Sự sụp đổ của nền kinh tế phụ thuộc

Share on print Xưởng may khẩu trang bảo hộ tại Tổng công ty May 10, Long Biên, TP Hà Nội. Ảnh chụp ngày 05/02/2020. Ảnh: Reuters
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Web Việt Tân

Trung Quốc cho biết hơn 90% các doanh nghiệp nhà nước đã trở lại làm việc song hơn 70% doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa hoạt động và tình trạng nền kinh tế vẫn trong trạng thái bị tê liệt. Điều quan trọng nhất là chuỗi cung ứng và có qui mô toàn cầu khó tưởng tượng nổi của “công xưởng thế giới” sẽ phải mất một thời gian dài để phục hồi.

Tờ Nhật báo Hoa Nam ngày 4 tháng Ba, 2020 cho biết nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng khác là các tập đoàn nước ngoài, vốn đang chịu ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ-Trung suốt 24 tháng qua sẽ hết kiên nhẫn với tình trạng thiếu hụt nhân công và rủi ro bệnh dịch thường trực.

Cho đến thời điểm hiện tại hơn 80 quốc gia đã ghi nhận lây nhiễm từ dịch bệnh viêm phổi do chủng virus 2019-nCoV. Viễn cảnh dịch bệnh trở thành thảm họa toàn cầu không còn xa và rủi ro cho nền kinh tế thế giới là khó có thể đánh giá hết.

- Quảng Cáo -

Không chỉ Trung Quốc mà những nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Việt Nam là ví dụ điển hình và nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế tại quốc gia có lượng hàng hóa, dịch vụ phụ thuộc vào Trung Quốc chiếm tới hơn 1/3 GDP đã bắt đầu hiện rõ.

Tổng Cục Thống Kê Việt Nam cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc đã phải đóng cửa vì không còn nguyên liệu. Những ngành công nghiệp gia công như may mặc, giày da, điện tử… là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi hơn 60% nguyên liệu và phụ kiện nhập từ quốc gia láng giềng này. Ngay cả những ngành sản xuất lắp ráp ô tô với khoảng hơn 17% linh kiện và nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc và khoảng 20% từ Hàn Quốc cũng tê liệt vì một sản phẩm hoàn thiện có thể xuất xưởng cũng không thể thiếu 1 linh kiện.

Ở lĩnh vực dễ bị tác động với dịch bệnh khác là du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng ghi nhận một sự sụt giảm thảm hại. 7 tỷ USD là con số ước đoán của Tổng Cục Du Lịch Việt Nam đánh giá thiệt hại kinh tế trong lĩnh vực du lịch.

Tuy nhiên, đó chỉ là những biểu hiện ban đầu của một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng.

Khác với các doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt có qui mô nhỏ bé và tiềm lực tài chính, kỹ thuật, quản lý… kém hơn rất nhiều. Khả năng chịu đựng thiệt hại kinh tế do dịch bệnh ở mức độ “hủy diệt” như hiện nay đối với tuyệt đại đa số doanh nghiệp Việt Nam là vô vọng. Trong hai tháng đầu năm 2020, hơn 5.000 doanh nghiệp xin giải thể, hơn 4.000 doanh nghiệp xin dừng kinh doanh, trong khi hơn 16.000 doanh nghiệp đã báo cáo tạm dừng kinh doanh có thời hạn.

Tạp chí điện tử Zing.vn cho biết hàng loạt các doanh nghiệp, cửa hàng tại khu vực kinh doanh sôi động nhất Việt Nam là trung tâm Quận 1, TP.HCM đã trả mặt bằng do không chịu nổi giá thuê trong khi kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh tới 60%. Điều này chưa từng xảy ra trong 20 năm qua, kể cả vào thời điểm 2008 khi nền kinh tế Việt Nam sa sút.

Chưa có một nghiên cứu kinh tế nghiêm túc nào đánh giá hết qui mô và ảnh hưởng của “khu vực kinh tế vỉa hè” này đối với sức khỏe nền kinh tế nói chung nhưng chắc chắn nó có vai trò rất quan trọng đối với một xã hội như Việt Nam nơi mà khối dân doanh tạo ra ½ lượng việc làm cho xã hội và các trung tâm như TP.HCM có tính chất như một “phong biểu kế”.

Một đánh giá của Ban Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Tư Nhân (Ban IV) cho biết nếu ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp tư nhân sẽ phá sản. Cho tới thời điểm hiện tại, diễn biến của dịch viêm phổi Vũ Hán đã ở mức độ đại dịch toàn cầu và không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ kiểm soát được trong ngắn hạn.

Vậy mà, giới chức CSVN vẫn rung đùi phán rằng “biến bại thành thắng”, “biến nguy thành cơ” và đưa ra các con số doanh nghiệp thành lập mới kỷ lục. Ông thủ tướng vẫn “kiên định” mục tiêu tăng trưởng. Bộ KH&ĐT thậm chí còn đưa ra 2 “kịch bản” tăng trưởng GDP rất khôi hài theo kiểu “bốc thuốc” như sau:

– Theo kịch bản 1, nếu dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.

– Theo kịch bản 2, nếu dịch được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.

