Giá dầu thế giới giảm đến 30%, điều đó kéo theo mỗi lít xăng RON95 giảm khoảng 3.115 đồng, nhưng nhà nước đã cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ giảm 2.315 đồng còn lại 800 đồng bị giữ lại được gọi là “quỹ bình ổn” giá xăng. Tương tự vậy xăng E5RON92 bị giữ 200 đồng/lít, dầu hỏa và dầu diezel đều bị giữ 800 đồng/lít. Cứ giá dầu nhập khẩu giảm, thì nhân dân bị đảng xén lấy 1 phần lợi tức lẽ ra chính dân được hưởng trọn. Trước khi giá xăng giảm thì mọi người đã đóng vào quỹ bình ổn rồi, giờ lại phải đóng thêm cho đảng.
Từ năm 2014 khi giá dầu thô thế giới giảm mạnh thì khi đó chính quyền này đã bắt đầu nghĩ ngay ra cách để chặn lấy phần lợi tức của dân. Và từ đó chính quyền này đã ra đời cái gọi là “quỹ bình ổn giá xăng dầu”. Và cho đến nay đã 6 năm, rất nhiều ý kiến yêu cầu bỏ quỹ này nhưng chính quyền CS vẫn duy trì. Quỹ này do các công ty xăng dầu thuộc sở hữu nhà nước nắm giữ chứ nó không được đưa về ngân sách quốc gia như các loại thuế. Hay nói đúng hơn những công ty xăng dầu của nhà nước đang chiếm giữ tiền của dân sử dụng cho mình.
Từ nhiều năm nay, mỗi lít xăng người dân phải gánh đến 56% thuế phí, trong đó bao gồm: thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng/lít. Thêm vào đó là chi phí định mức kinh doanh 1.050 đồng/lít với xăng RON95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5, lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít, và trích quỹ bình ổn 300 đồng/lít. Nay những cơ cấu thế phí ấy không đổi mà giá dầu nhập khẩu lại giảm và chi phí cho quỹ bình ổn giá được tăng lên thì tất nhiên tổng các thuế phí chi xăng hiên nay phải chiếm hơn 56% giá xăng.
Từ nhiều năm qua chúng ta thấy rằng khi giá dầu thị trường thế giới tăng thì chính quyền cũng lập tức đẩy giá xăng tăng theo, nhưng khi giá dầu thế giới giảm về như cũ thì chính quyền lại chỉ cho giá xăng giảm nhỏ giọt. Chính cách giảm kiểu này nó tạo điều kiện cho các ông quốc doanh có thời gian hốt bạc. Hay nói đúng hơn, khi giá xăng tăng thì dân chịu, còn khi giá xăng giảm thì nhà nước hưởng. Hôm nay chúng ta thấy khi giá dầu thế giới giảm đến 30% thì lẽ ra dân phải được hưởng 3.100 đồng/lít thì nhà nước ngắt đi 25% trên phần giảm đi đó. Khi cừu mới lú lông đảng đã vội xén.
Quỹ bình ổn giá nói cho cùng cũng là tiền của dân. Nó mang ý nghĩa là dân bỏ tiền của mình ra cho doanh nghiệp xăng dầu “giữ hộ” để rồi sau đó giá xăng nhập khẩu lên cao thì doanh nghiệp sẽ xuất quỹ ra ghìm giá xăng xuống. Nhưng cuối cùng thì sao? Tiền dân thì bị doanh nghiệp chiếm dụng, và khi giá dầu thế giới tăng thì giá xăng trong nước vẫn bị đẩy lên cao chứ nó chẳng thể nào đứng yên. Còn khi giá dầu thế giới giảm thì giá xăng vẫn neo lại ở mức cao để các đứa con cưng của đảng kiếm chác một lượng tiền đủ lớn rồi sau đó cho giảm giá nhỏ giọt không hề tương xứng với giá đầu thế giới đã giảm. Mà như ta biết, giá xăng dầu cao thì bao giờ chỉ số giá tiêu dùng neo ở mức cao. Hay nói đúng hơn là nhà nước ngắt một ít tiền xăng dầu của dân bỏ túi thì toàn dân phải nghèo đi vì chi phí tiêu dùng bị đội lên. Đây là kiểu can thiệp thô bạo vào quy luật tự nhiên của cơ chế thị trường, nó làm méo mó thị trường mà hậu quả là quyền lợi của dân phải mất đi quá nhiều. Nói chung là để mình có chút lợi, đảng không ngần ngại đẩy hết bất lợi về cho dân.
Nếu cứ duy trì kiểu kinh tế phi thị trường này thì không chỉ dân Việt thiệt thòi mà doanh nghiệp lớn cũng vạ lây. Như ta biết, hiện nay Mỹ và EU là 2 thị trường mang về ngoại tệ cho Việt Nam nhiều nhất. Năm 2019, Việt Nam hốt từ Mỹ 42,6 tỷ đô, và hốt từ EU là 25,4 tỷ đô. Nếu không có 2 thị trường này nuôi sống thì làm sao doanh nghiệp Việt có đủ đô la để nhập khẩu nguyên liệu nuôi sống nền kinh tế gia công? Một khi được xem là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa thì Việt Nam sẽ có thò tay sang Mỹ và EU hái được nhiều đô hơn nữa, chắc chắn. Thế nhưng cho đến nay cả Mỹ và EU đều chưa xem Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Đây là bất thiệt thòi không nhỏ. Lỗi đó là do sự ích kỷ và thiển cận của ĐCS mà ra.
Như ta biết, khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO năm 2006, thì tổ chức này cam kết năm 2018 sẽ xem xét liệu Việt Nam có đủ điều kiện trở thành một nước có nền kinh tế thị trường hay không? Thế nhưng đến nay, ĐCS Việt Nam vẫn không có thiện chí để Việt nam trở thành một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Mà một khi Việt Nam bị đối xử như một quốc gia không có nền kinh tế thị trường, thì khi tranh chấp các vụ kiện bán phá giá, Mỹ và EU sẽ sử dụng một quốc gia khác được xem là có nền kinh tế thị trường và có những điều kiện tương đồng với Việt Nam để làm hệ quy chiếu. Việc lựa chọn như vậy thường là dẫn tới những phán quyết bất lợi cho Việt Nam. Trong khi đó 2 thị trường này mỗi năm cung cấp cho Việt Nam gần 70 tỷ đô.
Như vậy qua cách điều chỉnh giá xăng dầu của chính quyền nếu nhìn ở phần thiệt thòi do chi phí xăng dầu gây ra, thì đấy là ta chỉ thấy cái thiệt ở một khía cạnh rất nhỏ mà thôi. Cái đáng nói ở đây chính là hình thức độc quyền nhà nước, áp đặt một cách thô bạo vào quy luật tự nhiên của cơ chế thị trường. Chính hành động này nó đã góp phần gây nên bất lợi cho rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và nó ngăn cản Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Đã dở mà không chịu học hỏi, đã vô minh mà còn cứng đầu – đó là bản chất của ĐCS. Bảo thủ trong vỏ ốc Mác Lê thì muôn đời ĐCS không thể đưa đất nước này phát triển được.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://vnexpress.net/kinh-doanh/vi-sao-gia-xang-trong-nuoc-khong-giam-manh-nhu-the-gioi-4069991.html