Trung Điền – Web Việt Tân
Theo Âm Lịch, năm Tý đánh dấu sự khởi đầu một chu kỳ mới của 12 con giáp và chú chuột nhỏ bé còn xuất hiện trước cả Sửu (con trâu), Dần (con cọp) và Mão (con mèo).
Tương truyền rằng để phân chia thời gian trong trời đất, Ngọc Hoàng đã tổ chức cuộc đua cho loài vật trên nhân gian. Theo đó, 12 con vật đầu tiên hoàn thành chặng đường đua, đến đích an toàn thì được Ngọc Hoàng cho ghi vào sổ sách ứng với mỗi năm theo thứ tự cao thấp. Nhờ nhanh nhẹn, thông minh mà con chuột (Tý) tuy nhỏ bé nhưng lại về trước, đứng đầu trong số 12 con giáp. Chuột tuy hay phá hoại mùa màng nhưng cũng là biểu hiện của nhiều sự tích cực.
Theo Phong Thủy chuột mang đến sự sung túc bởi chúng là loài kiếm thức ăn nhanh, nhất là sinh sản không ngừng. Vì thế nhân gian đã tin rằng nơi nào chuột xuất hiện, nơi đó giàu có, thực phẩm dư thừa. Hơn thế nữa, năm nay là Canh Tý, có can Canh thuộc hành Kim, chi Tý thuộc hành Thủy mà Kim sinh Thủy trong ngũ hành nên được tương sinh. Vì thế năm Canh Tý – 2020, được coi là năm tốt, mọi sự hanh thông.
Trong lịch sử nước nhà – năm Canh Tý 40 là năm Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa đã được sự hưởng ứng của nhiều đội quân và nhân dân các nơi thuộc xứ Âu Lạc và Nam Việt cũ. Quân hai Bà đã vây đánh mãnh liệt khiến giặc Tô Định phải chạy trối chết về Nam Hải (Trung Quốc).
Gần đây nhất – năm Canh Tý 1960, đảng Lao Động Việt Nam [tiền thân của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN)] đã cho thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam vào ngày 20 tháng 12 năm 1960 để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. Sự kiện CSVN lập ra Mặt Trận là để che giấu nguồn gốc và âm mưu nhuộm đỏ toàn bộ đất nước, nhằm lôi kéo những người ở miền Nam nhẹ dạ tin theo sự tuyên truyền của cộng sản, hoặc kích động giới trí thức chống lại chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm để tạo những áp lực chính trị và quân sự lên miền Nam, và dấy lên phong trào phản chiến.
60 năm sau, hệ quả của sự chọn lựa sai lầm tôn thờ chủ nghĩa cộng sản theo lệnh quan thầy Nga Sô và Trung Cộng của lãnh đạo Cộng sản ở Miền Bắc, đứng đầu là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng đã đưa dân tộc Việt Nam vào một cuộc chiến tranh tương tàn và hệ quả tai hại của chủ nghĩa lạc hậu này vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay.
Vào giai đoạn 1960, dưới chính thể cộng hòa, xã hội miền Nam Việt Nam đã ổn định và kinh tế đang trên đà phát triển sau 5 năm (1955-1960) chấp chánh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hai đặc điểm nổi bật của miền Nam vào lúc đó là Tổng sản lượng kinh tế (GDP) đứng đầu các quốc gia Đông Nam Á và Thành Phố Sài Gòn được tôn vinh là hòn ngọc Viễn Đông, thu hút rất lớn lượng du khách đến từ các nước Âu Châu và Á Châu so với Bangkok, Tapei hay Yangon.
Đặc biệt hơn, những người sinh ra sau năm 1975, khi có cơ hội tiếp cận với những tài liệu giáo dục, văn học nghệ thuật của Việt Nam Cộng Hòa đều hối tiếc là dân tộc Việt Nam đã bỏ mất một cơ hội lớn để trở thành một đất nước nhân văn, do sự phá đổ toàn diện của những kẻ xâm chiếm từ miền Bắc sau 30 tháng 4 năm 1975.
Hai biến cố lịch sử cũng vào năm Canh Tý nhưng cách nhau hàng ngàn năm đã mang hai dấu ấn hoàn toàn đối nghịch: cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã để lại cho dân tộc Việt tinh thần bất khuất chống ngoại xâm, còn sự ra đời của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam nhằm cộng sản hóa đất nước đã để lại cho dân tộc một bi kịch nô lệ chủ nghĩa ngoại lai, phản dân tộc, phi nhân bản và nô lệ Trung Cộng mà hệ quả còn tác hại tới nhiều thế hệ cháu con Lạc Việt.
