Trong xã hội này chỉ có kẻ cướp hoàn lương mới được gọi là hòa nhập với xã hội. Còn khi kẻ lương thiện từ bỏ những gì vốn có của mình gia nhập vào thế giới tội ác thì tất đó không phải là hòa nhập với xã hội mà người ta gọi là sa ngã. Không ai xem tội ác, bất lương, phi nhân tính, ích kỷ là chuẩn mực để con người phải hòa nhập vào đó. Xã hội từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều minh định rằng: đạo đức, lương thiện, trung thực, nhân bản, bao dung mới là chuẩn mực chứ không phải ngược lại.
Hòa nhập hay hòa hợp thì tiêu chuẩn cũng gống nhau, chấp nhận những giá trị phổ quát và không phạm vào những điều gây chia rẽ. Đã 45 năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ mà bài toán hòa hợp hòa giả dân tộc vẫn không thể nào giải được, bởi lẽ, chính cộng sản ngạo mạn cho rằng, chính kẻ thắng cuộc mới là kẻ ra chuẩn mực mà bất cần đến những giá trị phổ quát như đạo đức, lương thiện, trung thực, nhân bản, và bao dung. Đó là bản chất vấn đề đã đưa đến sự chia rẽ dân tộc suốt ròng rã 45 năm qua, và nó sẽ kéo dài đến nhiều năm sau nữa.
Nội chiến Việt Nam diễn ra sau nội chiến Mỹ trăm năm, nhưng vì sự vô minh vốn có của người CS khi não trạng của họ bị nhiễm quá nặng lý thuyết “bạo lực cách mạng” của Mác Lê nên họ chẳng rút ra được bài học gì từ cách cư xử của người Mỹ trước đó. Cái đáng sợ là họ lại luôn phủ định bất cứ những giá trị nào mà do “tư bản” tạo ra.
Như ta biết, năm 1861, nước Mỹ đã từng xẩy ra nội chiến đẫm máu giữa quân đội Miền Bắc chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ và quân Miền Nam muốn duy trì chế độ nô lệ. Cuộc chiến này kéo dài chỉ có 4 năm mà đã làm cho hơn 600 ngàn người phải bỏ mạng, và hơn 400 ngàn người bị thương. Nó vô cùng khốc liệt. Mà như ta biết, càng khốc liệt thì càng dễ phát sinh thù hận sâu sắc. Đã là nội chiến thì cuộc nội chiến nào cũng đau thương. Nó là sự tương tàn của những người cùng tổ quốc. Chính vì vậy, nếu tránh được chiến tranh thì không gì bằng, nhưng nếu không tránh được thì sau khi chiến tranh kết thúc, giữa 2 bên hãy cư xử với nhau như những người quân tử thì dân tộc có được sự hòa hợp hòa giải. Và chỉ có hòa hợp hòa giải thì khi đó dân tộc mới phát huy sức mạnh mà hướng tới thái bình cho nhân dân và thịnh vượng cho đất nước.
Ngày 9 tháng 4 năm 1865 là ngày lịch sử, không những lịch sử cho nước Mỹ mà còn là ngày lịch sử cho các dân tộc khác muốn hướng vào sự hòa hợp. Ngày ấy không những nó là ngày ký hiệp ước đình chiến kết thúc chiến tranh mà nó còn là ngày mở ra một cuộc hòa hợp hòa giải dân tộc mang tính mẫu mực cho những ai yêu chuộng công lý và hòa bình. Ngày đó, tướng miền Bắc Ulysses S. Grant đã gặp tướng Miền Nam Robert E. Lee trong phòng khách của căn nhà nhỏ tại làng Appomattox Court House, bang Virginia. Trong cuộc gặp lịch sử ấy, tướng Ulysses S. Grant của bên thắng cuộc đã cư xử với bên thua cuộc bằng sự bao dung của kẻ chiến thắng, bằng thái độ đúng mực của người quân tử. Ngày đó Ulysses S. Grant cam kết với Robert E. Lee rằng, phía ông vẫn xem những người thua cuộc là anh em một nhà, là đồng bào trong một nước. Để thể hiện tinh thần đó, ngay trong phòng họp, Ulysses S. Grant đã thẳng thừng bác bỏ các ý kiến của các chỉ huy dưới quyền muốn xử Robert E. Lee tội phản quốc. Một cách cư xử không gì đẹp bằng.
