Ông vừa đột ngột ra đi.
Sự ra đi của ông để lại sự thương tiếc vô hạn cho những người hâm mộ ông.
Khi nghe ông rơi vào cơn bĩ cực bởi hoạt động kinh doanh phim, tôi đã có bài viết về ông, để an ủi ông, mong ông thoát cơn bĩ cực nhất thời.
Bây giờ thì ông đã ra đi. Coi như ông đã nhẹ gánh trần gian.
Bài này tôi dành nội dung cho cái chết của điện ảnh Việt Nam. Và không chỉ cho ngành điện ảnh.
Nguyễn Chánh Tín rơi vào cơn bĩ cực bởi ông quá tự tin về cái hào quang vai diễn một thời của mình. Ông làm phim vào cái thời kinh tế thị trường mà vẫn ăn theo hào quang cũ thì rơi vào thua lỗ là tất yếu. Cái chết hiện nay của điện ảnh Việt Nam cũng vì lý do đó. Khán giả thích xem phim Mỹ, phim Trung Quốc, phim Hong Kong, phim Hàn hơn là xem phim Việt. Bởi mấy chục năm qua, phim Việt có gì mới so với chính nó và với phim nước ngoài? Vẫn những mô típ cũ của mình hoặc bắt chước của nước ngoài. Bây giờ mà làm phim như cái thời Ván bài lật ngửa, Mùa gió chướng hay Bao giờ cho đến tháng Mười… thì chỉ có ma xem. Còn bắt chước phim Mỹ, phim Trung Quốc, phim Hong Kong, phim Hàn thì dù có đạt như người ta cũng chỉ là theo đuôi, trong khi không có bắt chước nào ra hồn, từ kịch bản đến diễn xuất và xảo thuật. Đã theo đuôi trong thị trường cạnh tranh thì chỉ có thể là sự lố bịch và tự sát.
Nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo liên tục để vượt lên chính mình và vượt lên trên người khác. Nhưng Việt Nam chỉ biết độ và chế lại những gì đã có, chưa nói gần như cả hệ thống chỉ biết làm theo mẫu có sẵn. Cái thời xưa người Việt không có gì xem thì mới lẫn chen nhau vào bãi, rạp hoặc tụ tập xem TV nếu có một bộ phim nào đó của mình dù là phim dở. Nay tràn ngập các loại giải trí, chỉ có bộ phim nào nổi bật hẳn lên mới có người xem. Nghệ thuật mà dẫm chân tại chỗ, chưa nói còn thụt lùi so với những gì đã có, thì trời cũng không ra tay cứu được khi cái chết đã báo hiệu ngay từ trứng nước.
Những giải thưởng trao cho những bộ phim tuyên truyền minh họa cũng góp phần tạo nên hoang tưởng về một thiên đường mù và đẩy nghệ thuật vào cõi chết.
Hãng phim Việt Nam, và các loại hãng khác, không bị bán cho những ông chủ phản văn hóa nghệ thuật thì cũng không đủ sức cạnh tranh với bà bán bún vỉa hè. Một nền giáo dục không dạy cho con người sự sáng tạo thì không chỉ điện ảnh mà các lĩnh vực nghệ thuật khác, không chỉ nghệ thuật mà cả khoa học công nghệ, trước sau gì cũng chết.
Tôi không chia buồn với nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín, chỉ mong ông siêu thoát, mà chỉ chia buồn và tống tiễn điện ảnh Việt Nam. Kể cả cảnh báo cho các loại hình nghệ thuật khác, trong đó cần chỉ đích danh thủ phạm là cái ngành giáo dục không dạy cho con người biết sáng tạo là gì!