Ba ngày sau sự kiện chấn động này, ngày 8 tháng Tư, 2020, gia đình ông Tín đã gửi đơn yêu cầu cơ quan Cảnh Sát Điều Tra Công An và Viện Kiểm Sát TP.HCM nhanh chóng khởi tố vụ án hình sự điều tra làm sáng tỏ về cái chết bất ngờ của Luật Sư Bùi Quang Tín để trả lại công lý cho ông và cho gia đình.
Bà Nguyễn Thanh Bích, vợ ông Tín, dẫn chứng một số mâu thuẫn trong lời khai của các bên liên quan, và các nghi vấn từ việc chứng kiến khám nghiệm tử thi… để nói rằng việc ông Tín rơi từ tầng 14 của căn hộ chung cư là do có người khác hãm hại. Bà Bích còn mời một số luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình mình.
Trước đó, trong bản tường trình gởi cảnh sát về cái chết của chồng, bà Bích cho rằng cái chết của chồng bà là “án mạng” không phải “tự tử”. Không chỉ vợ ông Tín, mà những người bạn thân của ông cũng nói rằng “khó có khả năng LS Bùi Quang Tín tự tử“.
Cái chết của Tiến Sĩ-Luật Sư Bùi Quang Tín đã khiến dư luận nhắc lại trường hợp tử vong tương tự của Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục – Đào Tạo Tiến Sĩ Lê Hải An bị ngã từ lầu 8 xuống đất hồi trung tuần tháng Mười năm ngoái.
Ngay sau khi Thứ Trưởng Lê Hải An ngã lầu tử vong vào sáng ngày 17 tháng Mười, 2019, Bộ Giáo Dục – Đào Tạo được nói là “đã vội vã công bố thông báo rằng đó là một vụ tai nạn mặc dù không có nhân chứng lẫn vật chứng”.
Vụ Thứ Trưởng Lê Hải An tử vong coi như đã “bị chìm xuồng,” nay nếu vụ Luật Sư Bùi Quang Tín thiệt mạng không được điều tra đến nơi đến chốn, nếu như những kẻ thủ ác trong các nhóm lợi ích quyền lực không bị đưa ra xét xử, thì những trường hợp cán bộ quan chức bị chết do tai nạn, như bị ngã lầu sẽ có thể tiếp tục xảy ra, ngay cả đối với các lãnh đạo ở cấp thượng tầng.