- NguyenTrangNhung’s blog – RFA
Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”
Ông Lương Hữu Phước đã để lại dòng trạng thái ấy trên Facebook của mình trước khi tìm đến cái chết vào chiều ngày 29/5.
Mặc dù cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân cái chết, song với dư luận mà nói, nguyên nhân là rõ ràng: ông chết do phẫn uất trước bản án phúc thẩm mà tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã tuyên.
Y án 3 năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điểm b, khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự là điều mà ông không thể chấp nhận, và chẳng còn cách nào hơn, ông chọn cái chết.
Cái chết của ông đã làm chấn động dư luận. Người ta bình luận về cái chết ấy với nhiều cung bậc cảm xúc. Thương tiếc có. Đau buồn có. Bức xúc có. Giận dữ có. Người ta cũng bình luận về vụ tai nạn với nhiều lý lẽ mà chủ yếu là bênh vực cho ông.
Ông có bị xử oan hay không? Đó là điều mà tôi không dám chắc, khi chỉ dựa vào tường thuật của ông và của báo chí về vụ tai nạn. Song, cũng như nhiều người khác, tôi thấy có điều không thỏa đáng khi xét tương quan hình phạt của ông với hình phạt của Lâm Tươi.
Trong khi ông phải chịu hình phạt hình sự với 3 năm tù giam, thì Lâm Tươi chỉ phải chịu hình phạt hành chính với 4,5 triệu tiền phạt. Chỉ riêng hành vi điều khiển xe máy mà không có bằng lái và trước đó uống bia/rượu thôi là Lâm Tươi đã phải chịu hình phạt này, huống chi là hành vi đó đã góp phần gây ra tử vong.
Khác biệt lớn trong tương quan giữa hai hình phạt có lẽ là một phần căn nguyên làm nên sự phẫn uất của ông, và điều này, cùng với niềm tin nội tâm sẵn có nơi ông rằng mình vô tội, đã khiến ông bức bối đến mức tự vẫn.
Sau cái chết của ông, báo chí hướng về phía tòa án. Đáp lại, tòa khẳng định không xử oan ông. Tôi tự hỏi, liệu ông đã tính đến tình huống này, với nhận định rằng khả năng cho tình huống này là rất cao, thì ông nghĩ cái chết của mình có đáng?
Tự kết thúc sinh mạng của bản thân với hi vọng làm thức tỉnh nền tư pháp địa phương, ở khía cạnh nào đó, là hành động có mục đích tốt. Nhưng, ở khía cạnh khác, đó là hành động cực đoan, cùng quẫn, và mất tự chủ.
Dù thế nào đi nữa, ông vẫn còn những lựa chọn khác để đấu tranh cho điều mà mình nghĩ là đúng – rằng mình vô tội. Hệ thống pháp luật này và xã hội này không phải là đã đóng mọi cánh cửa đối với cơ hội kêu oan của ông.
Sau phúc thẩm, ông còn có thể kháng nghị giám đốc thẩm, và nếu có tình tiết mới có lợi, ông có thể kháng nghị tái thẩm. Bên cạnh đó, ông cũng có thể bằng cách này hay cách khác kêu gọi dư luận đứng về phía ông.
Nếu ông dùng những lựa chọn ấy, ông có thể sẽ vất vả hơn, mệt mỏi hơn, nhưng kết quả có thể sẽ khả quan hơn. Đó cũng là những lựa chọn khẳng khái hơn, can đảm hơn, và bản lĩnh hơn.
Ngay cả khi những lựa chọn ấy không làm thay đổi tình hình hay dẫn đến kết quả như mong đợi, thì việc sống tiếp và sống tốt vẫn là điều đáng giá, bởi nếu không thể làm cho xã hội tốt đẹp hơn, thì ít ra, cũng không nên làm cho chính mình tệ hại hơn.
Vì những lẽ đó, ông lẽ ra phải sống. Và những ai lâm vào hoàn cảnh như ông, thay vì chọn cái chết, hãy chọn sống tiếp và sống tốt, và nếu có thể thì tiếp tục đấu tranh chống bất công, cho chính mình và cho tha nhân, vì đó – mà không phải cái chết – mới chính là những điều tốt đẹp nhất mà một người có thể làm cho bản thân và cho xã hội.