Có rất, rất nhiều người đã hỏi tôi và NXB Tự Do, trực tiếp hoặc gián tiếp, rằng tại sao chúng tôi chọn con đường đối đầu, đối kháng, thách thức rõ rệt như thế? Tại sao tôi viết “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, đặc biệt là “Cẩm nang nuôi tù”, như tát vào mặt công an và nhà nước công an trị như thế? Tại sao biết thừa việc in và phát hành những cuốn sách đó là “trọng tội” đối với chính quyền, vẫn cứ lao đầu vào làm?
Không phải tôi, hay những người làm xuất bản tự do, không ý thức được những điều ấy. Chúng tôi hiểu tất cả. Riêng cá nhân tôi, từng làm báo “quốc doanh” từ cuối năm 2000 đến đầu 2013, trong thời gian đó cũng từng viết sách cho các nhà xuất bản có giấy phép, tôi hiểu quá rõ thế nào là làm báo, viết lách ở Việt Nam. Hơn 10 năm qua, lặn lội trong cuộc đối đầu tưởng như vô tận với bộ máy công an, tôi lại cũng quá hiểu họ.
Nhưng tôi – và NXB Tự Do – lựa chọn con đường và cách thức chúng tôi đang làm, bởi vì tôi quan niệm: Điều gì là sự thật và có ích cho cộng đồng thì luôn cần phải được nói ra.
Tôi hoàn toàn có thể chọn một lối viết khác cho “Cẩm nang nuôi tù”, để cuốn sách được xuất bản “đàng hoàng, chính thống” như cách nhiều người hay nói. Ví dụ, tựa đề có thể là “Một số bất cập trong cơ chế thực thi pháp luật hiện nay”, “Sửa đổi lề lối làm việc trong ngành công an nhân dân”, “Ngành công an nhân dân: hướng tới một bộ máy trong sạch, vững mạnh”, “Công an nhân dân: nhận diện một số bất cập và kiến nghị giải pháp sửa đổi”, v.v. Bên trong sách, sẽ có đầy đủ những mục “Phương pháp nghiên cứu”, “Khung pháp lý”, “Cơ sở lý luận”, kèm các loại bảng biểu, số liệu thống kê v.v.
Nhưng nếu chọn “phương pháp tiếp cận” đó, cuốn sách không còn là cuốn cẩm nang dành cho những người dân thường, dân nghèo, mà ta quen gọi họ là “nhóm yếu thế”, “nhóm dễ bị tổn thương” nữa.
Họ là những người không có tiếng nói trong xã hội, vướng vòng lao lý, nhà tan cửa nát. Họ là những người thấu hiểu hơn ai hết nỗi cay đắng, uất hận của phận dân đen trong xã hội tư bản đỏ. Công an, tòa án, báo chí… tất thảy đều quay lưng lại với họ, chưa làm hại họ là đã nhân đạo lắm rồi. Bạn bè, người thân, đồng nghiệp ở cơ quan… sợ hãi bỏ chạy, không muốn dính dáng. Họ rơi vào trạng thái tuyệt đối trơ trọi, cô độc, tủi thân, và rất có thể nhiều người trong số họ, nhiều lúc, đã nghĩ đến cái chết.
Họ cần có ai đó chìa bàn tay cho họ biết bao. Họ cần được hướng dẫn để nghĩ và làm những việc đúng. Họ cần giải pháp ngay lập tức. Họ cần được chỉ cho biết những điều rất cụ thể, cực kỳ cụ thể và giản đơn, như là “công an không được phép đánh người”, “công an có bắt người cũng phải theo đúng quy trình, thủ tục tố tụng”, “trước khi ra đồn thì nhớ khóa Facebook và để hết đồ quý, tiền mặt ở nhà, nếu không sẽ bị công an cướp”, v.v.
Đơn giản vậy thôi. Không phải là những “phương pháp nghiên cứu”, “khung pháp lý”… lằng nhằng, khó hiểu. Không phải là những lời khuyên “công an họ chỉ làm việc của họ thôi”, “gia đình cứ đặt trọn niềm tin vào cơ quan điều tra, viện kiểm sát, hội đồng xét xử, việc gì thì cũng có luật pháp cả”…
Than ôi!
* * *
Khi viết những dòng này, tôi không trách móc ai, cũng không bao giờ dám nói những cuốn sách chọn phương pháp tiếp cận hàn lâm, học thuật là vô dụng, sai trái, vớ vẩn.
Tôi chỉ muốn chia sẻ quan niệm mà chúng tôi luôn giữ, rằng “điều gì là sự thật và có ích cho cộng đồng thì luôn cần phải được nói ra”. Chúng tôi cũng tin xã hội của chúng ta, đất nước Việt Nam của chúng ta, đã ở dưới ách độc tài và ì ạch nửa thế kỷ nay, không phát triển được, hay nói đúng hơn là khó phát triển, cũng vì đại đa số chúng ta – nhất là tầng lớp trí thức – đã để cho sự dối trá, giả dối, ngụy biện ăn sâu bám rễ và lan tràn. (Xin nhắc lại: Quan niệm này không hàm ý đánh giá thấp hay chỉ trích các tác giả, tác phẩm hàn lâm, học thuật – vốn cũng không phải nhiều nhặn gì ở Việt Nam).
Với niềm tin ấy, chúng tôi sẽ tiếp tục xuất bản những cuốn sách nói lên sự thật, nhất là khi đó là những sự thật có lợi cho cộng đồng./.