Nguồn: Jeremy Page & Chun Hang Wong, “Beyond Hong Kong, an Emboldened Xi Jinping Pushes the Boundaries”, The Wall Street Journal, 29/5/2020 – Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải – Nghiên Cứu Quốc Tế
Chưa đầy bốn tháng trước, Tập Cận Bình đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình khi ông hứng chịu nhiều chỉ trích vì những phản ứng lúng túng ban đầu trong cách xử lý dịch bệnh do coronavirus gây ra.
Kể từ lúc đó, ông Tập đã đảo ngược tình thế một cách ngoạn mục khi khống chế được sự lây lan của virus theo như báo cáo của Bắc Kinh trong khi Hoa Kỳ và nhiều nền dân chủ khác vẫn đang vật lộn với nó. Ông Tập đã nắm bắt được thời cơ để thúc đẩy một số khía cạnh quan trọng đối với “giấc mộng Trung Hoa” của ông về một Trung Quốc ở vị trí trung tâm trong tư cách một quốc gia thống nhất và hùng mạnh, sánh ngang hoặc vượt qua Hoa Kỳ, trong khi gạt qua một bên những thiếu sót của chính quyền trong việc đối phó dịch bệnh.
Trong lúc Washington và các đồng minh bị phân tâm bởi đại dịch Covid-19 và sự đi xuống của nền kinh tế, ông Tập đã thực hiện những bước đi đầy táo bạo trong các vấn đề về Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông và tranh chấp biên giới với Ấn Độ, vốn là những vấn đề thường gặp phải phản ứng từ cộng đồng quốc tế.
Ông Shi Yinhong, cố vấn chính phủ và giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cho biết “Giới lãnh đạo cấp cao cho rằng Trung Quốc đang tương đối mạnh so với Hoa Kỳ vào thời điểm hiện tại” và “họ đương nhiên thấy đây là một cơ hội mang tính chiến lược”.
Các chuyên gia về chính trị Trung Quốc cho biết: Ông Tập đã đưa việc thiết lập quyền kiểm soát đối với các lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình nghị sự của mình và hiện ông Tập đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ công chúng cũng như từ những thành phần diều hâu trong giới lãnh đạo chóp bu về việc đạt được những mục tiêu đó khi mà Covid-19 đã ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, cũng là một lời hứa khác của ông Tập.
Họ cũng nói rằng những hành động của ông Tập dường như đã mang lại một số kết quả vào thời điểm hiện tại, nhưng chúng có nguy cơ gây ra ác cảm từ cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc, thứ vốn đã tăng cao trong đại dịch và có thể chuyển thành hành những động có phối hợp chống lại Trung Quốc khi khủng hoảng lắng xuống.
Động thái quyết liệt nhất của Trung Quốc đã xảy ra vào tuần trước khi nước này tuyên bố sẽ áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông, trao cho Bắc Kinh quyền lực rộng lớn trong việc đàn áp những người chỉ trích Trung Quốc tại cựu thuộc địa của Anh.
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Trump đe dọa sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông. Lời cảnh báo này theo sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Tư rằng Hồng Kông đã không còn có quyền tự trị cao trước Trung Quốc, mở đường cho một loạt các biện pháp đáp trả trong tương lai của Hoa Kỳ, như thu hồi đặc quyền thương mại của thành phố.
Trong buổi khai mạc kỳ họp hàng năm của Quốc hội Trung Quốc vào tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ có những động thái cứng rắn hơn với Đài Loan, một hòn đảo tự trị và dân chủ mà Bắc Kinh luôn coi là một phần lãnh thổ của mình. Trong bài phát biểu chính sách hàng năm, khi nói về vấn đề thu hồi Đài Loan, ông đã không nhắc đến lời kêu gọi thường lệ của Trung Quốc về một giải pháp hòa bình, thứ đã có tiền lệ gần 30 năm. Các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc cũng nhắc lại những lời lẽ đe dọa đối với nỗ lực tìm kiếm độc lập cho Đài Loan, nói rằng biện pháp sử dụng vũ lực vẫn là một lựa chọn mặc dù ưu tiên các giải pháp hòa bình hơn.
Trung Quốc đã tổ chức một vài cuộc tập trận với tàu và máy bay quân sự gần Đài Loan trong năm nay mà theo Bộ Quốc phòng Đài Loan là nhằm buộc Đài Bắc phải nhượng bộ về vấn đề chủ quyền cũng như đánh lạc hướng dư luận khỏi những sai lầm ban đầu của Trung Quốc khi đối phó với Covid-19.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các cuộc tập trận của họ là nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như bảo vệ cư dân Đài Loan khỏi những kẻ đòi độc lập cho hòn đảo.
