Sự kiện biểu tình Black Lives Matter ở Mỹ là cơ hội ngàn vàng đối với bộ máy tuyên truyền Trung Cộng. Bắc Kinh hể hả nhanh chóng chụp “dịp may” này ào ạt tấn công Mỹ. Nhân Dân nhật báo tung ra biếm họa vẽ Tòa Bạch Ốc vấy máu chìm trong khói đạn cay. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát biểu: “Diễn biến hiện tại phản ánh nhiều điều chứ không chỉ vấn đề kỳ thị chủng tộc và cảnh sát bạo hành ở Mỹ”.
Trong khi đó, Hoa Xuân Oánh, giám đốc Cơ quan Thông tin thuộc Bộ Ngoại giao, tweet câu tiếng Anh: “I can’t breathe”. Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nói đến cái gọi là “tiêu chuẩn kép” trong chính sách đối ngoại của các nước phương Tây, hàm ý phương Tây chỉ trích chính quyền Hong Kong trấn áp người biểu tình trong khi Mỹ chẳng khác gì khi không chỉ sử dụng cảnh sát mà cả quân đội. Một trong những nhân vật diều hâu to mồm lâu nay, Hồ Tích Tiến (Hu Xijin, tổng biên tập Hoàn Cầu thời báo), viết rằng chính trị gia Mỹ giờ có thể “thưởng thức cảnh này (biểu tình) từ cửa sổ”…
“Tiểu nhân đắc ý” là lối hành xử quen thuộc của Trung Cộng. Họ kích động đám ngoại giao “chiến lang” lao ra tấn công Mỹ dựa vào sự kiện bề mặt, trong khi không bao giờ phân tích thấu đáo để dư luận hiểu rằng tại sao nước Mỹ xuống đường chỉ vì cái chết một người da màu; và ý nghĩa của cuộc biểu tình – với đủ thành phần, màu da và tầng lớp tham gia – nằm ở đâu. Trung Cộng so sánh sự hỗn loạn và “cái giá” của “tự do kiểu Mỹ” với “trật tự” trên đất nước mình để chứng minh mô hình cai trị họ “ưu việt” hơn.
Dĩ nhiên bộ máy tuyên truyền Trung Cộng chẳng bao giờ đả động và nhắc đến những chuyện trong nước, với vô số cái chết thường dân trong đồn công an, vô số vụ trấn áp giết người cướp đất chẳng bao giờ có bóng dáng công lý, vô số vụ thảm sát người Duy Ngô Nhĩ, chưa kể các vụ bắt cóc diệt khẩu đối với những nhân vật bất đồng chính kiến, hay bịt miệng báo chí trước hằng hà sa số trường hợp chính quyền “thực thi sức mạnh” bằng bàn tay sắt, trong đó cái gọi là quyền con người có khi còn không bằng “quyền động vật” ở phương Tây. Tại Trung Quốc, mỗi năm có bao nhiêu vụ công an đánh chết người? Những thống kê như vậy, cũng như các thống kê về bất bình đẳng xã hội luôn được báo chí Mỹ công khai, chẳng bao giờ có ở Trung Quốc.
Tại Trung Cộng, khi một hàng xóm bị công an đánh chết, chẳng ai dám chụp hình đưa lên mạng. Tại Mỹ, hình ảnh George Floyd được vẽ và trưng khắp nơi. Tại Trung Cộng, không ai hó hé và nhào đến can thiệp khi một nạn nhân bị công an hoặc chính quyền giết ngay trước mặt mình. Tại Mỹ, có rất ít người chứng kiến tận mắt cảnh George Floyd bị giết nhưng nhiều nơi khắp nước Mỹ tổ chức lễ tang rầm rộ cho nạn nhân. Tại Trung Cộng, báo chí chỉ được phép tường thuật tin về một cái chết “bất thường” dựa theo những gì công an cung cấp. Tại Mỹ, báo chí viết nhiều hơn bản chất thông tin của sự kiện.
Tại Trung Cộng, chắc chắn chẳng bao giờ xuất hiện hình ảnh những đứa trẻ đi biểu tình, như tại Hong Kong, hoặc Mỹ hiện tại. Tại Trung Cộng, không thể có chuyện chính khách, tướng tá, cựu chủ tịch nước lên tiếng phản ứng trước biện pháp đối phó của chính quyền đương nhiệm. Có bao giờ Giang Trạch Dân hoặc Hồ Cẩm Đào chỉ trích Tập Cận Bình? Liệu có thị trưởng nào ở Trung Cộng dám làm như bà thị trưởng Washington DC, Murial Bowser, khi cho sơn một hàng chữ khổng lồ (“Black Lives Matter”) ở ngay đại lộ dẫn thẳng đến Dinh Tổng thống? Và dĩ nhiên ở Trung Quốc chắc chắn chẳng bao giờ có cảnh người biểu tình ôm cảnh sát khóc, cảnh sát “cụng” tay với người biểu tình hoặc một cảnh sát dỗ một em bé rằng: “Chú ở đây để bảo vệ cháu”…
Đám dư luận viên “ngũ mao đảng” đã được tung ra ào ạt để chế giễu cuộc biểu tình Black Lives Matter trên mạng Weibo (Vi Bác). Một trong những “chủ đề” đang được chúng “mổ xẻ” là hình ảnh người Mỹ thuộc nhiều giới, trong đó có cả những nghị sĩ và cựu Phó Tổng thống Joe Biden, quỳ gối (ngày 3-6, tại Minneapolis, một đám đông đến 400 người đã cùng quỳ gối gần năm phút). Hình ảnh mà đám dư luận viên Trung Cộng mang ra chế nhạo này được diễn dịch nhiều kiểu khác nhau nhưng tựu trung đều “giải thích” rằng đó là “hành động xin lỗi”, thể hiện một cách “thái quá”, “lố bịch” và “nực cười”.
Tuy nhiên, dư luận viên Trung Cộng đã lười tìm hiểu. Đó là hành động được chính Martin Luther King thực hiện. Hôm đó, ngày 1-2-1965, khi dẫn một nhóm biểu tình trên đường đến Tòa án Dallas tại Selma (Alabama), King nghe tin hơn 250 người da màu vừa bị bắt. Và ông đã quỳ xuống để cầu nguyện. Hành động này sau đó trở thành hình ảnh có ý nghĩa như là sự cầu nguyện cho bình an…
Dĩ nhiên những cái đầu hẹp hòi, hiểu biết hạn hẹp, cộng thêm sự thù ghét cố hữu dẫn đến cái nhìn cực đoan, không thể nhìn ra những điều đó. Một khi bị che mờ bởi định kiến, khó có thể phân biệt được đúng-sai, thấy được khác biệt giữa những khái niệm, để cuối cùng có thể thấu hiểu chính trị dân chủ và xã hội tự do là gì, cho dù họ có thể luôn mồm “ca ngợi tự do” và “đấu tranh cho dân chủ”. Đây mới thật sự là “tiêu chuẩn kép”. Một khi chưa nhận ra được những điều căn bản như vậy thì (những kẻ đang cười nhạo) đến bao giờ mới có thể thật sự biết điều gì đang xảy ra khi “thưởng thức cảnh này từ cửa sổ”?