Đấy chỉ là lời những cam kết, còn thực hiện thì sao? Liệu tướng Ulysses S. Grant có nuốt lời lừa Robert E. Lee như người Cộng Sản đã lừa quân dân cán chính VNCH sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 không? Xin thưa là không. Thực tế, khi thi hành hiệp ước, Ulysses S. Grant đã làm còn tuyệt vời hơn cả những gì ông đã ký. Ông không hề bắt một người lính miền Nam nào làm tù binh, ông nghiêm cấm binh sỹ của mình không được có bất kỳ hành động trả thù hay sỉ nhục nào với binh lính bại trận. Nghiêm cấm binh sỹ không được có bất cứ hành động thất lễ nào với tướng Robert E. Lee. Chưa dừng lại ở đó, ông còn bác bỏ luôn yêu cầu được diễu hành ăn mừng chiến thắng của binh sỹ bằng lời nhắc nhở rằng “Những kẻ mà các bạn gọi là quân nổi loạn đều là đồng bào của chúng ta đấy!”. Vì sao? Vì ông biết nếu binh lính ông diễu hành ăn mừng chiến thắng, thì đấy chính là nhát dao cứa vào vết thương lòng của những người bại trận-những người mà ông xem là đồng bào của mình. Không những thế, ông còn cho phép binh lính bại trận được phép giữ lại ngựa súng để phục vụ cho mục đích mưu sinh và phòng thân. Đây là điều duy nhất ông làm trái với quy định của hiệp ước. Theo quy định của bất kỳ hiệp ước đầu hàng nào thì điều khoản không bao giờ thiếu, đó tước bỏ vũ khí của phía bại trận.
Năm 1865 nội chiến kết thúc thì chỉ nửa thế kỷ sau, nước Mỹ đã vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới và thay thế vai trò thống trị của Anh Quốc. Như vậy chúng ta thấy ở đây là, chuẩn mực nào mà người Mỹ đã dùng để giải bài toán để hòa hợp hòa giải dân tộc của họ? Có phải bên thắng buộc bên thua phải quỳ gối chấp nhận những gì trái với luân thường đạo lý không? Không! Kẻ chiến thắng đó đã chọn sự bao dung, nhân bản, đạo đức, trung thực làm chuẩn mực. Chính những chuẩn mực này mà bên thua cuộc đã quay về với chính nghĩa và vứt bỏ hận thù. Mà như ta biết, một khi kẻ thắng cuộc- những kẻ nắm quyền điều hành nước Mỹ đã chọn những chuẩn mực đó để cư xử với nhau thì sao nước Mỹ không hùng cường được?
Trái với người Mỹ thì người Cộng Sản Việt Nam đã làm ngược tất cả. Họ không bao giờ chịu từ bỏ sự gian trá, không bao giờ từ bỏ thái độ hách dịch của kẻ chiến thắng, không từ bỏ ý đồ trả thù thấp hèn, họ không bao giờ từ bỏ gian ác, và tất nhiên họ không bao giờ từ bỏ dối trá. Vậy nên, bên thua cuộc không thể nào hòa hợp hòa giải với họ được. Với cách cư xử như thế, thì thậm chí ngay cả những công dân được sinh ra và lớn lên dưới thời cai trị của họ thì cũng không thể nào dung nạp được. Dung nạp sao được khi mà họ cứ lộng quyền bắt bớ người nói lên sự thật? Vậy thì hòa hợp hòa giải thế nào được đây?
Qua bao năm sống dưới chế độ CS, thì chúng ta thấy một điều rõ ràng rằng, CS không thể dung nạp được sự thẳng thắng và trung thực của chính dân mình, nhưng họ lại dung nạp rất tốt sự gian trá của kẻ thù cướp nước. Vậy câu hỏi đặt ra là, cuối cùng CS được sinh ra trên đất nước này là để làm gì? Thực tế cho thấy, họ được sinh ra chỉ để mang lại những cuộc chiến tranh vô nghĩa làm hao mòn nội lực đất nước, họ mang đến sự chia rẽ và lòng hận thù sâu sắc giữa chính người Việt với nhau. Và bất hạnh hơn, họ còn mang đến cho dân tộc này chiếc thòng lọng nô lệ. Với kẻ thắng cuộc như vậy thì bất cứ ai yêu chuộng những giá trị chuẩn mực như đạo đức, lương thiện, trung thực, nhân bản, và bao dung đều không thể hòa hợp với họ được. Thật sự là như vậy, cho nên có thể nói còn CS thì dân tộc không thể có hòa hợp hòa giải dân tộc. Đó là cái kết rất đắng cho dân tộc. Không biết tại sao dân tộc này cứ bị CS đeo bám mãi?! Một dân tộc bị đọa đày dai dẳng./.