Thấy phiên tòa nhì nhằng, luật sư ăn nói vô pháp vô thiên gây hoang mang dư luận, Chu công nhà tôi đành mở phiên tòa trên mạng xử nháp vụ án này để trấn an dư luận vậy. Luật sư nào thích thì vào đây bào chữa tự do. Mỗi công dân mạng là một công tố viên, vì số tiền gần 10 ngàn tỉ là của nhân dân chứ không của riêng ai. Tòa án nhân dân là vậy.
Căn cứ vào kết quả điều tra hiện có, nhân danh công lý và lợi ích của nhân dân, Chu công sơ thảo bản án như sau:
Phần 1: Đối với quan chức nhà nước đứng đầu sự vụ
1. Căn cứ Luật Hình sự, tại Điều 220 về Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, xét theo điểm 3, số tiền gây thiệt hại trên 1 tỉ đồng, khung hình phạt từ 10 đến 20 năm,
Xét mức độ đặc biệt nghiêm trọng với số tiền thiệt hại quá lớn so với định mức của luật hình, tòa không đồng ý mức đề nghị của công tố viên Viện Kiểm sát mà tuyên phạt Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và đồng phạm mức cao nhất là 20 năm tù giam. Việc khắc phục hậu quả của Trương Minh Tuấn mới chỉ một phần nhỏ so với thiệt hại, nên không có chuyện áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” để giảm án.
2. Căn cứ Luật Hình sự, tại Điều 354, về Tội nhận hối lộ, xét tại điểm 4, a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, khung hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Xét mức độ đặc biệt nghiêm trọng với số tiền nhận hối lộ và gây thiệt hại quá lớn so với định mức của luật hình, tòa đồng ý một phần mức đề nghị của Viện Kiểm sát, tuyên Nguyễn Bắc Son mức án cao nhất là tử hình. Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà là đồng phạm, cũng nằm trong khung hình phạt này chứ không thể áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” nào ngoài khung.
Tổng hợp cả 2 tội danh, dù đã xem xét đến công lao, thái độ khai báo và khắc phục hậu quả nhưng thực sự khó khắc phục được tài sản lẫn niềm tin của nhân dân, tòa tuyên án tử hình đối với các bị cáo trên.
Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp tục điều tra làm rõ lời khai của Nguyễn Bắc Son, ai là người cầm đầu trong thương vụ mua gian bán lận này?
Phần 2: Đối với Phạm Nhật Vũ
1.Căn cứ Luật Hình sự, tại Điều 364 về Tội đưa hối lộ, xét tại điểm 4, Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, với khung hình phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
Xét mức độ đặc biệt nghiêm trọng với số tiền đưa hối lộ và gây thiệt hại quá lớn so với định mức phạm tội của luật hình, Phạm Nhật Vũ đáng phải nhận mức án cao nhất là 20 năm tù giam.
Tuy nhiên, xét bị cáo đã chủ động đền bù một phần thiệt hại cho nhà nước, tòa tuyên:
Phạm Nhật Vũ 15 năm tù giam. Không có khung hình sự hay “chính sách hình sự đặc biệt nào” về tội đưa hối lộ trên 1 tỉ đồng mà mức án chỉ 3 đến 4 năm tù giam như công tố viên Viện Kiểm sát đề nghị.
Giao cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, ai đã bật đèn xanh cho Phạm Nhật Vũ nâng giá khống AVG lên gấp 15 lần so với giá trị vốn có của nó để tạo nên một thương vụ mua gian bán lận làm lũng đoạn thương trường, gây thiệt hại to lớn về tài sản và niềm tin của nhân dân. Củng cố bằng chứng Vũ đã cấu kết với quan chức nhà nước để trục lợi hàng ngàn tỉ đồng xương máu của nhân dân.
Nếu đủ bằng chứng về sự cấu kết giữa 2 bên, tòa sẽ xét Vũ thêm tội danh đồng phạm với các bị cáo bị tuyên án tử hình trên.
2. Tòa bác bỏ lời bào chữa của các luật sư khi biện hộ rằng, số tiền hàng triệu đô mà Vũ hối lộ cho quan chức chỉ là hành vi của văn hóa truyền thống, tình cảm tri ân. Văn hóa truyền thống trước sau đều phân biệt hối lộ và quà cáp tri ân. Hối lộ là để trục lợi, quà cáp tri ân là tình cảm vô tư. Tiền mà Vũ đưa cho quan chức không phải tiền túi mà là tiền có được từ thương vụ mua gian bán lận, tức của nhân dân và để trục lợi từ xương máu nhân dân chứ không thể gọi là tri ân vô tư. Luật hình từ Hồng Đức đến Gia Long đều quy tội hối lộ gây thiệt hại lớn như trên có thể bị chặt đầu.
Giao cho Hội Luật gia Việt Nam xem xét tư cách bào chữa vi luật của nhóm luật gia bào chữa cho Vũ.
3. Dư luận về Phạm Nhật Vũ hiện nay có hai chiều trái ngược. Một là, Phạm Nhật Vũ vô tội vì thương trường thì thuận mua vừa bán, kể cả công lao từ thiện hay đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hai là, Phạm Nhật Vũ xứng đáng nhận án tử hình, vì tội lừa đảo, đã cướp không của nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.
Luồng dư luận thứ nhất chỉ được xem xét khi Phạm Nhật Vũ không bị lộ về tội đưa hối lộ, Đúng là thương trường phụ thuộc vào giá cả, thuận mua vừa bán, không phụ thuộc vào giá trị. Điều này cũng giống như giá thịt heo ngoài chợ, thương lái có thể nâng giá lên rất nhiều lần so với giá trị nuôi và sản xuất thịt heo khi thị trường khan hiếm thịt mà không bị kết tội, trừ phi đằng sau đó là một âm mưu đầu cơ phá giá thị trường. Với tội đưa hối lộ rành rành, Phạm Nhật Vũ đã có dấu hiệu cấu kết với quan chức nhà nước rút tiền của nhân dân để trục lợi bất chính. Pháp luật nghiêm minh, không có chuyện một tay cướp, một tay từ thiện là vô tội. 2000 người trong và ngoài nước ký đơn xin tha cho Vũ không thể đại diện cho lợi ích của hơn 90 triệu dân Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ là một tổ chức tôn giáo, không phải là tổ chức chính trị đứng trên Đảng và Nhà nước như Giáo hội Rome thời đế chế La Mã. Phật không thể thay cho thần Công Lý, trừ phi Phật thành ma quỷ.
Luồng dư luận thứ hai được xem xét khi cơ quan điều tra làm rõ ai chủ mưu vụ này, bằng chứng Vũ cấu kết với quan chức nâng giá khống để bòn rút hàng ngàn tỉ của nhân dân. Vì chưa có bằng chứng đầy đủ nên Tòa chỉ xem xét Vũ về tội đưa hối lộ mà chưa xem xét tội danh khác.
Giao cho cơ quan an ninh làm rõ 2000 cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước viết thư đòi tha tội cho Vũ. Đó là những ai, thành phần nào dám đòi bẻ cong cán cân công lý, gây áp lực cho tòa và dung túng cho tội phạm.
Chu công xử đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Chủ nhé:
———
Warning: Tòa dân chủ. Nhưng các bạn bình luận lý trí. Không chửi bới một cách cảm tính.