mỹ Barack Obama nhiều lần nhắc đến ”Công Đoàn Độc Lập” trong các phát biểu của mình liên quan đến Việt Nam.

TPP có định chế nghiêm ngặt, buộc nhà cầm quyền CS Việt Nam tuân thủ khi thực hiện điều 19 về lao động.

Tuy nhiên, sau khi trở thành tổng thống Mỹ, Donald Trump đã hủy bỏ TPP.

CPTPP được đàm phán lại gồm 11 nước thành viên, không có Mỹ, không có những định chế nghiêm ngặt về quyền thành lâp nghiệp đoàn độc lập của người lao động, tạo điều kiện cho nhà cầm quyền đàn áp thẳng tay các thành viên PTLĐV.

Các thành viên LĐV hoạt động công khai và bán công khai bị nhà cầm quyền bắt và tuyên án hàng chục năm tù.

Chính phủ các nước có quan hệ với Việt Nam thường coi trọng giá trị kinh tế mà không chú ý đúng mức đến quyền lợi của người lao động, không chú ý đến giá trị nhân quyền, đặc biệt là giới chủ nhân ngoại quốc.

Giai cấp công nhân Việt Nam trở thành vật hy sinh cho sự tham lam, làm giàu của quan chức cộng sản và giới tư bản nước ngoài.

Việt Nam là thành viên của Tổ chức lao động quốc tế ILO, nhưng lần lữa, không ký Công ước quan trọng nhất liên quan đến quyền lợi của người lao động là: Công ước số 87 về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức;

Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO, nhưng WTO đã phớt lờ các tiêu chuẩn về Lao động cho nhà nước CS Việt Nam, nên hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với các nơi khác, vì yếu tố bóc lột sức lao động chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị hàng hóa.

Việt Nam cũng là một trong những nước có số lượng tù nhân lớn nhất thế giới và nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt buộc tù nhân làm việc kể cả sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không trả lương.

PTLĐV đã bí mật làm nhiều phóng sự điều tra về lao động tù, làm cho thế giới biết được có nhiều loại sản phẩm được nhập khẩu từ Việt Nam có thấm máu của tù nhân đặc biệt là “Hạt điều máu”.

Hiệp ước tự do mậu dịch của Liên Hiệp Âu Châu và Việt Nam FTA  đã kết thúc đàm phán vào tháng 12 năm 2015 và bắt đầu các thủ tục pháp lý để ký kết , nhưng EU đã khước từ việc đặt vấn đề về quyền của người lao động, về nhân quyền nói chung khi đàm phán về tự do mậu dịch. Vấn đề này đã bị Phân ban nhân quyền của quốc hội Âu châu phê phán mạnh mẽ trong phiên điều trần hôm 03.03 năm 2016.

Ngày 30.06 2019, Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA.

Ngày 30.03.2020 Hội đồng Âu châu thông qua EVFTA.

Ngày 08.06.2020 Quốc hội CS Việt Nam thông qua EVFTA và IPA.

Cả hai hiệp định CPTTP và EVFTA đều có những yêu cầu phia Việt Nam phải tôn trọng quyền của người lao động trong đó có quyền thành lập nghiệp đoàn độc lâp, nhưng không có điều khoản chế tài nghiêm ngặt như TPP.

Nhà nước độc tài cộng sản công an trị lại tiếp tục dùng mọi thủ đoạn lừa gạt. Một mặt họ đàn áp thô bạo LĐV và những ai quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân, mặt khác họ lại  từng bước cho các công đoàn cơ sở do họ lập ra tuyên bố là “Công Đoàn Độc Lập” để che mắt các thành viên CPTPP và Liên Hiêp Âu châu EU.

Các thủ đoạn lừa gạt, tráo trở đã trở thành bản chất của nhà cầm quyền độc tài cộng sản buộc chúng tôi phải nghi ngờ khi nhà cầm quyền ở thời điểm dùng những chính sách đàn áp thô bạo nhất lại xuất hiện công khai tổ chức mà từ trước đến nay nhà cầm quyền coi là nguy hiểm nhất.

2- Thực chất của Tổng Liên Đoàn lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN)

 Tôi hiểu rõ thực chất của TLĐLĐVN.

Từ năm 1980, ngoài công việc chuyên môn tại cảng Nghệ Tĩnh thuộc Tổng cục đường biển Việt Nam, tôi cũng đồng thời là Ủy viên BCH Liên Hiệp công đoàn tỉnh Nghệ Tĩnh (Trong BCH thời đó có ông Trần Quốc Thại giám đốc Sở lao động Nghệ Tĩnh, sau này khi tách tỉnh Nghệ An- Hà tĩnh ông Thại về làm Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Phan Bá Nhẫn hiệu trưởng Đại học sư phạm Vinh,… ông Thái Ngô Tài là chủ tịch Liên Hiệp Công đoàn Nghệ Tĩnh thời đó.)

TLĐLĐVN Là một tổ chức do đảng cộng sản lập ra và lãnh đạo từ năm 1946, sau khi cướp được chính quyền.

Tuy nhiên, Lịch sử ngày thành lập, TLĐLĐVN hiện nay lấy ngày 28.07.1929 là ngày Ban chấp hành Trung ương Đông dương Cộng sản đảng tổ chức đại hội và thành lập “Công Hội đỏ” do Nguyễn Đức Cảnh làm chủ tịch.

