Đang trong cơn bão giá, và có thể nói cơn bão giá năm nay mạnh hơn nhiều năm trước đó, là người dân sống ở Việt Nam, không ai mà lại không cảm nhận được điều đó. Thực ra từ “bão giá” là cách gọi của hiện tượng lạm phát cao mà thôi. Bão giá có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ năm nay nó hội tụ gần như tất cả mọi nguyên nhân nên mới tạo ra cơn bão mạnh đến như vậy.
Như chúng ta biết, vào cuối năm thường cầu bao giờ cũng lớn hơn cung do người dân dốc hầu bao chuẩn bị cho cái tết, lạm phát do nguyên nhân này thì năm nào cũng xảy ra chứ không riêng gì năm nay. Nguyên nhân này thì ai cũng hiểu, tuy nhiên, năm nay còn có nguyên nhân khác, đó là lạm phát do tác động tâm lý. Sự khan hiếm thịt heo là một mồi lửa làm cho tâm lý người dân hoang mang nên kéo theo giá những mặt hàng khác cũng đội lên. Đó là những nguyên nhân ai cũng thấy, nhưng nói cho cùng nó cũng chỉ là nguyên nhân khách quan và nó cũng chỉ là nguyên nhân phụ. Còn nguyên nhân chính, đó là do chính quyền CS cung tiền quá trớn. Nguyên nhân mà chính quyền CS đã có chỉ đạo báo chí phải giấu nó đi.
Khi Ngân Hàng Nhà Nước cho hạ trần lãi suất thì rõ ràng đó là cách họ đang cung tiền ra thị trường. Nhưng chuyện cung tiền ấy nó sẽ không thể gây ra lạm phát nếu tốc độ cung tiền bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hay nói nôm na là thế này, nếu xã hội làm ra thêm một lượng hàng hóa có giá trị 1 đồng nhưng nhà nước chỉ bơm ra lượng tiền 1 đồng hay ít hơn thì chưa có bão giá đâu. Bão giá chỉ xảy ra khi mà anh vung tay bơm ra đến 2 đồng, 3 đồng hoặc hơn thì nó mới thành bão.
Qua ví dụ trên ta thấy rằng, bão giá năm nay có nguyên nhân là Ngân hàng nhà nước đang bơm tiền quá trớn. Nói chung là nguyên nhân chủ quan đóng vai trò chính. Chuyện bơm tiền kích cầu là chuyện bình thường của mọi ngân hàng Trung Ương trên thế giới, nhưng khác ở chỗ, những Ngân Hàng Trung Ương ở các nước khác họ làm vì dân của họ, vì nền kinh tế của đất nước họ chứ không vì một tổ chức chính trị nào cả. Còn ở Việt Nam thì sao? Ở xứ này, Ngân Hàng Nhà Nước đã cung tiền ào ạt để bù vào lỗ hổng ngân sách quá rộng nên tạo ra cơn bão giá và dân nghèo Việt Nam lãnh đủ. Rõ ràng, đây là hành dộng đảng đang bắt dân phải gồng lưng gánh lấy sự phá hoại của mình.
Ngày 25/12/2019 trên báo Vneconomy có bài viết “GDP năm 2019 tăng trên 7%, gấp 2,5 lần mức lạm phát”. Trong cơn bão giá mà nói lạm phát thấp thì đó là chuyện hài hước. Hiện nay cơn bão giá đã xuất hiện trên hầu hết các trang báo, thông thường món hàng nào cũng tăng từ 20 đến 30% và có nhiều món hàng tăng nhiều hơn, đấy là tình trạng giá tăng trong tháng 11 âm lịch, còn bước qua tháng chạp thì chắc chắn giá sẽ còn tăng khủng nữa. Ấy vậy mà trong bài báo này nói rằng, lạm phát Việt Nam rất thấp chỉ ở mức 2,73%. Xem ra nếu đối chiếu con số này với thực tế mọi người cảm nhận vào những ngày cuối năm này thì rõ ràng đấy là một con số không thuyết phục.
Thực ra đấy chỉ là trò mị dân của chính quyền CS mà thôi. Buồn cười ở chỗ, trong bài viết, người ta liệt kê các nguyên nhân làm hầu hết mọi mặt hàng tăng giá phi mã chỉ toàn là các nguyên nhân khách quan như: giá nhiên liệu, chất đốt trong nước tăng theo giá thế giới; giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo mức tăng thêm của lương cơ bản; giá vật liệu xây dựng và nhân công tăng do nhu cầu và chi phí đầu vào; do dịch lợn làm khan hiếm nguồn cung mặt hàng này bla bla bla.. thế nhưng tuyệt đối họ không đề cập gì đến nguyên nhân chủ quan từ phía Nhà nước. Một nửa cái bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật. Ở đây nguyên nhân gây bão giá là có cả nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan đóng vai trò chính, thế nhưng, chính quyền CS đã cắt bỏ mất nguyên nhân chủ quan để giấu đi sự yếu kém trong vấn đề điều hành kinh tế của Chính phủ. Đây là một hình thức truyền thông gian trá rất đặc trưng của Chính quyền CS.
Như ta biết, một trong các nguyên nhân gây lạm phát là có nguyên nhân tâm lí hoang mang của người tiêu dùng. Như vậy nếu tâm lý có thể gây ra bão giá thì việc trấn an tâm lý cũng có thể tạo nên sự bình ổn giá nếu như người dân có lòng tin ở chính sách của chính phủ. Đó là lý do tại sao chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải cắt cử ông phó thủ tướng Vương Đình Huệ lên báo cung cấp những con số xạo này ngay giữa cơn bão giá. Đây rõ ràng là dụng ý của chính phủ muốn trấn an tâm lý người dân để ghìm cương con ngựa lạm phát vào những ngày cuối năm này, trong khi đó, Ngân Hàng Nhà Nước thì vẫn cứ bơm tiền để lấp bớt lỗ hổng bội chi ngân sách mà không có động thái hút tiền về. Điều hành kinh tế kiểu cứ lấy dân ra đỡ đạn cho chính phủ kiểu này mà đất nước khá lên mới lạ. Có thể nói, ĐCS là một tổ chức chính trị vô trách nhiệm với dân với nước./.