*
Canh Tý 2020 đang từng bước đến với nhân loại. Là một dân tộc chưa nhìn thấy được ánh sáng tự do, dân chủ dù đất nước đã trải qua 45 năm không chinh chiến nhưng quyền sống vẫn bị cướp đi, nhân phẩm vẫn bị chà đạp, bạo lực chuyên chế vẫn gây nên biết bao sợ hãi, lầm than …, nên khát vọng lớn nhất của người Việt vào mỗi độ Xuân về là mong chờ Cánh Én Tự Do và Dân Chủ đến với mọi miền đất nước.
Truyền thống ngàn năm Trưng Triệu đã không cho phép người Việt ngồi chờ phép lạ hay ai đó ban phát cho Tự Do, Dân Chủ, mà đã tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức trong hơn 4 thập niên qua. Đã có nhiều người hy sinh thân xác, hay phải trải qua những năm tháng ngục tù tăm tối của chế độ bạo tàn, nhưng không một ai chùn bước, luôn luôn khắc phục nghịch cảnh để kiên trì tranh đấu.
Chính những tấm gương đấu tranh đầy can trường này đã kết tụ thành chính nghĩa dân tộc sáng ngời, giúp cho những thế hệ sau nối tiếp thế hệ đi trước, miệt mài trên con đường chấm dứt độc tài để canh tân đất nước.
Mặc dù CSVN nắm trong tay bộ máy bạo lực sắt máu, sẵn sàng trấn áp thô bạo và nhất là bao vây cô lập kinh tế các gia đình nạn nhân; nhưng càng lúc các biện pháp trấn áp của chế độ càng trở nên vô hiệu khi những người yêu nước đã dám coi tù tội, đàn áp là cái giá phải hy sinh để con cháu có một tương lai tươi sáng.
Cuộc thảm sát Đồng Tâm dẫn đến cái chết tức tưởi của cụ Lê Đình Kình hôm mồng 9 tháng Giêng vừa qua – dù nhà cầm quyền CSVN cố tình bưng bít, loan tải một chiều, nhưng đã không thể nào che giấu tính chất tùy tiện, dã man và ngông cuồng của cuộc trấn áp bạo lực này. Công luận khắp nơi cũng đã phản ứng mạnh mẽ trước sự kiện CSVN huy động một lực lượng vũ trang ập đến tàn sát người dân vào lúc nửa đêm về sáng.
Nhờ sự thông tin nhặm lẹ của người dân trong nước, đồng bào hải ngoại và thế giới đã đồng loạt lên án mạnh mẽ và đẩy Bộ Công An CSVN rơi vào tình huống lúng túng với những hành xử đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Truớc áp lực này, Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng CSVN đã phải xuống giọng: “Biến cố Đồng Tâm là một sự thật đau lòng…”
Người ta không chờ đợi lãnh đạo CSVN tuyên bố sám hối bằng cách nhận trách nhiệm trong vụ tàn sát Đồng Tâm; nhưng kể từ nay, CSVN sẽ phải dè chừng trong việc dùng bạo lực trấn áp. Sự kiện có 12 nhân sĩ, trí thức nộp đơn lên Viện Kiểm Soát Tối Cao yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập về vụ sát hại cụ Lê Đình Kình là một khởi điểm của thời kỳ dùng chính luật pháp của chế độ để ngăn chặn những trấn áp tùy tiện, gian ác của bộ máy công an.
Tóm lại, biến cố Đồng Tâm là dấu ấn đau buồn của những ngày đầu Xuân Canh Tý, nhưng cũng chính biến cố này đã khiến cho mọi người – kể cả những người ở trong hàng ngũ của chế độ, thấy rõ là không thể im lặng để cho bạo lực thao túng. Sự kiện gần 700 người chung góp tiền phúng điếu cụ Lê Đình Kình trong 2 ngày lên đến hơn 500 triệu đồng, hay sự đóng góp của hơn một ngàn người cho quỹ hỗ trợ bà con Đồng Tâm lên hơn 30 ngàn Mỹ Kim trong ba ngày đã thể hiện sự liên kết của mọi người để chống lại guồng máy công an trị nhân danh quyền lực cướp đất dân lành.
Với khí thế mới trong những ngày đầu Xuân, chúng ta có quyền tin tưởng là năm 2020 sẽ là năm biến những đau thương, uất hận thành những hành động cụ thể để tạo sự chuyển đổi lịch sử và sớm mang lại Tự Do, Dân Chủ cho quê hương Việt Nam.
Trung Điền