Hong Kong đã làm thế giới không thể quên ngày lục tứ, 4 tháng 6, ngày mà hàng ngàn sinh viên bị thảm sát trong vụ Thiên An Môn. Ngày mà Tổng thống Thái Anh Văn miêu tả: “Một năm ở Trung Quốc chỉ có 364 ngày vì một ngày đã bị rơi vào lãng quên”
Trong khi hầu như cả thế giới đều biết ba từ Thiên An Môn ám chỉ điều gì thì cả tỷ người Trung Quốc không hề biết. Câu chuyện Thiên An Môn được Bắc Kinh giấu kỹ đến nỗi những nhà báo sinh sau biến cố này khi nghe nhắc đến đều cho là cố tình bôi nhọ chính phủ Trung Quốc với những hành vi kinh khủng xấu xa và không xứng đáng đối với một đất nước đứng vào hàng cường quốc thế giới.
Bà Thái Anh Văn không hề cường điệu khi cho rằng tờ lịch của Bắc Kinh chỉ có 364 ngày. Bà cũng không cường điệu khi cho rằng “Ngày trước ở Đài Loan, chúng tôi cũng từng có nhiều ngày không thể xuất hiện trên lịch, nhưng mỗi người chúng tôi đều tìm chúng trở lại. Bởi vì chúng tôi vốn không cần phải che giấu lịch sử thêm nữa, chúng tôi có thể cùng nhau suy nghĩ về tương lai”.
Giấu diếm những điều không tốt đẹp đối với lịch sử là khuynh hướng của các nước trong thế giới Cộng sản. Chỉ khi nào thế giới biết đến thì câu chuyện mới vỡ lỡ, tuy nhiên tùy theo mức độ mà hình ảnh chống lại loài người trong những lần chính quyền Cộng sản giết dân của mình được phơi bày trước ánh sáng văn minh của nhân loại. Vụ Thiên An Môn nổ ra trong lúc khoa học kỹ thuật của thế giới cho phép hình ảnh máu chảy đầy quảng trường cũng như xích sắt xe tăng cán nát những thân thể yếu đuối bày ra trên khắp các mặt báo của truyền thông thế giới để từ đó người ta không thể lãng quên. Người dân Hong Kong đã tiếp sức cho trí nhớ nhân loại và trong suốt 31 năm qua Bắc Kinh ngậm bù hòn làm ngọt vì những ánh nến tưởng niệm nạn nhân trong đêm 4 tháng 6.
Thiên An Môn dù sao cũng may mắn được thế giới ngưỡng mộ và căm phẫn. Nhưng so với Thiên An Môn, Việt Nam đã có một biến cố lớn hơn rất nhiều lần về mức độ thảm sát nhưng hầu như cả thế giới không hề nghe thấy. Đó là cuộc giết người do Hà Nội huấn luyện, tổ chức và khuyến khích cán bộ “làm cỏ” người dân của các tỉnh miền Bắc trong thập niên 50, từ ý tưởng “Cải cách ruộng đất” xuất phát từ nước cộng sản anh em: Trung Quốc
Ngày 4 tháng 12 năm 1953, Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhóm họp và thông qua Dự luật Cải cách ruộng đất 197/HL. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê thuận và chính thức ban hành bộ luật này vào ngày 19 tháng 12 năm 1953 để kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến, mang tên “Luật Cải cách Ruộng đất”.
Theo tư liệu chính thống của Việt Nam, từ năm 1953 đến năm 1956 đã có tám đợt phát động quần chúng giảm tô tại 1875 xã và năm đợt cải cách ruộng đất ở vùng đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi phía bắc. Trong 3.314 xã, có 10 triệu dân, đã tịch thu hơn 70 vạn héc ta (44,6%) ruộng đất chia cho gần 4 triệu nông dân. Hầu hết các tình miền Bắc như Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Quảng Bình, Vĩnh Linh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa đều là nạn nhân của Luật Cải cách ruộng đất. Chỉ trong vòng vài năm số người chết vì bị đấu tố, giam cầm đã vượt qua sức tưởng tượng của loài người.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Văn Chí trong tác phẩm “Từ thực dân đến cộng sản” (From Colonialism to Communism) được dịch ra trên 15 thứ tiếng cho biết “Cán bộ cộng sản bắt nông dân học tập lại bản Điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn và thúc đẩy nông dân phát hiện thêm địa chủ. Họ nói rằng theo sự tính toán rất khoa học của các đồng chí cố vấn Trung Quốc, đã điều tra rất cẩn thận ở các làng thì lẽ ra số địa chủ phải nhiều hơn gấp bội.
Tổng số nạn nhân của phong trào Cải cách ruộng đất tại Bắc Việt chưa hề được công bố, nhưng nếu tin lời ông Gérard Tongas, một giáo sư Pháp ở lại Hà Nội cho tới năm 1959 thì “kết quả của cuộc tàn sát kinh khủng này là một trăm ngàn người”.
Theo lời những người vượt tuyến vào Sài Gòn năm 1957 thì khắp các vùng nông thôn Bắc Việt nhân dân mang toàn khăn trắng. Điều này rất dễ hiểu vì ngoài những người bị toà án nhân dân đặc biệt lên án xử tử và hành quyết công khai còn vô số những người chết trong các trại giam và những người tự tử ngay sau khi bị quy là địa chủ. Số người tự tử và chết trong các trại giam đã nhiều, nhưng chưa thấm vào đâu với số bố mẹ, con cái địa chủ chết đói vì chính sách bao vây kinh tế. Đấy chẳng qua chỉ là kết quả của phương châm: “Thà giết mười người vô tội còn hơn để thoát một kẻ thù”. Đấy là chính sách của Đảng Lao động, áp dụng trong Cải cách ruộng đất, mà luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã lớn tiếng tố cáo trong bài diễn văn của ông, đọc trước Đại hội toàn quốc của Mặt trận tổ quốc, họp tại Hà Nội tháng 10 năm 1956.”
Cho tới nay người Việt biết về vụ “Cải cách ruộng đất” không đủ nhiều để đòi lại công lý cho người đã mất. Nhìn lại phong trào ủng hộ và tưởng nhớ Thiên An Môn của tuổi trẻ Hong Kong người ta thấy được tầm sắt máu của chính phủ Bắc Kinh để bảo vệ chế độ, nhưng nếu so với “Cải cách ruộng đất” thì sự khát máu ấy thua xa đàn em của họ ở phương Nam trong vụ giết người có tổ chức nhằm mở màn cho chiến dịch khủng bố trắng tư tưởng của quần chúng.
Có lẽ nhân dân Việt Nam cần làm theo ý tưởng của bà Thái Anh Văn: không thể để cho tờ lịch “Cải cách ruộng đất” bị xóa vĩnh viễn trong lòng dân tộc và trên cả thế giới.