Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Ngay sau ngày tiếp thu Hà Nội từ người Pháp vào tháng Mười, 1954, đảng CSVN bắt đầu thiết lập bộ máy cai trị lên toàn miền Bắc. Đó cũng là lúc phong trào thi đua đủ loại xuất hiện rầm rộ ở mọi ngành, mọi cấp, từ trung ương tới địa phương.
Bộ có phong trào thi đua của bộ, ngành nào có thi đua ngành nấy, tỉnh có phong trào thi đua tỉnh, huyện xã nào cũng thi đua rập khuôn theo kiểu nhà nước phát động và chỉ đạo… rập khuôn từ Trung Cộng. Cảnh cờ phất trống rung, rầm rộ diễn ra khắp nước trong hình ảnh lên đồng tập thể. Hình thức ấy được nhà nước mô tả để tiến hành công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa mau chóng đi đến… thành công.
Người dân bị lường gạt, nhắm mắt tin theo “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” của một viễn ảnh đại đồng còn quá xa xôi. Họ không biết được thật ra đây chỉ là phương pháp cưỡng bách người dân vắt kiệt sức để thực hiện một cách điên rồ về những kế hoạch do nhà nước đẻ ra. Điều tệ hại mà chế độ mang lại là sự hy sinh hoàn toàn lợi ích cá nhân đánh đổi một cuộc sống nghèo khổ kéo dài dưới chiếc bóng của thiên đàng xã hội chủ nghĩa.
Trong lúc đó, mặt trận tư tưởng do bộ máy tuyên truyền của đảng nắm là ngọn cờ đầu trong lãnh vực báo chí “cách mạng” để dẫn dắt cán bộ và quần chúng đi sát đường lối. Chỉ thị số 11 của Bộ Chính Trị ra đời năm 1996 nhằm tạo một phong trào bắt buộc cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mua và đọc báo, tạp chí của đảng… để răm rắp làm theo, tin theo, để không bị chệch hướng.
Nhưng sau hơn 30 năm, Chỉ thị 11 năm 1996 lặng lẽ nằm im trong hồ sơ văn thư đảng. Các tờ báo đảng đúng nghĩa như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Tạp Chí Cộng Sản cũng lặng lẽ in, lặng lẽ phát không cho các cơ quan, trại tù để cuối cùng mang cân ký lô. Đó là thực trạng cay đắng của những cơ quan báo chí được chế độ đặt nhiều kỳ vọng nhưng trên thực tế đã nhanh chóng tan vỡ. Thậm chí một người nguyên là phó tổng biên tập của báo Nhân Dân, cũng đã từng thành thật nhận định: “Người ta đã nói báo Nhân Dân để làm những việc phục vụ xã hội như để gói đồ là chính.”
Không ai mua, không ai đọc, bởi lẽ không chỉ vì những nội dung khô khan, giáo điều của những tờ báo đảng mà nó đi ngược lại sự tiến hóa của loài người. Chúng không hề phản ảnh chút nào tình trạng xã hội chung quanh cũng như đời sống ngày càng bức bách từ tinh thần đến vật chất của người dân. Nhưng báo sống được, không phải nhờ vào lượng độc giả mà nhờ vào ngân sách rót xuống hàng năm để nuôi một đội ngũ mang danh “nhà báo” được đào tạo để sống bám vô tích sự vào tiền thuế của dân.
Trước tình trạng báo chí đảng không còn được ai quan tâm, liên tiếp trong hai ngày vừa qua, thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng đã ký ban hành “Thông báo kết luận” mang số 173 ngày 6 tháng Tư về việc tiếp tục thực hiện chỉ thị năm 1996 về việc mua và đọc báo, tạp chí của đảng, tiếp theo là Chỉ thị số 43 ký ngày 8 tháng Tư về “tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với Hội Nhà Báo Việt Nam trong tình hình mới.”
Nếu người ta không đọc ngày tháng ra đời của hai văn bản mà ông Vượng vừa ký, thì ai cũng nghĩ đây là những chỉ thị của 45 năm về trước. Năm 1975, Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm được Sài Gòn trong cuộc chiến tranh xâm lăng, nguỵ trang dưới chiếc áo “giải phóng Miền Nam, thống nhất tổ quốc”. Lúc ấy, do nhu cầu hướng dẫn dư luận quần chúng cả nước nên đảng phải đề ra sách lược uốn nắn Hội Nhà Báo.