Chủ tịch TLĐLĐVN các khóa đều là ủy viên trung ương đảng cộng sản. Lãnh đạo Công đoàn các cấp cơ sở cũng đều là đảng viên cộng sản.

Điều lệ của TLĐLĐVN nêu rõ:

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là  thành viên của hệ thống chính trị và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”;

“Đảng lãnh đạo Công đoàn bằng đường lối, chủ trương Nghị quyết của Đại hội, Nghị quyết của cấp uỷ Đảng.”

“Đảng kiểm tra Công đoàn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng.”

“Công đoàn là người tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chế độ chính sách và Nghị quyết của Đảng.“

“Công đoàn có vai tṛò to lớn trong việc góp phần xây dựng và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị – xã hội xã hội chủ nghĩa.”

Theo số liệu của TLĐLĐVN hiện nay có 10,5 triệu đoàn viên.

Tất cả công nhân trong các khu công nghiệp nhà nước quản lý buộc phải gia nhập công đoàn cơ sở thuộc TLĐLĐVN và phải đóng đoàn phí hàng tháng bằng cách trừ vào lương.

Các khu công nghiệp, với vốn đầu tư nước ngoài cũng tương tự như vậy.

Trong hoạt động thực tế, TLĐLĐVN chỉ là công cụ của đảng cộng sản được lập ra nhằm kiềm tỏa và giám sát công nhân và người lao động.

Phần lớn cán bộ công đoàn cơ sở thuộc lĩnh vực tư nhân do giới chủ trả lương, nên khi có tranh chấp quyền lợi thì thường đứng về phía chủ nhân, bảo vệ quyền lợi của giới chủ.

Tính từ năm 1995 đến nay tại Việt Nam đã có trên 7.000 cuộc đình công do công nhân tự tổ chức và LĐV, PTLĐV hướng dẫn.

TLĐLĐVN không những không ủng hộ công nhân tranh đấu đòi quyền lợi mà còn toa rập với chính quyền dùng công an đàn áp bắt bở bỏ tù những người tổ chức đình công.

Ngày 30.01.2008,Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ra nghị định số 11/2008/ND-CP cấm công nhân đình công và xử phạt nặng nề những người tổ chức. TLĐLĐVN ủng hộ quyết định của thủ tướng.

Ngày 17.06.2011, chủ tịch TLĐLĐVN đồng thời là Ủy viên trung ương ĐCS Việt Nam Đăng Ngọc Tùng, trong buổi làm việc với Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị chính phủ chỉ đạo bộ công an các tỉnh, thành phố có các biện pháp nghiệp vụ phát hiện và xử lý những người giúp đỡ công nhân mà họ gọi là băng nhóm xã hội đen nhằm ngăn chặn các cuộc đình công của công nhân.

Tất cả các cuộc đình công của công nhân từ trước đến nay đều bị nhà cầm quyền cho công an đàn áp, truy tìm những người cầm đầu để phạt tù hoặc đuổi việc.

Sau đại hội lần thứ 12 (cuối tháng 12 năm 2015) của ĐCS Việt Nam, Bộ chính trị ĐCS Việt Nam đã chỉ định ông  Bùi Văn Cường, Ủy viên trung ương đảng làm Chủ tịch mới của TLĐLĐVN thay thế ông Đặng Ngọc Tùng nghỉ hưu.

Chủ tịch TLĐLĐVN hiện nay là ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên trung ương ĐCS Việt Nam, nguyên bí thư tỉnh ủy Hà Nam, nguyên bí thư đảng ủy quân sự tỉnh Hà Nam, ủy viên đảng ủy Quân khu 3.

Phải khẳng định:TLĐLĐVN chỉ là công cụ của ĐCS Việt Nam, không thể là đại diện đúng nghĩa quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.

Trong «Tuyên bố thành lập» những người khởi xướng NĐĐLVN (ngày 1.07.2020) hy vọng «Sẽ đồng hành với Tổng liên đoàn Lao động VN».

Đây là điều không thể có, trừ trường hợp ĐCS Việt Nam tự giải tán, buộc phải tan rã hoặc có cuộc cải tổ rất sâu rộng, thay đổi hẳn đường lối hiện nay.

Thực tế hiện thời, sức ép xã hội và cuộc tranh đấu của nhân dân Việt Nam chưa đủ mạnh buộc ĐCS Việt Nam phải thay đổi.

ĐCS Việt Nam hiện nay, bất chấp sự thống khổ của người dân, bất chấp họa mất nước, đang hành xử như một băng đảng Mafia, dùng mọi mưu ma, chước quỷ, mọi thủ đoạn hèn mạt, xảo trá, lưu manh để vơ vét, tham nhũng, cũng cố bè phái. Người dân dù ở tầng lớp nào, nếu cản trở lòng tham và mưu đồ của họ, họ sẽ triệt hạ một cách dã man như thời trung cổ. Những vụ bắt bớ gần đây hay vụ án Đồng Tâm là một ví dụ,…

Thẳng thắn đưa ra quan điểm và suy nghĩ của mình, tôi muốn mọi người chúng ta, nếu thật sự vì Đất Nước, thật sự vì quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động thì hãy cân nhắc thật kỹ trước khi hành động.

Trần Ngọc Thành

Email. Everest.tnhy@ gmail.com

Nguồn: CHÍNH NGHĨA VIỆT NAM CỘNG HÒA

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here