Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Những ngày gần đây dư luận quan tâm theo dõi “trận chiến” công hàm, nhất là nội dung công hàm CML/42/2020 ngày 17 tháng Tư, 2020 của Trung Quốc gởi Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, nhằm đáp trả công hàm ngày 30 tháng Ba, 2020 của Cộng sản Việt Nam với những lời lẽ hàm ý đe dọa.
Trong công hàm này, Trung Quốc đã viện dẫn “quyền lịch sử” để bác bỏ lập trường của Việt Nam và tái khẳng định chủ quyền của mình trên gần như toàn bộ Biển Đông. Điều đặc biệt hơn hết, ngoài cái gọi là “quyền lịch sử” vu vơ, Trung Quốc còn trưng ra công hàm 14 tháng 9 năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, thời điểm đó là thủ tướng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (Miền Bắc) để làm bằng chứng rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lúc đó.
Cuối cùng, Trung Quốc còn kiên quyết yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ quân lính và các cơ sở khỏi các đảo và rạn san hô mà Việt Nam đã “chiếm đóng bất hợp pháp.” Sự đe dọa của Trung Quốc chắc chắn không đưa tới một sự đối đầu quan trọng nào ngoài phản ứng chiếu lệ của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, kết hợp một cách nhún nhường với chính sách ba không của chiến lược quốc phòng mà giới tướng lãnh Việt Nam rất tự hào và yêu chuộng.
Công hàm CML/42/2020 nói gì? Trích dẫn từ bản dịch đăng trên trang mạng thoibao.de (Đức) như sau:
“… Vào ngày 4 tháng 9 năm 1958, chính phủ Trung Hoa ban hành Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải của Trung Hoa, tuyên bố một lãnh hải rộng 12 hải lý, và quy định rằng, Quy định này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bao gồm quần đảo Hoa Đông, Hoàng Sa, Trung Sa, Trường Sa và tất cả các đảo khác thuộc Trung Hoa. Vào ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao tới Chu Ân Lai, Thủ tướng Hội đồng Nhà nước Trung Hoa, tuyên bố long trọng rằng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận và ủng hộ tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về quyết định liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 4 tháng 9 năm 1958 và rằng chính phủ của Cộng hòa Dân chủ Việt Nam tôn trọng quyết định này.
… Trong những năm đầu của thập niên 1970, Việt Nam đã chính thức công nhận rằng Hoàng Sa và Trường Sa luôn là một phần của lãnh thổ Trung Hoa kể từ thời cổ đại. Sở hữu này đã được phản ánh trong các tuyên bố và ghi chú của chính phủ, cũng như các bản đồ, sách giáo khoa và báo chí chính thức của Việt Nam.
… Trung Hoa luôn phản đối sự xâm chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam tại một số đảo và rạn san hô của Trung Hoa ở quần đảo Trường Sa, và các hoạt động xâm phạm quyền và lợi ích của Trung Hoa trong phạm vi quyền tài phán của Trung Hoa. Trung Hoa kiên quyết yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ thủy thủ đoàn và các cơ sở khỏi các đảo và rạn san hô mà họ đã xâm chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp.”
Trở lại chuyện cũ, ngày 4 tháng Chín, 1958, Bắc Kinh đã cho công bố Bản tuyên bố về lãnh hải, trong đó Điều 1 quy định bề rộng của lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý… “bao gồm Đài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác phụ thuộc Trung Quốc.” Tây Sa (Xisha) và Nam Sa (Nansha) trong bản tuyên bố là cách nói của Trung Quốc để chỉ Hoàng Sa (Paracel Islands) và Trường Sa (Spratly Islands) của Việt Nam.
Sau đó 10 ngày, tức ngày 14 tháng Chín, 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng của VNDCCH đã nhanh chóng gởi công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc, trong đó thông báo chính phủ VNDCCH “tán thành” và “tôn trọng” bản tuyên bố ngày 4 tháng Chín, 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận 12 hải lý.
Sự ủng hộ nhanh chóng của chính phủ VNDCCH lúc đó đã trở thành bằng chứng “ngàn vàng” cho tham vọng bá quyền của Bắc Kinh trong những cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai bên sau này. Chính phủ Phạm Văn Đồng đã vô tình hay cố ý mắc mưu của Bắc Kinh ở điểm họ “quy định bề rộng của lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý… bao gồm quần đảo Tây Sa, và quần đảo Nam Sa…” Người ta có quyền nghi ngờ, chẳng lẽ các lãnh đạo của đảng Lao Động Việt Nam vào lúc đó không ai nhìn thấy điểm này.
