Nước Mỹ và những vấn đề không mới
Nước Mỹ đang nóng vì những cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc, sự bất công trong xã hội đối với người da màu, nạn sử dụng bạo lực quá mức trong một số nhân viên cảnh sát sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd dưới tay viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin tại TP. Minneapolis ngày 25.5 vừa qua. Một số cuộc biểu tình đã bị một số người lợi dụng biến thành bạo loạn, cướp bóc. Trong khi đó, phong trào biểu tình với những tấm biểu ngữ “I can’t breath” lập lại lời van xin của George Floyd hay “Black Lives Matters” cũng đang lan ra một số quốc gia châu Âu khác.
Đây không phải là lần đầu tiên những cuộc biểu tình và cả bạo loạn với cùng mục đích xảy ra trên đất Mỹ. Vụ George Floyd chỉ là thêm một lần nữa phản ánh mâu thuẫn-xung đột chủng tộc nặng nề đã tồn tại từ lâu giữa người da trắng và người da đen, da màu trong xã hội Mỹ, bắt nguồn từ lịch sử nước Mỹ khi vào thế kỷ 16, hàng trăm ngàn, hàng triệu người da đen ở châu Phi bị bắt cóc, bị bán và đưa sang Mỹ làm nô lệ. Công cuộc tranh đấu đòi quyền bình đẳng của người Mỹ da đen chưa bao giờ ngưng nghỉ, bắt đầu từ đó. Mặc dù sau khi cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ kết thúc vào năm 1865, luật pháp Hoa Kỳ chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ nhưng sự kỳ thị, bất bình đẳng giữa người da trắng với người da đen trên đất Mỹ chưa bao giờ thực sự chấm dứt.
Không phải vô cớ mà cho đến tận ngày hôm nay, mâu thuẫn-xung đột da đen, da trắng vẫn tiếp tục là đề tài nóng trong những cuốn sách, bộ phim của Mỹ. Chỉ nói sơ sơ trong lĩnh vực phim ảnh và chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây, có nhiều phim được đề cử hoặc đoạt giải Phim hay nhất của Oscars là về chủ đề này. Ví dụ “12 years a slave”– đoạt giải phim hay nhất tại Oscar 2013, “Django Unchained” đã thắng 2 Oscar và được đề cử hạng mục Phim hay nhất năm 2013,“Selma” làm về Martin Luther King Jr. đề cử Phim hay nhất 2014, “Moonlight”– Phim hay nhất Oscar 2017, “Get Out”– đề cử Oscar phim hay nhất 2017, “Green Book”– Phim hay nhất 2019…
Nói như thế không có nghĩa là sự phân biệt chủng tộc, sự bất bình đẳng giữa người da trắng và người da đen, da màu không có ở những quốc gia khác, nhưng ở Mỹ nó dai dẳng, âm ỹ là do vấn đề lịch sử như vừa nói trên.
Thứ hai, nạn sử dụng bạo lực quá đà của một số nhân viên cảnh sát nhưng lại không bị trừng phạt thỏa đáng cũng là một thực tế. Từ năm 1991 đến 2020, có ít nhất gần 20 vụ cảnh sát sử dụng bạo lực quá đà hoặc bắn chết người da đen với những lý do trời ơi đất hỡi, tại các thành phố khác nhau khắp nước Mỹ, kể từ vụ của Rodney King, Los Angeles, 1991 cho tới vụ mới nhất, George Floyd, Minneapolis, 2020. Những vụ nào có người chứng kiến hoặc quay video và dư luận làm ầm ỹ thì các cảnh sát mới bị truy tố, còn không thì chỉ bị kỷ luật, cùng lắm cho nghỉ việc.
Thêm vào đó đại dịch VOVID-19 với con số người bị nhiễm và chết cao nhất thế giới của nước Mỹ (gần 2 triệu người nhiễm và gần 110,000 người chết, tính đến ngày 4.6), hàng chục triệu người bị thất nghiệp, đã khiến sự bức bối trong nhiều người dâng lên và chỉ chờ dịp để xả ra.
Nước Mỹ và người Việt.
