Vật liệu đã thiêu cháy 3 sĩ quan công an trong hố kỹ thuật không phải là chất lỏng

- Quảng Cáo -

Hoàng Xuân Phú

Giáo sư Toán học Hoàng Xuân Phú chứng minh: thứ vật liệu đã thiêu cháy 3 sĩ quan công an trong hố kỹ thuật không phải là chất lỏng.

Như vậy, cáo buộc dân Đồng Tâm đổ xăng thiêu cháy 3 chiến sĩ công an là dối trá.

Trích Phần 2 bài viết “Viết thêm về tội ác Đồng Tâm”

(https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10158143783249679&id=85922774678&__tn__=K-R)

- Quảng Cáo -

VẾT TÍCH VỤ CHÁY DƯỚI ĐÁY HỐ KỸ THUẬT 

Ảnh 2.1: Dấu vết vụ cháy trong hố kỹ thuật (chụp từ miệng hố kỹ thuật).

Để chứng minh Thứ vật liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an trong hố kỹ thuật không phải là chất lỏng, tôi đã dựa vào Ảnh 2.1 và Ảnh 2.2 để chỉ ra các hiện tượng sau:

– Chiều cao của vùng vách hố bị ám khói đen rất khác nhau, trong đó chiều cao của vùng bị ám khói đen trên vách hố phía bên trái bức ảnh lớn hẳn so với ba phía còn lại.

– Trên vách hố phía bên trái bức ảnh có mấy vết rạn tường mới tinh, trong khi trên vách hố các phía khác không có vết rạn nào, chứng tỏ nhiệt lượng sinh ra ở phía trái cao hơn hẳn.

– Ở một số vị trí, chiều cao của vùng vách hố bị ám khói đen tương đối nhỏ, và vùng vách hố bị ám khói đen dừng lại khá đột ngột, chứ không nhạt dần đều khi lên cao.

Các hiện tượng đó không thể xảy ra, nếu thứ nhiên liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an ở dạng lỏng.

Bởi nếu đổ vào hố kỹ thuật một lượng lớn nhiên liệu lỏng, thì chất lỏng phải phủ đều toàn bộ đáy hố kỹ thuật. Vì vậy, mức độ cháy phải đồng đều trên toàn bộ đáy hố, khiến nhiệt phân bố đều bốn phía, và chiều cao của vùng bị ám khói đen trên vách hố phải tương đối bằng nhau. Hơn nữa, với lượng nhiên liệu lỏng lớn, lại cháy trong một hố kỹ thuật vừa sâu (415 cm) vừa hẹp (77 cm x 138 cm), và với mấy tử thi bị thiêu cháy đến mức ấy, thì chiều cao của vùng vách hố bị ám khói đen phải khá lớn, và màu đen phải nhạt dần đều khi lên cao.

Ảnh 2.2: Vết rạn trên vách trái của hố kỹ thuật (chụp từ miệng hố kỹ thuật).

Ảnh 2.1 và Ảnh 2.2 đều được chụp từ miệng hố kỹ thuật.

Đề phòng đụng chạm với công an, tôi đã không mang theo máy ảnh nhà nghề, mà dùng iPhone để chụp. Do đó, chất lượng ảnh chỉ được như vậy.

Có ý kiến cho rằng chưa đủ thuyết phục, nên trong bài viết này tôi công bố thêm mấy bức ảnh. Cũng chụp bằng điện thoại, nhưng chụp từ đáy hố kỹ thuật.

Ảnh 2.3: Phần dưới cùng của góc tiếp giáp giữa vách trước và vách phải

Vâng, tôi đã loay hoay ở đáy hố kỹ thuật khoảng 65 phút, để quan sát, chụp ảnh và quay phim. Khi rời khỏi Đồng Tâm, bỗng thấy đau đầu và rất mệt. Chẳng hiểu do quá tập trung khi làm việc ở dưới hố, hay đã hít phải khí độc nào đó còn đọng lại trong hố thiêu người? Anh bạn chở tôi ái ngại, mấy lần giục ngả ghế ra mà nghỉ. Và tôi đã thiếp đi một lúc trên đường về. Lúc tỉnh dậy thấy khỏe ra. Chứng tỏ, không phải vì khí độc.

Khi đã đứng trên đáy hố kỹ thuật để quan sát, thì kết luận của Mệnh đề 3 trở nên hết sức rõ ràng, chẳng còn gì để lăn tăn. Hơn nữa, còn thu được mấy nhận thức mới về vụ thiêu người.

Ảnh 2.3 thể hiện một hình ảnh đặc trưng, chụp phần dưới cùng của góc tiếp giáp giữa vách trước và vách phải, từ đáy hố lên đến độ cao trên 120 cm (xem quy ước về tên gọi vách trước, vách sau, vách phải và vách trái trong Ảnh 2.1).

Giả sử, nếu thứ vật liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an trong hố kỹ thuật là chất lỏng (ví dụ như xăng), thì do chất lỏng phủ đều đáy hố, toàn bộ phần vách hố trong Ảnh 2.3 đều phải bị ám khói đen, giống như khu vực nằm ở phía bên phải và chiếm khoảng 1/3 bức ảnh. Trái lại, phần sát góc của vách trước chỉ có mấy vệt đen, còn vách phải thì chỉ bị ám khói đen khá ít.