Trong một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc quyết tâm thu hẹp khoảng cách với quân đội Hoa Kỳ, thứ Sáu tuần trước, họ tuyên bố tăng 6,6% chi tiêu quốc phòng. Tuy thấp hơn mức tăng 7,5% của năm 2019 nhưng vẫn là một khoản chi tiêu lớn trong năm nay khi mà tổng chi tiêu của chính phủ dự kiến giảm 0,2%.
Căng thẳng biên giới từ lâu giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong vài tuần qua lại bùng lên một lần nữa sau khi quân đội Trung Quốc di chuyển đến khu vực tranh chấp ở dãy Himalaya gần nơi Ấn Độ đang nâng cấp cơ sở hạ tầng, gây ra những cuộc ẩu đả giữa hai bên.
Bắc Kinh cũng đã làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông trong những tuần gần đây khi lập ra hai đơn vị hành chính mới trong khu vực tranh chấp cũng như công bố “tên gọi tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông, đây là động thái đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 1983 cùng với việc cho tàu vào vùng biển của Việt Nam và Malaysia.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc bắt đầu sử dụng ngôn ngữ mang tính công kích hơn đối với phương Tây, ca ngợi hành động viện trợ của Trung Quốc cho các nước và nỗ lực xây dựng hình ảnh ông Tập như là một nhà lãnh đạo mới bảo vệ cho trào lưu toàn cầu hóa và đa phương hóa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ luôn bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình, cảnh báo Hoa Kỳ không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Trong trận chiến chống Covid-19, Bắc Kinh luôn đặt yếu tố con người lên trên hết và “không có bất kỳ lợi ích gì, dù là nhỏ nhất trong việc thao túng chính trị”.
Trong một cuộc họp báo vào Chủ nhật tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bảo vệ các nhà ngoại giao của mình khi họ quyết liệt đẩy lùi những lời “vu khống ác ý” về Trung Quốc, ông cũng bác bỏ việc Bắc Kinh đang lợi dụng dịch bệnh để thực hiện các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông và cáo buộc Đài Loan mới là bên lợi dụng tình hình dịch bệnh nhằm tìm kiếm độc lập.
Tuần trước, ông Tập đã kêu gọi Trung Quốc phải nhìn thấy cơ hội trong nghịch cảnh, cảnh báo rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự lao dốc của nền kinh tế do dịch bệnh cũng như những phản ứng tiêu cực của cộng động quốc tế đối với quá trình toàn cầu hóa.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc trích lời ông Tập trong buổi làm việc với các cố vấn chính phủ vào thứ Bảy tuần trước: “Chúng ta phải tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển đất nước trong một thế giới đang ngày càng bất ổn”. “Chúng ta phải nỗ lực làm việc để tạo ra các cơ hội mới trong khủng hoảng”.
Sự tăng cường các hoạt động gần đây của Trung Quốc khiến nhiều nhà quan sát cho rằng ông Tập đang tìm cách củng cố hình ảnh của mình, tranh thủ đạt được những lợi ích chiến lược cũng như làm chệch hướng sự chú ý của dư luận khỏi những phản ứng ban đầu của Trung Quốc đối với đại dịch.
“Ban đầu, đại dịch đối với ông Tập đúng là một thảm họa. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đảo ngược sau đó giữa phương Tây và phương Đông đã củng cố quyền lực của ông” trích lời ông Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập của tờ Học tập, một tờ báo được xuất bản bởi Trường Đảng Trung ương, nơi chuyên đào tạo giới tinh hoa chính trị Trung Quốc.
Trước khi cuộc đối đầu dài hơi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ leo thang hơn nữa, ông Tập muốn “bịt các lỗ hổng và khắc phục mọi thiếu sót, và trong trường hợp của Hồng Kông, những thiếu sót nằm ở vấn đề an ninh quốc gia” ông Deng Yuwen nói.
Những hành động của ông Tập đối với Hồng Kông đã giúp củng cố hình ảnh mà ông đã xây dựng như là một nhà lãnh đạo quyết đoán với tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Báo Đảng đã tô vẽ hình ảnh đó trong tuần này khi ca ngợi ông Tập trên trang nhất với tư cách là một “Tổng tư lệnh”, đây là việc làm không mấy thường xuyên của tờ báo.