Bởi vì theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS – United Nations Convention on the Law of the Sea), các quốc gia ven biển có chủ quyền mở rộng Vùng đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lý (370 km) từ vùng tiếp giáp với lãnh hải theo quy định của mình và không quá 350 hải lý (648 km) nếu tính cả thềm lục địa từ đường cơ sở. Trong trường hợp của Trung Quốc nêu trên, nếu lãnh hải 12 hải lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì từ các đảo của hai quần đảo này Trung Quốc ít nhất đã giành được chủ quyền rộng thêm ra 200 hải lý chưa kể thềm lục địa.
Nói cách khác Trung Quốc thâu tóm Biển Đông trong tay mình, dù cho Việt Nam có tuyên bố chủ quyền 200 hải lý Vùng đặc quyền kinh tế từ vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, cũng chỉ tạo ra một sự “chồng lấn” rất khó giải quyết bằng thương lượng song phương cù cưa cù nhầy, vì thế mạnh áp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cho nên khi “tán thành và tôn trọng” lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, Hà Nội phải hiểu, hay sau này mới hiểu, là họ đã tán thành và tôn trọng luôn Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Hoàng Sa và Trường Sa núp sau 2 chữ “bao gồm”… Rõ ràng đó là cái bẫy của Trung Quốc mà khi Việt Nam rơi vào, khó có đường vùng vẫy để thoát ra… Lần này trong phản ứng mới nhất, Bắc Kinh lại sử dụng Công Hàm Phạm Văn Đồng như một lá bùa khiến Việt Nam lâm vào cảnh ngậm bồ hòn làm ngọt.
Trước đây cũng có dư luận bàn về giá trị pháp lý của Công hàm Đồng, ngay cả Hà Nội cũng cho rằng công hàm này không hề công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, vì trong bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 “không có chỗ nào Trung Quốc nói tới hai quần đảo này”. Lập luận thô thiển này lại càng chứng tỏ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam còn cố tình mù mờ về Xisha và Nansha mà Trung Quốc đề cập trong điều 1 bản tuyên bố của họ.
Còn nếu nói Công hàm Đồng không có giá trị pháp lý vì trong bối cảnh lịch sử năm 1958, VNDCCH không quản lý hai quần đảo này. Vậy thử hỏi, tại sao Hà Nội không phản đối mà lại nhanh chóng tán thành lãnh hải Trung Quốc 12 hải lý bao gồm hai quần đảo không phải của mình? Trong bất cứ trường hợp nào, Hà Nội cũng khó phủ nhận chữ ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vì Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là kẻ kế thừa mọi mặt của VNDCCH. Tương tự như vậy năm 1974, Miền Bắc đã thẳng thừng từ chối cùng với Việt Nam Cộng Hoà lên tiếng phản đối Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa như một cử chỉ lệ thuộc sợ làm Bắc Kinh nổi giận, nhưng sau đó được giải thích là “bạn Trung Quốc chỉ giữ giùm.”
Trong thực tế, Công hàm Phạm Văn Đồng chỉ có thể bị triệt tiêu giá trị pháp lý khi Việt Nam điều chỉnh được hướng đi trong một thể chế dân chủ không cộng sản. Vì chỉ trong một thể chế như vậy, Việt Nam mới có thể thoát khỏi sự toàn trị của đảng Cộng Sản, tức thoát khỏi sự ràng buộc phi lý của một công hàm được ký một cách mù mờ nhưng nặng tình “xã hội chủ nghĩa anh em.”
Chẳng qua năm 1958, VNDCCH tồn tại như một thuộc quốc của Trung Hoa Cộng sản, đang ráo riết vận động sự yểm trợ về vũ khí, đạn dược để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công miền Nam mà Hà Nội gọi là “giải phóng Miền Nam”. Trước đó, trong thời chiến tranh Việt-Pháp, chẳng những Trung Quốc là chỗ dựa vững chắc của Miền Bắc về viện trợ kinh tế mà vai trò huấn luyện, cố vấn chiến thuật tác chiến của Trung Quốc càng làm nổi bật tính cách lệ thuộc của Hà Nội vào Bắc Kinh một cách nặng nề.
Vì thế sẽ không có gì ngạc nhiên khi Bản tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc ra đời, Hà Nội coi đây như một trong nhiều cơ hội đền ơn đáp nghĩa, đã vội vàng rơi vào cái bẫy của người “bạn quý.” Để ngày nay hơn nửa thế kỷ sau, cứ mỗi lần nghe Trung Quốc trưng dẫn Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một minh chứng sự thừa nhận chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc, Việt Nam lại lâm vào tình cảnh của một người há miệng mắc quai.
Công hàm Phạm Văn Đồng rõ ràng là một công hàm bán nước, vì một khi các lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt cố tình gắn chặt số mệnh dân tộc vào nước Tàu thì sự hiến dâng chủ quyền đất nước cho ngoại bang chỉ là vấn đề thời gian.
Phạm Nhật Bình