Trân Văn – VOA
Diễn biến dịch viêm phổi do nCoV (virus Corona) càng lúc càng phức tạp và đáng ngại. Không chỉ dân chúng mà một số cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam như Người Lao Động (1), Lao Động (2),… cũng bắt đầu đề cập đến việc tạm đóng cửa biên giới đối với công dân Trung Quốc.
Khi càng ngày càng nhiều người ở nhiều nơi khác nhau tại Trung Quốc (khoảng 30 tỉnh, thành phố) bị viêm phổi do virus Corona, khi càng ngày càng nhiều quốc gia (khoảng 12) phát giác xứ họ cũng có người chẳng may bị viêm phổi vì virus Corona vì từng đến Trung Quốc hoặc qua lại với những người đến từ Trung Quốc, khi thời gian ủ bệnh có thể tới 14 ngày và trong khoảng thời gian ấy, có thể không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào trên người bị lây nhiễm virus Corona để cách ly, phòng ngừa lây lan,… khả năng chứng viêm phổi bởi virus Corona ở Việt Nam bùng phát thành dịch là nguy cơ hiển hiện trước mắt, đe dọa sức khỏe, tính mạng nhiều triệu người Việt.
Nếu viêm phổi do virus Corona bùng phát thành dịch, Việt Nam có đủ nhân viên y tế, cơ sở y tế cũng như các thiết bị y tế để ngăn chặn lây lan và điều trị cho bệnh nhân? Chi phí sẽ là bao nhiêu? Trong trường hợp các quốc gia thực hiện những biện pháp giám sát nghiêm ngặt, thậm chí đóng cửa biên giới với Việt Nam, hạn chế xuất cảnh đến Việt Nam, hạn chế nhập cảnh và nhập cảng hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam thì thiệt hại sẽ là bao nhiêu? Nguồn lợi từ việc mở rộng cửa đón tiếp cả công dân lẫn hàng hóa, dịch vụ từ Trung Quốc có tương xứng với tổng chi phí để đối phó khi viêm phổi do virus Corona trở thành dịch và những thiệt hại vì Việt Nam cũng là một ổ dịch như Trung Quốc?
Cho đến giờ, ngoài hội họp, cam kết “liên tục cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng” (3), chưa có viên chức hữu trách nào giải thích tại sao không đóng cửa biên giới với Trung Quốc và xác định ai sẽ chịu trách nhiệm nếu Việt Nam trở thành ổ dịch!
***
Không phải tự nhiên mà Bắc Hàn (quốc gia vốn hết sức chật vật do bị cấm vận nên du khách Trung Quốc là một trong những nguồn lợi chính của nền kinh tế đang hết sức èo uột), quyết định đóng cửa biên giới, ngưng tiếp đón du khách Trung Quốc từ 22 tháng 1 (4). Tuy cũng tiếp giáp Trung Quốc, cũng phụ thuộc Trung Quốc về nhiều mặt, cũng hi vọng vào nguồn lợi từ du khách Trung Quốc nhưng Việt Nam chọn hướng ngược lại. Chỉ trong mười ngày từ 15 tháng Giêng đến 25 tháng Giêng, vẫn có tới 400.000 công dân Trung Quốc ra vào Việt Nam bằng đường hàng không (5), trong đó có 218 du khách đến từ Vũ Hán – thành phố đang bị Trung Quốc cô lập vì là tâm của ổ dịch (6).
Đáng nói là khi một số cơ sở thương mại – dịch vụ như khách sạn Danang Riverside công bố quyết định ngưng tiếp nhận du khách Trung Quốc từ 24 tháng 1 (7), các viên chức hữu trách tại Đà Nẵng đã điều động cả CSCĐ đến gây sức ép, buộc phải tháo gỡ thông báo, thay đổi quyết định.
Qua facebook, Thanh Pham – chủ Danang Riverside Hotel – nêu thắc mắc: Việc loan báo đồng thời từ chối tiếp nhận du khách Trung Quốc để bảo vệ nhân viên và những khách hàng khác có gì là sai? Nếu tiếp nhận du khách Trung Quốc và chẳng may có nhân viên hay khách hàng nào đó nhiễm virus Corona, ai sẽ chịu trách nhiệm cả về tình trạng sức khỏe, tính mạng của những người bị lây nhiệm, lẫn thiệt hại lớn hơn về hiệu quả kinh doanh vì khách sạn Danang Riverside bị cô lập do là điểm có dịch? Tại sao tự nguyện gánh chịu thiệt hại vì hủy hợp đồng tiếp nhận một đoàn du khách Trung Quốc để phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng hơn lại bị xem là không thể chấp nhận (8)?
Không có ai trả lời Thanh Pham. Thay vì nêu quan điểm của mình, các viên chức hữu trách viện dẫn WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) “chưa khuyến nghị hạn chế đi lại hay giao thương” và “Nhật chưa buộc du khách Trung Quốc điền tờ khai sức khỏe khi họ tới Nhật”… Biên giới trên đất liền của Nhật có tiếp giáp với Trung Quốc? Liệu đội ngũ nhân viên y tế, hệ thống cơ sở y tế, khả năng phòng ngừa – ứng phó dịch bệnh của Việt Nam tương xứng với Nhật? WHO và Nhật có thể thay hệ thống công quyền Việt Nam gánh chịu toàn bộ trách nhiệm và thiệt hại khi viêm phổi do virus Corona bùng phát thành dịch tại Việt Nam? Đầu và tâm của những viên chức hữu trách ở Việt Nam là của WHO hay của Nhật?
Chú thích
(5) https://tuoitre.vn/chua-co-nguoi-viet-nao-mac-viem-phoi-cap-20200126174040801.htm
(7) https://www.facebook.com/Danangriverside.vn/posts/1085234245147477
(8) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=806269543175800&set=a.303774423425317&type=3&theater