Không lâu sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập đã nói về một “giấc mộng Trung Hoa” với lời hứa đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc toàn cầu hùng mạnh, thịnh vượng và hiện đại vào năm 2049, thời điểm đánh dấu 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Các chuyên gia về chính sách nói rằng mục tiêu này không có nghĩa là Trung Quốc tìm cách trở thành một cường quốc thống trị thế giới mà thay vào đó là quốc gia đóng vai trò trung tâm ở khu vực châu Á, sánh ngang hoặc vượt qua Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực. Điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc phải hoàn toàn kiểm soát được các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền, bao gồm Hồng Kông, Đài Loan, phần lớn Biển Đông, một phần Biển Hoa Đông, các khu vực tranh chấp với Ấn Độ, vùng lãnh thổ phía tây là Tân Cương và Tây Tạng, nơi Trung Quốc vẫn đang phải chống lại các phong trào ly khai.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng vạch ra các mục tiêu phát triển kinh tế, bao gồm xóa đói giảm nghèo và tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế so với một thập kỷ trước để kịp thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức vào năm sau.
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều mục tiêu kinh tế của Trung Quốc có nguy cơ thất bại, khiến nước này phải từ bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Mặc dù đó là một đòn giáng mạnh vào tham vọng của ông Tập, nó cũng là cái cớ giúp ông che đậy cho những thất bại trước đó khi giờ đây tất cả mọi thứ đều có thể đổ lỗi là do Covid-19 như tốc độ cải cách kinh tế chậm chạp, các món nợ khổng lồ của chính quyền địa phương hay sự đình trệ của kế hoạch Vành đai và Con đường.
Nó cũng tạo ra động lực để phát triển trong các lĩnh vực khác trước thềm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và Đại hội Đảng vào năm 2022, khi ông Tập được dự đoán sẽ tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba, phá vỡ truyền thống hai nhiệm kỳ do những người tiền nhiệm đặt ra.
Ryan Manuel, giám đốc điều hành của một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Hồng Kông nói rằng “Mọi người thường nhắc đến Tập Cận Bình như là một nhà lãnh đạo trọn đời nhưng điều đó không chắc”. Ông cũng lưu ý rằng những động thái gần đây của Trung Quốc xảy ra ở những khu vực mà ông Tập trực tiếp điều hành. “Phong cách của Tập Cận Bình là ông ấy muốn được nhận công cho những hành động như vậy, ông ấy muốn đưa tên tuổi của mình lên đó”.
Một ngoại lệ đáng chú ý là phản ứng của Trung Quốc đối với Covid-19 khi ông Tập bổ nhiệm Thủ tướng Lý Khắc Cường là người chỉ huy công tác chống dịch vào cuối tháng 1 vừa qua. Nhiều nhà phân tích coi đó là cách để ông Tập bảo vệ bản thân trước sự phẫn nộ từ công chúng. Ông Tập sau đó đã nhận công khi virus được kiểm soát.
Trung Quốc có thể đã thực hiện một số động thái mà nếu như không có đại dịch họ cũng sẽ làm. Các nhà quan sát cho rằng đạo luật mới đối với Hồng Kông dường như đã được lên kế hoạch một thời gian và có khả năng đã được công bố sớm hơn nếu như không bị trì hoãn vì đại dịch.
Bernard Chan, đại biểu Quốc hội Trung Quốc và là thành viên Hội đồng Hành pháp Hồng Kông cho biết: “Đối với Bắc Kinh, những lo ngại về an ninh quốc gia vượt xa mối lo về những tổn hại tiềm tàng đến hình ảnh của Trung Quốc” .
“Trung Quốc khá tự tin” ông Chan nói. “Sẽ có những tổn thất trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, họ không xem đây là một vấn đề nghiêm trọng”.
Wu Xinbo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho biết: Đối với các vấn đề về chủ quyền như trường hợp ở Hồng Kông, Trung Quốc quan tâm chủ yếu đến tác động của nó đối với tình hình chính trị trong nước cũng như hình ảnh của ông Tập trước công chúng hơn là xem xét đến mối quan hệ Mỹ – Trung.
Mặc dù vậy, sự xấu đi trong quan hệ Trung – Mỹ có khả năng khiến chính quyền Tập Cận Bình tin rằng họ có thể xem nhẹ những phản ứng dữ dội của phương Tây như là chỉ một yếu tố cân nhắc khi ra quyết định vì tâm lý chống Trung Quốc có khả năng kiểu gì cũng sẽ tiếp tục gia tăng bất chấp Bắc Kinh có làm gì đi nữa, ông Wu nói.
Một yếu tố khác được một số chuyên gia Trung Quốc chỉ ra là chính quyền Trump đã nỗ lực không ngừng để tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi nền kinh tế Trung Quốc cũng như luôn nhắm vào người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei trong lúc đại dịch đang diễn ra.
Ở Biển Đông, nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng khả năng hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ đã bị suy yếu sau khi dịch Covid-19 bùng phát trên một số con tàu. Một tàu sân bay của Hoa Kỳ đã phải “nằm bờ” ở đảo Guam gần hai tháng qua vì dịch Covid-19.
