Lưu ý ở đây 3 cảnh sát ‘hy sinh’ đều có cấp hàm, nghĩa là dày dạn ‘trận mạc’, và họ thuộc lực lượng được trang bị đầy đủ áo giáp, súng ống và được sự hỗ trợ của cả đội hình phối hợp trong ‘chiến đấu’ – bao gồm cả việc kịp thời ‘cứu nạn – cứu hộ’ bằng dụng cụ chuyên trách trong trường hợp ‘bom xăng’.
Luật sư Phạm Văn Thọ nói rằng cơ quan điều tra cần đưa những thủ phạm giết ba cảnh sát hôm 9/1/2020 trong vụ Đồng Tâm ra để thực nghiệm hiện trường! “Tôi xin làm luật sư miễn phí cho 03 nạn nhân này!”. Ông Thọ tuyên bố.
Gọi là ‘hy sinh’, vì cả 3 nạn nhân bị sát hại đã được Chủ tịch nước ký truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất vào ngày 10/1/2020.
Quan điểm của luật sư Phạm Văn Thọ (Đoàn Luật sư TP.HCM), chỉ có thực nghiệm hiện trường minh bạch mới thấy rõ được cách giết, và làm sao người dân ở Đồng Tâm lại giết được 3 cảnh sát được trang bị súng đạn, chó bẹc-giê…, giết như thế nào!? Còn nếu bị ‘bom xăng’ thì tỷ lệ bỏng là bao nhiêu để đưa đến tử vong gần như tức thì đến như vậy?
Lưu ý ở đây 3 cảnh sát ‘hy sinh’ đều có cấp hàm, nghĩa là dày dạn ‘trận mạc’, và họ thuộc lực lượng được trang bị đầy đủ áo giáp, súng ống và được sự hỗ trợ của cả đội hình phối hợp trong ‘chiến đấu’ – bao gồm cả việc kịp thời ‘cứu nạn – cứu hộ’ bằng dụng cụ chuyên trách trong trường hợp ‘bom xăng’. Theo báo chí, họ là Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, phó trung đoàn trưởng trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; Trung úy Dương Đức Hoàng Quân, cán bộ tiểu đoàn 1, trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; Thượng úy Phạm Công Huy, cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn – cứu hộ khu vực 3, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, Bộ Công an.
Sở dĩ có yêu cầu ‘dựng hiện trường’ về việc 3 cảnh sát ‘hy sinh’, vì theo nhận xét của luật sư Nguyễn Duy Bình, thì tình tiết vụ việc cho thấy đây không phải là ‘chiến đấu và phục vụ chiến đấu’ – vì pháp luật không sử dụng từ ‘chiến đấu’ cho hành vi của người khoác quân phục, cảnh phục vì lý do gì đó buộc phải ‘đối mặt’ với người dân Việt Nam trong một vụ việc dân sự, lẫn hình sự.
Luật sư Nguyễn Duy Bình cho rằng ở đây là câu chuyện của những người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng vào lúc 3,4 giờ sáng, khi người dân đang chìm trong giấc ngủ.
“Ai đã chỉ đạo thực hiện việc này? Tại sao địa điểm cần giải phóng mặt bằng là ở đồng Sênh, nhưng các lực lượng tham gia lại thực hiện ở trong thôn Hoành, nơi người dân sinh sống và nơi đây hoàn toàn không liên quan gì tới khu vực đất? Phải chăng ngoài việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng ra, những người thi hành công vụ này còn thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ nào khác hay không? Nếu có thì đó là việc gì? Việc chống đối của người dân trong đêm bắt đầu diễn ra tại đâu: tại cánh đồng Sênh hay tại nhà riêng của họ?” – luật sư Nguyễn Duy Bình đặt loạt nghi vấn.
Hiện tại, đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với những người chống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm hôm 9/1/2020, nhưng vẫn chưa rõ có quyết định khởi tố vụ án đối với hành vi làm chết người, mà những người không thuộc đối tượng chống đối (nếu có) gây ra hay không?
Ngoài ra, thông tin “một đối tượng chống đối tử vong” sẽ có được làm rõ, là đã bị giết chết như thế nào trong quá trình xảy ra ‘chống đối’? Sở dĩ đặt vấn đề như vậy, vì đến nay đã có một người dân tử vong trong vụ việc này là ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, vốn trong tình trạng sức khỏe đi lại khó khăn. Ông Lê Đình Kình đã chết như thế nào trong đêm về sáng, lúc nhà của ông bị tấn công: bị cố tình giết chết, bị ‘tên bay đạn lạc’, hay tự thương vong?