Nguyễn Nam (VNTB)
Pháp lý của việc cấp bằng Tổ quốc ghi công ở thời bình năm 2020 như thế nào?
Thương vong xảy ra tại đâu?
Báo chí Việt Nam đưa tin cùng nội dung: Thủ tướng Chính phủ có quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công cho ba liệt sĩ công an hi sinh tại Đồng Tâm khi làm nhiệm vụ sáng 9-1. Quyết định được phó thủ tướng Trương Hòa Bình ký ngày 11-1 sau khi Bộ Lao động, thương binh và xã hội có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp bằng Tổ quốc ghi công cho ba cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
Còn theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, ở bản tin phát trưa ngày 13-1-2020, “Ngày 09/01/2020, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, một số đối tượng chống đối đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, tuýp sắt gắn dao nhọn… tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Quá trình truy bắt, khống chế, bắt giữ nhóm đối tượng chống đối đặc biệt nguy hiểm nêu trên, 03 cán bộ, chiến sỹ Công an đã anh dũng hy sinh” – http://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/bo-cong-an–thong-bao-t27133.html
Cả hai thông tin nêu trên đều không ghi rõ có phải sự việc diễn ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội hay không? Theo mô tả của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, thương vong xảy ra trong “quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, một số đối tượng chống đối đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, tuýp sắt gắn dao nhọn… tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ”.
Trong khi đó, theo tường trình của gia đình ông Lê Đình Kình, thôn Hoành, huyện Mỹ Đức thì cả thôn bị cô lập và nhà của ông bị lực lượng vũ trang tấn công lúc 4g sáng ngày 9-1. Ngôi nhà của gia đình ông Lê Đình Kình hiện vẫn còn dấu tích đạn găm trên tường, và nhiều mảng tường bị phá vỡ trong vụ bị đột kích vũ trang. Thời gian đó, ông Kình đang ngủ tại nhà của mình. Nơi đây cách xa địa điểm đang tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn là 2 cây số.
Khi nào thì Tổ quốc ghi công?
Liên quan đến cụm từ “Bằng tổ quốc ghi công”, theo tìm hiểu hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam được đăng trên trang Cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật http://vbpl.vn/pages/portal.aspx, có các văn bản sau: Thông tư số 47-TB-LS3, về việc tặng thưởng Bằng Tổ quốc ghi công, do bộ trưởng Bộ thương binh – bác sĩ Vũ Đình Tụng ký ngày 28 tháng 05 năm 1956; Chỉ thị số 717–TB-LB3, về việc xét cấp Bằng Tổ quốc ghi công, do bộ trưởng Bộ Thương binh – bác sĩ Vũ Đình Tụng ký ngày 08 tháng 10 năm 1956.
Còn với ba văn bản được viện dẫn mà phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký (nêu ở phần đầu bài viết): Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, đều không có nội dung nào điều chỉnh về việc cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Điều 1, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ghi: “Phạm vi điều chỉnh. Nghị định này hướng dẫn về điều kiện xác nhận, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh); việc xử lý vi phạm; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện Pháp lệnh”.
Trong Nghị định số 31/2013/NĐ-CP có quy định về trường hợp công nhận liệt sĩ thời bình qua cụ thể 5 trường hợp sau: “Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; Do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao”.
Như vậy, trường hợp xét công nhận cho 3 liệt sĩ trong vụ Đồng Tâm, theo tin tức tường thuật công khai trên báo chí hiện nay, cho thấy chỉ có thể xem xét ở điều kiện “Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh”. Sở dĩ dùng từ ‘xem xét’, vì ở đây có yêu cầu của hành vi ‘dũng cảm’. Tuy nhiên chi tiết của việc 3 chiến sĩ cảnh sát thương vong trong vụ Đồng Tâm ngày 9-1, đến nay vẫn chưa có bất kỳ chi tiết nào, ngoại trừ việc họ tử vong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tìm hiểu trên trang Dịch vụ hành chính công của Bộ Công an, http://bocongan.gov.vn/TTHC/Pages/chi-tiet.aspx?itemID=573, thì cơ sở pháp lý của thủ tục “Xét công nhận liệt sỹ, cấp bằng “Tổ quốc ghi công” và “Giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ” đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sỹ tại Công an cấp tỉnh”, như sau: Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11, ngày 29/6/2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư số 61/2013/TT-BCA, ngày 20/11/2013 của Bộ Công an quy định chi tiết về thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trong Công an nhân dân; Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH, ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân.
Thông tư số 61/2013/TT-BCA của Bộ Công an có phần thông tin liên quan đến cụm từ mà báo chí tường thuật, “làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội”. Theo đó, nếu ‘trấn áp tội phạm’ thuộc các tội được quy định trong Bộ luật hình sự, thì phải có kết luận điều tra, trường hợp không xác định được đối tượng phạm tội thì phải có quyết định khởi tố vụ án, hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra – trích Điều 7.3.
“Cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trường hợp dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 31, phải có biên bản xảy ra sự việc của Công an cấp huyện hoặc tương đương trở lên”. Nội dung của Điểm đ, Khoản 1, Điều 17, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, như sau: “đ) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh”.
Như vậy, một lần nữa, ở Thông tư số 61/2013/TT-BCA của Bộ Công an cũng nhấn mạnh đến yếu tố ‘dũng cảm’, điều mà đến nay vẫn chưa rõ việc 3 chiến sĩ cảnh sát đó đã thương vong trong tình huống nào ở vụ việc Đồng Tâm hôm 9-1.
Cần sớm minh bạch nguyên nhân tử vong của công dân Lê Đình Kình
Hiện tại trên mạng xã hội đang lan truyền tình tiết như sau: Sau khi đập vỡ kính và quăng lựu đạn khói, hơi cay qua đường cửa sổ từ nhà bên cạnh vào nhà cụ Kình, lực lượng vũ trang xâm nhập vào nhà cụ Kình bằng đường sân thượng với nhiều hướng khác nhau. Do thời điểm trời còn tối, cộng với khói mù mịt do đội quân tạo ra đã khiến một viên công an đã thương vong vì lọt xuống giếng trời nhà cụ Kình, trong lúc nhảy từ cửa sổ sang bên kia không thành công.
Còn viên công an thứ 2 chết vì trúng nhầm làn đạn đang bắn ra trong bối cảnh khói trái nổ mù mịt. Công an thứ 3 chết vì trong lúc trèo lên nóc nhà mái nghiêng thì nghe thấy tiếng nổ từ đồng bọn bắn ra và bị trợt chân té.
Lưu ý, tính đến ngày 13-1-2020, theo quy định của pháp luật nhà nước CHXHCN Việt Nam, công dân Lê Đình Kình không bị cáo buộc bất kỳ tội danh hình sự nào. Cái chết của công dân Lê Đình Kình, 84 tuổi vào ngày 9-1-2020 có lý do ra sao là yêu cầu bắt buộc phải được làm rõ, vì “Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” – trích Điều 19, Hiến pháp 2013./.