Nguyễn Hùng – VOA
Vậy là vị Tướng ngồi hát cho tôi nghe vào một ngày hè tháng Năm cách đây ngót năm năm đã ra đi. Hôm đầu tuần thấy có người đưa tin ông qua đời tôi vội hỏi Trung tá Hải quân Hoa Kỳ đã hồi hưu Nguyễn Anh Tuấn, người giới thiệu tôi với Tướng Đảo năm nào, nhưng tôi thở phào vì đó chỉ là tin đồn. Nhưng tối 19/3 giờ London, Trung tá Tuấn báo cho tôi vị Tướng đã rời cõi tạm để tới một thế giới mà tôi tin ông sẽ không bị “mất nước”, chẳng bị cải tạo tới 17 năm và đường tình duyên đâu còn trắc trở.
Những lời hát tiếng Pháp ông dịch lại cho tôi nghe hè năm 2015, tôi cũng đã dịch sang tiếng Anh cho nhiều người nghe. Mỗi khi đi dạy về mạng xã hội tôi lại lấy video đã được gần 4,5 triệu lượt xem ra để làm ví dụ về chuyện những nhân vật lịch sử có sức hút công chúng tới đâu:
“Tôi đã xa rời đất nước tôi
Tôi đã xa ngôi nhà của tôi
Cuộc đời tôi, cuộc đời buồn thảm của tôi
Sao tôi vô cớ kéo lê cuộc đời”
Từ chỗ là một ngôi sao trong Quân lực Việt Nam Cộng hoà trong những ngày cuối Cuộc chiến Việt Nam mà nổi bật là vai trò tư lệnh trận cầm chân quân cộng sản ở Xuân Lộc, Tướng Đảo bị đưa đi khắp các trại cải tạo từ nam ra bắc sau tháng Tư năm 1975. Trong khi nhiều vị tướng khác tháo chạy khỏi Sài Gòn trong “tháng Tư đen”, Tướng Đảo quyết ở lại bảo vệ mảnh đất quê hương. Ông cũng không để cho vợ và chín người con rời đi. Sau này khi ông đã vào tù, mười người trong gia đình ông phải tới lần vượt biên thứ hai mới có thể thoát khỏi nơi họ coi là địa ngục.
Khi tôi tới tư gia Tướng Đảo tại tiểu bang Connecticut vào chiều một ngày đầu tháng Năm năm 2015, ông mới từ California trở về sau khi tới đó dự các hoạt động tưởng niệm 40 năm ngày mất nước. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn lái xe đưa tôi và một người thân từ New York xuống xuống thăm vợ chồng Tướng Đảo. Đó là người vợ thứ hai của ông và bà khá kín tiếng. Biết chúng tôi tới, Tướng Đảo thôi đi lễ nhà thờ ngày Chủ Nhật chờ khách. Hai ông bà mời chúng tôi ở lại dùng cơm tối và nghỉ lại tới hôm sau. Ngôi nhà của hai ông bà ấm cúng, không quá to như nhiều ngôi nhà ở Hoa Kỳ. Tôi không khỏi có cảm giác hơi kỳ kỳ khi là người Bắc duy nhất trong bữa cơm tối hôm đó dù Tướng Đảo nói trong phỏng vấn với tôi rằng ông còn thương người Bắc hơn người Nam:
“Tới bây giờ tôi về nhà vợ tôi hỏi tôi tại sao anh thương dân miền Bắc hơn dân miền Nam, tôi nói ‘Dân miền Bắc đáng thương lắm, họ đau khổ lắm, họ đau khổ hơn mình, họ đau khổ nhiều hơn mình hơn 20 năm trong chế độ cộng sản.
“Một người cộng sản đã nói với chúng tôi thế này: ‘Các anh biết các anh thua, tại sao các anh thua không? Không phải tại Mỹ bỏ cái gì hết cả. Là tại anh không dám cầm súng anh bắn vô dân anh. Còn tụi tôi có chuyện [cần] làm chúng tôi vẫn phải bắn’…
Tướng Đảo kể trong thời gian cải tạo 17 năm, ông gầy tới mức có thể chui lọt kẽ nhỏ giữa tường và mái nhà tù. Có lần ông đã làm vậy để giấu bức thư ông viết gửi Tổng thống Reagan xin can thiệp để ông thoát khỏi ngục tù và có dịp nhìn thấy mẹ già lần cuối. Ông cũng thường bò sang thăm các cha tuyên uý bị giam kế bên trong ngục tù ở Sài Gòn và ông đã chính thức theo Công giáo trong một lần như thế với tên thánh Louis. Ông nói lời cầu nguyện để mong gặp lại người mẹ cũng thành hiện thực khi ông được trả tự do hồi năm 1992 và có vài tháng bên mẹ trước khi bà mất vài tháng sau đó.
