Ngày 26/2/2020 bệnh nhân nhiễm virus corona thứ 16 – cuối cùng tại thời điểm này ở Việt Nam – đã xuất viện. Việt Nam còn vài ngàn người bị cách ly, nhưng chưa phát hiện thêm người bị nhiễm virus corona.
Nhưng vẫn có người không tin vào các thông tin đưa ra. Họ sợ thông tin còn bị che dấu. Chuyện che dấu thông tin ở Việt Nam đã thành căn bệnh kinh niên ám ảnh.
Nghi ngờ vẫn còn có người nhiễm virus corona (và thậm chí đã chết vì virus corona) là nguyên nhân chính của sự lo lắng. Tiếp theo là lo lắng bỏ sót không cách ly người bị nhiễm virus corona. Trong đó có sự nghi ngờ hàng vạn người đến từ ổ dịch Trung Quốc và sự khó kiểm soát cửa biên giới trên bộ với Trung Quốc. Cộng vào đó là người nước ngoài đến từ các nước đang lây lan mạnh virus corona như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia. Thêm nữa là người Việt Nam trở về từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhưng rất có cơ sở 100 % để tin vào thông tin Chính Phủ đưa ra lần này về dịch virus corona. Từ sự lo lắng và quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ khẳng định của PTT Vũ Đức Đam kiêm Phụ trách Bộ Y Tế rằng Việt Nam đã thắng lợi đợt đầu, từ tuyên bố của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung “Không công khai, không minh bạch, không tự giác sau này đều phải trả giá hết” – tất cả cho thấy thông tin của Chính Phủ về nhiễm virus corona ở Việt Nam là tin cậy.
Ngày 27/2/2020 Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã họp trực tuyến với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh cùng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC).
Đại diện của CDC và Văn phòng Các vấn đề toàn cầu, Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ – đã đánh giá tích cực về nỗ lực của Việt Nam phòng chống COVID-19. Kết quả là CDC đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng. Trước đó, CDC đã đưa vào danh sách này 5 quốc gia/vùng lãnh thổ: Việt Nam, Iran, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
Việc CDC rút Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm lây lan khẳng định thông tin của Chính Phủ Việt Nam về virus corona là đúng. Đây là ĐIỂM ĐÁNH DẤU CHẤM HẾT CHO SỰ NGHI NGỜ THÔNG TIN. Với quyết định của CDC – công dân Mỹ có thể đến Việt Nam mà không lo sợ lây nhiễm virus corona.
Cốt lõi vấn đề tiếp theo là CÁCH LY. Nếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục CÁCH LY tuyệt đối các nguy cơ lây nhiễm thì Việt Nam hoàn toàn an toàn.
Cho nên việc nghỉ học không phụ thuộc vào nghỉ 1 tuần, nghỉ hết tháng 3 hay nghỉ hết tháng 4… mà phụ thuộc vào an toàn của CÁCH LY. Nếu CÁCH LY không tốt thì nghỉ học cả năm cũng không an toàn.
Những vấn đề phức tạp thì ý kiến bao giờ cũng sát sao giữa chống và đồng ý – xung quanh tỷ lệ 50/50. Chẳng hạn như bàu cử tổng thống Mỹ – rất ít khi có tỷ lệ thắng áp đảo 60 -70%, đừng mơ đến 75%. Không bao giờ nhắc đến 90%.
Nếu bạn nói cho học sinh đi học bây giờ, thì bạn sẽ bị những phụ huynh muốn con nghỉ đến hết tháng 3 phản đối. Thậm chí họ còn nghi ngờ bạn “không có con cháu đi học” hay “không có lương tâm”, “lấy học sinh làm chuột bạch để thí nghiệm”.
Lãnh đạo là phải quyết đoán chứ không thể đẽo cày giữa đường. Dân Chủ là ở Dân Chủ trong bàu cử để chọn ra lãnh đạo. Nếu Dân Chủ trong bàu cử chọn lãnh đạo, thì lãnh đạo luôn là người quyết đoán. Ngược lại, nếu lãnh đạo không quyết đoán – tức là đã không được chọn thông qua phương thức Dân Chủ.
Với Hà Nội, nếu Lãnh đạo Hà Nội tin tưởng vào sự an toàn trong CÁCH LY thì cho đi học ngay đầu tháng 3. Ngược lại, nếu chưa an toàn trong CÁCH LY thì phải làm cho an toàn CÁCH LY thì mới cho đi học. Đi học đầu tháng 3 hay đầu tháng 4 không phụ thuộc vào ý kiến phụ huynh, cũng không phụ thuộc vào Công văn của Bộ GD-ĐT.
Một người lãnh đạo sáng suốt quyết đoán có thể quyết định ngược với 75% ý kiến chống đối. Đây cũng là lúc thử thách bản lĩnh và trí tuệ của Lãnh đạo Hà Nội./.