Là một người dân của một quốc gia nghèo và đang sống trong một chế độ độc tài đảng trị, tôi cũng như rất nhiều người Việt khác thường hướng về nước Mỹ không chỉ như một biểu tượng của sức mạnh quân sự, khoa học, kỹ thuật, của các giá trị về tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng quan trọng nhất là vai trò lãnh đạo thế giới tự do, khi nước Mỹ thường xuyên lên tiếng và can thiệp để ngăn chặn chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan v.v…
Nhưng từ hơn ba năm qua thì niềm tin vào nước Mỹ đã trở nên mong manh nhiều khi nhìn thấy uy tín, sức mạnh mềm, ảnh hưởng cũng như vai trò lãnh đạo đó của nước Mỹ đang giảm sút hẳn trên thế giới; sự kiện George Floyd cùng với những lời kêu gọi mang tính chia rẽ, kích động bạo lực của người đứng đầu Nhà Trắng khiến hình ảnh nước Mỹ mất đẹp đi nhiều. Tuy nhiên, khi đọc những phản ứng, những bài viết mạnh mẽ của Cha James Martin-một linh mục Dòng Tên người Mỹ, chủ bút tờ “Jesuit Magazine America” (“The Bible is not a prop”: Religious leaders, lawmakers outraged over Trump church visit”, NBC News), của tướng bốn sao Mike Mullen (“I Cannot Remain Silent”, The Atlantic), tướng James Mattis cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (“James Mattis Denounces President Trump, Describes Him as a Threat to the Constitution”, The Atlantic)… niềm tin đó lại phần nào trở lại trong tôi.
Không có một quốc gia nào, xã hội nào là hoàn hảo trên trái đất này. Quốc gia nào, xã hội nào cũng có những khuyết điểm, những vấn đề nội tại của nó cũng như những thời điểm khó khăn, những chọn lựa/quyết định sai lầm. Nhưng nước Mỹ sẽ vượt qua như đã từng vượt qua những thời điểm khó khăn, đi xuống, chính vì luôn luôn có những con người chính trực dám lên tiếng, dám hành động để bảo vệ Hiến pháp và bảo vệ những giá trị tốt đẹp chung của nhân loại, có hàng ngàn hàng vạn con người dám xuống đường biểu tình phản đối v.v…
Nước Mỹ sẽ vượt qua nhưng để giải quyết tận gốc rễ vấn đề, có lẽ cũng là lúc người Mỹ nên nhìn lại hệ thống chính trị, hệ thống bầu cử, ứng cử, quyền hạn quá lớn của Tổng thống cho tới vấn đề phân biệt chủng tộc và sự bất bình đẳng tạo nên những cuộc đời thất bại và những nỗi tức giận bị dồn nén…
Và như chúng ta từng chứng kiến trong lịch sử nước Mỹ, cứ mỗi lần khủng hoảng, thay đổi là nước Mỹ sẽ lại trở nên mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, có biết bao nhiêu cái chết tức tưởi do bị cảnh sát bạo hành trong thời gian xét hỏi hoặc bị tạm giam ở VN, bao nhiêu cuộc biểu tình ôn hòa của dân oan bị cảnh sát, thậm chí quân đội đàn áp, và có những người dân bị giết một cách dã man, bao nhiêu cuộc đời bị mất đi oan uổng do những bản án oan sai, bao nhiêu việc làm, chính sách sai lầm phản dân hại nước của nhà cầm quyền…nhưng người dân không thể lên tiếng vì nếu lên tiếng sẽ bị đàn áp, bắt bớ, tù đày, và nhà nước VN thì cứ tiếp tục coi đất nước này, dân tộc này như thuộc quyền sở hữu riêng của đảng, muốn làm gì thì làm, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc. Điều đáng nói nhất là từ những cá nhân cho tới toàn bộ cái bộ máy vận hành cơ chế ấy không muốn, không dám và cũng không có khả năng thay đổi!
Đó là điểm khác biệt cơ bản giữa một quốc gia tự do dân chủ tam quyền pháp trị với một quốc gia độc tài độc đảng!