Khi tôi đề nghị ông hát bài gì đó cho chủ đề cuộc nói chuyện bên sông bớt chút nặng nề, tôi đã nghĩ thế nào ông cũng hát bài Nhớ Mẹ mà ông đã sáng tác khi ở tù:
“Những chiều buồn trên đất Bắc con hướng về Nam con nhớ mẹ nhiều
“Mẹ ơi bao nhiêu năm tháng cứ trôi cứ trôi cho bạc mái đầu
“Không gian rưng rưng như sắp đứt
“Gió về nghẹn ngào như tiếng nấc
“Còn đâu quê hương hoa gấm thơm làn tóc.”
Tướng Đảo tới Hoa Kỳ năm 1993 và tôi cũng không tiện hỏi ông đi bước nữa khi nào. Người vợ hai của vị Tướng rất ân cần và chu đáo. Bà chuẩn bị đồ ăn cho năm người tối hôm đó và cùng nghe Tướng Đảo kể lại những năm tháng trong ngục tù. Khi đó giọng ông vẫn sang sảng và có trí nhớ siêu phàm.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi không thể thiếu vắng liên hệ của kết cục trong Cuộc chiến Việt Nam và vị thế của láng giềng phương bắc. Vị Tướng nói với chúng tôi:
“Tất cả nhân dân hai miền Nam, Bắc chúng ta đều thua cả. Thắng chăng, Tàu cộng nó thắng.
“Tàu cộng nó thắng vì giờ anh thấy đất nước mình… tôi cứ hình dung là một con nai và một con trăn gió.
“Con trăn gió là thằng cộng sản Tàu, còn con nai là Việt Nam mình bây giờ.
“Con trăn gió đã nuốt phân nửa con nai tới cái lưng [hồi] năm 1954.
“Rồi 1975 tới giờ nó nuốt tận cổ con nai rồi.
“Bây giờ con nai chỉ còn ló cái đầu và cái sừng ngáp ngáp thế này thôi.
“Tàu nó bất chiến tự nhiên thành.”
Trong những ngày cả thế giới đang oằn mình chống dịch mà Tổng thống Trump chẳng ngại ngần nói là vi-rút Trung Quốc, câu “Tàu nó bất chiến tự nhiên thành” lại có thêm ý nghĩa mới.
Sau cuộc phỏng vấn với Tướng Đảo, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn và tôi cũng có trao đổi chút về chuyện thuyết phục ông viết cuốn sách để lại cho hậu thế. Nhưng rồi cả hai chúng tôi đều bận công việc, cộng thêm khoảng cách giữa London và Connecticut khiến tôi không có dịp gặp lại vị Tướng và ý tưởng về một cuốn sách cũng dừng ở đó. Trung tá Tuấn mới nhắn tin trong lúc tôi đang viết bài rằng những người muốn chia sẻ mất mát với gia đình ông có thể gửi thư về địa chỉ phanuuleminhdao@gmail.com.
Trước khi tới gặp Tướng Đảo tôi đã nhiều lần nghe bài Nhớ Mẹ của ông và giờ tôi vừa viết những dòng này vừa nghe những lời:
“Giờ này hoàng hôn sắp tắt, con nghĩ gì đây, con nhớ mẹ nhiều
“Mẹ ơi bao nhiêu năm tháng cứ trôi, cứ trôi phiêu dạt mái đầu
“Quê hương điêu linh con vẫn khóc
“Trông chờ ngày về con vẫn thắp
“Từng đôi sao đêm như ánh mắt mẹ hiền”
Tướng Đảo nói với tôi ông không hận thù những người cộng sản nhưng ông cũng quyết không trở lại một Việt Nam không có tự do. Giờ ông đã đi xa và ngày Việt Nam có tự do như ông muốn vẫn còn xa. Nhưng ít nhất giờ ông đã về gần với mẹ. Mong ông yên nghỉ sau 87 năm vất vả. Xin cảm ơn và chia buồn cùng gia quyến.