Vì vậy, có thể khẳng định chắc chắn:

(2.1) Thứ vật liệu đã được dùng để thiêu cháy trong hố kỹ thuật không phải là chất lỏng.

Đặc biệt, quầng đen trên vách phải khác biệt hẳn so với vùng lân cận. Nó nằm cách đáy hố trên 30 cm. Chứng tỏ, vật liệu cháy không được chứa một cách đơn giản trong hộp cát tông, hoặc bao bì bằng vải, hay ni lông, hay chất liệu thích hợp nào đó. Bởi nếu như vậy, thì do khối vật liệu cháy nằm ngay trên đáy hố, khu vực bị ám khói phải bắt đầu ngay từ đáy hố, chứ không thể tách khỏi đáy hố hơn 30 cm.

Từ đó suy ra:

(2.2) Vật liệu cháy được đựng trong các ống hở đầu (giống như pháo hoa), tạo ra phóng hỏa có định hướng.

Và quầng đen trên vách phải là kết quả phóng hỏa do một vài ống đựng vật liệu cháy nằm cách xa vách gây ra.

Ảnh 2.4: Phần gần đáy của góc tiếp giáp giữa vách trước và vách trái.

Ảnh 2.4 cũng thể hiện một hình ảnh đặc trưng khác, chụp một phần của góc tiếp giáp giữa vách trước và vách trái, đoạn cách đáy hố từ khoảng 60 cm lên đến khoảng 125 cm.

Trong khi vách trái bị tổn thương đáng kể và bị ám khói đen khắp nơi, thì vách trước không bị tổn thương, có hai vùng hầu như không bị ám khói đen, và phần chính bị ám khói cũng tách khỏi đáy với một khoảng cách khá lớn.

Điều đó cũng chứng tỏ kết luận (2.1) và (2.2) là đúng.

Tại góc tiếp giáp, ở độ cao cách đáy khoảng 110 cm (nơi phân cách hai vùng hầu như không bị ám khói đen), có một vật giống như búi giẻ bị cháy, gắn chặt vào góc vách. Nhưng khi dùng đũa gắp thử, thì như chạm phải một khối nhựa rắn. Muốn dùng kìm bẻ ra một miếng nhỏ cũng khó.

Có một hiện tượng đáng lưu ý trong Ảnh 2.3 và Ảnh 2.4, đó là mức độ tương phản đen-trắng giữa vùng bị ám khói và vùng không bị ám khói rất lớn.

Hiện tượng đó không chỉ phủ định khả năng sử dụng nhiên liệu lỏng, mà còn cho thấy:

(2.3) Vật liệu cháy đã được sử dụng sinh ra nhiệt lượng rất lớn, nhưng tương đối ít khói.

Do đó, chỉ những vùng vách bị va chạm trực tiếp với vật liệu cháy bỏng thì mới trở nên đen kịt, còn những vùng vách khác thì ít bị hoặc hầu như không bị ám khói.

Vì không muốn bạn đọc quá mệt mỏi với những tình tiết nặng tính kỹ thuật, tôi sẽ không cung cấp thêm nhiều bức ảnh tư liệu về vết tích vụ cháy trong hố kỹ thuật, mà kết thúc Phần 2 bằng Ảnh 2.5.

Ảnh 2.5 được ghép từ bốn bức hình, để tạo ra bức tranh toàn cảnh của vách trái.

Trong bốn bức vách của hố kỹ thuật, vách trái bị ám khói đen nhiều nhất, suốt từ đáy hố lên đến độ cao khoảng 250 cm. Hiện tượng bị sần sùi, rạn lở và bị vật lạ dính vào chỉ tồn tại trên vách trái này. Chứng tỏ:

(2.4) Khối lượng vật liệu cháy đã được sử dụng là khá lớn, và hầu hết các ống chứa vật liệu cháy đều hướng vào vách trái.

Ảnh 2.5: Vách trái của hố kỹ thuật

Tóm lại, nhờ phân tích cách bức ảnh được chụp từ đáy hố hộp kỹ thuật, ta đã khẳng định một lần nữa Mệnh đề 3 thông qua kết luận:

(2.1) Thứ vật liệu đã được dùng để thiêu cháy trong hố kỹ thuật không phải là chất lỏng.

Ngoài ra, còn thu được ba nhận thức mới, đó là:

(2.2) Vật liệu cháy được đựng trong các ống hở đầu (giống như pháo hoa), tạo ra phóng hỏa có định hướng.

(2.3) Vật liệu cháy đã được sử dụng sinh ra nhiệt lượng rất lớn, nhưng tương đối ít khói.

(2.4) Khối lượng vật liệu cháy đã được sử dụng là khá lớn, và hầu hết các ống chứa vật liệu cháy đều hướng vào vách trái.

H.X.P.Nguồn trích: http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php…

Tác giả gửi BVN

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here