Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch

- Quảng Cáo -

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (PGVNTN) viên tịch vào lúc 21 giờ 20 phút ngày 22/2/2020 nhằm ngày 29/1 năm Canh Tý, Phật lịch 2563 tại Chùa Từ Hiếu, Phường 1, Quận 8, Sài Gòn. Hưởng thọ 92 tuổi.

Hoà thượng Thích Quảng Độ là người đứng đầu Giáo hội PGVNTN, một giáo hội không được nhà nước Việt Nam thừa nhận vì luôn khẳng định sự độc lập trong tinh thần tín ngưỡng và từ chối mọi sự thỏa hiệp với nhà nước vô thần. Ngài đã bị chính quyền Việt Nam sau 1975 bỏ tù nhiều năm, bị lưu giam ở Thái Bình trong giai đoạn 1970 – 1980. Vào năm 1995 hòa thượng bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giam và bị phạt tù 5 năm và 5 năm quản chế với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”. Ngài cũng từng bị bắt giam trở lại sau khi phát động các hoạt động nhân đạo cứu trợ cho đồng bào sông Cửu Long bị bão lụt vài năm 2007.

Năm 2018 có tin ngài không còn được lưu trú ở Thanh Minh Thiền Viện, Sài Gòn và phải quay về lại Thái Bình. Nhưng rồi ít lâu sau đó, ngài bí mật quay lại bằng xe lửa đường dài với tên cúa người khác (do không được nhà nước cấp bất kỳ giấy tờ nào) và đến an trú tại chùa Từ Hiếu, cho đến khi viên tịch.

Lý do chính giới quốc tế nhiều lần đề cử giải Nobel Hòa Bình cho hòa thượng Thích Quảng Độ, vì ngài đã dành cả cuộc đời tranh đấu bất bạo động cho công lý, hoà bình, nhân quyền, dân chủ. Hòa thượng Thích Quảng Độ từng được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto vinh danh các nhà hoạt động nhân quyền năm 2006. Cùng năm, Ngài được nhận giải Can Đảm vì Dân Chủ do Phong Trào Dân Chủ Thế Giới trao tặng. Trước đó, năm 2003, Ngài từng lãnh giải thưởng nhân quyền quốc tế Homo Homini cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang và linh mục Nguyễn Văn Lý.

- Quảng Cáo -

Hòa thượng Thích Quảng Độ từng là giảng sư đại học, một nhà văn, một dịch giả với một kho tác phẩm rất đáng kính nể: Kinh Mục Liên Sám Pháp; Kinh Đại Phương tiện Phật Báo Ân; Thoát vòng tục lụy, Sài Gòn 1962 (truyện dịch từ Hán văn của Tinh Vân); Dưới mái chùa hoang, Sài Gòn 1962 (truyện); Truyện cổ Phật giáo, Sài Gòn 1964; Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận; Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận; Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận; Từ điển Phật học Hán Việt (2 tập); Phật Quang Đại Từ điển (9 tập); Chiến tranh và bất bạo động; Thơ trong tù (tháng 3 năm Đinh Tỵ đến tháng 11 Mậu Ngọ); Thơ lưu đày (tháng 2 năm Nhâm Tuất đến tháng 2 năm Nhâm Thân)…

Sự ra đi của hòa thượng Thích Quảng Độ, là sự mất mát lớn của Phật giáo Việt Nam, giữa lúc các hoạt động mô phỏng tôn giáo được tổ chức mạnh mẽ để huyễn hoặc dân chúng từ sự yểm trợ công khai của nhà nước vô thần.

——–

Phụ lục:

Với người dân miền Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ là biểu tượng của một nhà hoạt động vì quyền tự do tôn giáo, và con người. Và với nhà nước Việt Nam, ngài cũng là đối tượng được coi là gây khó chịu, là đề tài cho vô số những bài công kích của báo chí nhà nước. Giai đoạn sau 2018, hòa thượng Thích Quảng Độ dành nhiều thời gian suy nghĩ và chọn một đường lối cho PGVNTN, đặc biệt nhấn mạnh việc đoàn kết trong phật tử và tăng lữ, trong nội bộ PGVNTN, nhằm xiển dương cho đạo pháp và dân tộc trên tinh thần Bồ Đề Nguyện và Bồ Đề Hành không khuất phục trước thế quyền.

Di ngôn cuối của Hòa thượng Thích Quảng Độ vào đầu năm nay, cho thấy những tổng kết về sinh hoạt Phật Giáo Việt Nam hiện tại đầy sâu sắc và luôn nhấn mạnh tinh thần phục hoạt của PGVNTN “Hệ luận có thể thấy, sinh lực Phật giáo Việt Nam được kể như đã đến hồi tàn lụi, thay vào đó là sự hưng thịnh của một hình thái “Phật giáo Xã hội chủ nghĩa” mà hậu quả hưng thịnh của nó dưới sự bảo trợ của Chính quyền Vô sản Chuyên chính đã làm nổi rộ những hiện tượng tiêu cực, biến thái dị hình trong xã hội, cùng với sự xuất hiện các dị kiến, tà thuyết, góp công sức tạo thành một xã hội bất an, vọng động, nhân tâm ly tán, qua các biến tướng mê tín dị đoan, kêu ma gọi quỷ.

Tuy không được chính thức công nhận bởi Chính quyền trên cơ sở pháp lý của Nhà Nước Vô sản, nhưng các vị lãnh đạo sau một thời gian bị trấn áp, bị lưu đày, đã không quan tâm đến những đe dọa an ninh, những tuyên truyền xuyên tạc, GHPGVNTN đã phục hoạt, cố gắng gìn giữ những giá trị đã thành tựu.”

Ước nguyện tập hợp tăng chúng của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, cũng được thể hiện rõ trong  di ngôn Thông điệp xuân Canh Tý 2020, với đoạn “trong những biến động phân hóa cùng cực, sinh hoạt của Giáo hội tạm thời đình chỉ; từ những dao động, biến động, đây là lúc cần phải tập liễm thân tâm, an định trong tâm tư không vọng động, để cho những tị hiềm, nghi kỵ, những mâu thuẫn tranh chấp, có đủ thời gian và cơ duyên để lắng dịu, để hòa hợp bốn chúng đồng tu, như giáo huấn của Đức Thích Tôn mà chúng đệ tử xuất gia mỗi nửa tháng tụng đọc một lần: “Cùng học một Thầy, hãy cũng nhau hòa hợp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc.”

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here