Câu chuyện Tây Du Ký phổ biến khắp Á Đông, đến nay trẻ em Nhật Bản còn say mê phim hoạt họa Saiyuki (Tây Du Ký). Trẻ em Việt Nam thì đặt bài hát “Kìa Na Tra với Ông Tề đấu phép – Có bao nhiêu phép ông Tề thâu hết – Thế là Na Tra phải thua ông Tề!”
Ai từng đọc Tây Du Ký thì sẽ hiểu ngay, vào Tháng Bảy năm ngoái, khi dân Hồng Kông đang biểu tình rầm rộ, và bạo động bắt đầu, ông George Yeo đoán trước với các thính giả ở Singapore rằng Hồng Kông sẽ bị đặt một cái vòng kim cô lên đầu!
George Yeo, tên chữ Hán là Dương Vinh Văn, đã từng làm ngoại trưởng Singapore, cảnh cáo, “Hồng Kông sẽ không thoát ra khỏi được bàn tay Phật Tổ!” Khi nào ông Phật đặt cái “vòng kim cô” lên đầu thì chú Tôn Ngộ Không sẽ biết thân!
Ai đọc Tây Du Ký đều biết Tôn Ngộ Không vốn là một chú khỉ trên Hoa Quả Sơn, tu luyện nhiều kiếp, tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh! Ông thầy chú là Đường Tam Tạng không thể nào kiềm chế được học trò vì nó có tài đằng vân giá võ, nhún chân nhẩy là thoắt vọt lên chín tầng mây nhìn xuống cười. Thật không khác gì thanh niên Hồng Kông dùng internet thông tin cho nhau, hàng trăm ngàn người một lúc, rồi vượt qua Thái Bình Dương điều trần trước quốc hội Mỹ dù vẫn ngồi ở nhà mình! Tôn Ngộ Không chỉ cần vặt một cái lông khỉ của mình, tung lên trời sẽ biến thành hàng ngàn chú khỉ mới giống hệt mình! Các thanh niên ở Hồng Kông cũng làm phép biến thành hàng triệu, hai triệu người cùng đi biểu tình đòi dân chủ!
Muốn trị Tề Thiên Đại Thánh phải nhờ đến Phật Thích Ca! Đức Phật đã giúp Đường Tăng, đặt cái vòng kim cô lên đầu Tôn Ngộ Không. Mỗi lần dậy dỗ chú khỉ không nghe thì Đường Tăng chỉ cần “niệm chú” là anh học trò nhức đầu không chịu nổi, phải ngoan ngoãn vâng lời thầy.
Tây Du Ký tiểu thuyết hóa chuyến đi của Thầy Huyền Quang (602-664) một mình đi “thỉnh kinh” ở Ấn Độ; đi, về trong 17 năm rồi dịch kinh gần 20 năm, nhiều bản dịch bây giờ người Việt, người Nhật và Đại Hàn còn tụng đọc.
Khi Bắc Kinh ban hành đạo Luật An ninh Quốc gia ở Hương Cảng, lại phải có một người gốc Hoa khác mới nhớ lại chuyện ông Yeo ví von cái vòng kim cô trên đầu Tôn Hành Giả! Ông Vương Hướng Vĩ, cựu chủ bút tờ South China Morning Post ở Hồng Kông, khen rằng ông Georges Yeo có tài tiên tri! Dân Hương Cảng đã thật sự bị đặt một cái Vòng Kim Cô trên đầu!
Nhưng đạo luật “Quốc gia An Toàn Pháp” thực ra có chỉ là một thứ Vòng Kim Cô nhẹ nhàng hay không?
Dân Hồng Kông có thể đang bị một cái cùm sắt trùm lên đầu lên cổ, bịt cả mắt, cả miệng, còn khổ hơn Du Thản Chi (Thiên Long Bát Bộ, lại truyện Tàu!)
Khi một số sinh viên Hồng Kông biểu tình trương biểu ngữ với bốn chữ “Hương Cảng Độc Lập,” lại còn phất cờ Mỹ và lên tiếng kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump giúp họ, thì Bắc Kinh phải lo lắng. Năm 2003 chính quyền Hồng Kông đã đưa ra dự thảo luật về an ninh quốc gia, chiếu theo điều số 23 trong bản “hiến pháp” tạm thời gọi là Luật Căn Bản (Basic Law), nhưng không thành sau khi bị dân phản đối.
Bây giờ Quốc hội Trung Cộng làm luật, với những điều khoản rất khắc nghiệt và đặt ra các định chế thi hành luật ngay trong lãnh thổ Hồng Kông. Luật nêu lên bốn thứ tội chính: Đòi ly khai, bạo loạn chống chính quyền, khủng bố, và thông đồng với nước ngoài.