Một nền kinh tế mà chỉ riêng 500 doanh nghiệp Hàn Quốc top đầu đã chiếm tới hơn 1/3 GDP và 1/3 lượng hàng hóa xuất nhập khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc thì không rõ bộ KH&ĐT dựa vào cái gì để đưa ra “kịch bản tăng trưởng” trong khi chính các quốc gia như Trung Quốc hay Hàn Quốc cũng không thể đánh giá được hết diễn biến và tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế của họ. Có thể thấy, kiểu tư duy thiểu năng, duy ý chí này từ lâu trở thành căn bệnh mãn tính, vô phương cứu chữa ở giới chức cộng sản.

Các nhà lãnh đạo xứ toàn trị luôn cho rằng cứ có quyết tâm chính trị thật cao và nhiều nghị quyết đảng là có thể hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Tất nhiên, với điều kiện là ngân hàng phải luôn bơm tiền và tổng cục thống kê phải “đẽo chân cho vừa giày” các con số. Hơn 280.000 tỷ đồng tương đương với 12 tỷ USD là số tiền sẽ được bơm vào thị trường để “hỗ trợ kịp thời” các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Một cụm từ được ưa thích của giới chức Việt Nam nhắc đi nhắc lại như một câu bùa chú chữa bá bệnh là “nhà nước sử dụng chính sách tài chính linh hoạt nhằm đảm bảo tính thanh khoản nền kinh tế, vừa kiềm giữ lạm phát vừa ổn định kinh tế vĩ mô”. Số tiền này sẽ lại rót vào những cái “hang chuột” là các tập đoàn nhà nước, các doanh nghiệp sân sau của giới chức cộng sản còn giới dân doanh thì còn lâu mới có thể tiếp cận. Một qui luật là cứ khi nào thiên tai địch họa, bão lụt, hạn hán, dịch bệnh thì là cơ hội vàng cho quan chức vơ vét tiền hỗ trợ. Lần này cũng không ngoại lệ.

Nhiều ý kiến phản biện cho rằng đây là một cơ hội để nền kinh tế Việt Nam cơ cấu lại theo hướng bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Về mặt lý thuyết thì có thể nói thế nào cũng được song về mặt giải pháp thực tế thì không ai đưa ra. Nền kinh tế Việt Nam có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” với khoảng hơn 70% GDP do các doanh nghiệp FDI đóng góp, cơ cấu công nghiệp chủ yếu là gia công đơn giản, khai khoáng.

Việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không phải chỉ do trình độ yếu kém của nền công nghệ Việt Nam mà nó cũng là hệ quả tất yếu của quá trình toàn cầu hóa và lợi thế so sánh của các quốc gia. Không một quốc gia nào đang nắm giữ được lợi thế to lớn từ chuỗi cung ứng hoàn hảo và một lực lượng lao động tay nghề cao, giá rẻ hơn Trung Quốc nên việc mà Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu cũng như máy móc kỹ thuật của Trung Quốc cũng không phải là điều gì lạ. Hàn Quốc, Nhật Bản, và ngay cả Mỹ cũng cần Trung Quốc. Vấn đề của Việt Nam là không một cải cách nào có thể thực hiện trong một hệ thống quyền lực toàn trị đã tha hóa và mục ruỗng tuyệt đối.

Trong nhiều bài báo gần đây của Việt Nam liên tục nêu lên tình trạng hạn mặn ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang phá hủy hàng trăm ngàn hecta lúa Đông Xuân và vườn cây ăn trái của người dân. Vấn đề an ninh lương thực được đặt ra cho chính một vùng đất ngàn đời nay là vựa lúa gạo nuôi sống cả quốc gia. Nguyên nhân của thảm họa này lại là từ người bạn vàng “4 Tốt” của đảng CSVN, khi các con đập thủy điện trên thượng nguồn đã giữ lại 60% lưu lượng dòng chảy. Sinh kế của 17 triệu dân hạ nguồn đồng bằng sông Cửu Long giờ phải trông đợi vào “lòng tốt” của anh bạn láng giềng to lớn, xấu bụng. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi vùng đất chiếm tới 90% lượng lúa gạo xuất khẩu và 60% lượng trái cây, thủy hải sản sẽ nhanh chóng biến mất trong vòng một thập niên nữa nếu không có một chính sách quốc gia khẩn cấp dành riêng cho các tỉnh Tây Nam Bộ.

Tất nhiên, phép lạ đó sẽ không bao giờ xảy ra vì chỉ riêng một tuyến đường cao tốc vài chục cây số Bến Lức – Long Thành cũng đã phá sản vì hết tiền và không biết đến bao giờ mới hoàn thành. Toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long chưa có nổi 100km đường cao tốc thì câu chuyện có một chiến lược phát triển cho vùng đất Cửu Long chỉ là hão huyền. Chỉ cần 3 đợt hạn mặn liên tiếp xảy ra trong những năm tới, người ta sẽ phải chứng kiến một thảm kịch chẳng khác gì Venezuela sẽ diễn ra ở Việt Nam.

Sự sụp đổ toàn diện về kinh tế cũng sẽ nhanh chóng dẫn đến một sự sụp đổ về chính trị, xã hội. Đó là một kết cục “tất yếu, khách quan” đối với một chính thể thiểu năng, bất tài và tham tàn cùng cực.

6/3/2020

Tân Phong

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here