Đảng muốn các báo vào thời điểm ấy phải nói theo ngôn ngữ của kẻ chiến thắng, đề cao công lao đảng, đề cao chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch, qua đó bắt người dân phải đọc và làm theo những gì báo đảng nói. Trong tình trạng độc quyền tư tưởng, đây chẳng qua là sự cưỡng bách người dân không được quyền suy nghĩ khác và chỉ biết ơn đảng là người đã đem lại “độc lập, tự do, hạnh phúc” cho mình. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, hai chỉ thị đó lại ban hành vào thời điểm tháng Tư năm nay, đúng 45 năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ. Hành động này cho người ta thấy 3 điều.
Thứ nhất, dường như đảng CSVN không đi theo múi giờ của nhân loại và có những suy nghĩ không phải vượt thời gian mà đi lùi lại thời gian. Vì trong thời đại hiện nay do sự xuất hiện của internet, “báo mạng” (online) đã đẩy lùi báo giấy. Ngay ở những quốc gia Tây phương mà chuyện mua báo, đọc báo đã thành truyền thống, những tờ báo in danh tiếng cũng dần dần thu hẹp để chuyển qua báo mạng.
Thế mà giờ đây, đảng lại ra chỉ thị bắt tiếp tục đọc báo do nhà nước in ra. Chẳng những vậy mà còn bắt phải tạo thành phong trào, tức nhà nhà, trường trường, cơ quan cơ quan, nhà tù nhà tù…đều phải mua báo và đọc báo đảng. Hình như tư duy của các nhà lãnh đạo đảng đã thụt lùi quá xa, khó theo kịp thời coronavirus. Như thế người ta còn mong mỏi gì vào tài lãnh đạo ưu việt của lãnh đạo đảng để đưa đất nước tiến vào thời kỳ công nghệ 4.0 như họ ra rả hô hào?
Thứ hai, CSVN chỉ muốn lãnh đạo và phát triển đất nước theo chiều hướng của những đầu óc bệnh hoạn trung thành với tư duy cộng sản. Ngay từ đầu họ đã sai lầm khi chọn con đường phát triển đất nước theo mô hình Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng trên thế giới chưa có quốc gia cộng sản nào phát triển thành công khi đặt nặng vào sự cưỡng bách lao động, nhất là trên phương diện cưỡng bách tư tưởng. Liên Xô đã quay về với giá trị dân chủ Tây phương, Trung Quốc đang xuất hiện dấu hiệu thất bại trong “giấc mộng Trung Hoa”. Thế mà giờ này đảng còn không để người dân tự do chọn lựa cái gì nên đọc, cái gì nên làm, cái gì nên vứt bỏ để xã hội theo kịp trào lưu thế giới. Bắt phải đọc báo đảng, làm theo ý đảng cho thấy đảng Cộng Sản trước sau vẫn giữ lề lối cai trị muôn đời của họ là kiểm soát toàn diện để giữ vững thể chế toàn trị.
Thứ ba, chỉ thị bắt đọc và làm theo báo đảng còn thể hiện một mệnh lệnh sai lầm của tập đoàn lãnh đạo luôn tự nhận họ không bao giờ sai. Đảng muốn biến mọi người thành những con lừa sống chỉ biết làm theo mệnh lệnh đảng, dù mệnh lệnh ấy đưa đất nước trở về thời kỳ lạc hậu.
Như thế, trong vòng chưa đầy một tháng, nhờ ông Trần Quốc Vượng và Bộ Chính Trị mà Việt Nam tiến một bước khá dài từ thế kỷ 21 trở về giữa thế kỷ 20. Lần trước đảng CSVN tiếp tục khẳng định “phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã là tất yếu”. Lần này, xới lại và đẩy mạnh “phong trào mua báo đảng, đọc báo đảng”; răn đe, uốn nắn lại hội nhà báo quốc doanh.
Phải chăng trong cơn hoảng loạn thời dịch bệnh, đảng lại càng muốn lôi kéo người dân vào cơn mê sảng triền miên với mình?
Phạm Nhật Bình