Tân Phong – Web Việt Tân
Phần 1
Từ mục tiêu “cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại” đến cái đích “thu nhập cao” và “hùng cường”
Tại hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển” sáng ngày 27 tháng Sáu, 2020, ông Thủ Tướng Phúc với gương mặt hân hoan của chú Tễu, trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng mức đầu tư 405 ngàn tỷ đồng, cùng một câu phán tràn trề hy vọng “2 lỗ, 1 cua” như sau:
“Nếu như rơi rớt, chỉ còn 60% của số dự án này đi vào sản xuất kinh doanh thì đã thành công trong bối cảnh thế giới hiện nay.”
Thực tế cho thấy, thường thì chỉ khoảng 50% các dự án ở Việt Nam được cấp chứng nhận đầu tư được triển khai đúng với cam kết đầu tư. Năm 2019, con số này ở nhóm dự án vốn FDI là 58,1% tính theo tỷ lệ vốn đã giải ngân/vốn đăng ký của tất cả các dự án có giấy phép đầu tư còn hiệu lực. Đối với các dự án nội, tỷ lệ đó còn thấp hơn nhiều. Như vậy, nếu chẳng có dịch cúm Tàu và suy giảm kinh tế với qui mô toàn cầu trong bối cảnh hiện nay, thì con số thực tế luôn thấp hơn con số kỳ vọng 60% của ông Phúc đang “đếm cua trong lỗ.”
Vào đầu tháng Ba vừa qua, Ban Kinh tế Tư nhân của Chính phủ cũng đã cảnh báo nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, thì 74% doanh nghiệp khối tư nhân sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản. Một báo cáo khác của trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội trong tháng Tư, 2020, đưa ra những “kịch bản” đánh giá mức độ suy thoái kinh tế trong đó có nhấn mạnh “Nếu dịch kết thúc trong tháng 6/2020, ngành thương mại dịch vụ suy giảm khoảng 30-40%; xuất nhập khẩu giảm khoảng 25%; dịch vụ vận tải – logistics giảm 20-30%; dịch vụ giáo dục giảm 35-65%; doanh thu du lịch giảm 40%; khách du lịch giảm 30-40%; dịch vụ y tế tăng 25-60%.”
Tuy nhiên, các đánh giá đơn lẻ này không tính toán tới các tác động cộng gộp của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã chính thức trở thành một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ 2, các yếu tố địa chính trị đang thay đổi chóng mặt tại khu vực Châu Á, cũng như sự dịch chuyển và đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng đó. Với mức độ tàn phá kinh tế không có điểm dừng trên qui mô toàn cầu bởi rất nhiều các yếu tố và biến số không lường trước được, mọi con số tăng trưởng theo ý chí của các “lãnh đạo” chỉ là câu chuyện nói cho vui.
Thôi thì cũng không trách được ông Thủ Tướng Phúc, vì với mớ kiến thức kinh tế chắp vá, được tư vấn bởi những “chiên da” kinh tế như trưởng ban Nguyễn Đức Kiên, thì việc chẳng nắm được thực tại nền kinh tế đang sắp “lười thở” cũng là điều dễ hiểu.
Những lãnh đạo cộng sản thường có thói lộng ngôn, phát biểu to tát, “chém gió thành bão” cũng là chuyện “xưa nay vẫn thế.” Ông Phúc cũng chẳng ngoại lệ. Ông đi tỉnh thành nào cũng hùng hồn chỉ đạo tỉnh thành đó phải trở thành mũi nhọn.
Ông xuống Hải Phòng thì chỉ đạo phải tái hiện “chiến thắng Bạch Đằng” trong lĩnh vực kinh tế, trở thành đầu tàu của miền Bắc. Ông về Hà Nội thì chỉ đạo “Hà Nội phải trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.” Hà Nội phải “hùng cường” trước toàn quốc 10 năm, 15 năm… Nghe mà hết cả hồn. Nhưng nếu có ai đó nhắc hỏi ông xem cái đường sắt Cát Linh – Hà Đông bao giờ xong? Không chắc ông trả lời được.
Chuyện cái đường sắt “biểu tượng cho tình hữu nghị Việt-Trung” ấy, có từ thời ông vẫn còn làm “phó.” Dân Bắc quen thói xách mé “phó làm chó cho trưởng.” Đã làm “chó” rồi, thì chủ bảo ăn c… cũng phải ăn chứ sao. Đó cũng chẳng phải là lỗi của ông. Nhưng bây giờ ông là “trưởng” rồi, thì “quyền ông, ý ông” cả. Cái đường sắt Cát Linh – Hà Đông ấy là việc nhỏ nếu so với các mục tiêu “hùng cường” lớn lao mà ông đang vẽ ra tới năm 2045. Nhưng việc nhỏ mà cả một chính phủ “kiến tạo” không giải quyết được. Thì cái mục tiêu “hùng cường” liệu có khả thi hay không?
