Các nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Phillipines chưa bao giờ lại đồng thanh phản đối lên Liên hợp quốc sự lăng loàn của Trung Quốc trên Biển Đông Nam Á như bây giờ. Bởi vì các nước này, đến bây giờ, đều đi đến chung nhận thức, rằng chiêu trò đi đêm song phương chỉ là cái vỏ bọc để cuối cùng Trung Quốc nuốt trọn từng đối thủ một.
Không có duyên cớ gốc Hoa như tổng thống Phillipenes từng ảo tưởng. Không có duyên cớ đồng ý thức hệ như Việt Nam kỳ vọng. Không có duyên cớ chính sách mềm dẻo né tránh như Malaysia vận dụng. Không có duyên cớ ở xa nên vô can như Indonesia trông chờ. Chỉ có một duyên cớ duy nhất là kẻ mạnh làm điều nó có thể làm.
Cho nên, Trung Quốc tiến chiến hạm vào lãnh hải Phillipines. Cho nên, Trung Quốc đưa tàu Hải dương Địa chất 8 đến khảo sát ở thềm lục địa Việt Nam và Malyasia. Cho nên, Trung Quốc tiến vào ngư trường của Indonesia. Các nước ở vùng Biển Đông Nam Á chỉ có cách duy nhất là đoàn kết lại để tránh Trung Quốc “đánh chén” từng đối thủ một. Mọi tiểu xảo đi đêm song phương đều là tự sát.
Các nước ở vùng biển Đông Nam Á không đơn độc. Quyền lợi sát sườn ở vùng Biển Đông Nam Á không chỉ có các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Quyền lợi sát sườn ở Biển Đông Nam Á còn có Hoa Kỳ và các nước khác.
Ngày 1/6/2020, bà Kelly Craft – Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres để phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á. Đây là công hàm của Hoa Kỳ đáp trả lại công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc. Đây là tiếng nói chính thức của Hoa Kỳ, tiếp nối một loạt các công hàm của Malaysia, Việt Nam, và Indonesia phản đối Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề Biển Đông Nam Á – kể từ khi Trung Quốc gửi công hàm phản đối công hàm của của Malaysia (https://tuoitre.vn/my-gui-cong-ham-den-lien-hiep-quoc-bac-y…).
Cùng lúc, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã “đồng thanh” trên Twitter: “Hôm nay, Mỹ phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách phi pháp và nguy hiểm này. Các nước thành viên đoàn kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do trên biển”.
Trước đó, ngày 26/5/2020 Indonesia đã gửi công hàm 126/POL-703/V/20 lên Liên Hiệp Quốc để phản đối “công hàm phản đối” CML/14/2019 của Trung Quốc. Trong công hàm của mình, Indonesia nêu rõ không phải là bên có tranh chấp – nhưng phản đối mạnh mẽ yêu sách phi lý về đường 9 đoạn của Trung Quốc (https://tuoitre.vn/indonesia-gui-cong-ham-len-lien-hiep-quo…).
Ở Biển Đông Nam Á không chỉ mỗi Trung Quốc tự coi mình là “cá mập”. Ở Biển Đông Nam Á còn có nhiều “cá voi” “cá mập” khác. Cậy sức mạnh để cướp biển đảo của nước khác là Trung Quốc đã tự tạo nên kẻ thù trên trường quốc tế.
Cướp biển đảo của nước khác là làm điều bạo ngược. Làm điều bạo ngược thì trời không dung đất không tha. Bị trời không dung đất không tha thì tâm run sợ. Xác dẫu to, dẫu lớn tiếng, nhưng tâm run sợ thì khi lâm trận tất tự sụp đổ.
Đất nước 100 triệu dân dòng dõi Bà Triệu, tất tìm được cả vạn người “Cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông”./.