Đây là những điều mà luật lệ quốc gia nào cũng giống nhau. Nhiều điều khoản trong đạo luật của Bắc Kinh đã bị chỉ trích nhưng cũng thấy trong luật lệ ở các nước khác. Tháng 12 năm ngoái Đài Loan đã làm luật phạt những người nhận “tiền ủng hộ và chỉ thị từ người ngoại được để tổ chức biểu tình, vận động hành lang, vân vân, nhằm ngăn chặn âm mưu xâm nhập của Trung Cộng. Năm ngoái Singapore cũng làm đạo luật chống Thông tin sai lạc nhằm “làm mất lòng tin vào chính phủ,” cho phép bắt giữ những người bị nghi ngờ trước khi được phép của tòa án. Hai năm trước, Australia đã làm luật về an ninh quốc gia, cho phép chính phủ nghe lén các cuộc điện đàm của dân. Đạo luật Patriot Act ở Mỹ sau vụ 11 tháng 9 năm 2001 cũng cho phép chính phủ bí mật theo dõi những người bị tình nghi khủng bố, trước khi được tòa án cho phép.
Với những đạo luật về an ninh khắt khe như thế, chính phủ các nước kể trên vẫn thi hành theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng các quyền tự do căn bản của dân. Ở Hồng Kông, việc thi hành luật ra sao còn tùy chính sách của Bắc Kinh. Nhìn vào hành động cụ thể của họ, khi đó mới biết dân Hồng Kông sẽ chịu số phận của Tôn Hành Giả hay Du Thản Chi!
Câu hỏi quan trọng nhất của các nhà kinh doanh và giới đầu tư quốc tế là: Trung Cộng muốn chấm dứt chính sách “Một quốc gia, hai thể chế” (Nhất quốc lưỡng chế) của Hương Cảng hay không? Dương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), người mới được Bắc Kinh bổ nhiệm cho đứng đầu cơ quan thi hành luật ở Hồng Kông nói rằng nếu Trung Cộng muốn chỉ có một chế độ duy nhất thì họ chỉ cần đem luật an ninh ở trong lục địa ra áp dụng, không cần soạn ra một đạo luật riêng cho thích hợp với Hồng Kông.
Liệu Bắc Kinh có muốn cướp đoạt các quyền tự do mà dân Hồng Kông đã được hưởng từ thời là thuộc địa hay không? Họ sẽ phải thấy là không nên, và không cần, nếu phân tích lợi hại.
Ngay khi ban hành đạo luật an ninh, Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu thứ nhất của họ là đe dọa dân Hồng Kông, sẽ chấm dứt không còn các cuộc biểu tình như đã xảy ra năm ngoái. Điều này đã thấy kết quả. Người Hồng Kông giờ biết rằng họ không thể hô hào “Độc lập.” Họ cũng sẽ không thể kêu gọi Tổng thống Trump giúp sức, vì sẽ thông đồng với người nước ngoài. Các tổ chức chính trị của sinh viên như đảng Demosisto của Joshua Wong đã tự giải tán, nhiều thủ lãnh sinh viên đã đi trốn.
Vậy Bắc Kinh có lợi gì nếu vẫn duy trì đường lối Nhất quốc lưỡng chế, và chứng tỏ được rằng họ tôn trọng bản văn đã ký kết năm 1997 với chính phủ Anh?
Bắc Kinh sẽ tiếp tục được lợi nếu cứ nuôi con gà đẻ trứng vàng này, dù trứng nhỏ hơn trước! Mặc dù sau 23 năm địa vị kinh tế của Hồng Kông đã giảm xuống đối với lục địa nhưng các thành phố lớn trong nước Tàu vẫn chưa thay thế được. Giới tài chánh và kinh doanh quốc tế tin tưởng vào hệ thống pháp luật tại Hồng Kông và nền hành chánh được coi là sạch sẽ nhất châu Á. Nếu người ta mất tin tưởng vào luật pháp, cảnh sát và các quan tòa, thì vai trò trung tâm tài chánh của Hồng Kông sẽ chấm dứt, không còn ích lợi gì cho nước Tàu nữa. Khi đó, Singapore sẽ đứng ra hưởng lợi chứ không phải Thượng Hải, Quảng Châu, hay Thẩm Quyến, vì không được ai tin tưởng như vậy.
Nếu muốn Hồng Kông tiếp tục là một trung tâm tài chánh quốc tế, thì sẽ phải giữ nguyên hệ thống kinh tế tư bản, bảo vệ quyền tư hữu; và phải tôn trọng nền tư pháp độc lập.