Lại nói đến những việc nhỏ hơn nữa như miếng thịt lợn, mà suốt bốn tháng qua “trên bảo dưới không nghe,” “trống đánh xuôi kèn thổi ngược.” Chỉ đạo của chính phủ cứ như trò con nít. Cấp dưới, doanh nghiệp sân sau của các bộ ngành, các “bố già” coi như không.” Xem ra, cả một bộ máy khổng lồ cứ như diễn tuồng, nhưng hiệu quả đã thấy rõ chỉ là đám phế vật mà thôi.
Cái mốc 2045, nghe thì xa xôi nhưng thực ra nhanh lắm. Thoắt cái đã 10 năm rồi, kể từ ngày cái dự án Cát Linh – Hà Đông rầm rộ, tưng bừng khởi công. Và cũng mới chớp mắt, từ cái ngày ông tổng bí thư họ Nông tại lễ kỷ niệm chiến thắng 30/04/1975 – 30/04/2006, chào mừng đại hội đảng toàn quốc lần thứ X, đã hùng hồn tuyên bố mục tiêu “đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại.” Giờ đây, cái mục tiêu vĩ đại ấy chẳng thấy ai nhắc đến nữa. Mà cái núi nợ cao ngất từ cái thời “người tử tế” làm thủ tướng và ông tổng bí suốt hai nhiệm kỳ chỉ biết mỗi một câu cửa miệng “nuôi con gì, trồng cây gì,” sau 12 năm sau vẫn chưa trả hết, mà lại tăng gấp đôi, gấp ba.
Trong một báo cáo gần đây của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam VCCI thì trong 30 năm qua kể từ 1990 đến nay, không những Việt Nam không thể trở thành một nước công nghiệp như mục tiêu đề ra vào đại hội đảng toàn quốc lần thứ 10, mà thậm chí còn tụt hậu so với Trung Quốc 20 năm, Hàn Quốc và Malaysia từ 30 -35 năm. Trong cùng thời gian đó, những nền kinh tế như Hàn Quốc và Malaysia đã “hóa rồng, hóa hổ” từ lâu.
Mặc dù con số tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02% sau nhiều lần “chỉnh sửa,” đã làm ông Tổng Tịch ngất ngây như nhập đồng “mây đen che phủ toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam.” Nhưng nếu so sánh với các nước láng giềng trong khu vực thì với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vẫn thuộc mức các quốc gia có thu nhập thấp nhất Đông Nam Á. Nếu so sánh về con số GDP/đầu người thì mức trung bình của thế giới là 11.000 USD còn Việt Nam dù có được “cộng thêm” tới hơn 400 USD thì mới là 3000 USD/đầu người. Và điều đáng nói hơn, là khoảng cách tuyệt đối của con số này ngày một lớn.
Đến thời ông Phúc làm thủ tướng, đặt ra cái mục tiêu “hùng cường,” “nước có thu nhập cao” tới năm 2045. Chẳng biết những khái niệm mới lạ này có những tiêu chí, nội hàm ra làm sao? “Thu nhập cao” là cao so với thế giới, khu vực hay là “cao” so với cái mốc GDP/đầu người chưa tới 2600 USD hiện tại? Để rồi đến cái mốc thời gian đó, lại có một ông Tổng-Tịch “tự sướng” với thành tựu vĩ đại của đảng “đã bao giờ có được vị thế như hôm nay”?
Những lãnh đạo cộng sản quả thực có một “siêu năng lực” là khả năng tự huyễn hoặc và dối trá vô hạn. Họ có thể nói về một điều hoang tưởng với niềm tin sâu sắc như thể đó là chân lý vậy. Tất cả những ai nói trái với điều đó đều là phản động. Những thế hệ lãnh đạo từ Lê Duẫn, tới Nông Đức Mạnh và bây giờ là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc đều có một đặc điểm chung giống nhau. Hội chứng của các lãnh tụ cộng sản này được đặt một cái tên mỹ miều là “phép thắng lợi tinh thần,” mà văn hào Lỗ Tấn mô tả trong tác phẩm nổi tiếng “AQ chính truyện.” Theo “ngôn ngữ đương đại” thì đó gọi là thói “tự sướng” hay “thủ dâm chính trị.”
Nhưng nói thật, nếu mà Lỗ Tấn đội mồ sống lại, chắc chắn phải sang Việt Nam chọn các ông bà Trọng, Phúc, Ngân, Vượng… làm hình mẫu cho “AQ chính truyện 4.0,” của cái gọi là “thời đại Hồ Chí Minh.” Một thời đại mà “ăn cướp là công an, lưu manh làm chính khách” và trên thượng tầng quyền lực chỉ toàn lũ cóc nhái rao giảng “đạo đức cách mạng.”
Tân Phong