Hải quân Hoa Kỳ, đã tăng cường hoạt động trở lại ở Biển Đông sau một thời gian tạm lắng vào tháng Hai, cho biết họ duy trì sự hiện diện ở khu vực nhằm bảo vệ tự do hàng hải.
Tình thần dân tộc ở Trung Quốc gần đây đã dâng cao, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông, gây lo ngại cho ngay cả một số nhân vật có quan điểm “diều hâu” tại Trung Quốc, như Kiều Lương (Qiao Liang), một tướng không quân đã nghỉ hưu, người đã tham gia viết một cuốn sách vào năm 1999 mô tả cách Trung Quốc có thể đánh bại một đối thủ vượt trội về công nghệ như Hoa Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn với một tạp chí thân Bắc Kinh có trụ sở tại Hồng Kông vào tháng này, ông nói rằng tuy Hoa Kỳ đã bị suy yếu do đại dịch nhưng vẫn có thể can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào một cuộc xung đột xảy ra ở Đài Loan thông qua phong tỏa thương mại hoặc trừng phạt kinh tế.
“Người dân Trung Quốc hoàn toàn đúng khi muốn hoàn thành việc thống nhất đất nước, nhưng sẽ là một sai lầm nếu làm điều đúng đắn nhưng không đúng thời điểm”. “Chúng ta không nên thực hiện một hành động ngu ngốc có thể khiến chúng ta mất tất cả”, trích lời tướng Qiao, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Chúng tôi không thể liên lạc với ông để lấy ý kiến.
Một số học giả Trung Quốc lo ngại Bắc Kinh có thể đã đánh giá thấp tâm lý không mấy thiện với Trung Quốc đang hình thành ở các nước, không chỉ ở Mỹ.
Zhu Feng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc cho biết: “Cách nhìn của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc chưa bao giờ tiêu cực như thế này, không chỉ người Mỹ, mà cả người châu Âu và người dân các quốc gia khác”. Nếu Trung Quốc quá cứng rắn chỉ để đạt được những lợi ích ngoại giao ngắn hạn ở thời điểm hiện tại, điều đó có thể sẽ rất “tai hại”, ông nói.
Ở Châu Phi, nhiều người đã rất phẫn nộ khi nghe tin người châu Phi sống ở Trung Quốc trở thành nạn nhân của sự kỳ thị trong thời gian dịch bệnh và các tuyên bố của Bắc Kinh về việc đối xử bình đẳng với tất cả người nước đã không thể xoa dịu dư luận.
Ở Ấn Độ, ngay cả trước khi tình hình biên giới với Trung Quốc rơi vào bế tắc mà mỗi bên đều đổ trách nhiệm cho nhau, thái độ của công chúng đối với Bắc Kinh đã ngày một xấu đi. Một cuộc khảo sát của Viện Takshashila có trụ sở tại Bangalore công bố vào tháng trước cho thấy khoảng 67% số người được hỏi tin rằng Trung Quốc là nước phải chịu trách nhiệm cho đại dịch Covid-19 và 56% cho rằng Bắc Kinh đang lợi dụng cuộc khủng hoảng để phô trương sức mạnh.
Căng thẳng ở biên giới Trung Quốc-Ấn Độ thường bùng phát vào thời điểm này trong năm khi thời tiết ấm áp giúp việc tiếp cận khu vực trở nên dễ dàng hơn. Tuy vậy các nhà quan sát cho rằng bế tắc lần này giữa hai nước là một trong những lần nghiêm trọng kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới Trung- Ấn năm 1962, và điều bất thường là Trung Quốc lại phản đối việc Ấn Độ xây dựng đường xá tại khu vực mà các lực lượng Ấn Độ đã hoạt động từ lâu.
Thái độ của Liên minh Châu Âu đối với Trung Quốc cũng ngày một cứng rắn. Josep Borrell, uỷ viên đối ngoại của Liên minh châu Âu, đã kêu gọi trong tuần này rằng các nước thành viên phải có chiến lược mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh cũng như thắt chặt hơn nữa quan hệ với các nền dân chủ tại châu Á.
Bilahari Kausikan, một nhà ngoại giao cấp cao của Singapore đã nghỉ hưu cho biết: “Nếu như các nền kinh tế lớn của châu Âu cảm thấy thất vọng hơn nữa về Trung Quốc, họ có thể làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn”.
Nếu các cuộc đụng độ ngoài ý muốn xảy ra với Đài Loan hoặc các nước láng giềng khác thì ông Tập có thể gặp khó khăn trong việc kiềm chế dư luận trong nước, thứ mà ông ấy đã khơi dậy”, ông Kausikan cho biết. “Trung Quốc có thể bị đẩy vào con đường mà họ không thực sự muốn đi”.