Hiện nay Trung Cộng đang bị cả thế giới nghi ngờ, từ các hành động xâm lăng hung bạo ở vùng biển Đông Nam Á, khiêu khích tại biên giới Ấn Độ, cho tới các trại tập trung người Uighur ở Tân Cương. Các nước Âu châu, và nay cả chính phủ nước Anh đang lo ngại việc cho công ty Huawei xây dựng hệ thống viễn thông G5 mới. Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng (app) thông tin trên mạng xã hội xuất phát từ nước Tàu và đang xét lại 50 dự án đầu tư của các công Trung Cộng. Trận đại dịch Covid-19 khiến thế giới không thể tin chế độ độc tài đảng trị của họ có thể hành xử một cách minh bạch, công khai, và lương thiện!
Muốn xóa bỏ những mối nghi ngờ đó, thì Bắc Kinh phải chứng tỏ họ vẫn tôn trọng bản hiệp ước đã ký năm 1997 khi Anh quốc trao trả Hồng Kông; tức là duy trì “một quốc gia, hai chế độ” được ghi trong Luật Căn Bản, là hiến pháp của Hồng Kông từ năm đó.
Thế giới tài chánh và đầu tư quốc tế sẽ quan sát coi cách chính quyền Hồng Kông đối xử với người dân như thế nào khi thi hành đạo luật Quốc gia An toàn.
Nhiều người Hồng Kông, trong đó có các doanh nhân và các luật gia, tin rằng tương lai sẽ không đến nỗi u tối. Ông Trương Kiến Tông, Matthew Cheung Kin-chung, người đứng đầu bộ máy hành chánh ở Hồng Kông gọi là Ty Chính Vụ, giải thích trên Facebook chính thức, rằng đạo luật an ninh mới sẽ không ảnh hưởng gì đến những quyền căn bản của dân, như tự do báo chí, tự do hội họp và quyền tự do phê phán các viên chức chính quyền.
Ông Trần Hoằng Nghị, Albert Chen Hung-yee, một giáo sư Luật khoa Đại học Hồng Kông chuyên về hiến pháp học, và cũng ngồi trong ủy ban về Luật Căn Bản của Thường vụ Quốc hội Trung Cộng, còn nói rằng dù với đạo luật mới thì một người dân Hồng Kông viết ý kiến đòi thay đổi hệ thống chính trị thành phố cũng không thể bị kết tội, nếu không sử dụng bạo lực hoặc các hoạt động phi pháp.
Sau khi chính quyền Hồng Kông nói rằng hô hào Quang phục Hương Cảng bây giờ là phi pháp, ông Pjilip Dykes, chủ tịch Luật sư đoàn thành phố phản đối, vì chính quyền không có quyền nói như vậy, chỉ có tòa án mới có quyền phán khẩu hiệu chính trị nào là phi pháp.
Một nhà báo đã hỏi bà Bộ trưởng Tư pháp của Hồng Kông rằng chính quyền có hay không thúc đẩy quan tòa để kết án người mới bị bắt trong ngày luật an ninh ra đời, vì mang trong túi tấm biểu ngữ viết khẩu hiệu Quang phục Hương Cảng, bà Trịnh Nhược Hoa, Teresa Cheng Yeuk-wah, đã hỏi lại: Làm sao có chuyện đó được? Chính phủ nghĩ theo lối của chính phủ, tòa án suy nghĩ theo cách riêng của tòa!
Bà Đàm Huệ Châu, Maria Tam Wai-chu, phó chủ tịch ủy ban Luật Căn Bản Trung Cộng, mới nói rằng ngay việc dùng khẩu hiệu “Quang phục Hương Cảng” không thôi cũng không vi phạm vào đạo luật an ninh. Bà Đàm Huệ Châu đã tham gia ủy ban đó từ năm 1997 sau khi góp phần soạn thảo Luật Căn Bản; bà cũng được coi là rất thân với Bắc Kinh; cho nên ý kiến trên cho thấy việc thi hành đạo luật an ninh có thể không khắc nghiệt như mọi người lo ngại.
Có lẽ thị trường tài chánh đã biết trước điều đó. Cho nên Chỉ số Hằng Thịnh (Hang Seng) của Hồng Kông đã tăng 10% trong một tuần, sau khi đạo luật an ninh ra đời – trong khi thị trường Thượng Hải cũng tăng 8%. Thứ Bảy 4 tháng Bảy vừa rồi, năm cựu nghị viên thành phố đã thắng kiện khi một thẩm phán tòa Thượng thẩm ra lệnh cảnh sát không được theo dõi điện thoại của họ nữa, sau khi cuộc điều tra về họ đã kết thúc.
Tập Cận Bình đã đặt một đạo luật an ninh làm cái vòng kim cô trên đầu Hồng Kông, nhưng chắc ông ta cũng không muốn giết chết con gà vẫn còn đẻ trứng vàng quý giá này!