Hội nhà báo độc lập Việt Nam là một tổ chức hội ‘bên lề pháp luật’?

- Quảng Cáo -

Chi Mai – (VNTB) – “Họ nói Hội nhà báo độc lập không được pháp luật công nhận” – Ông Nguyễn Thiện Nhân, hội viên Hội nhà báo độc lập Việt Nam, kể lại như vậy về buổi ‘làm việc’ với 4 người sắc phục lẫn không sắc phục an ninh của Công an tỉnh Bình Dương hôm sáng 5-3 (1)

***

Hội nhà báo độc lập không được pháp luật công nhận” có nghĩa là gì?

Có lẽ ở đây là các vị an ninh của Công an tỉnh Bình Dương muốn nói đến việc tổ chức Hội nhà báo độc lập Việt Nam đã không được thành lập theo trình tự hành chính về việc lập hội.

- Quảng Cáo -

Ở Việt Nam tính cho đến hiện tại vẫn chưa có luật về hội. Việc tự do hội họp, biểu tình được ghi tại Điều 25, Hiến pháp 2013, với ‘câu thòng’: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Pháp luật quy định về thủ tục lập hội như sau: Nghị định số 45/2010/NĐ-CP “quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội” (2), và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP “sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội” (3).

Điều 40 của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP có nội dung: “1. Người nào vi phạm quyền lập hội, lợi dụng danh nghĩa hội để hoạt động trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cho phép thành lập hội trái với quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Ban lãnh đạo hội, người đại diện hội cố tình kéo dài thời hạn đại hội nhiệm kỳ do điều lệ hội quy định hoặc không chấp hành quy định về nghĩa vụ của hội thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, từ Hiến định ở Điều 25 cùng các quy định tại hai nghị định kể trên, cho thấy đúng như lời các nhân viên an ninh của tỉnh Bình Dương, “Hội nhà báo độc lập không được pháp luật công nhận”. “Không được công nhận” ở đây có nghĩa là tổ chức có tên Hội nhà báo độc lập Việt Nam, sẽ không có các quyền lợi cụ thể được chính sách nhà nước hỗ trợ được ghi trong hai nghị định số 45 và số 33 như đã dẫn.

Cách hiểu “không được pháp luật công nhận” như đề cập, cũng tương tự như khi người dân thực hiện các cuộc biểu tình, chẳng hạn ở vụ hàng chục người mặc cảnh phục công an căng băng rôn đòi quyền lợi đất, nhà ở tại huyện Đông Anh, Hà Nội hồi trung tuần tháng 11-2019 (4), tuy là phù hợp với các quyền dân sự được Hiến định, song đây lại là một ‘tụ tập đông người’ chưa thực hiện các bước thủ tục hành chính theo Quy định về tập trung đông người ở nơi công cộng, được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị định 38/2005/NĐ-CP (5).

Tương tự, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ở Điều 1.2 ghi rằng không áp dụng với các tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Các tổ chức giáo hội.

Lý do, một số tổ chức kể tên nói trên chịu sự điều chỉnh của pháp luật bằng các văn bản luật tương ứng như Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, ba tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hiện chưa xác định được việc thành lập từ căn cứ pháp lý nào. Điều này cũng tương tự với nội dung Hiến định tại Điều 4 về Đảng Cộng sản Việt Nam, song ở Việt Nam lại chưa có luật về đảng phái chính trị.

Với các phân tích mang tính tổng thể như trên, cho thấy Hội nhà báo độc lập Việt Nam được sự bảo hộ ở Điều 25 của Hiến pháp, tương tự như Đảng Cộng sản Việt Nam được bảo hộ ở Điều 4, Hiến pháp.

Mặt khác, tương đồng cách nhìn nhận vấn đề của tác giả Nguyễn Nam trong bài viết “Lập quỹ thiện nguyện có cần giấy phép?” trên trang Việt Nam Thời Báo (6), cần thiết những cơ quan hữu trách thực hiện các hướng dẫn về thủ tục hành chính theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP cùng các văn bản tương ứng (7), để Hội nhà báo độc lập Việt Nam có thể nhận được những hỗ trợ trong chính sách nhà nước về việc phát triển các tổ chức hội đoàn dân sự, đúng như cam kết của Việt Nam khi ký kết các thỏa thuận FTA, mà gần đây nhất là EVFTA.

+ Chú thích:

(1) https://www.facebook.com/nguyen.t.nhan.923/posts/2708025165899360

(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/quyen-dan-su/Nghi-dinh-45-2010-ND-CP-to-chuc-hoat-dong-quan-ly-hoi-104561.aspx

(3) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-dinh-33-2012-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-45-2010-ND-CP-138019.aspx

(4) https://thanhnien.vn/thoi-su/cong-an-huyen-dong-anh-noi-gi-ve-nhom-nguoi-mac-canh-phuc-cang-bang-ron-doi-dat-1147970.html

(5) https://thukyluat.vn/vb/nghi-dinh-38-2005-nd-cp-bien-phap-bao-dam-trat-tu-cong-cong-cec8.html#dieu_7

(6) https://vietnamthoibao.org/vntb-lap-quy-thien-nguyen-co-can-giay-phep/

(7) Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16-4-2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP; Thông tư số 03/2014/TT-BNV ngày 19-6-2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16-4- 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here